Nói đến ca-ve, người ta thường nghĩ ngay đến những cô gái thất học, gái nhảy... Nhưng hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuất hiện những cave là sinh viên 100%.

Bạn trẻ, HSSV tìm đến cà phê...
Điều đáng lo ngại là số sinh viên nữ đi làm cái nghề “bán trôn nuôi miệng” đang có xu hướng gia tăng. Không biết rồi những nữ sinh này sẽ đi về đâu khi kinh doanh từ nguồn “vốn tự có” của mình như thế này?

ét-vê (SV) hay “ét-ve”?

Một buổi chiều, tôi có việc phải nhờ đến anh bạn hiện đang là sinh viên trường đại học S. Đang ngồi đợi Q. tại một quán nước trước cổng trường, tôi tình cờ thấy có hai thanh niên cưỡi trên hai con Jupiter đỏ chói đỗ xịch trước cửa quán. Một cậu rút điện thoại di động ra gọi. Vì ngồi tương đối gần, tôi nghe được loáng thoáng: “H. đấy à?... Bọn anh đang đợi em trước cổng trường... Ra ngay nhé...”.

Lúc sau, từ một cửa lớp, một nàng ưỡn ẹo đi ra. Nàng mặc chiếc váy đầm đỏ, đi đôi “gộc” (giày cao gót) 15 phân, tóc nhuộm vàng theo kiểu “made in Korea” (Hàn Quốc). Một trong hai chàng nhanh chóng thanh toán tiền rồi phốc lên xe, vụt ra đón lõng nàng kia. Nàng ta nhanh nhẹn leo lên xe, ôm eo chặt như “keo con voi” rồi cùng nhau phóng mất dạng.

Đúng lúc đó cậu bạn tôi cũng bước tới. Tôi nháy mắt về phía hai chiếc Jupiter vừa đi khỏi: “Trường mày có con bé kia trông “kháu” phết đấy!”. “Ấy, đừng! Nó là cave chính hiệu con nai vàng đó. Đụng vào nó là phải có “đô”, có “vé!” - Q. thì thào vào tai tôi. “Tao tưởng nó cũng là dân ét -vê (SV- sinh viên) như tụi mình ?”- tôi tỏ ra ngạc nhiên. Q. xác nhận: “Ừ đúng là sinh viên thật, nhưng cũng là “ét-ve”. Mày hiểu không?”. “Ca-ve ấy hả? Chắc không?”. “Ngày nào tao cũng ngồi ở đây. Làm gì mà chẳng biết. Không tin mày hỏi thử chủ quán coi”- Q. khẳng định như đinh đóng cột.

Dường như nghe được lời trò chuyện của chúng tôi, bà chủ quán từ nãy ngồi yên, giờ chép miệng: “Bọn nữ sinh bây giờ hư hỏng thật. Mà có phải mỗi con đấy đâu. Trường này phải có tới hàng chục đứa. Chẳng hiểu vì sao chúng nó lại đi làm cái việc ô uế đó!?”.

Hôm sau, tôi dẫn người bạn thân lên phố Triệu Việt Vương uống cà phê. Đang say sưa nói chuyện, chúng tôi bỗng phải ngừng lại bởi một nhóm thanh niên bước vào. Trông họ có vẻ là dân chơi. Cậu thì để đầu đinh, nhuộm vàng, lác đác có sợi màu xanh; cậu lại cạo trọc đầu theo kiểu David Beckham... Gọi mỗi người một chai X.O, họ bắt đầu bàn tán đủ chuyện trên trời dưới đất. Hết chuyện chính trị, kinh tế lại đến âm nhạc, thể thao. Cuối cùng, họ dừng lại ở chuyện... chơi gái. Một cậu tỏ ra sành sỏi: “Gái biết chiều (cave đứng đường, gái nhà hàng...) thì thích, nhưng với bọn đấy thì xưa rồi. Chẳng may “vồ ếch” (nhiễm HIV-AIDS) thì nhục cả đời! Mày phải thử cái cảm giác “làm thịt” một đứa con gái có học thức hẳn hoi mà xem, đã đời vô cùng...”. Một cậu xác nhận: “Bọn “ét-ve” (ca-ve sinh viên) ấy gì? Công nhận là sướng thật!”. Cậu tóc vàng liền chồm lên: “Thế bọn mày giới thiệu cho tao với”. Cậu kia trả lời: “Ô kê! Đây là số điện thoại của con Th - sinh viên trường đại học N: 0912363... Mày cứ bảo là bạn của anh L., nhờ em tí việc là nó hiểu ra ngay. Còn con Ng. thì mày cứ đến nhà hàng H. trên phố Thái Hà là gặp thôi. Nó nhuộm tóc vàng, hay mặc áo dây màu đỏ. Trên má phải có nốt ruồi đen... Chỉ có điều với bọn này thì giá hơi “cao một tý”. “Ăn chơi thì phải chịu tốn kém chứ”- cậu tóc Beckham thốt.

