Results 1 to 2 of 2

Thread: CÓ NHỮNG NGƯỜI BỊ NHIỄM HIV KHÔNG MUỐN GIẤU MẶT

  1. #1

    Tôi về Hải Phòng vào một ngày đầu hè nắng gắt và mịt mù khói bụi. Ở cái thành phố cửa biển này, không qúa khó để tìm được một bệnh nhân HIV/AIDS nhưng những người đã nhiễm AIDS mà dám băng qua bóng tối của sự mặc cảm để công khai chuyện mình bị bệnh lại không nhiều, nếu không muốn nói là rất hiếm. Và, đó là một trong những lý do khiến tôi muốn viết về họ, những bệnh nhân HIV/AIDS không cần giấu mặt

    · Tấn bi kịch ở “Phố Bỉ Vỏ”

    Từ Hà Nội, muốn vào được trung tâm Hải Phòng phải qua cầu Lạc Long, một trong năm cửa ô dẫn vào thành phố. Cây cầu này, độ chục năm về trước là công trình bề thế vào bậc nhất Hải Phòng. Ban đêm, trên cầu đèn sáng như sao sa, còn ban ngày cây cầu vươn mình đầy vững chãi. Nhưng, dưới chân cầu, chạy dọc theo con sông lúc nào cũng đục ngầu và tấp nập thuyền bè qua lại và con phố nghèo Hạ Lý với những ngõ ngách chằng chịt như mạng nhện. Hơn 60 năm về trước, trong tiểu thuyết Bỉ Vỏ, nhà văn Nguyên Hồng đã miêu tả Hạ Lý như một con phố mại dâm nhớp nháp, tối tăm, nơi mà Tám Bính đã trải qua một đoạn đời lạnh lẽo, âm thầm trong nhà chứa của mụ Tài-Sế-Cấu. Bây giờ, Hạ Lý không còn là con phố mại dâm, cũng không còn tối tăm, nhớp nháp như dòng miêu tả của nhà văn Nguyên Hồng ngày xưa, nhưng vẫn là một trong những trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự ở Hải Phòng. Chị Nguyễn Thị Tâm- Trưởng ban Gia đình xã hội của Thành họi Phụ nữ Hải Phòng- và chị Thu Phương- Phó chủ tịch Hội Phụ nữ quận Hồng Bàng- đưa tôi đến Hạ Lý đúng vào hôm con phố này được trải nhựa. Mặc kệ khói, bụi và mùi khét nồng nặc của nhựa đường, mặc kệ cái nắng tháng 6 như đổ lửa ra đường, từng tốp năm bảy thanh niên vẫn ngồi bu lại say sưa quanh các chiếu bạc rải dọc con phố.

