Chuyện của những người sống

1. Liệt sĩ còn sống

Căn nhà nhỏ giữa khu vườn vắng có vẻ rộng thênh thang vì trong đó chỉ có một cái bàn gỗ ọp ẹp cùng 4 cái ghế đẩu gỗ cũng ọp ẹp như thế và một cái phản gỗ. Vật dụng giá trị nhất của gia đình D. hiện nay có lẽ là cái xe Citi đỏ cà tàng của D. Bây giờ, dù thân hình đã tiều tụy với những vết thâm ố trổ đầy thân thể, nhưng D. vẫn không thể nào quên những năm tháng “nằm bụi, ngủ ngồi” khi truy bắt các tên cướp hung hãn, những kẻ gieo rắc cái chết trắng cho giới trẻ.

Và, anh đã không thể ngờ nổi cái căn bệnh quái ác anh và đồng đội truy quét bằng mọi giá ấy lại ập đến gia đình anh. Anh không thể nhớ chính xác - bị nhiễm HIV trong vụ án nào suốt 12 năm làm trinh sát hình sự.

Anh chỉ nhớ, năm 2002, khi truy bắt đối tượng cộm cán trong giới buôn bán ma túy của thành phố, sau một hồi vật nhau kịch liệt anh bị thương. Đám gạch đổ nát cứa tóe máu cánh tay anh và tay tên bán ma túy kia khi anh điệu hắn về công an quận với tang vật hơn 100g heroin.

Vết thương chưa kịp lành, anh lại lao vào vụ án khác. Một tối, anh đang “ngồi đồng” theo dõi bọn cướp có vũ khí ở khu nhị tì Quảng Đông thì một bóng đen trờ tới ngang lưng và anh vừa kêu “ái” một tiếng thì tên khốn đã chạy biến vào bóng tối, phía sau khu nhà đổ. Đúng lúc, đối tượng anh đeo bám xuất hiện giữa bóng tối khu nhị tì. Chỉ kịp với tay ra sau vai rút vứt cái kim tiêm còn cắm lủng lẳng trên vai, D. vội phóng theo bóng đen và bập khóa còng tay khi hắn chưa kịp định thần.

Ngày hôm sau anh xin đi xét nghiệm HIV/AIDS. Quá sớm để xác định có hay không nhiễm HIV, nhưng bác sĩ nhắc anh phải nhớ theo dõi diễn biến sức khỏe. Án chồng án làm bù đầu cả đội khiến anh quên béng lời dặn của bác sĩ. Để rồi sau đó ít tháng, trong khi la cà chờ truy bắt bọn buôn bán ma túy và bán gái đi Đài Loan ở khu Lãnh Binh Thăng, anh và đồng đội thu gom những cây kim tiêm còn đọng trong đó những giọt máu đen ngòm, đặc quánh mầm tai họa.

Anh bị vấp chân và cái mầm họa chết người ấy lại cắm vào đúng chân anh… Vài tháng sau nữa, anh ho và sốt nhiều ngày. Trời đất quanh anh tối sầm khi bác sĩ khám bệnh cho anh biết kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Cô vợ anh cũng đã nhiễm HIV do lây qua từ chồng. Lần đầu tiên hai vợ chồng người trung úy công an mới hiểu hết nghĩa của từ “chết lặng”. Trên đường về nhà, họ đầm đìa nước mắt…

Thu nhập của một trung úy hình sự và cô công nhân tổ hợp may cùng đứa trẻ 5 tuổi sẽ tạm đủ, nếu như mỗi tháng họ không phải bỏ ra 3,4 triệu đồng mua thuốc điều trị HIV. Đã thế, khi nhiễm HIV thì cả hai đều nghỉ việc vì tinh thần suy sụp quá độ. Đã khó càng khó trăm bề.

<div align="center">
Vợ chồng trung úy Nguyễn Anh D. trong công việc nhà.</div>
Trung tá Phạm Văn Chuyển, Phó trưởng Đội Chính trị – Hậu cần Công an quận 11 đã rất ái ngại khi nói về hoàn cảnh kinh tế của trung úy D.: “Thuốc chữa bệnh của D. thì đơn vị phát, nhưng vợ nó đâu có được, phải mua ngoài; anh em trong cơ quan thương hùn nhau trả giúp tiền mua căn hộ chung cư còn thiếu ở quận 11 để D. có thể bán mà trả nợ tiền thuốc chữa bệnh cho vợ…”.

Nhà bán, gia đình nhỏ của D. dọn về ở chung với mẹ già đã gần 70 tuổi ở vùng ven xa lắc. Sức khỏe hai vợ chồng ngày một yếu hơn mà tiền bán nhà đã cạn. Mâm cơm bây giờ của họ là một dĩa rau luộc và 4 con cá kho khô cong, tiêu chuẩn 15.000đồng/ngày ăn cho 3 người&#33; Cậu con trai đành phải gửi về nhà ngoại ăn nhờ. Ăn uống thiếu thốn, đau khổ khi nghĩ về tương lai con mờ mịt, lại thêm tiêu chuẩn thuốc chữa bệnh của D. phải chia đôi cho vợ, những khi không thể vay mượn tiền ai. Như thế, ai cũng hiểu - họ đang phải tự rút ngắn hơn nữa thời gian được sống của mình bên con nhỏ&#33;

