Ba năm trước, các phương tiện thông tin đại chúng rầm rộ đưa tin về việc làm tuy có bồng bột, nông nổi nhưng đầy quyết tâm của bốn chàng trai người Ứng Hòa, Hà Tây: cùng nhau chặt đứt ngón tay của mình để đoạn tuyệt với ma túy. Sau ba năm, tôi trở lại tìm họ để xem quyết tâm lớn lao đó có thành hiện thực.
Quá khứ lỗi lầm và hành động chỉ thấy trong... "phim chưởng"


Ngồi trước tôi, Vương Văn Trung, người lớn tuổi nhất trong nhóm bạn (sinh năm 1980) vẫn bẽn lẽn, ngại ngùng như ngày nào. Nhắc lại chuyện xưa, Trung cười và bảo: "Ngày ấy bọn em còn quá trẻ nên mới làm vậy! Nhưng giờ nghĩ lại, nếu không làm thế thì chưa chắc đã giã từ được ma tuý. Những lúc sắp "ngã", nhìn bàn tay thấy khuyết đi một ngón thì giật mình tỉnh lại. Thế là tránh xa!".


Ngày ấy, "bộ tứ" Trung, Vinh, Điệp, Nghĩa thân nhau như bóng với hình. Sàn tuổi như nhau, lại cùng làng nên có nhau sớm tối. Vinh kể những năm ấy (1996-1998) ma túy ở đây nhiều lúc bán công khai như mớ rau muống vừa cắt được dưới ao nhà.


Đang học thì một thành viên trong nhóm vì hoàn cảnh gia đình nên bỏ dở, gác sách đèn để cuốn mình vào nỗi lo cơm áo. Nhập "trường đời" được ít lâu thì thành viên này bị ma tuý "hớp hồn". Lúc đó, trong đầu những cậu "thanh niên thời đại" thì chuyện nghiện hút chẳng có gì là ghê gớm, bởi ở đâu chẳng thế, có chơi ma tuý mới rõ mặt "anh hào"(?&#33. Thế nên chỉ vài tháng sau, cả nhóm bạn đều biến thành con nghiện.


Năm đó (1999) tuổi họ mới mười chín, đôi mươi. Lúc đầu, người đi làm bỏ tiền đãi thuốc người đi học, thế nhưng về sau thì không ai "bao cấp" nổi ai nên tất cả đều lần lượt bỏ học, để nghĩ cách xoay tiền mua thuốc. Trung kể, hồi đó, bố mẹ Trung hoàn toàn không biết là cậu đã nghiện, thế nên thấy cậu chán học, bố mẹ đã đồng ý cho Trung nghỉ để theo nghề sửa chữa xe máy ở ngoài thị trấn. Xa nhà, được thoải mái nên Trung càng lún sâu vào ma tuý, lỗi lầm. "Bộ tứ" tuy mỗi đứa một nơi, đứa làm phụ hồ, đứa nướng bánh mỳ thuê nhưng vẫn thân nhau lắm. Hầu như ngày nào họ cũng gặp nhau và chung tiền để làm vài cữ thuốc.


Trung kể: Chân co chân duỗi được hơn năm, thân thể chưa đến mức tạ tàn, chẳng ai nói ra nhưng dường như trong mắt mỗi người đều đã xuất hiện những cái nhìn lo sợ. Trong xóm, đã vài người chết vì sốc thuốc. Những nỗi lo sợ ấy cứ đến ngày một rõ dần, nhiều khi làm cuộc hội ngộ bên bàn đèn mất hết phần hứng khởi.