    Ngôi nhà 68 phố Hạ Lý cũng bình thường như bao ngôi nhà khác ở xóm lao động nghèo này nhưng từ mấy năm nay bỗng trở thành tâm điểm của sự chú ý bởi đây là nơi trú ngụ của một cặp vợ chồng nhiễm HIV. Hà Minh Thảo cùng vợ mở cửa đón chúng tôi. Chỉ có tôi là người lạ, còn hai chị Tâm và Phương thì dường như đã quá quên thân đối với họ. Thảo bảo, hồi mới biết vợ chồng Thảo bị nhiễm HIV cả phố này sợ không ai dám đến chơi, nhưng mấy chị Hội phụ nữ thì vẫn đến. Chị Phương chưa có gia đình nhưng yêu trẻ lắm, lần nào đến cũng bồng bế hít hà thằng cu con của vợ chồng Thảo. Huệ- vợ Thảo- da trắng, tóc xõa ngang lưng, chỉ tội dáng hơi mi-nhon chứ đẹp không thua gì diễn viên điện ảnh. Quê Huệ ở Tiên Lãng, một huyện ngoại thành, cách Hải Phòng chừng 30 cây số. Huệ sống với mẹ kể từ nhỏ trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Cuộc sống thiếu thốn về vật chất và ít nhiều bị thua thiệt về tình cảm đã rèn cho cô bản tính tự lập rất cao. Học hết phổ thông, Huệ tìm được việc làm trong một xưởng sản xuất giầy xuất khẩu ở quận Kiến An. Cô rời quê lên Kiến An thuê nhà trọ để ở và làm việc kiếm sống. Trong khó khăn và thiếu thốn trăm bề, nhan sắc của cô vẫn rực rỡ làm hút hồn bao nhiêu chàng trai trong xưởng. Nhưng, không hiểu trừi xui đất khiến thế nào mà cô chỉ một lòng một dạ yêu Hà Minh Thảo. Năm ấy cô mới 20 tuổi. Hồi ấy, sau khi phát hiện ra Thảo nghiện ma túy, cha mẹ Thảo đã bắt cậu cách ly khỏi “phố Bỉ Vỏ” sang Kiến An ở nhờ nhà chú để cai nghiện mà chú Thảo lại ở gần khu nhà trọ của Huệ. Thế là hai người gặp gỡ và yêu nhau, giống như là định mệnh. Tình yêu đã giúp Thảo đánh gục được sức cám dỗ của ma túy. Anh cai nghiện thành công rồi vốn có nghề nấu bếp, anh được cha mẹ xin cho vào làm việc tại một nhà hàng ở quận Kiến An. Nhà Thảo cũng đông anh em kinh tế khong lấy gì làm dư giả, nhưng trước sự hoàn lương của con, cha mẹ Thảo rất mừng và dồn tất cả những gì bấy lâu chắt chiu được cho vợ chồng Thảo. Sau khi làm đám cưới cho con, cha mẹ Thảo đã bỏ tiền thuê cho đôi trẻ một căn nhà nhỏ gần xưởng giày của Huệ. Một năm sau, mùa hè năm 2001, Huệ sinh cháu trai đầu lòng trong sự vui mừng tột đỉnh của gia đình. Nhưng niềm vui đến cùng với tai họa bởi khi tiến hành các xét nghiệm, các bác sĩ đã phát hiện cô bị HIV. Biết tin, Huệ như thấy đất trời sụp dưới chân mình, nhưng cô cũng không hận Thảo và không có ý định bỏ anh mà đi. Nhưng Thảo thì suy sụp hoàn toàn. Anh khóc ròng vì ân hạn. Giá mà anh không mắc vào ma tuý thì đâu có tấn bi kịch này. Đã có lần Thảo toan tính buộc đá vào chân rồi ra sông Hạ Lý mà quyên sinh… Nhưng mà, một lần nữa tình yêu lại làm thêm được nhiều điều kỳ diệu khi mà Huệ vẫn còn yêu thương chồng. Sau một thời gian được sinh hoạt trong câu lạc bộ đồng cảm do các cấp hội phụ nhữ phối hợp với công an và chính quyền địa phương tổ chức, vợ chồng Thảo- Huệ đã bước ra khỏi bóng tối của sự mặc cảm và họ đã là một trong những cặp vợ chồng hiếm hoi dám nhiều lần xuất hiện trước ống kính truyền hình mà nói rằng: “Vâng chúng tôi là bệnh nhân HIV/AIDS”.

    Cách” phố Bỉ Vỏ” không xa, cũng bám theo triền con sông ấy là một khi dân cư khác có cái tên nghe khá lạ tai là “Khu Trại Chuối”. Khu dân cư này nằm dưới chân cầu Quay và đây cũng là một địa danh khá nổi tiếng về tệ nạn xã hội ở Hải Phòng. Mai là người dồng cảnh với Huệ, cô và con gái sống tại đây, cùng gia đình chồng. Nhưng, khác Huệ, chồng Mai đã chết vì AIDS tại bệnh viện Nông Cống, Thanh Hóa khi đang là phạm nhân thụ hình tại trại cải tạo số 5. Tôi đến nhà Mai vào lúc trời chập choạng tối. Hai mẹ con Mai ở trong một căn chòi chỉ chừng 10 m2 hầm hập nóng được xây cất tạm bợ trên nóc nhà gia đình chồng. Tài sản trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc quạt Trung Quốc đã hoen gỉ. quay chầm hậm ở góc nhà. Cha mẹ và anh chị em nhà chồng đều yêu thương đùm bọc mẹ con Mai nhưng chỉ vì họ cũng nghèo nên cuộc sống của mẹ con Mai quá ư chật vật. Mẹ chồng cô ốm liệt giường đã nhiều năm nay, bố chồng cô ban ngày sửa xe đạp, ban đêm không dám nghỉ mà phải đii làm bảo vệ để có thêm mối tháng 200 nghìn dồng phụ giúp Mai nuôi con. Mai cầm đồng tiền của bố chồng mà nhiều khi thương ông rơi nước mắt. Gia đình nhà Mai càng khốn khổ hơn. Mười lăm tuổi mẹ mất vì bạo bệnh, chưa đầy nửa năm sau cha cũng theo mẹ mà đi, bỏ lại ba chị em Mai bơ vơ. Mấy chị em Mai phải nghỉ học giữa chừng để lần hồi kiếm miếng ăn tự nuôi nhau. Mười tám tuổi, Mai gặp và yêu Việt. Việt cao to, đẹp trai, lúc đó đang làm phụ xe khách tuyến Hải Phòng- Lạng Sơn. Lúc đầu Mai không biết Việt nghiện ma túy, mãi sau mới phát hiện ra. Cô sợ hãi mấy lần toan bỏ, nhưng lần nào Việt cũng khóc lóc, van xin cho Việt được có cơ hội hoàn lương. Và Việt hoàn lương thât. Anh nghỉ làm, tự trói chân mình vào thành giường ở nhà tự cai nghiện ma túy. Sau đận ấy, hai người làm lễ cưới. Nhưng rồi, Việt lại tái nghiện khi mà xung quanh khu nhà Việt ở ma túy vẫn còn rất nhiều. Năm 2000, khi Mai sinh con gái đầu lòng cũng là lúc cô được thông báo mình nhiễm HIV từ chồng. Thời điểm này Việt cũng gần như mất hết tính người vì ma túy. Mỗi lần lên cơn nghiện, dù Mai vừa mới sinh con còn yếu lắm, laị bị hoảng loạn tinh thần vì biết mình bị nhiễm HIV nhưng Việt vẫn về nhà đánh đập Mai thậm tệ để đòi tiền. Cuối năm 2001, khi đứa con gái đầu lòng mới được vài tháng tuổi, Việt đã bị bắt và bị xử 3 năm tù giam vì tội cướp giây chuyền. Việt bị đưa vào trại 5 Thanh Hóa để thụ hình. Mai vừa chuyện trò vừa khóc khi nhớ lại những ngày tháng khủng khiếp đó. Sau khi sinh con được đúng 12 ngày, không có gì để ăn, Mai đã phải gửi con cho bố chồng trông, chèo thuyền ra ao hái rau muống để đem ra chợ trải ni lông cho con nằm ngay vệ đường để bán rau cùng mẹ. Thế mà gom góp mãi, Mai cũng dành dụm được một chút tiền mẹ con dắt díu nhau vào tận Trại 5 để thăm nuôi chồng được hai lần. Mai kể, ở Trại, Việt cai được ma túy và có thời gian tĩnh tâm lại nên thương mẹ con Mai lắm. Lần nào gặp, Việt cũng khóc và xin Mai tha thứ. Mai thương Việt vì cô biết sự ăn năn ở nơi anh là có thật dù đã là quá muộn màng. Lần thăm nuôi thứ hia, Mai thấy VIệt đã đổ bệnh. Trại chuyển Việt vào nằm điều trị tại bệnh viện huyện Nông Công, được ít ngày thì VIệt chết. Mai thương chồng như thương chính bản thân mình. Giống như Việt, cô cũng là một bệnh nhân AIDS và cuộc sống chỉ còn ngắn ngủi. Trong những còn lại của cuộc đời, cô đã tâm nguyện là sẽ sống lương thiện cùng cha mẹ chồng nuôi con. Cô đã tích cực sinh hoạt trong các câu lạc bộ đồng cảm và dũng cảm công khai về chuyện mình bị nhiễm HIV/AIDS.

