[b]


Có nhiều người mô tả bệnh nhân AIDS như người đang trượt dốc, như đá lăn xuống núi, dãy núi cao của đau khổ. Nhưng khi gặp những bệnh nhân AIDS ở Trung tâm Mai Hòa (Củ Chi, TP.HCM), Trung tâm An Hòa (Q.6, TP.HCM), tôi lại thấy họ như người đang leo núi, leo núi vì họ vẫn đang đấu tranh, níu giữ lấy cuộc sống, từng ngày, từng ngày. Sườn núi rất dốc, đá nhọn lởm chởm và họ cần biết bao những bàn tay giúp sức...

Những khoảng trống được lấp đầy


Sơn là một người đàn ông 43 tuổi, hoạt bát, chững chạc và nói chuyện hay như đọc sách. Anh lăn xe đưa chúng tôi đi thăm khắp các phòng, các khu của Trung tâm Mai Hòa (chuyên nuôi dưỡng bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối), giới thiệu hết người này đến người khác.

Trò chuyện với mọi người một lát, tôi đã lại nghe tiếng Sơn say sưa vọng ra từ phòng bên: "Sắc đẹp không phải là tiêu chuẩn đánh giá phụ nữ. Cô hiểu được không?". Thì ra anh đang dạy tiếng Việt cho một cô Việt kiều "là bạn của anh em bệnh nhân".

Xuân, tên cô gái, đã đến đây được hai tháng và "sẽ ở thêm hai tháng nữa cho đến khi nào rành tiếng Việt" mới về. Mỗi sáng, các bệnh nhân ở đây lại lập thành một lớp tiếng Anh nho nhỏ để Xuân làm cô giáo...

Thấy Sơn vui, tôi hơi e ngại khi đề cập tới chủ đề "bệnh AIDS". Nhưng không, Sơn đã thật bình tĩnh kể lại chuyện đời mình. "Tôi đã có một sự lựa chọn sai: thay vì chí thú làm ăn tôi lại lao vào ăn chơi, hưởng thụ tiền bạc, tài sản của gia đình. Khi tôi quyết dừng chân, làm lại cuộc đời cũng là lúc phát hiện mình mắc bệnh".

#Sơn bảo anh đã thật sự thấy mình rơi vào vực thẳm, rơi tự do. Sau đó là rất nhiều lần mua thuốc rầy, thuốc độc. Sau đó nữa là một đêm Sơn đã lao mình vào đầu tàu hỏa...

"Tỉnh lại trong bệnh viện, điều khủng khiếp nhất tôi phát hiện không phải là mình còn sống, không phải là hai chân đã mất, mà là những giường bệnh trống trơn xung quanh, ánh mắt e ngại, sợ hãi, ghẻ lạnh của những người bệnh, những thân nhân đang chen chúc ở các phòng bên cạnh...". Tôi hiểu điều Sơn nói, đã có nhiều bệnh nhân AIDS kể cho tôi nghe về điều đó.

Tôi nhớ anh Vũ, giáo dục viên ở phòng khám An Hòa (đường Lò Gốm, Q.6), chị Vinh (giáo dục viên tình nguyện, người được gọi là "hiệp sĩ AIDS") cũng kể về nhiều trường hợp như vậy. (Công việc của các anh chị là khám bệnh, phát thuốc cho những người vô gia cư và thuyết phục họ đi xét nghiệm). Rất nhiều người sau khi có kết quả dương tính, sau khi nghe các giáo dục viên tư vấn, phát tờ bướm đã... trốn biệt, cứ như là trốn thì sẽ không còn bệnh. "Bọn họ tìm cách tự xóa mình" - các anh chị giáo dục viên đã nói rất hình ảnh như thế. Nhưng những gì tôi thấy hôm nay thì khác.

Trong phòng đọc sách ở Trung tâm Mai Hòa, tôi thấy một tờ báo tường với cái tên "Điểm sáng" được tô vẽ rất cầu kỳ, rực rỡ. Trên đó có câu chuyện của một người vợ "lỡ lấy phải một anh chồng nghiện", có những hồi tưởng về một người chị gái "chăm lo cho tôi từ khi còn nhỏ, và cũng là người cuối cùng trong gia đình có đủ tình thương để nấu cho tôi bát cháo khi tôi đã phát bệnh"...

Không ít cái tên tác giả ký dưới những bài viết đã không còn trong danh sách bệnh nhân của trung tâm, không ít giường đã bỏ trống: họ đã mãi mãi ra đi..., nhưng những người còn lại vẫn cười, nụ cười rạng rỡ kỳ lạ trái ngược với những tiếng thét đau đớn của thể xác họ.

