Results 1 to 2 of 2

Thread: ấm áp ở trại cai nghiện

  1. #1



    Tại Trung tâm cai nghiện ma túy Nhị Xuân, ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn (TP HCM), nơi có hàng nghìn con người đang cố gắng làm lại cuộc đời. Tết về, tất nhiên họ sẽ thiếu cái không khí quây quần ấm cúng của gia đình. Nhưng bù lại họ lại có một không khí khác: bè bạn, anh em, tập thể...

    Khắp nơi trong trại đều tất bật chuẩn bị trang hoàng và các chương trình văn hoá văn nghệ chào đón năm mới. Đến đội 1 khách sẽ ngỡ ngàng vì tưởng mình đang vào một khu... du lịch. Án ngữ ngay gần cổng khu là một dãy nhà lợp lá dừa nước còn mới với các dãy ghế bán cà phê xếp san sát. Một góc khác là bàn bóng bàn, bida... thoáng mát, lịch sự. Kế bên đó là căn nhà kiên cố trang trí cách điệu với tấm biển lớn "hớt tóc máy lạnh Rạng Đông"...

    Ông Hoàng Văn Thiên, Phó giám đốc Trung tâm Nhị Xuân, hào hứng khoe tất cả đều là của gia đình học viên đóng góp xây dựng, học viên đứng ra làm, mình chỉ giám sát, quản lý.

    Anh Hoàng Trọng Quý, Phó đội trưởng đội 7, cũng đang tất bật với lễ hội tết cho anh em học viên. Đội có tất cả 230 người, gần 80 người sẽ đón tết ở trung tâm lần đầu tiên. Anh Quý nói: "Trong này tết anh em sao, chúng tôi vậy". Tất cả đều chạy đôn, chạy đáo lo Tết cho anh em: mua đồ trang trí, chuẩn bị tiệc, tập võ, tập bóng chuyền, chuẩn bị làm bánh. Năm nay, ngoài bánh chưng và bánh tét, anh em trong đội 7 sẽ được ăn bánh bột lọc đặc sản của xứ Huế do chính họ làm... Còn các khoản như mai Tết, cúng gia tiên, mâm ngũ quả, thi múa lân... đều đã được chuẩn bị đầy đủ.

    P., 21 tuổi, ngạc nhiên: "Em không nghĩ là vào trung tâm lại được đón tết...vui hơn ở nhà". Những ngày xuân trước đối với P. chỉ là những cuộc nhậu, chơi thuốc lắc thâu đêm suốt sáng ở vũ trường, quán bar, ma túy luôn ẩn hiện, không hề biết tới niềm vui trong việc chuẩn bị đón xuân về...

    Mọi người ở Trung tâm Nhị Xuân đang chuẩn bị đón nhiều chương trình vui tết và vui hơn nữa là tết này sẽ có chương trình trực tiếp cầu truyền hình đêm giao thừa của Đài truyền hình thành phố. Mọi người đang cố gắng để thể hiện mình và háo hức chờ. Không khí đã có, bánh trái đã có, mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng... chờ đến đêm 30!

    Hoà cùng với sự tất bật đón xuân ấy, cái xóm nhỏ trên cồn cát trắng bên dòng Hà My (thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, thị xã Hội An, Quảng Nam) vốn tĩnh lặng từ ngàn đời, nay bỗng rộn rịp bóng người đi về sớm chiều. Mới hơn hai tháng nay, trên cồn cát trắng ấy đã có thêm gần 90 căn nhà mới được xây dựng.

    Chủ nhân của những căn nhà ấy là chị Liên bán vé số, anh Tâm phụ hồ, chị Bảy ve chai, bác Năm đổ nước thuê... ở phố cổ Hội An. Dẫu rằng chưa ai trong số họ thoát cảnh nghèo khó, song với họ cuộc sống bây giờ đã hoàn toàn đổi thay. Anh Nguyễn Tâm (40 tuổi) - làm nghề phụ hồ - bộc bạch: "Năm này qua năm khác cả vợ chồng con cái cứ sống chui rúc tạm bợ. Nào ngờ... Tết này có nhà dù gì cũng phải ráng kiếm cho mấy đứa nhỏ bộ đồ mới, sắm mâm cơm cúng tổ tiên, mời ông bà về ăn tết vui vầy với con cháu".

