QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS

Chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS là trách nhiệm toàn thể cộng đồng và bản thân người nhiễm HIV/AIDS. Xác định được quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV sẽ từng bước tháo gỡ được rào cản của sự kỳ thị, xa lánh và phân biệt đối xử.

Theo qui định của pháp luật hiện hành, những người không may bị nhiễm HIV/AIDS, không phải là những người bị hạn chế hoặc bị tước quyền công dân, họ có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định. Theo pháp lệnh phòng chống virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người HIV/AIDS và Nghị định số 34/CP ngày 01/06/1996 của chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, người bị nhiễm HIV/AIDS có các quyền và nghĩa vụ như sau:

1. Quyền được khám chữa bệnh:

Đây là một quyền rất quan trọng và cần thiết. Điều 20, Pháp lệnh qui định: "Thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân AIDS… Người bị nhiễm HIV/AIDS mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội thuộc chuyên khoa nào thì được cứu chữa tại chuyên khoa đó hoặc tại chuyên khoa riêng ". Về vấn đề này, điều 7, Nghị định 34/CP quy định cụ thể như sau: "Người bị nhiễm HIV/AIDS khi mắc bệnh nhiễm trùng xảy ra nhân cơ hội cơ thể bị suy giảm miễn dịch, được điều trị tại các cơ sở y tế của Nhà nước. Các cơ sở Y tế của Nhà nước có trách nhiệm nhận người bệnh AIDS vào điều trị, không được từ chối hoặc phân biệt đối xử với bất kỳ trường hợp nào". Điều 11, Pháp lệnh còn quy định "Mọi người trong gia đình của người bị nhiễm HIV/AIDS có trách nhiệm cùng xã hội chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần người bị nhiễm HIV/AIDS để họ được hòa nhập trọng gia đình và cộng đồng"

2. Quyền được giữ bí mật:

Đây cũng là một quyền quan trọng đối với người bị nhiễm HIV/AIDS vì quyền này đảm bảo cho họ không bị xa lánh, phân biệt đối xử hoặc bị kỳ thị… Điều 18 quy định: "cán bộ xét nghiệm và các cơ sở xét nghiệm của nhành y tế có trách nhiệm giữ bí mật tên, tuổi, địa chỉ của người đến xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV/AIDS. Chỉ người có trách nhiệm của cơ sở Y tế mới được quyền thông báo kết quả xét nghiệm của người bị nhiễm HIV/AIDS cho vợ, chồng hoặc người thân trong gia đình của người đó và cho cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người nhiềm HIV/AIDS. Nghiêm cấm việc đưa thông tin công khai về tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh của người bị nhiễm HIV/AIDS, trừ trường hợp được sự đồng ý của người đó".

3. Quyền không bị phân biệt, đối xử:

Quyền này được quy định tại điều 4 của Pháp lệnh: "Người bị nhiễm HIV/AIDS không bị phân biệt đối xử nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống lây truyền bệnh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng theo quy định của Pháp luật". Nội dung quy định này thể hiện cụ thể nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

4. Quyền lao động:

Quyền lao động là một trong những quyền cơ bản của con người. Người bị nhiễm HIV nhưng chưa đến giai đoạn AIDS vẫn còn khoẻ mạnh, do đó Pháp lệnh và Nghị định 34/CP không quy định hạn chế quyền lao động của người bị nhiễm HIV/AIDS. Theo quy định tại điều 22 Pháp lệnh thì người bị nhiễm HIV/AIDS không được làm việc trong một số nghành, nghề dễ lây truyền HIV/AIDS. Danh mục ngành, nghề này do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội phối hợp với Bộ Y tế quy định. Điều 6, Nghị định số 34/CP còn quy định trách nhiệm của gia đình và cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS trong việc giúp đỡ và bố trí cho người bị nhiễm HIV/AIDS có việc làm thích hợp.

5. Quyền tự do đi lại:

Điều 68, Hiến pháp năm 1992, quy định: "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy đinh của Pháp luật ". Trên cơ sở đó, pháp luật hiện hành về phòng, chống AIDS cũng không có quy định nào về hạn chế cư trú, đi lại đối với người bị nhiễm HIV/AIDS. Người bị nhiễm HIV/AIDS có quyền sống chung với gia đình, cộng đồng. Đối với người nước ngoài bị nhiễm HIV/AIDS khi nhập cảnh vào Việt Nam, theo quy định tại điều 19 là chỉ phải khai báo tình trạng nhiễm HIV/AIDS của mình mà thôi.

6. Quyền về quyết định xét nghiệm HIV/AIDS:

Mặc dù Pháp lệnh không quy định rõ vấn đề này, nhưng qua các quy định của Pháp lệnh có thể thấy: hiện nay, việc xét nghiệm HIV/AIDS là tự nguyện. Điều 14 và 17 quy định xét nghiệm bắt buộc đối với các trường hợp cho máu, tinh dịch, cho mô hoặc một bộ phận cơ thể con người hoặc trường hợp tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, người có trách nhiệm của cơ sở y tế có quyền quyết định việc xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV/AIDS đối với những người có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS.

7. Về nghĩa vụ của người bị nhiễm HIV/AIDS:

Cùng với việc quy định quyền của người bị nhiễm HIV/AIDS, Pháp lệnh cũng quy định nghĩa vụ của người bị nhiễm HIV/AIDS. Điều 14, Pháp lệnh quy định: Người bị nhiễm HIV/AIDS phải thực hiện các biện pháp phòng, chống lây truyền bệnh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Về vấn đề này, điều 3, Nghị định số 34 quy định cụ thể như sau: Người bị nhiễm HIV/AIDS không được có hành vi làm lây truyền bệnh cho người khác và phải thực hiện các biện pháp phòng tránh sự lan truyền bệnh cho gia đình và cộng đồng theo quy định và hướng dẫn của cơ quan y tế, không được cho máu, cho mô, cho tinh dịch, cơ quan hoặc một bộ phận cơ thể mình cho người khác.

Một nghĩa vụ quan trọng khác của người nhiễm HIV/AIDS là: phải thông báo ngay cho vợ hoặc chồng mình biết tình trạng nhiễm HIV/AIDS để có biện pháp phòng, tránh lây truyền bệnh (Điều 23, Pháp lệnh và điều 4, Nghị định 34). Điều 24, Pháp lệnh còn nghiêm cấm người bị nhiễm HIV/AIDS cố ý lan truyền bệnh cho người khác.