Tại TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM), một đô thị lớn và đông dân nhất nước, đồng thời cũng "chiếm" vị trí thứ 3 trong bảng "top ten" 10 địa phương có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất, từ năm 1996 đã cho ra đời mô hình tham vấn cộng đồng đầu tiên dưới hình thức quán cà phê. Với quán cà phê mang tên Hy Vọng (tại quận 1) đã tập hợp nhiều tình nguyện viên, giáo dục viên đồng đẳng (GDVÐÐ) để chia sẻ kinh nghiệm trong việc tránh lây lan HIV/AIDS. Vài năm sau quán cà phê "Bạn giúp bạn" (BGB) ra đời quy tụ toàn những người đã nhiễm HIV nhưng không phải là những kẻ chán đời, phá phách mà là những bệnh nhân biết quý yêu những ngày còn lại của cuộc sống chính mình và cộng đồng nên sẵn sàng làm "điều thiện" như hoạt động tuyên truyền, tham vấn, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại cộng đồng và thăm hỏi, động viên những người nhiễm cùng cảnh gặp khó khăn. Ban điều hành quán BGB TP.HCM hiện có 12 thành viên (trong đó hơn một nửa là những người trẻ, thường xuyên được bổ sung). Tại Văn phòng của nhóm BGB thành phố (TP), hàng quý có các buổi sinh hoạt định kỳ với khoảng hơn 100 người nhiễm HIV và bạn bè, gia đình người nhiễm. Quán BGB ban đầu chỉ có một điểm ở 43 Lam Sơn (quận Bình Thạnh) vào năm 1999, nay đã nhân rộng ra ở 16/24 quận, huyện của TP và tổ chức các hoạt động thường xuyên. ủy ban phòng chống (PC) AIDS TP còn phối hợp với Tổ chức y tế thế giới bước đầu triển khai thí điểm mô hình chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại cộng đồng trên địa bàn các quận nội thành, kết hợp với ủy ban DSGÐ và TE, Quỹ nhi đồng Anh triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng tại cộng đồng tại quận 8 và quận Tân Bình. Năm 2004 này sẽ triển khai thêm ở các quận 3, 4, 6, Gò Vấp và Tân Phú với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ (2 tỷ đồng) cùng ngân sách 4,8 tỷ đồng, UBND TP.HCM đã cho xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi nhiễm HIV/AIDS có khả năng tiếp nhận 100 trẻ sống tập trung để chăm sóc, điều trị đồng thời nơi đây cũng tiếp nhận tham vấn cho trẻ trong cộng đồng bị nhiễm HIV. Ðể giúp bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối không nơi nương tựa tại huyện ngoại thành Củ Chi, một trung tâm mang tên Mai Hòa (với sự chăm sóc của các sơ) dành cho người bị AIDS giai đoạn cuối được hình thành vào năm 2000, ngoài yếu tố nhân đạo còn giúp TP.HCM tránh trường hợp bệnh nhân AIDS lang thang chết ngoài đường phố. Chỉ riêng năm 2003, Mai Hòa đã tiếp nhận 58 bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối và 29 ca đã tử vong tại đây. Trong năm nay trung tâm còn đưa vào hoạt động Khoa nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV/AIDS trên 3 tuổi bị bỏ rơi (10 giường bệnh).

Nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động PC AIDS trên cả 2 lĩnh vực can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV và chăm sóc hỗ trợ cho người bị AIDS tại cộng đồng, tháng 3/2003, ủy ban PC AIDS TP.HCM đã triển khai hướng dẫn các quận, huyện xây dựng mô hình "Trung tâm tham vấn và hỗ trợ cộng đồng" gọi tắt TT. Ðây là sự tiếp nối và phát triển của mô hình "quán cà phê Hy Vọng" được triển khai từ 1996. Yêu cầu đầu tiên đối với việc xây dựng TT là tạo môi trường thân thiện và an toàn cho đối tượng có nhu cầu, thu hút đối tượng đến với TT. Mục tiêu của TT nhằm tạo sự tham gia của cộng đồng, từ lãnh đạo tới người dân địa phương để thực hiện các hoạt động truyền thông, tham vấn và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các đối tượng, đặc biệt tập trung vào nhóm có nguy cơ cao và nhóm đã nhiễm HIV/AIDS, tránh lây lan cho cộng đồng. TT được xem như nơi "cứu rỗi cả phần hồn lẫn phần xác": vừa tham vấn, xét nghiệm tự nguyện, giấu tên (VCT), hướng dẫn cách phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục, ma túy... vừa được xem như nơi sinh hoạt, hội họp của các nhóm đồng đẳng địa phương để tiếp cận, cung cấp thông tin và các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV (bao cao su, bơm kim tiêm...) cho các đối tượng. Bên cạnh đó, các TT được hình thành như một phòng khám ban ngày cho các đối tượng (phát hiện sớm và theo dõi chữa trị lao, các bệnh nhiễm trùng cơ hội...), cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khác như tắm giặt, hỗ trợ dinh dưỡng v.v... Mỗi TT được thành lập theo quyết định của UBND quận huyện, được chỉ đạo bởi Ban phòng chống AIDS quận, huyện, trong đó TT y tế quận, huyện đóng vai trò "thường trực" với sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể. Qua 1 năm thực hiện, TP.HCM đã hình thành được 12 TT ở 12 quận, huyện (trên tổng số 24 quận, huyện) và mỗi TT đều có một sắc thái riêng. Có thể kể ra vài ví dụ cụ thể: TT quận 8 khởi đầu hoạt động bằng phòng khám ban ngày cho người nhiễm HIV, hiện nay TT chuẩn bị mở rộng hoạt động theo hướng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm nguy cơ cao; TT quận Bình Thạnh là sự kết hợp nhiều nội dung thuộc nhiều dự án như: Quán cà phê Bao Cao Su, tham vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT); TT quận 10 khởi đầu bằng việc xây dựng phòng VCT, chuẩn bị triển khai dự án phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con. TT quận 6 với mô hình Phòng khám An Hòa chăm sóc về y tế cho người nhiễm HIV vô gia cư v.v...

TP.HCM sau những cố gắng triển khai xây dựng các mô hình TT tham vấn, hỗ trợ trong cộng đồng đã rút ra được điều gì? TS.Lê Trường Giang, Phó chủ tịch thường trực ủy ban PC AIDS TP.HCM cho biết: "Muốn hình thành các TT thì yếu tố đầu tiên, theo tôi, là tạo được sự đồng thuận và quyết tâm của cộng đồng, cụ thể hơn là của lãnh đạo các địa phương từ quận, huyện đến phường, xã. Phải cung ứng đầy đủ thông tin về tình hình đại dịch HIV/AIDS để lãnh đạo địa phương thấy rõ những gánh nặng họ sẽ phải đối phó nếu không tăng cường hoạt động phòng chống AIDS. Kèm theo là sự cam kết hỗ trợ của ủy ban PC AIDS TP cùng các nguồn lực bổ sung từ các dự án viện trợ. Sự đồng thuận, quyết tâm của địa phương sẽ được thể hiện rõ rệt qua việc sẵn sàng đầu tư cơ sở vật chất và con người cho hoạt động của TT". Ông Giang cũng cho rằng vai trò của các GDVÐÐ rất quan trọng, nói khác đi là không thể thiếu cho các hoạt động PC AIDS tại cộng đồng. ủy ban PC AIDS TP.HCM hiện có 50 GDVÐÐ đã trưởng thành qua nhiều năm hoạt động nên luôn sẵn sàng làm nòng cốt và "chi viện" để xây dựng các đội GDVÐÐ cấp quận, huyện.

Một thực tế khác cho thấy qua các hoạt động cộng đồng PC AIDS thời gian qua ở TP.HCM, theo ông Giang, để thu hút các đối tượng thụ hưởng đến với các TT thì phải tổ chức cung ứng những dịch vụ thiết thực, hữu ích hơn. Nhưng khó khăn còn vướng lại là ở tất cả các dự án chỉ có khả năng cung ứng những dịch vụ trong phạm vi quy định nên có không ít đối tượng... lơ là! Kinh nghiệm giải quyết khó khăn này tại TP.HCM là phải phối hợp, liên kết các dự án khác nhau (kể cả những dự án... ngoài y tế cũng chẳng phải PC AIDS như xóa đói giảm nghèo, quỹ trợ vốn)!