Hôm ấy, sau khi chơi một chầu tới bến, nhóm "bộ tứ" tụ tập ở nhà Điệp. Thuốc xong, thèm rượu. Rượu vào lại ngâm nga, nghĩ ngợi về đời. Rượu ngấm, bỗng Trung buột miệng: "Sống thế này nhục lắm chúng mày ạ! Giấu giếm, chui lủi như ăn cắp ấy!". Ba người còn lại phụ họa, thế là kế hoạch từ giã "nàng tiên nâu" nhanh chóng được vạch ra. Từ nay, nhóm "bộ tứ" sẽ phải mỗi người một ngả để không lôi kéo nhau vào cuộc chơi chết người này nữa. Nhưng, ấy vẫn chỉ là những lời hứa suông, phải có cái gì làm minh chứng cho lời thề làm lại cuộc đời này. Đọc sách thấy ngày xưa mọi người hay cắt máu ăn thề, Trung đề nghị mọi người làm theo cách ấy. Nhưng lại có ý kiến, khối người cắt máu vẫn phản bội lời thề, thế nên phải chọn cách khác... "Chặt một ngón tay", một ý kiến đưa ra. Chặt ngón tay, đau lắm nhưng đau một lần để nhớ suốt đời. Cả bọn đồng ý và dao thớt được mang lên. Bốn tiếng "phập" vang lên lạnh lùng, và bốn ngón tay trỏ lìa khỏi bàn tay của bốn chàng thanh niên đang muốn làm lại bốn cuộc đời mới mẻ. Trung nhớ lại, lúc đó ai cũng nghĩ việc đó rất... nhẹ nhàng, không có gì là sợ hãi. Và, ai cũng tưởng chặt xong, lấy giẻ buộc lại là lành, ai ngờ, máu me tóe loe khiến cả bọn phải vội vàng kéo nhau đến bệnh viện. Thế là mọi chuyện vỡ lở...


Lối về...



Biết con nghiện, gia đình Trung đau lắm. Nhưng, hành động bồng bột của Trung đã đem về những tia hy vọng, dù hy vọng đó là mong manh. Từ viện về, ngay lập tức Trung bị "tạm giam" tại gia để mọi người cùng ùa vào giúp cậu cắt cơn thèm ma tuý. Hai tháng, mọi sinh hoạt của Trung chỉ diễn ra ngay trong căn buồng lúc nào cũng khóa trái im ỉm. Bằng các liệu pháp tâm lý, sinh học, tháng thứ hai, Trung đã cắt được cơn. Khi thấy con không còn khổ sở vì những cơn đói thuốc định kỳ nữa, Trung được "tự do" nhưng vẫn bị "quản thúc". Đi đâu có người nhà đi cùng. Ma tuý không có cơ hội đến gần cậu. Khi tôi đến, Trung đang loay hoay sửa xe máy. (Bố mẹ Trung đã mở cho cậu một cửa hàng sửa chữa xe máy ngay tại nhà). Trung khoe, cậu đã lấy vợ cuối năm 2003, và tháng 8 này được "lên chức" bố.


Trung đưa tôi đến nhà Vinh. Vợ Vinh mới sinh con gái được hơn mười ngày. Vinh kể, cai nghiện xong, Vinh xin chính quyền địa phương cho ra Hà Nội mở quán cháo vịt ở gần chợ Mơ. Quán cháo của vợ chồng cậu tuy mới mở nhưng cũng đông khách lắm. Tiền kiếm được bao nhiêu vợ giữ hết, thế cho... an toàn. Mấy tháng nay, vợ bận... bụng mang dạ chửa, nên Vinh rủ Điệp ra làm cùng. Điệp cũng đã từ bỏ con đường lầm lỗi, và nghe thiên hạ đồn rằng, cậu đang tìm hiểu chị gái của Vinh. Nếu mối tơ duyên ấy mà thành có lẽ người vui nhất là Vinh. Tình bạn, tình anh em sẽ giúp họ đứng vững hơn trước mọi cám dỗ của ma tuý.


Cố tìm Nghĩa, nhân vật thứ tư mấy lần nhưng tôi vẫn không gặp được. Nghe các anh công an thị trấn Vân Đình nói, Nghĩa vẫn đang làm ở lò bánh mỳ. Từ ngày chặt ngón tay ăn thề, Nghĩa sống khép mình hơn. Hỏi Nghĩa có còn dùng ma tuý không, các anh công an đều thừa nhận là không thấy dấu hiệu gì. Cầu mong lời thề nguyền xưa vẫn còn nguyên giá trị.


Cùng tôi đi thăm lại những nhân vật một thời lỗi lầm, anh Văn Quang, công an thị trấn Vân Đình, cứ trầm trồ khen ý chí, nghị lực của mấy bạn trẻ. Anh bảo, giá mà những con nghiện ở thị trấn này cũng có quyết tâm rũ bỏ lầm lỗi như thế thì anh và các đồng nghiệp của anh sẽ nhàn biết mấy. Lúc chia tay với họ, anh luôn miệng dặn: "Bọn anh luôn theo sát các em, và luôn tin rằng không bao giờ các em đánh mất những gì đang có!"


Theo Gia đình và xã hội