Qua tìm hiểu, có thể khẳng định trên địa bàn thành phố Hà Nội có một số lượng không ít “ét- ve”. Phần đông trong số này tập trung ở những trường đại học thiên về nghệ thuật như đại học S.; đại học V.; đại học K... Những ét-ve này ngày ngày vẫn đến trường đều đặn, vẫn học hành, chơi bời vô tư. Mọi người không ai nghĩ họ có thể đi làm cái nghề mạt hạng ấy. Nhưng cứ đến tối, họ lại có mặt ở các nhà hàng, quán bar để “hành nghề”. Tầng lớp sinh viên có mấy ai được bước vào những chốn ấy? Mà lỡ có gặp thì bảo rằng: “Tớ đi “làm thêm” để phụ giúp ba mẹ” - đáng khâm phục lắm chứ! Thành ra các ét-ve này vẫn vô tư tồn tại.

Chân dung những “ét- ve”

Tò mò, tôi liền rủ một anh bạn (tên K.- cũng là một dân chơi có tiếng ở Hà thành) đến nhà hàng H. vào một buổi tối. Không quá khó khăn để chúng tôi nhận ra Ng., ấn tượng đầu tiên về cô là mái tóc được ép thẳng, nhuộm vàng một cách “sành điệu”, dáng cao ráo, nước da trắng, khuôn mặt đẹp như hoa. Nhìn Ng., nếu trong hoàn cảnh khác khó ai có thể đoán em thuộc thành phần này.

Gọi một chai ken, tôi vừa nhâm nhi vừa đưa mắt quan sát để một mình anh bạn tôi “xử lý”. Không hiểu K. đã nói gì với Ng. mà chỉ mười phút sau, cả hai cùng tiến về phía bàn của tôi. Ng. rất tự nhiên rót bia, lấy thuốc lá hút. Tỏ ra khá sành sỏi trong việc này, cô cất tiếng: “Hai anh muốn giải sầu à? Ô kê thôi. Nhưng không biết hai anh có “chịu nổi nhiệt” hay không? “Bao nhiêu thì cô em nói toạc ra đi. Khỏi phải vòng vo!”- K. tỏ ra sành sỏi không kém. “Đã thế thì em nói thẳng nhá: hai - bốn - sáu, ô kê?”. Tôi còn đang lúng túng chưa biết đáp ra sao thì K. đỡ: “Nhưng bọn anh lại có hai mà em chỉ có một. Mà thằng bạn yêu quý này của anh lại không muốn chơi chung”. Không ngờ cô gái đáp: “Chuyện nhỏ. Anh giai chỉ cần ghi số điện thoại của em vào, lúc nào cần thì gọi là em sẽ đem theo hàng tới phục vụ liền. Thực ra, em cũng không thích cái trò “2 trong 1”.

Cho chúng tôi số điện thoại xong, Ng. nhìn đồng hồ rồi cười duyên: “Em xin phép. Bây giờ em có việc phải đi rồi. Hẹn sớm gặp lại các anh”. Ng. vừa ra đến cổng thì có chiếc taxi đã đón sẵn. Cô tót lên và chiếc xe nhanh chóng phóng mất dạng. Lúc này tôi mới hỏi K. xem lúc nãy Ng. đã nói gì. K. trả lời, nó bảo là đang học trường đại học V. Nó bảo vì bị người yêu “đá” nên chán đời, đi làm cái nghề này. Nhưng cũng chưa chắc, dại gì mà nó khai thật với mình. Còn “hai- bốn- sáu” nghĩa là “tàu nhanh” thì hai trăm, “tàu chậm” bốn trăm, qua đêm sáu trăm...”.

Đem chuyện về H. kể cho Q. nghe, không ngờ hắn bảo đã điều tra về mấy con “ét-ve” trường hắn rồi. Thủ lĩnh của nhóm này là T.- vốn sinh ra và lớn lên trên đất cảng (Hải Phòng). Hồi T. đỗ đại học, để cho con học hành được “thoải mái”, vị phụ huynh của T. đã cắn răng thuê hẳn cho con một căn nhà 30m2 với đầy đủ tiện nghi. Vốn ngày còn ở nhà, T. đã nổi tiếng là một kẻ ăn chơi sành điệu. Lên Hà nội - T. khác gì “cá gặp nước”. Ngay khi phụ huynh vừa bước chân lên ôtô về quê, T. đã kéo một lũ bạn mà T. quen ở “trên mạng” tới nhà mình chơi. Lũ bạn thấy T. tuy là dân ngoại tỉnh nhưng “chịu chơi” hơn cả dân Hà thành thì lấy làm thú lắm. Thế là căn nhà của T. trở thành tụ điểm ăn chơi của một đống những “cậu ấm, cô chiêu” chán học.