“Mỗi sáng, mở mắt nhìn con, nắm tay con, hôn má con để biết rằng - ngày xa con vĩnh viễn đã đến gần hơn một ngày nữa… em muốn được sống lâu hơn để nuôi con ăn học...” L. nấc lên, người chị gập lại như nhánh lá giữa bão tố cuộc đời… “Có lẽ, chẳng có gì đáng sợ bằng phải nhìn người thân chết dần từng ngày, trước sự bất lực của mình…”, D. đã cay đắng tâm sự thế.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trung úy Nguyễn Anh D. của Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 11 sẽ là liệt sĩ nếu nhiễm HIV/AIDS và từ trần. Nhưng bây giờ anh đang sống đau yếu, thiếu thốn vì cơn bệnh quái ác để chờ ngày phong liệt sĩ. Và vợ anh hiện đang phải sống mỏi mòn trong cơn hành hạ do bệnh tật bị lây nhiễm từ công việc hiểm nguy của chồng.

Thiết nghĩ, xét cấp kịp thời tiêu chuẩn thuốc chữa bệnh cho chị Trần Thị L., vợ trung úy hình sự Nguyễn Anh D. chúng ta sẽ không chỉ giúp một đứa trẻ chưa đầy 7 tuổi được sống dài lâu hơn bên cha mẹ, mà đó còn thể hiện cái tâm và tấm lòng tri ân đối với sự hy sinh của những chiến sĩ đang ngày đêm giữ gìn cho cuộc sống bình yên quanh ta khi còn chưa muộn.

Chúng tôi xin được chuyển khẩn cấp mơ ước bình thường của người “liệt sĩ còn đang sống” đến các cấp lãnh đạo có thẩm quyền – “Giúp vợ tôi được sống lâu hơn với con, sau khi tôi qua đời…”.

2. Thương binh không thẻ

“Chuyện này hồi đó báo chí viết tùm lum rồi… sau vụ bắt cướp đó, thằng Tuấn thì chết, còn thằng Minh bị thương nặng, bây giờ nó làm gì... không biết nữa …”, đó là câu trả lời của nhiều người quen biết Trần Quốc Minh (dân quân phường Hiệp Bình Phước), một trong hai chàng hiệp sĩ ở quận Thủ Đức đã truy bắt hai đối tượng cộm cán khi chúng gây án bằng xe phân khối lớn gần chợ Linh Đông, tháng 2-2004 vừa qua. Những bằng khen, những bó hoa, vài bài báo ca ngợi... Tất cả rồi sẽ qua, nhưng xin đừng quên - họ sẽ sống như thế nào, từ nay về sau...
<div align="center">
Anh Trần Quốc Minh với công việc hiện thời, thu nhập kém đi mà còn phải tự lo chi phí điều trị. Ảnh: Đ.V.D. </div>

Cuộc rượt đuổi kinh hoàng trên phố đông chiều ấy của hai chàng hiệp sĩ trên đường phố đã bắt được hai đối tượng nguy hiểm vừa ở tù về tội giết người và cướp giật. Thế nhưng Nguyễn Đức Tuấn, 28 tuổi, đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện do chấn thương quá nặng. Minh được chuyển ngay đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê sâu. Các bác sĩ bước vào ca mổ với hy vọng nhỏ nhoi vì người Minh “nát bấy”.

Sau hơn hai ngày hôn mê vì phải cắt bỏ một lá lách, nối 3 xương sườn bị gãy, nối dây chằng đầu gối và cứu tạm một trái thận dập nát, Trần Quốc Minh đã trở về từ cõi chết trong sự vui mừng khôn xiết của người cha 77 tuổi và các đồng đội anh đã thức trắng ba đêm chờ đợi.

Chàng dân quân 28 tuổi đang tràn trề sức sống giờ phải đi lại chậm chạp và thường xuyên bỏ dở bữa ăn để nằm lăn ra giường vì những cơn mệt bã người kéo đến bất chợt. Tôi hỏi: “Minh có ân hận điều mình đã làm không?” Chàng thanh niên cười to: “Ân hận gì chị, bây giờ đi ngoài đường thấy chuyện cướp bóc cũng muốn ra tay, ngặt nỗi, chân thì còn cà nhắc, vết thương chưa lành, quơ tay cao đầu còn sợ tét vết mổ dài vài chục mũi may chớ... nhìn vậy… khó chịu trong lòng lắm…”.

Trần Quốc Minh không hề ân hận việc anh đã làm, nhưng chúng ta sẽ ray rứt nếu biết – do vết thương quá nặng nên Minh đã phải nghỉ làm chỗ cũ với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng để tìm việc làm nhẹ nhàng hơn, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng. Hiện Minh còn đang trong thời gian điều trị phục hồi, và tất cả chi phí ấy đều một mình anh gánh chịu.

Nguyễn Đức Tuấn hy sinh đã để lại tấm gương đẹp trong giới trẻ và địa phương đang lập thủ tục đề nghị xét công nhận liệt sĩ cho Tuấn. Và, không ai trong chúng ta muốn những chàng thanh niên nghĩa hiệp đều trở thành liệt sĩ. Vậy công nhận sự hy sinh một phần thân thể của người còn sống như một thương binh sau khi xả thân vì sự bình yên cho cộng đồng của Trần Quốc Minh cũng là việc nên làm. Bởi sự tri ân thiết thực ấy sẽ là sự cổ vũ tốt nhất cho phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày một lớn mạnh.

PHẠM THỤC - Theo SGGP