    ĐẶNG HUYỀN

    Báo An Ninh Thế Giới
    Khi một cánh cửa hạnh phúc đóng lại , một cánh cửa khác sẽ mở ra. Nhưng thường ta cứ ngắm mãi cánh cửa đóng lại để rồi ko thấy cánh cửa đang mở ra. Chúc bạn biết mở cửa.

  2. #2
    Nhưng sự công khai đã đem đen cho Mai cũng như vợ chồng Huệ nhiều hệ lụy đắng cay...
    *Và những hệ lụy dắng cay của sự dũng cảm:
    Kể từ ngày biết Mai bị HIV/AIDS, gánh hàng rau của cô không còn ai mua, kể cả những người xưa nay vẫn thương cảm mẹ con cô. Căn chòi của mẹ con cô, trừ một vài người thân và những cán bộ có trách nhiệm trong công tác phồng chống AIDS, không còn ai dám lui tới. Sự cô độc dường như chất chứa thêm nỗi đau cho người đnà bà đã phải chịu quá nhiều đau khổ này. Kể từ ngày không còn bán được rau, mẹ con cô không có gì để sống. Khoản tiền 200 nghìn đồng mỗi tháng bố chồng cô chắt chiu để chu cấp cho con dâu tằn tiện lắm cũng chỉ đủ mua gạo. Cô thương bố, nhiều khi không muốn cầm tiền thì lấy tiền đâu để sống? Chị dâu cô cũng đã từng cho cô ra cửa hàng may để phụ việc thùa khuy, đơm cúc kiếm lấy ngày vài nghìn đồng nhưng sự có mặt của cô ở đây khiến khách hàng sợ, không dám lui tới. Sự hiểu biết thiếu đầy đủ về con đường lan truyền HIV/AIDS đã sinh ra sự kỳ thị, nhiều khi thái quá. Bây giờ, dù cơm chưa no nhưng cô rất tích cực đi tuyên truyền về AIDS và tham gia tất cả các buổi sinh hoạt, các cuộc tập huấn cho người nhiễm AIDS, bởi cô tìm thấy ở đấy sự đồng cảm và nghị lực sống. Tôi hỏi, cô mong muốn gì? Cô khóc, những giọt nước mắt ướt đẫm gương mặt hốc hác: “Em mong được sống lâu hơn với con”. “Còn trước mắt?” Cô ôm con, di di tay xuống nền nhà vẽ vô khối những vòng tròn luẩn quẩn: “Em mong có vốn để nuôi lợn, vì bây giờ em không thể ra đường buôn bán được gì”- Nghe Mai nói mà tôi thấy đắng lòng. Đứa con gái 3 tuổi hồn nhiên vùng ra khỏi vòng tay của mẹ, chạy đến bên tôi ngắm nghía chiếc máy ảnh, khanh khách cười. Con bé miệng xinh, mắt tròn như hòn bi ve nhưng đen đúa và lam lũ. Mai bảo cô không dám đem con bé đi xét nghiệm vì nếu kết quả là dương tính thì cô không biết sẽ sống ra sao. Mà dù có bị nhiễm HIV như mẹ hay chăng thì con bé vẫn cứ bị mọi người xa lánh bởi sự kỳ thị.
    Tôi nhớ lại câu chuyện về đứa con trai của bộ chồng Huệ- Thảo. Thàng bé 3 tuổi, xinh xắn, khỏe mạnh và hiếu động nhưng suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà với bố. Đám trẻ con hàng xóm không đưa nào dám chơi với nó bởi sự cảnh báo của người lớn về căn bệnh chết người mà cha mẹ nó đang mang. Thương con, Huệ đã bàn với chồng đưa con đi xét nghiệm bởi bằng sự linh cảm về sự khỏe mạnh của con, cô tin là thằng bé không nhiễm bệnh. Hai mẹ con dắt nhau lên Trung tâm Y tế dự phòng, lấy máu rồi về nhà thắc thỏm chờ đợi. Mười ngày sau, Huệ đi lấy xét nghiệm mà tim đập thình thịch. Kết quả âm tính rõ ràng trong tờ giấy làm tim cô như òa vỡ bởi niềm vui. Thảo đã bế thàng bé, chạy khắp phố mà hét lên sung sướng: “Con tôi không mắc AIDS. Niềm vui tột đỉnh đã khiến anh như phát rồ dại. Rồi vợ chồng hởn hở xin cho con vào lớp mẫu giáo. Các cô giáo mầm non giang tay đón cháu, nhưng thằng bé vẫn lủi thủi cô đơn bởi sự xa lanh của những đứa trẻ cũng lớp. Lần nào tới đón con. Thảo cũng thấy con ngồi một mình. Thương con, Huệ lại cho con ở nàh, không tới lớp nữa. Bố chồng Huệ kể, trước đây nhà ông bán bún buổi sáng, đắt hàng lắm, nhưng kể từ khi đón vợ chồng Huệ về ở cùng, không ai dám đến ăn nữa, thế là quán bún phải đóng cửa. Bà mẹ chồng Huệ vốn có nghề may quần áo, bà đã già nên đã truyền nghề cho Huệ và đứng ra mở một cửa hàng may nho nhỏ để làm chỗ cho vợ chồng Huệ sinh sống. Nhưng khách đến may ít lắm, ai cũng ngại Huệ. Thậm chí có người chẳng cần ý tứ gì, nói toạc ra với mẹ chồng Huệ rằng, bà đừng để cho con bé AIDS ấy sờ vào quần áo của tôi. Bây giờ, hằng ngày Huệ vẫn cặm cụi bên bàn máy khâu mong ngày kiếm được độ chục nghìn chứ sống bám vào cha mẹ chồng mãi cũng ngại. Nhưng cô hiểu rồi cô cũng không thể đứng ở cửa hàng này bao lâu được vì ai cũng sợ lây bệnh từ cô. Giá mà cô được làm tư vấn về HIV/AIDS với mức lương ổn định, đủ sống thì tốt biết bao- nhưng đó vẫn chỉ là mơ ước...
    Ai cũng hiểu, chuyện những người mắc bệnh AIDS dám bước qua bóng tối của sự mặc cảm để công khai danh tính là một trong những biện pháp rất tốt để hạn chế sự lây lan của căn bệnh thể kỷ. Nhưng, làm thế nào để khuyến khích họ, làm thế nào để bớt đi những hệ lụy mà họ sẽ không thể tránh khỏi khi công khai danh tánh thì dường như vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp... Viết về cuộc đời của Huệ, của Mai, của Thảo... chúng tôi mong tìm được sự giúp đỡ và cảm thông của cộng đồng đối với họ để cuộc sống của họ bớt nhọc nhằn hơn, bớt khổ đau hơn. Cần phải nhấn mạnh rằng, trước sự lây lan đáng báo động của đại dịch HIV/AIDS, các cơ quan phòng chống HIV/AIDS cần phải có biện pháp khuyến khích nhiều hơn nữa những nạn nhân của căn bệnh này dũng cảm bước qua bóng tối...
    ĐẶNG HUYỀN
    Báo An Ninh Thế Giới
    Khi một cánh cửa hạnh phúc đóng lại , một cánh cửa khác sẽ mở ra. Nhưng thường ta cứ ngắm mãi cánh cửa đóng lại để rồi ko thấy cánh cửa đang mở ra. Chúc bạn biết mở cửa.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •