Theo thống kê từ năm 1994 trở về sau, tuổi dậy thì ở trẻ em VN bắt đầu sớm hơn. Nguyên do: xã hội phát triển, dinh dưỡng vật chất đầy đủ, phương tiện thông tin mở rộng hơn. Ở giai đoạn này, trẻ thường có nhu cầu tìm hiểu, học hỏi về đời sống tình cảm, tình dục của người khác phái.

Tuổi dậy thì bắt đầu từ 12-13 tuổi và chấm dứt vào khoảng 18 tuổi. Trong giai đoạn này tính nết của trẻ cũng thay đổi đi đôi với sự phát triển của cơ thể (chiều cao tăng nhanh từ 8-15 cm/năm và kéo dài khoảng 2 năm). Lúc này trẻ luôn có ý muốn tách rời khỏi cha mẹ, có tính độc lập hơn trong những quyết định của mình. Đây là lúc mà việc giáo dục giới tính (GDGT) phải được bắt đầu. Chúng cần hiều rõ về cơ thể mình hơn, về những sự cố sẽ xảy ra khi có quan hệ tình dục sớm và nguy cơ nhiễm bệnh nguy hiểm.

Thông thường người lớn chúng ta hay né tránh hoặc trả lời không rõ ràng về những điều mà chúng tò mò muốn biết. Ngay cả các giáo viên về GDGT cũng tỏ ra không mấy nhiệt tình trong việc tìm hiểu và giải đáp các thắc mắc từ học sinh của mình. Người lớn phải nhìn nhận vấn đề này theo khía cạnh tâm lý và khoa học, GDGT phải là bước tiếp nối của giáo dục gia đình trong suốt thời gian trẻ hình thành nhân cách. Thái độ tích cực của chúng ta sẽ giúp trẻ tránh được sai lầm. Hướng dẫn, giải thích, chứ không răn đe, kết tội hay lẩn tránh. Nên biết, một khi thắc mắc chưa được giải tỏa thì trẻ sẽ tự đi tìm nguồn thông tin khác (sách báo, tranh ảnh, bạn bè) và những nguồn thông tin này có thể thiếu chính xác và không lành mạnh. Dần dần, trẻ không còn tin tưởng ở cha mẹ nữa, trở nên khép kín và phạm sai lầm một cách đáng tiếc. Người lớn nên ứng dụng thực tế để ứng xử và định hướng cho trẻ thay vì phải lệ thuộc vào phong tục tập quán truyền thống. Tạo cho trẻ những thói quen lành mạnh, rút tỉa kiến thức từ gia đình mình để đủ tự tin vượt qua giai đoạn khó khăn ở tuổi dậy thì.

GDGT ở học đường là sự bổ sung cho những bài học trong gia đình. Theo khảo sát thì trẻ rất thích nghe nói về GDGT. Nó giúp trẻ hiểu rõ cơ thể của mình và cả những cảm xúc khác lạ đối với bạn khác phái. "Cái gì được phơi trần thì sẽ không còn tính cách phạm tội nữa" - một bác sĩ về tâm lý giới tính cho biết như vậy.

Tuy nhiên, hiện nay GDGT học đường chủ yếu vẫn còn gói gọn trong chương trình môn Sinh học ở cuối cấp II, còn sang cấp III thì chỉ có Toán di truyền. Tính thiết thực của môn GDGT chưa được nhìn nhận đúng mức khiến các em có phần mất tự tin do vốn kiến thức còn khiếm khuyết. Mà các kiến thức này có liên quan mật thiết với việc ngăn chặn tình trạng có thai sớm, phá thai vô ý thức, và mắc phải các bệnh truyền nhiễm.