Sơn "bật mí" cho tôi biết bí mật của những nụ cười: không phải là sự gắng gượng, cũng không phải là che giấu, lướt thắng. Họ đã cười thật sự khi những khoảng trống mênh mông trong tâm hồn một con bệnh cô đơn, khoảng trống về thời gian của một người mất hết việc làm, quan hệ... được lấp đầy.

Tôi biết những nụ cười ấy đầy ắp trong giờ học tiếng Anh với "cô giáo" Xuân, đầy ắp khi mọi người cùng nhau cọ rửa hồ nước, tỉa cây trong khuôn viên trung tâm...

Chung sống với bệnh nhân AIDS

Xuân bảo cô chỉ đơn thuần đến đây và ở lại, chơi và học, thế thôi. Nhưng như thế đã là tất cả với những bệnh nhân AIDS, những người không còn cần gì nhiều, chỉ cần nhất là tình thương. Những người như Xuân không bao giờ chịu nói nhiều về công việc của mình, nhưng chỉ cần nhìn họ làm cũng đủ.

Buổi chiều chúng tôi đến Mai Hòa, mọi người đều đang rất bận rộn. Y tá Tỉnh đang cho một bệnh nhân uống thuốc. Giai đoạn cuối bệnh nhân đã không còn nói, không còn nghe rõ nên cô cứ phải ghé vào tai hét to lên nhưng giọng vẫn rất dịu dàng: "Bà dậy uống thuốc. Uống thuốc rồi mới ăn được". Người bệnh ú ớ cười, ngoan ngoãn đón lấy cái ly.

Bên kia anh hộ lý Tuấn đang đút từng muỗng sữa cho bé Lâm, thỉnh thoảng anh lấy tay xoa đầu, nâng bé lên cho dễ nuốt, cẩn trọng như chính con trai mình. Thằng bé 5 tuổi và có đôi mắt thật đẹp, nhưng căn bệnh đã ăn vào não khiến bé không nhìn, không nghe, không nói được nữa.

Kim Lan thì đang cặm cụi trong bếp đổ vài cái bánh xèo cho các bệnh nhân nữ ăn bữa xế, thỏa mãn cơn thèm quà vặt... Cười rất tươi, cô cho biết công việc của mình "chỉ là nấu ăn thôi, nấu ăn và đi chợ từ sáng tới tối...".

Nhưng nấu ăn cho người bệnh AIDS chẳng phải đơn giản như vậy. Sau mỗi bữa Lan đến hỏi từng người xem họ ăn có vừa miệng, mặn nhạt ra sao... Sao phải tỉ mỉ vậy? Cô lại cười: "Ăn ngon, ăn nhiều họ mới chống đỡ được bệnh. Với lại thời gian của họ đâu còn dài...".

Ngay trước cửa phòng khám An Hòa (Q.6) có treo một băngrôn rất lớn: "Không xa lánh, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS".

Các anh chị giáo dục viên ở đây cam đoan khẩu hiệu đó được thực hiện tuyệt đối triệt để dù rằng công việc tư vấn, hướng dẫn cách tự chăm sóc, tự bảo vệ cho những người vô gia cư rất khó khăn: phải lang thang khắp góc chợ, vườn hoa, bờ kênh để tìm đối tượng.

Có khi để tiếp cận với những người khuân vác, đẩy hàng phải vừa nói vừa chạy theo họ có khi đang say sưa chỉ dẫn, tư vấn cách ngăn ngừa nhiễm bệnh thì công an đến... bắt đối tượng, đồng thời kiểm tra giấy tờ của giáo dục viên; có khi đang đi phát kim tiêm, bao cao su thì nghe đau nhói, cúi xuống đã thấy một mũi kim xóc vào chân...

"Vậy nhưng vẫn đi, đi hằng ngày. Cứ nghĩ đến họ là những người mắc bệnh, mình gặp lần nào cũng có thể là lần cuối, thế là đi...".

Những người như Kim Lan, Tỉnh, chị Vinh, anh Vũ không chấp nhận rằng họ đang hi sinh cho bệnh nhân AIDS. Ngược lại, ai cũng khẳng định họ đã nhận được rất nhiều. Đó là những tình cảm, trao gửi, chia sẻ bằng chính con người, chính cuộc sống của bệnh nhân. Cùng với bệnh nhân AIDS, họ đang chiến đấu từng ngày với căn bệnh, hi vọng và chờ đợi thuốc điều trị, tìm mọi cách ngăn ngừa sự lây lan trong cộng đồng.

"Chẳng có sự đấu tranh, phòng chống nào hữu hiệu bằng sự đấu tranh của chính những người bệnh. Và chúng tôi chỉ có thể thực hiện điều đó với sự giúp đỡ của cả cộng đồng" - Sơn đã nói với tôi như vậy. Và họ đang làm như vậy