    Bà Bảy "điếc" (60 tuổi) sống một mình cũng chuẩn bị gạo nếp, lá dong gói mấy đòn bánh tét. Bà cười vui: "Gói bánh trước là cúng, sau là để chia cho mấy sắp nhỏ con nhà hàng xóm. Con nhà nghèo, ngày tết chỉ cần có bánh tét là vui".

    Còn chị Nguyễn Thị Kim Liên tuy nghèo nhưng vẫn cưu mang ba mẹ con chị Lý Thị Mỹ Nhung (29 tuổi), cũng là người bán vé số dạo không cửa không nhà. Tết này, mẹ con chị Nhung cũng đã có nhà để ở - đó là một cái chái nhỏ mới cất trên miếng đất trống mà UBND thị xã đã cấp cho gia đình chị Liên.

    Chị Liên giãi bày: "Hồi trước mẹ con tôi cũng vậy. Tôi nói mẹ con cô ấy cứ ở đây, bao giờ thị xã cấp đất thì hẵng chuyển đi". Và trong căn nhà nhỏ ấy đã có bóng dáng mùa xuân với nụ cười của lũ trẻ con khi chị Liên lôi trong bọc giấy mấy bộ áo quần còn thơm mùi vải.

    Ông Nguyễn Sự - chủ tịch UBND thị xã Hội An - tâm sự: "Điều mà chúng tôi tâm niệm phải làm cho bằng được là người dân nào của thị xã cũng phải có một mái nhà để ở. Nếu để dân không có nhà ở, không chốn nương thân, thì chúng tôi có tội với dân...".

    Buổi chiều se lạnh, nhưng không khí những ngày giáp tết ở cái xóm nhỏ ấy như rộn ràng hơn. Mọi người đổ ra đường dọn cỏ, quét rác để chuẩn bị đón tết. Tiếng cười đùa của trẻ con, tiếng trò chuyện râm ran của người lớn như xóa tan cái giá rét cuối đông. Một mùa xuân đang lại về trên vùng quê mới.



    Khi một cánh cửa hạnh phúc đóng lại , một cánh cửa khác sẽ mở ra. Nhưng thường ta cứ ngắm mãi cánh cửa đóng lại để rồi ko thấy cánh cửa đang mở ra. Chúc bạn biết mở cửa.

  2. #2
    Cưới tập thể trong trại cai nghiện


    Lần đầu tiên, một đám cưới tập thể của những người sau cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh Phú Văn, TP HCM, sẽ được tổ chức vào ngày 22/10. Sự kiện này trở thành một động lực mới cho những mối tình đang nảy nở trên vùng đất tưởng chừng rất "khô cằn"...

    Gần 100 cặp tình nhân là người sau cai nghiện đang lao động, học tập và rèn luyện tại Trung tâm Chữa bệnh Phú Văn tay trong tay ngồi nghe các chuyên gia tâm lý, bác sĩ nói chuyện về "sức khỏe - tình yêu - sự nghiệp". Với những bạn trẻ này, mảnh đất Phú Văn không chỉ là nơi chữa bệnh, giúp họ phấn đấu trở thành người tốt mà còn là nơi chứng kiến tình yêu và hạnh phúc của họ.

    Trong những lần tới căng-tin mua sắm, chị Võ Thanh Uyên (quận 8) rất có ấn tượng với cách ăn nói có duyên và vẻ bề ngoài chững chạc của anh nhân viên bán hàng Đoàn Hoài Chung. Bỏ qua mọi mặc cảm, Uyên chủ động viết thư làm quen với Chung. Ban đầu hai người bạn gửi cho nhau những lời thăm hỏi về gia cảnh, động viên nhau cùng cố gắng cai nghiện. Tình cảm của họ ngày càng trở nên thắm thiết qua những lá thư đi, thư lại mang nặng nỗi niềm. Và trong một ngày đẹp trời, Chung đã viết những lời của trái tim đang thổn thức vì yêu gửi cho cô bạn gái thân nhất. Uyên đã khóc, thức trắng đêm vì sung sướng khi nhận được lời tỏ tình.

