Results 1 to 2 of 2

Thread: Chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS

  1. #1

    Công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm nhưng thu nhập của các nhân viên y tế lại thấp . Tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập

    Khu chăm sóc, điều trị bệnh nhân
    lao, HIV/AIDS - BV Phạm Ngọc Thạch


    Từ năm 2003 trở về trước, mức bồi dưỡng cho một y, bác sĩ, nhân viên trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS được trên 2 triệu đồng/quý. Nhưng không hiểu vì sao từ đầu năm 2004 đến nay, chỉ còn 1,2 triệu đồng/người, trong khi công việc lại vất vả hơn trước”. Trong thư thắc mắc gởi Báo Người Lao Động mới đây, tập thể lao động khoa D Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch cho biết như vậy. Tận mắt chứng kiến công việc của họ, chúng tôi thật sự chia sẻ trước bức xúc đó.

    Sống chung với... “tử thần”!

    Khoa D là chuyên khoa chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân lao và HIV/AIDS. Với 15 điều dưỡng, 5 hộ lý và 3 bác sĩ, khoa phải đảm trách 54 giường bệnh không lúc nào trống chỗ. Hầu hết các bệnh nhân HIV/AIDS tại khoa đều đã ở giai đoạn cuối, phát lao đủ loại như lao màng phổi, lao phổi, lao màng não... Cuộc sống của họ chỉ còn được tính từng ngày, từng giờ. Các hộ lý cho biết, bệnh nhân đủ loại như vậy nhưng phần lớn đều là vô gia cư, hoặc có gia đình nhưng sau khi đưa đến BV thì bị bỏ mặc; chỉ đến khi bệnh nhân qua đời mới thấy người nhà trở lại.

    Đến các phòng bệnh, chúng tôi không khỏi ớn lạnh khi chứng kiến cảnh các nữ hộ lý, điều dưỡng chăm sóc cho các bệnh nhân. Trang bị bảo hộ chỉ vỏn vẹn bao tay, khẩu trang, mắt kiếng. Một số bệnh nhân lở loét toàn thân, phải lau rửa, xoa thuốc. Ở một phòng bệnh khác, chúng tôi thấy các bệnh nhân quấn chăn kín mít dù trời đang nóng hầm hập. “Họ sợ bị người khác nhìn thấy mặt”- một hộ lý giải thích. Nếu không được báo trước, chúng tôi cũng không nghĩ rằng có người nằm trong chăn vì người bệnh nhỏ thó, chỉ còn da bọc lấy xương, nằm quanh tròn lại, da nhăn nheo đóng thành vẩy... Khi các điều dưỡng vào chăm sóc, làm vệ sinh thì bệnh nhân mới chịu đưa tay và chân ra ngoài, nhưng thều thào căn dặn “các ông, các bà đừng có nhìn mặt tui nghen”. Một nữ điều dưỡng làm việc ở khoa nhiều năm, chứng kiến biết bao chuyện buồn nhưng chị nhớ nhất hình ảnh một bà mẹ đã chết đi sống lại nhiều lần khi phải chứng kiến 3 đứa con trai của mình lần lượt vào viện và cả 3 lần lượt ra đi...

    Hầu hết các bệnh nhân HIV/AIDS được đưa vào BV Phạm Ngọc Thạch là từ các bệnh viện, trường trại cai nghiện khi đã phát lao. Nhiều người nói khoa D BV Phạm Ngọc Thạch đầy mùi tử khí cũng không quá đáng. Bởi ít ai vào đây có thể lành lặn trở về. Các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đã chăm sóc họ từ miếng cơm, giấc ngủ, tắm rửa, thuốc men..., chỉ còn thiếu mỗi nước là không tẩn liệm sau khi họ mất đi mà thôi.

    Sức khỏe, tính mạng luôn bị đe dọa

    Nhiều người đi thăm nuôi thân nhân điều trị tại BV Phạm Ngọc Thạch đã nói với chúng tôi: “Cực chẳng đã, có người thân bệnh mới phải vô đây, vì nhìn đâu cũng thấy hiểm nguy, bất trắc”. Đó là sự thật. Khi trao đổi điều này với các nhân viên khoa D, họ thú nhận là rất sợ, nhưng vì cuộc sống nên phải chấp nhận. Hơn nữa, nhìn những người đang chống chọi với cái chết từng phút, từng giây, lương tâm, trách nhiệm của một người thầy thuốc không cho phép họ sao nhãng.

    “Tai nạn nghề nghiệp” là điều đáng sợ nhất đối với tập thể lao động tại đây. Nguy cơ lây nhiễm lao, HIV/AIDS rất dễ xảy ra. Nhiều người bị dịch của bệnh nhân văng vào người, vào mắt là chuyện thường. Nghiêm trọng hơn, đã có trường hợp một nữ nhân viên bị kim tiêm đâm vào tay, khiến chị như điên như dại, lúc nào cũng hoảng sợ. Thêm vào đó, họ còn phải đối diện với nguy cơ bị bệnh nhân “trả thù” khi bị phát hiện trốn vào nhà vệ sinh chích hút. Lại có những trường hợp gia đình bệnh nhân vì quá thương con mà nổi nóng, hăm dọa đánh đập, hành hung các nhân viên...

    Nhiều nhân viên cho biết công việc vất vả, hiểm nguy như vậy, nhưng không phải ai cũng hiểu, chia sẻ. Có người vì sợ bị xa lánh, sợ ảnh hưởng đến con cái nên không dám nói cho người thân, hàng xóm biết công việc mình đang làm.

    Tiền lương, thu nhập quá thấp

    Chị K., điều dưỡng viên, cho biết tổng thu nhập hằng tháng của chị cũng chỉ 1,5 triệu đồng bao gồm tiền lương, trực đêm, tiền phụ cấp độc hại, bồi dưỡng chế độ... Với thu nhập như vậy nhưng vừa phải chăm lo cho gia đình, con cái nên cuộc sống rất khó khăn.

    Bác sĩ Nguyễn Quang Hiển, Trưởng Khoa D, nói: “Chế độ quá thấp khiến các anh chị em bức xúc là chính đáng. Nhiều anh chị em còn cho biết, tại một BV Nhà nước khác cũng do Sở Y tế TP quản lý, nhân viên chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS ở bên đó mỗi quý được lãnh bồi dưỡng khoảng 4 triệu đồng, trong khi BV Phạm Ngọc Thạch chỉ được 1,2 triệu đồng. Tôi cũng không biết giải thích ra sao với anh chị em”.

    Qua điều tra, xác minh, chúng tôi được biết thêm, tại khoa D trước kia, mỗi bệnh nhân nhập viện, các nhân viên y tế được trả công chăm sóc, điều trị 10.000 đồng/bệnh nhân/ngày. Nay BV chỉ trả cho mỗi bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng từ 15.000 - 20.000 đồng/ngày, bất kể chăm sóc 1 bệnh nhân hay 10 bệnh nhân! Trong khi tại BV Bệnh Nhiệt đới, các nhân viên chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được hưởng 20.000 đồng/bệnh nhân/ngày (nhân viên trực tiếp điều trị được trả 70%, nhân viên gián tiếp điều trị được hưởng 30%) nên có thu nhập cao hơn hẳn. Vậy mà tập thể lao động ở BV Phạm Ngọc Thạch vẫn phải ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác mang sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình ra đối mặt với tử thần.

    nld.com
    Bài và ảnh: Tấn Đức



    Khi một cánh cửa hạnh phúc đóng lại , một cánh cửa khác sẽ mở ra. Nhưng thường ta cứ ngắm mãi cánh cửa đóng lại để rồi ko thấy cánh cửa đang mở ra. Chúc bạn biết mở cửa.

  2. #2
    BS Nguyễn Huy Dũng, Phó Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch:

    Biết là thấp nhưng phải thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên
    Cách trả bồi dưỡng như hiện nay là thấp. Trước kia, tiền bồi dưỡng tính theo bệnh nhân, còn nay tính theo số lượng nhân viên. Do lúc nào bệnh nhân cũng đông hơn nhân viên, nên công việc nhiều hơn, ngược lại thu nhập thì thấp hơn. Dĩ nhiên là nhân viên bị thiệt thòi. Tuy nhiên, BV thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.

    BS Phạm Thái Sơn, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế TPHCM:

    Thu nhập tại BV Phạm Ngọc Thạch thấp hơn BV Bệnh Nhiệt đới

    Chế độ như tại BV Phạm Ngọc Thạch là rất thiệt thòi cho người lao động. Có sự khác biệt lớn giữa thu nhập của các nhân viên trực tiếp chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại BV Phạm Ngọc Thạch và BV Bệnh Nhiệt đới.
    Khi một cánh cửa hạnh phúc đóng lại , một cánh cửa khác sẽ mở ra. Nhưng thường ta cứ ngắm mãi cánh cửa đóng lại để rồi ko thấy cánh cửa đang mở ra. Chúc bạn biết mở cửa.

Similar Threads

  1. Chăm sóc và giúp trẻ nhiễm HIV hòa nhập với XH!!
    By lisaqn in forum Vui để sống, sống đời cho đáng sống !
    Replies: 0
    Last Post: 23-04-04, 12:36 AM
  2. đi chăm người mắc aids
    By tithuti in forum Đọc báo cho bạn
    Replies: 1
    Last Post: 06-04-04, 03:09 AM
  3. Triệu chứng thường gặp và cách chăm sóc
    By SuperAdmin in forum HIV/AIDS và phương hướng điều trị
    Replies: 1
    Last Post: 29-09-03, 05:58 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •