Năm 2004, TP.Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện, thậm chí đẩy mạnh mục tiêu 3 giảm (mại dâm, tội phạm hình sự và ma tuý). Trong đó, ma tuý "cái chết trắng" là nguyên nhân kéo theo nhiều tệ nạn khác. TP.Hồ Chí Minh cũng vừa triển khai thực hiện đề án giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện... Thế nhưng ngay tại thành phố lại đang tồn tại một vùng đất ngày đêm nạn ma tuý hoành hành, mà mọi người nôm na gọi là "cánh đồng chết", hay "ao cá ma tuý".
Đằng sau cánh cổng...
Qua phản ánh của người dân, "cánh đồng chết" nằm trong khu vực chợ Cây Điệp, thuộc địa bàn phường 12, quận Bình Thạnh (TP.Hồ Chí Minh). Tôi lần theo cái tên mà bà con nơi đây cho là rất nổi tiếng, như chỉ hỏi thăm "ao cá" nằm gần chợ là biết đường tìm đến ngay. Vòng vèo qua con đường nhỏ Chu Văn An nhưng đông người xe, rẽ vào chợ Cây Điệp. Mới xuống con dốc nhỏ trong chợ, tôi hỏi một phụ nữ tay cầm mớ rau: "Chị cho em hỏi đường vào ao cá... ?". Người phụ nữ liền chỉ tay về bên phải và bảo tôi cứ đi thẳng là đến ngay. Lúc cho xe chạy chầm chậm qua các dãy nhà không có sân, cửa sát với mặt đường hẻm, nhiều thanh niên đầu trọc lốc ngồi nhốn nháo. Họ nhìn tò mò, nhưng tôi cứ làm ngơ đi tới. Bỗng chiếc cổng lớn chắn ngang đường, phía trên in dòng chữ: "Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên quận Bình Thạnh-Cơ sở II". Tôi định thần "chả lẽ mình lạc?". Xuống xe, tôi hỏi một bà cụ khoảng ngoài bảy mươi đang đứng gần đó. "UÁi trời! Con cứ đi thẳng... đúng rồi vào bên trong cái cổng to to đó" - bà cụ khoát tay về hướng chiếc cổng. "Cánh đồng chết" nằm trong chiếc cổng này sao? Quá bất ngờ, tôi lại lên xe chạy qua cổng.


Lại thêm bất ngờ nữa, con đường đất đỏ với hai bên đầy bụi rậm, cỏ và dứa dại hoang hoá với vài ba cái ao rộng chừng hơn ngàn mét vuông, một trại chăn nuôi heo nằm yên ắng... Khung cảnh ấy báo hiệu đầy ẩn hoạ. Người đến đây lần đầu tiên, không khỏi tự hỏi mình, nơi đây chẳng cách xa trung tâm thành phố là mấy, thế mà đang tồn tại một vùng đất như thế này với ngày đêm vô số con nghiện chích hút? Ngay ngã ba đường đất đỏ, phía trước xe tôi xuất hiện hai thanh niên tóc đỏ hoe đang tựa vào chiếc xe gắn máy loại đời mới. Thấy tôi đội mũ sùm sụp và cho xe chạy thẳng qua ngã ba, hai thanh niên nhìn gờm gờm với những con mắt đáng sợ và đầy vẻ đe doạ. Lúc ngang qua ngã ba đường nhỏ, liếc xéo vào con đường bên tay phải, chỉ cách khoảng vài bước chân là hai người ăn mặc rất "con nhà giàu" đang lúi cúi tiêm chích ma tuý. Hai đối tượng đứng ngay ngã ba đường là để canh phòng cho hai kẻ bên trong đang chơi "hàng trắng". Rồi trong thoáng chốc, cả bốn đối tượng thay nhau canh phòng và tiêm chích. Xong "việc" họ phóng lên xe gắn máy lao ra phía cánh cổng "Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên quận Bình Thạnh".


Sau "màn" đóng vai người đi lạc đường, rồi đứng lớ ngớ trước một ao cá để tránh bốn con nghiện đang hành sự, tôi quay trở lại chỗ ngã ba và tìm đến ngay bãi cỏ ven đường. Một mớ ống kim tiêm mới toe cắm chụm xuống đất. Cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng. Trước mắt tôi ngổn ngang vô số kim tiêm chích của bọn ma tuý vứt lại. Trên những vạt cỏ, ống kim lổm chổm, cái tua tủa đâm ngang, cái ghim xuống đất, cái ghếch mũi lên trời. Trên các bụi dứa dại cũng "mọc" ra tua tủa... những kim tiêm. Cánh đồng chẳng khác bãi chiến trường ma tuý. Tôi chậm rãi đi trên một đoạn đường ngay từ ngã ba đến trước cánh cổng lối dẫn vào trại chăn nuôi heo của bà Liên. Đoạn đường đất đỏ dài chỉ khoảng hơn một trăm mét, nhưng hai bên vệ đường thì không sao kể xiết kim tiêm do con nghiện vứt lại tứ tung. Đang mải mê đưa máy ghi lại những cảnh tượng rùng mình, tôi giật mình vì có tiếng người phát ra từ dưới đám cây bình bát ven đường. Có lẽ thấy lạ, bảy cậu bé chân trần, quần đùi, áo bê bết bùn đất đang lội từ dưới đám cây bình bát về phía tôi, nhìn một cách tò mò vào chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Trong số các cậu bé, một đứa lớn nhất mạnh dạn hỏi: "Chú quay phim, chụp ảnh gì thế, cho tụi cháu vài pô". Cậu bé tự giới thiệu tên là Đức, rồi nhe răng cười. Sau hồi trò chuyện với Đức, tôi biết nhóm bạn nhỏ này đang được nghỉ hè và đi hái trái bình bát về ăn. Đức quay sang hai cậu bé nhỏ thó đang rung rinh trên cành cây bình bát như hai chú khỉ con: "Đây là Đạt, còn hắn là Lộc chú à, tụi cháu học ở Trường Bình Hoà...". Tôi nghiêm giọng hỏi: "Thế đi chân đất thế này vào đây không sợ mấy cái ống kim này hả?", Đức mạnh dạn: "Dạ sợ chứ..., nhưng trái bình bát ngon lắm chú ạ !" rồi lần vào trong bụng lôi ra trái bình bát vàng ươm đưa ra trước mặt khoe với tôi. Những ngày hè, các em lội bùn hái quả, chơi trò trốn tìm trong rừng cây bình bát và đâu có thể nhận thức hết được nguy cơ hiển diện rất trần trụi ngay dưới những đôi chân trần bé bỏng. Hàng trăm ống kim tiêm chích ma tuý vứt bừa bãi sau những cữ phê thuốc của con nghiện. Chẳng ai dọn dẹp, chẳng ai quan tâm đến chúng. Chỉ một vài hộ gia đình thả cá, hay bà cụ Liên ngày vài ba lần ra vào chăm sóc lũ heo trong trại, còn lại là những con nghiện cứ ra vào tiêm chích, hút hít đã biến nơi đây thật sự là "cánh đồng chết" - cánh đồng của những cái chết từ từ, gặm nhấm đối với những con người sa chân với "nàng tiên nâu".


Những câu hỏi và sự chờ đợi...
Qua phản ánh của người dân, đây là khu vực lâu nay tệ nạn ma tuý hoành hành, bọn nghiện ngày đêm ra vào tiêm chích nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp nghiêm trị. Lâu nay, thành phố từng biết đến nhiều tụ điểm về tệ nạn ma tuý, như phường Cầu Kho, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1..., nhưng chính quyền địa phương đã cho lập những chốt trực 24/24 giờ hàng ngày để ngăn chặn phòng chống. Với lực lượng như công an phường, dân phòng, dân quân... hay thậm chí có thể thành lập những đội tình nguyện tự quản ngay tại địa bàn (như Đội tình nguyện tự quản Cây Da Sà, ở Bình Trị Đông) để đấu tranh với nạn ma tuý lâu nay đã được nhiều địa phương áp dụng.

Vậy mà ngay trên một con đường có thể xem là độc đạo từ chợ Cây Điệp vào "cánh đồng chết", phường 12, quận Bình Thạnh vẫn chưa nghĩ ra cách lập một cái chốt phòng chống ma tuý? Hay công việc tuần tra kiểm soát bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn có thường xuyên khép kín được không? Tại sao lâu nay một địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma tuý như nơi cánh đồng, ao cá này lại bị bỏ ngỏ và buông lỏng quản lý như vậy... Đó là hàng loạt những vấn đề bức xúc của người dân mà tôi đã "gõ cửa" trực tiếp với Ban Chỉ huy Công an phường 12, quận Bình Thạnh. Nhưng sau buổi tiếp xúc, tôi cũng đành ra về và phải chờ để được trả lời từ phía chính quyền địa phương... một tuần sau (?). Trong khi đó, những người dân, những em bé chân trần ngày ngày vẫn ra vào trên vùng đất ngập ngụa kim tiêm chích ma tuý. Những con nghiện vẫn cứ thoải mái ra vào như "trẩy hội". Bà Liên-chủ trại heo trong "cánh đồng chết" cho biết: "Tôi có thấy công an xuống, có bắt bọn nó (con nghiện), nhưng bắt rồi như không à, tôi vẫn thấy tụi nó về chích lại...".
(Tuổi trẻ)