    Chung vui vẻ nói: "Trong thời gian cai nghiện tại trung tâm, bọn em thiếu thốn tình cảm và chân thành tìm đến với nhau để cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn". Vừa khoác tay người yêu, Uyên vừa kể: "Những lúc ốm đau, gặp chuyện buồn, tình yêu của anh Chung đã giúp em có thêm nghị lực để chiến thắng bệnh tật, chiến thắng chính bản thân mình". Mối tình của Chung - Uyên được hai bên gia đình ủng hộ và nhiệt tình vun đắp. Vào những ngày thăm nuôi, bố mẹ hai bên lên thăm cũng động viên cả hai.

    Tình yêu của Nguyễn Quốc Cường (25 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức) và Nguyễn Ngọc Thảo (sinh năm 1983, quận 3) đã trải qua 29 tháng thử thách. Cường và Thảo đến với nhau một cách tình cờ. Trong một buổi giao lưu văn nghệ, Cường đã "chấm" và quyết định "tấn công" cô bé có đôi mắt đen láy và nụ cười rất duyên ngồi bên cạnh. Sau một thời gian "cưa cẩm", thần tình yêu đã mỉm cười với anh. Thảo bật mí: "Trước kia, chúng em chỉ có thể trao nhau những lời yêu thương qua những lá thư tình. Thời gian gần đây, Ban giám đốc tạo điều kiện cho các cặp tình nhân là học viên cai nghiện được gặp gỡ, tâm sự thông qua những buổi hát karaoke".

    Ông Tạ Vạng Đức, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh Phú Văn, khẳng định: "Chúng tôi tôn trọng tình yêu trong sáng, chính đáng của người sau cai và cố gắng vun đắp cho những mối tình ấy đơm hoa kết trái. Trung tâm bố trí phòng hát karaoke và phần thưởng cho những cặp tình nhân rèn luyện tốt là những buổi gặp gỡ, giao lưu".

    Không giống những cặp tình nhân khác ở Phú Văn, Đỗ Thị Xuân Hương (33 tuổi) và Nguyễn Quốc Hiệp (30 tuổi) đã yêu nhau trước khi vào trung tâm cai nghiện. Hương kể: "Tháng 12/2001, chúng em chuẩn bị làm đám cưới thì Hiệp bị tập trung đi cai nghiện. Em cũng "chơi" hàng trắng nên tự nguyện lên trung tâm cai cùng anh". Sau một thời gian cùng nỗ lực từ bỏ ma túy, Hương và Hiệp vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ: "Cùng nhau sống dưới một mái nhà nhỏ để chăm sóc và động viên nhau cố gắng làm lại cuộc đời".

    Đám cưới của 14 người sau cai thu hút được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Đã có 5 đơn vị nhận lo thiết kế sân khấu, tổ chức chương trình hôn lễ và tài trợ bánh, nhẫn, ảnh, trang phục và in tặng thiệp cưới... Sẽ có 400 quan khách là thân nhân học viên và lãnh đạo thành phố, đại diện các sở, ban ngành, đoàn thể và hàng trăm học viên tới dự cùng chung vui với các cô dâu, chú rể. 14 "nhân vật chính" của đám cưới đã được tư vấn đầy đủ về tình yêu, sinh sản và phương pháp phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục... Họ đã sẵn sàng để bước vào cuộc sống gia đình.

    Trung tâm Chữa bệnh Phú Văn dành khu nhà tập thể là chỗ ở của cán bộ công nhân viên làm "khu nhà hạnh phúc" cho 7 cặp vợ chồng son. Trước mắt, các cặp vợ chồng này sẽ được gặp nhau 2 lần trong một tuần tại "khu nhà hạnh phúc". Về lâu dài, khi đề án "Làng tái định cư" hoàn thành, trung tâm sẽ bố trí chỗ ăn ở, hỗ trợ vốn, giao đất cho các gia đình tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống.



    Hải Yến
    Khi một cánh cửa hạnh phúc đóng lại , một cánh cửa khác sẽ mở ra. Nhưng thường ta cứ ngắm mãi cánh cửa đóng lại để rồi ko thấy cánh cửa đang mở ra. Chúc bạn biết mở cửa.

Similar Threads

  1. GIÚP ĐỠ NGƯỜI NGHIỆN CAI NGHIỆN TẠI GIA
    By cind in forum Hoạt động offline có định hướng của NIEMTIN Group
    Replies: 28
    Last Post: 06-08-13, 04:17 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •