Quá tải bệnh nhân AIDS đang là gánh nặng của các cơ sở y tế. Đã đến lúc cần phải có một trung tâm chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân AIDS.



Hai bệnh nhân chung một giường

10 giường bệnh của khoa Điều trị AIDS - Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (YHLSCBNĐ) trong 2 năm gần đây lúc nào cũng kín bệnh nhân. Đặc biệt, trong mấy tháng nay, khoa này càng đông bệnh nhân hơn. Hai bệnh nhân một giường không còn là chuyện hy hữu nữa. Ông N.V.T ở huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) có con trai 22 tuổi nằm ở đây kể: "Tôi đưa con về đây chữa bệnh từ tháng 2 đến giờ mà con tôi vẫn chưa khỏi bệnh. Cực quá, trời nóng bức thế này mà 2 thằng HIV một giường, tối đến trải chiếu ra hành lang để ngủ. Tiền thì tiêu tốn hàng chục triệu đồng...". Con ông T là bệnh nhân đã chuyển giai đoạn AIDS với bệnh lao hạch. Theo lời kể của ông T, cách đây vài năm cậu thanh niên này theo bạn đi xăm trổ hình trên người. Không hiểu thế nào, một lần bị sốt, ho kéo dài vài tháng không khỏi. Đưa đi viện chữa chạy không đỡ, người ta bảo về bệnh viện TW. Về đến đây mới biết con mình nhiễm HIV.

Vào khu điều trị bệnh nhân AIDS chứng kiến cảnh bệnh nhân nằm chung giường mới thấy hết nỗi khổ của bệnh nhân. Bệnh nhân vào đây với đủ thứ bệnh: Viêm phổi, lao phổi, ỉa chảy, zona, u não... Họ nằm trên giường bệnh với tấm thân gầy gò còn người thân của họ đi lại với dáng vẻ mệt mỏi và tuyệt vọng. Một bà mẹ già ở Hải Phòng có con là bệnh nhân AIDS than thở: "Tôi đã không dạy con tử tế để nó nghiện ngập hút chích bây giờ thân tàn ma dại nằm kia. Vào đây khổ quá, bệnh thì nặng mà phải nằm chen chúc nhau. Thương con mà chẳng biết làm gì cho nó...". Bệnh nhân ở các khoa bệnh khác nằm chung 2 người một giường là chuyện bình thường nhưng bệnh nhân AIDS phải ngủ chung giường thì thật đáng ngại. Có khi bệnh nhân AIDS vào viện chữa khỏi bệnh này lại có thêm bệnh mới.

Thầy thuốc lao đao

Cảnh tượng bệnh nhân AIDS nằm rên la, vật vã ở buồng bệnh này, buồng khác bệnh nhân ho từng cơn, buồng kia bệnh nhân đau bụng chốc chốc chạy ào vào nhà vệ sinh... đang diễn ra hàng ngày tại khoa Điều trị AIDS của Viện YHLSCBNĐ. GS Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện YHLSCBNĐ nói: "Khoa điều trị AIDS chỉ có 10 giường bệnh nhưng mỗi năm chúng tôi phải điều trị cho từ 350-400 lượt bệnh nhân. Với số lượng bệnh nhân này, cán bộ y tế phải gồng lên mới làm hết việc. 10 giường bệnh nhưng luôn có từ 15-18 bệnh nhân. Có lúc 8 bệnh nhân nặng phải thở máy...". Quá tải bệnh nhân ở khoa điều trị AIDS đang là vấn đề khó giải quyết. Hơn 81 nghìn người nhiễm HIV trên cả nước với hơn 12 nghìn bệnh nhân AIDS khi có bệnh sẽ điều trị ở đâu? Tại Hà Nội chỉ có 30 giường bệnh dành cho bệnh nhân AIDS cả khu vực phía bắc là con số quá ít ỏi. Mặc dù tại các bệnh viện đa khoa của mỗi tỉnh đều có một số giường cho bệnh nhân AIDS nhưng họ rất ngại nhận bệnh nhân AIDS và luôn chuyển bệnh nhân AIDS về TW.

Viện YHLSCBNĐ đang trở thành điểm nóng về bệnh nhân AIDS. Ngân sách cấp hàng năm chỉ đủ cho 10 giường bệnh nhưng bệnh nhân luôn nhiều gấp 2-3 lần. Hơn nữa bệnh nhân AIDS thường là bệnh nhân nghèo, không gia đình, tiền ăn không có, làm gì có tiền để đóng viện phí. Thậm chí khi tử vong, bệnh viện phải bỏ tiền ra để mai táng bệnh nhân. Các thầy thuốc không chỉ chữa bệnh cho họ mà còn đóng vai người bạn để khuyên nhủ, an ủi bệnh nhân. Bệnh nhân AIDS khi vào đến viện thường đã ở giai đoạn cuối, bệnh nặng nên tinh thần suy sụp, chán sống. Một bệnh nhân ở Lạng Sơn uống thuốc tự tử được cứu sống, bác sĩ giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng đó và sau điều trị một tháng bệnh nhân đã khoẻ mạnh, tăng cân trở về nhà. Chị Nguyễn Thị Thục, Y tá trưởng của Viện than thở: "Khi phân công y tá làm việc ở khoa bệnh nhân AIDS ai cũng ngại vì công việc ở đây quá vất vả mà chỉ sơ sẩy một chút thôi là mắc bệnh ngay. Các cô y tá rất thương bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi, họ bệnh nặng đến mấy y tá vẫn chăm sóc thuốc men, tắm rửa, ăn uống đầy đủ nhưng chế độ phụ cấp, bảo hiểm cho cán bộ y tế thì vẫn chưa đầy đủ".

Đã đến lúc phải xây dựng một trung tâm chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, đó là nguyện vọng rất lớn của GS Nguyễn Đức Hiền. Người nhiễm HIV/AIDS ngày một tăng và chắc chắn họ phải nhờ đến các cơ sở y tế. Không thể chỉ có vài chục mà phải là hàng trăm giường bệnh cho bệnh nhân AIDS. Nếu không rất có thể bệnh nhân AIDS sẽ tiếp tục là nguồn lây cho cộng đồng, cho các cơ sở y tế.

Kim Thảo (Theo Lao động)