- Ban tổ chức Chương trình ''Hiệp sĩ CNTT'' đã chọn ra được những gương mặt tiêu biểu. Mời quý vị cùng tìm hiểu và gửi cho chúng tôi những người xứng đáng trở thành ''hiệp sĩ''.

Trần Song Khoa

Nhóm Niềm tin xây dựng, duy trì website www.heroin-aids.com để vừa tuyên truyền phòng chống ma tuý và AIDS, vừa tư vấn cho những người nghiện ma túy, người nhiễm HIV bởi ai cũng có thể vấp ngã và ai cũng có thể đứng dậy. Đã từng xuất hiện trên e-CHÍP với tư cách một nhân vật muốn ẩn danh vì từng nghiện ma tuý, sau đó Trần Song Khoa đồng ý xuất hiện trong chương trình “Người đương thời” của VTV cũng vì muốn giúp đỡ bạn bè đồng trang lứa.



Không chấp nhận phế


Đặng Hoài Phúc bị mù khi theo bạn đi đào mai rồi đào trúng một quả đạn. Cậu học sinh lớp 4 nhà ở Phước Lộc, Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu tập làm quen với hoàn cảnh mới: sống nhưng không thấy ánh sáng. Gia đình gửi Phúc vào Câu lạc bộ Bừng Sáng - một cơ sở nuôi dạy trẻ khiếm thị ở TP.HCM và sau đó, Phúc được ra ngoài, học chung với các bạn bình thường, tốt nghiệp trung học phổ thông. Năm 1999, Phúc được chọn tham dự khoá đào tạo giáo viên tin học cho người khiếm thị do một tổ chức nhân đạo của Ý phối hợp với Câu lạc bộ Bừng Sáng tổ chức.

Đi tìm... ''hiệp sĩ”

(Nhờ khoá học này, Phúc nhận ra máy tính chính là công cụ giúp người khiếm thị hoà nhập với xã hội. Học xong, Phúc và hai thành viên của Câu lạc bộ Bừng Sáng được chuyển về Trung tâm Tin học Sao Mai (một cơ sở tin học dành cho người khiếm thị) làm giáo viên. Vì không phải người khiếm thị nào cũng có cơ hội đến trường nên Phúc nghĩ đến Internet và kế hoạch dạy - học từ xa dành riêng cho người khiếm thị ra đời.




Đặng Hoài Phúc đã cùng bạn bè mình ở Trung tâm Tin học Sao Mai nghiên cứu mô hình, phương pháp, soạn dự án,... Tính khả thi của dự án “Phát triển mạng lưới tin học đào tạo từ xa cho người khiếm thị” trở thành lý do để nó trở thành một trong 15 dự án ở khu vực châu Á được Chương trình Samsung DigitAll Hope chọn tài trợ 43.130 USD trong năm 2003. Dự án này đã được triển khai tại: Tây Ninh, Bến Tre, An Giang và Đồng Nai. Từ chuyện không muốn trở thành gánh nặng suốt đời cho người thân và cho xã hội, Đặng Hòai Phúc đã tìm được lối ra không chỉ cho riêng mình...


Ở Trung tâm Tin học Sao Mai còn có Trần Bá Thiện. Dù được nhiều người xem như một chuyên viên tin học, nhưng Thiện khẳng định: “Tôi chỉ là người ứng dụng tin học. Sự khác biệt nếu có chỉ ở chỗ tôi bị mù nên hướng sự quan tâm của mình vào các chương trình ứng dụng dành cho người mù”. Năm 1998, khi Thiện tiếp cận với CNTT, người ta đã phổ biến JAWS – một phần mềm dành cho người khiếm thị. Tuy nhiên đa số người khiếm thị ở Việt Nam không thể dùng JAWS vì không biết ngọai ngữ.

Cũng vì vậy, Trần Bá Thiện đã hợp tác với Công ty SCITEC xây dựng phần mềm Nguyễn Đình Chiểu (NDC) để đọc màn hình, chuyển văn bản từ chữ thường sang chữ nổi rồi in ra bằng máy in chữ nổi. NDC đã trở thành phần mềm đầu tiên giúp người khiếm thị ở Việt Nam tiếp cận với tin học. Đến tháng 8-2003, Thiện cùng với thạc sĩ Nguyễn Tiến Hiệp (Việt kiều) làm phần mềm VMV (Vì người mù Việt Nam). Cũng như NDC, VMV là một phần mềm miển phí, bổ sung nhiều chức năng để người khiếm thị có thể ứng dụng CNTT. Thiện còn tham gia xây dựng dự án “Thiết kế trình duyệt web cho người khiếm thị” của Trung tâm Tin học Sao Mai. Ngân hàng thế giới (WB) đã chọn và tài trợ cho dự án này 10.000 USD. Ước mơ hỗ trợ người khiếm thị ở Việt Nam có thể đi trên xa lộ thông tin toàn cầu đang thành hình (với Trình duyệt web dành cho người mù, người khiếm thị có thể “nghe” nội dung của các websites)... Trung tâm Tin học Sao Mai còn phối hợp với SCITEC nâng cấp phần mềm NDC lên 3.7 để chạy trên Win XP và trên các phần mềm khác của Microsoft để người khiếm thị không còn phải cắt, dán vào NDC...



Máy vi tính không chỉ giúp Phạm Thanh Sơn “câu cơm” mà còn giúp anh vực dậy những người đồng cảnh ngộ. Người thanh niên liệt tứ chi do tai nạn, đã tự học để trở thành một lập trình viên, viết những phần mềm về: Kế toán, Quản lý công trình, Quản lý nhân sự, Quản lý giao dịch chứng khoán, Quản lý tài sản cố định,... rồi bán để nuôi mình, nuôi cha mẹ già.

Ý chí, sự thành công, những lời tâm sự của Sơn đã động viên một cô gái mắc bệnh hiểm nghèo, bỏ nỗ lực... quyên sinh, vui sống cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Nằm một chỗ nhưng Sơn còn chính là người khơi dậy nghị lực nơi Nguyễn Thị Diệu ở Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng cảnh ngộ với mình. Chàng trai này còn vận động vị bác sĩ vẫn chăm sóc cho mình đến tận nơi điều trị, giúp Diệu thoát khỏi tình trạng hoại tử. Tặng Diệu một bộ máy tính và nhờ người đến nhà dạy tin học cho cô bé này...

Phạm Anh Tuấn là một đứa trẻ bất hạnh vì sốt bại liệt, đã từng theo học Khoa Sơn dầu của ĐH Mỹ thuật TP.HCM rồi tốt nghiệp khoá đào tạo y sĩ của trường Trung học Y tế Đồng Nai, học tin học từ năm 1988, thạo Photoshop, viết truyện, làm thơ... Anh có thể tự hào về nỗ lực vươn lên của mình, không phải dựa dẫm vào bất kỳ ai nhưng Tuấn không ngừng ở đó. Sau khi mở những lớp dạy tin học cho trẻ em nghèo, vận động – hỗ trợ cho những sinh viên có gia cảnh khó khăn,... người đàn ông 43 tuổi này quyết định dành phần đời còn lại của mình cho việc nuôi dạy những đứa trẻ không may nhiễm HIV đang sống trong nhà Hy Vọng của Chương trình thiện nguyện Thảo Đàn.

Vì người khác



Bốn trong số các nhân vật mà e-CHÍP quyết định trao biểu tượng “Hiệp sĩ CNTT” năm nay là tu sĩ của một số tôn giáo. Đó là Đại đức Thích Quảng Tâm - trụ trì chùa Long Thạnh ở thị trấn Thủ Thừa, Long An. Nhiều năm nay, ngôi chùa này đã trở thành tổ ấm của những đứa trẻ mồ côi hay cha mẹ quá nghèo. Đã có nhiều đứa trẻ rời ngôi chùa này để vào các giảng đường đại học rồi ra đời làm bác sĩ, kỹ sư...

Nhà sư này còn là người về tuốt Tân An học tin học để mở những lớp dạy tin học cho cả trẻ em lẫn giáo viên, công nhân viên, cán bộ địa phương. Ở Tri Tôn, An Giang cũng có một nhà sư như vậy. Nhận ra lợi ích của tin học qua các chương trình truyền hình, Sư cả Chau Hắc quyết định mua một bộ máy tính, “học lóm” các Phật tử là sinh viên đi học ở Cần Thơ rồi mày mò thực tập,... Không chỉ tìm kiếm thông tin về kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng trọt trên Internet để cung cấp cho nông dân, ông còn dành dụm để mở những lớp dạy tin học miễn phí...



Vì muốn giúp những đứa trẻ thiếu may mắn, không thể nghe, nói có nghề nghiệp vững vàng đủ để hoà nhập cộng đồng và để sống mà Soeur Mai Anh và Soeur Ngọc Lan mở lớp dạy tin học cho trẻ khiếm thính ở Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An, Bình Dương. Cũng như Soeur Mai Anh, Soeur Ngọc Lan, thầy Nguyễn Duy Thơ - giáo viên của Công ty IDC cần mẫn dạy đồ họa cho những đứa trẻ khiếm thính sau khi tình cờ được tiếp xúc với chúng ở trường Hy Vọng, Bình Thạnh. Ông làm như thế bởi: “Tự dưng thèm làm được điều gì đó cho những đứa trẻ không may này”. Nhiều em trong số này đã tìm được việc làm tại một số doanh nghiệp...

Làm được điều gì đó cho người khác là khao khát chung của những: Trịnh Minh Thanh (Hà Nội), Phạm Văn Minh (Bắc Ninh), Nguyễn Đình Tú (Phú Yên), Nguyễn Trần Huy Phong (Lâm Đồng), Lê Hồng Đức (Đồng Nai). Một Phạm Văn Minh bỏ Bắc Ninh vào TP.HCM để học tin học rồi chia sẻ kiến thức cho mọi người qua những lớp phổ cập tin học, rồi tổ chức nhóm thực hiện đề án “Nghiên cứu các giải pháp phổ cập tin học cho thanh thiếu niên nông thôn TP.HCM đến năm 2010”.

Một Nguyễn Trần Huy Phong cũng từng bỏ quê (Ka Đơn, Đơn Dương, Lâm Đồng) về TP.HCM học tin học nhưng sau đó quay về ngôi làng heo hút giữa núi rừng trùng điệp của mình để mở lớp dạy tin học miễn phí cho những đứa trẻ người dân tộc. Cũng vì muốn làm gì đó có ích cho đồng bào của mình nên khi trở về Phú Yên, Nguyễn Đình Tú - cựu sinh viên Khoa CNTT ĐH Đà Nẵng miệt mài làm một bộ gõ ngôn ngữ các dân tộc Ê đê, Ba na, Ja rai, Mnông, Chăm trên máy tính. Trịnh Minh Thanh, vừa cầm dao mổ ở bệnh viện Bạch Mai, vừa vận động mở rộng việc sử dụng phần mềm nguồn mở. Lê Hồng Đức viết phần mềm Quản trị bán hàng vừa bán với giá 50.000 đồng để ai cũng có thể mua, vừa tặng không cho những địa phương đang cần những sản phẩm cụ thể để thuyết phục mọi người ứng dụng CNTT...

Làm gì để trong hành trang khi tiến về phía trước không chỉ có bằng cấp, vị trí xã hội hay những tài sản có thể cân, đong, đo, đếm về giá trị,... là câu hỏi không dễ trả lời và không phải ai cũng trả lời được. Những nhân vật mà e-CHÍP quyết định trao tặng biểu tượng “Hiệp sĩ CNTT” của năm trước và năm nay là những người đang trả lời câu hỏi ấy.