Rebekka trong một buổi nói chuyện về HIV/AIDS.

Nhiễm HIV từ năm 19 tuổi (1986), cô gái người Mỹ Rebekka Armstrong tìm đến rượu, ma tuý và từng tự tử trong tâm trạng chán nản tột cùng. Được cứu sống, cô quyết định dành những ngày còn lại để giúp mọi người không bị nhiễm bệnh. Rebekka được ca tụng là "nhà vô địch chống HIV".

Rebekka Armstrong tâm sự: "Vào tháng 8/1989, cuộc sống của tôi hoàn toàn biến đổi khi nhận được hung tin đã bị nhiễm HIV. Điều đó có nghĩa là cái chết đang đến gần. Tôi sống lẫn lộn trong tâm trạng buồn chán, trầm cảm và lo sợ. Tôi sợ chết và thật sự đang chết dần trong nỗi cô đơn. Sợ bị mọi người xa lánh, tôi quyết định giữ kín bí mật khủng khiếp ấy trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn".

Trong suốt thời gian bệnh, các phương thức điều trị đã gây ra nhiều phản ứng phụ cho cô như tiêu chảy nặng, nôn, ra mồ hôi trộm, nhức đầu, nóng sốt, đau nhức cơ thể, rụng tóc và thương tổn thần kinh. Rebekka phải nằm liệt giường, nôn và tiêu tiểu tại chỗ. Do HIV tự tạo lập cơ chế đề kháng thuốc nên nhiều nhóm thuốc điều trị đã tỏ ra không còn hiệu quả dù cô tốn đến 60.000 USD/năm. Ngoài ra, cô phải chịu đựng các bệnh nhiễm trùng não nặng, thương tổn tuyến tụy, viêm màng não, nhiễm khuẩn đường ruột. Có lúc, trong 4 ngày Rebekka đã phải rút nước tủy sống 7 lần. Mỗi khi đến bệnh viện, cô đều nghĩ có thể hôm nay mình sẽ không trở về.

"Trong vòng 5 năm, tôi trượt dài và không quan tâm đến mọi thứ bởi đang chết dần từng ngày. Tôi nghiện ma tuý, sống buông thả, đôi khi khao khát sống, có lúc lại muốn tự hủy hoại đời mình. Và tôi căm hận những gì đang phải chịu đựng, hận vì thấy bạn bè bay bổng và tôi căm thù chính tôi. Kế hoạch của tôi là phải tự tử trước khi virus có thể giết chết mình...". Đầu năm 1995, Rebekka tự sát bằng cách uống hết số thuốc trị HIV với một bình rượu tequila rồi lái xe tông thẳng vào tường. Cô được cứu sống sau 3 ngày hôn mê 3. Rebekka không ngờ sự kiện này đã mở ra một bước ngoặt quan trọng của đời mình.

Sau 2 tuần điều trị tại bệnh viện, Rebekka về nhà một người bạn thân. Không lâu sau đó, khi đến dự hội thảo dành cho phụ nữ nhiễm HIV, cô gặp một phụ nữ Mỹ gốc Phi đang ở giai đoạn chờ chết. Chị ta mang theo một cái bọc có vật gì đó động đậy; đó chính là đứa con sơ sinh. Biết mình không còn sống được bao lâu nên người mẹ đã mang con đến dự hội thảo để cầu xin sự giúp đỡ. Từ ấn tượng khó phai mờ ấy, Rebekka quyết định dành thời gian còn lại của đời mình để làm những điều hữu ích cho xã hội và những người bị nhiễm HIV.

"Tôi chưa hình dung ra tương lai thế nào, nhưng cảm nhận mình đang bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi thường xuyên theo dõi các thông tin, tài liệu giáo dục và lấy đó làm nguồn động lực. Rồi tôi xuất hiện trước quần chúng với con người thật của mình, hướng dẫn bệnh nhân và chia sẻ cùng họ. Với việc làm này, tôi thấy ý nghĩa và giá trị cuộc sống đang dần tăng lên. Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng vì nỗi sợ hãi vẫn luôn tồn tại; đặc biệt là những lúc tôi quá yếu không thể nâng nổi đầu lên, không thể đi bộ, chỉ vừa đủ sức để thở, hoặc những khi bị xuất huyết và phải truyền dịch. Nhưng tôi vẫn cố gắng sử dụng quĩ thời gian ít ỏi để làm việc, để quên đi nỗi đau và sự thương hại của bất cứ ai.

Với tôi, xuất hiện trước quần chúng là để cứu vớt cuộc đời mình. Giờ đây, tôi sẵn sàng chia sẻ với những người nhiễm hoặc không nhiễm HIV về kinh nghiệm chung sống cùng căn bệnh này, giúp họ có những thông tin căn bản về bệnh và hướng dẫn họ tìm đến các thầy thuốc chuyên khoa".

Năm 1990, Rebekka đã kết hôn với một nhạc sĩ cũng bị nhiễm HIV. Tuy cùng mắc bệnh nhưng virus HIV phát triển khác nhau ở mỗi người nên họ vẫn phải tự bảo vệ trong quan hệ tình dục. Rebekka cho biết: "Tôi đã có được một tình yêu tuyệt vời. Dù không biết bao giờ mới có thể lìa bỏ được AIDS, nhưng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh chống lại căn bệnh này".

Trong website riêng mang tên rebekkaonline.com, cô cung cấp những thông tin chi tiết về an toàn tình dục và cách phòng tránh HIV/AIDS. Theo Rebekka, hiện phụ nữ chiếm hơn 50% những ca nhiễm HIV mới. Cô tin rằng những ai đã nghe mình nói chuyện sẽ có được kiến thức cần thiết để phòng tránh lây nhiễm, sẽ hiểu vì sao phụ nữ dễ có nguy cơ mắc bệnh này và biết cách tự bảo vệ.