Trong số này, sinh viên gốc Hà Nội có, ngoại tỉnh có nhưng đều có một đặc điểm chung là ham chơi hơn ham học. Đã thế lại chỉ thích dùng hàng hiệu. Quần áo, giày dép phải là của những hãng danh tiếng: Versace, Gucci... Điện thoại đi động phải là đời mới nhất. Lại còn vàng bạc, đồ trang sức đeo tay, đeo chân, đeo cổ... Bởi vậy chúng nó cần rất nhiều tiền để chi trả cho những đồ dùng, những cuộc chơi bời của chúng. Mỗi tháng cha mẹ chu cấp cho mấy trăm tiền ăn ở, sinh hoạt thì làm sao đủ với chúng. Số tiền đó thậm chí không mua nổi bộ quần áo lót! Chúng đành vay mượn bạn bè, người thân. Không có tiền trả, buộc lòng nhiều đứa phải kinh doanh từ “vốn tự có”. Lúc đầu chỉ có 1, 2 đứa. Sau đứa nọ giới thiệu cho đứa kia. Dần dà chúng trở thành những “gái bao” chính hiệu. Bây giờ chỉ cần có khách gọi là chúng đi ngay, bất kể giờ giấc. Nhờ số tiền “đi khách”, bọn này tiêu xài như rác, ở lớp cũng có người biết chuyện, song cũng chả ai hỏi đâu mà nhiều chuyện.

Trong số này cũng có những đứa không phải là vốn sẵn hư hỏng mà do hoàn cảnh xô đẩy. Cái X. là một ví dụ. Vốn là một đứa con nông dân chính gốc. Lên Hà Nội học, nó phải bươn trải làm thêm để tự nuôi thân và trang trải chi phí học tập. Tuy gốc nông dân nhưng X. sở hữu một sắc đẹp hiếm có, lại chân chất mộc mạc. Lúc nào vây quanh X. cũng là một đống các cậu ấm sẵn sàng “xin chết”. Không may cho nó là bị một thằng sở khanh lừa. Đang lúc chán đời thì gặp bọn con T. Chơi với bọn này một thời gian, sẵn có sắc nước hương trời, X. nhanh chóng trở thành một thành viên “năng động” nhất trong nhóm.

Có một điểm đặc biệt là bọn này cũng không bao giờ đứng đường để bắt khách mà chỉ xuất hiện ở các nhà hàng, quán bar, cùng lắm là một số ĐTDĐ. Thứ nhất là chúng vẫn còn nhan sắc, chưa đến nỗi phải chường mặt ra đường. Thứ hai cũng không dám ra bởi không thể cạnh tranh với gái đứng đường chính hiệu. Thứ nữa cũng sợ giáp mặt bạn bè, thầy cô...

Cứ đến mùa thi, bọn này lại tạm thời “nghỉ giữa vụ”. Chúng cuống cuồng mượn sách vở của bạn bè về nhồi nhét. Thậm chí nhiều đứa trong mùa thi vẫn cứ đi khách vì số tiền học lại, thi lại làm sao so được với số tiền kia. Thi trượt, học lại, bọn nó lại dùng số tiền nhơ nhớp đó để mua điểm, chạy chọt...

Tương lai nào dành cho họ?
Chìm đắm vào những cuộc ăn chơi đàn đúm rồi đi khách, những ét- ve này ngày càng bỏ bê học hành. Chỉ thương những người cha, người mẹ dưới quê cứ tưởng những đứa con của mình vẫn chăm chỉ học tập.
Đã nhúng tay vào chàm rồi thì rất khó rút ra. Dù có thể mua điểm, chạy điểm để tốt nghiệp, những ét-ve này cũng khó có thể kiếm được một công việc tử tế khi ra trường. Nguy cơ ngày càng lún sâu vào con đường làm gái bao, gái gọi... rõ ràng hơn bao giờ hết. Một tương lai mờ mịt đang chờ đón họ. Trong số đó, liệu có ai đủ tỉnh táo, sáng suốt để có thể thoát ra?

MINH TIẾN(CATPHCM)