Results 1 to 2 of 2

Thread: Hiv/aids và phương hướng điều trị

  1. #1
    Hiện nay trên các phương tiện truyền thông đều nói đến thuốc điều trị HIV giá rẻ. Đây là loại điều trị đặc hiệu dành cho những người có HIV nhiều năm sắp chuyển sang giai đoạn AIDS. Ngoài loại điều trị này ra, người có HIV còn có các loại điều trị khác, tùy thuộc vào tình trạng sức khoẻ hay ở giai đoạn nào của bệnh như:
    1/ Điều trị phơi nhiễm: khi có nguy cơ bị lây nhiễm do các vật nhọn đâm gây rách da có chảy máu hay bị dịch tiết, máu bắn vào mắt (nhân viện y tế) hay có quan hệ tình dục không an toàn.... Thời gian điều trị tốt nhất là ngay từ những giờ đầu tiên (2-3 giờ sau tai nạn) và muộn nhất không quá 7 ngày. Tùy theo mức độ phơi nhiễm, có thể phối hợp 2 hay 3 loại thuốc thuốc kháng virus trong vòng 01 tháng. Việc điều trị này được coi như một trường hợp cấp cứu tại bệnh viện Bệnh Nhiết Đới, áp dụng cho mọi đối tượng..

    2/ Điều trị phòng ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con: dành cho thai phụ và trẻ mới sinh. Nếu phát hiện sớm lúc mang thai, người mẹ sẽ được điều trị ngắn hạn với hai loại thuốc Zidovudine (AZT)/Lamivudine (3TC) từ tuần thứ 34 của thai kỳ. Cách điều trị này sẽ giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con từ 30% xuống còn 3 – 5%. Nếu phát hiện muộn vào lúc sanh, thai phụ sẽ được uống một liều Nevirapine duy nhất, muộn nhất là 4 giờ trước khi sanh. Cách này sẽ giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con xuống còn 10 – 13%. Dù mẹ được chọn lựa cách nào thì con của họ cũng được uống một liều sirop Nevirapine 2mg/kg cân nặng trong vòng 48 giờ sau khi sinh.

    3/ Điều trị hỗ trợ: không dùng thuốc mà bằng các biện pháp hỗ trợ khác như dinh dưỡng, thể dục, lối sống lành mạnh ... Áp dụng cho người có HIV ở giai đoạn không triệu chứng

    4/ Điều trị nhiễm trùng cơ hội: Vào giai đoạn cận AIDS các nhiễm trùng cơ hội bắt đầu xuất hiện như nấm miệng, tiêu chảy, sốt, viêm phổi, lao ... Tùy theo loại nhiễm trùng cơ hội, người bệnh sẽ được điều trị tại các chuyên khoa như lao, da liễu ...

    .5/ Điều trị cho trẻ em có HIV: .Bao gồm:

    · Trẻ nhiễm HIV có triệu chứng lâm sàng theo phân loại A,B,C

    · Trẻ có HIV có có suy giảm miễn dịch theo phân loại 2, 3 (phân loại dựa vào lympho CD4)

    · Trẻ sinh ra từ mẹ có HIV(+) trong 6 tuần sau khi sinh, trong khi chờ làm chẩn đoán xác định

    Đối với trẻ từ 0-6 tuần tuổi dùng siro Zidovudine. Hoặc phối hợp thuốc thuốc dành cho trẻ dưới 13 tuổi.

    6/ Điều trị đặc hiệu HIV/AIDS: Được bắt đầu khi người bệnh có các nhiễm trùng cơ hội hoặc có số lượng lympho bào CD4<200/mm3 . Người bệnh được sử dụng các loại thuốc phối hợp kháng virus thuộc các nhóm Zidovudine (ZDV, AZT), Didanosine(ddI), Lamivudine (3TC), Neviparine (Viramune), Indinavir (crixivan), Delaviridine ... theo phác đồ điều trị phối hợp 2 hay 3 loại thuốc. Loại điều trị này tuy không trị hết bệnh, nhưng hạn chế sự phát triển của HIV, giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh, mang lai sự lạc quan cho gia đình và giảm lây lan cho cộng đồng.... Để việc điều trị có hiệu quả cần lưu ý những điều sau:

    · Đây là loại điều trị lâu dài, do vậy cần có sự hợp tác của người bệnh, cũng như người bệnh cần phải được tham vấn đầy đủ để hiểu rõ những lợi ích hoặc bất lợi của quá trình điều trị lâu dài này như chi phí tốn kém (nếu như cả hai vợ chồng muốn điều trị cùng lúc), thuốc có những phản ứng bất lợi như rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon, nôn ói, dị ứng phát ban ngoài da, gây độc cho gan, thần kinh, gây dị dạng bào thai. ... Nếu dùng thêm các loại thuốc khác có thể làm giảm hiệu quả và tăng độc tính của thuốc điều trị HIV...

    · Người bệnh cần tuân thủ chặt chẻ các chỉ định của thầy thuốc như uống thuốc đúng liều lượng, đầy đủ, không tự ý thay đổi thuốc hay ngưng thuốc, cần tái khám khi có các triệu chứng bất lợi...

    Dung Lê

    (Dựa theo tài liệu “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị nhiễm HIV/AIDS của Bộ y tế).
    Khi một cánh cửa hạnh phúc đóng lại , một cánh cửa khác sẽ mở ra. Nhưng thường ta cứ ngắm mãi cánh cửa đóng lại để rồi ko thấy cánh cửa đang mở ra. Chúc bạn biết mở cửa.

  2. #2

    đề Phòng Nguy Cơ Kháng Thuốc Arv




    Hiện nay, một số người nhiễm HIV/AIDS đã tự mua thuốc ARV để tự điều trị. Một số người đang được điều trị ngoại trú lại tự ý chia sẻ thuốc cho người khác. Những việc làm này rất nguy hiểm vì nó làm cho tình trạng kháng thuốc ARV xuất hiện, không những cho bản thân họ mà còn cho những người được họ chia thuốc.
    Ths Đỗ Thị Nhàn, Phó Trưởng phòng Điều trị, Cục phòng, chống HIV/AIDS, kể về một trường hợp tự ý chia sẻ thuốc:
    “ Có hai vợ chồng đều là bệnh nhân của phòng một khám ngoại trú. Vợ anh đã bị lây truyền HIV từ anh. Cả hai vợ chồng anh đều đến phòng khám rất đúng lịch hẹn.
    Cách đây hơn một năm, các bác sĩ đã khám và kết luận anh cần được điều trị thuốc ARV. Tại thời điểm đó, vợ anh vẫn rất khỏe mạnh và chưa cần điều trị. Trước khi điều trị, anh đã được tham gia 3 khóa tập huấn. Anh đã hiểu HIV là gì và đến bây giờ vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này.
    Hiện nay chỉ có thuốc ức chế sự nhân lên của HIV và loại thuốc này sẽ giúp cho cơ thể anh khỏe mạnh hơn, để anh có thể tiếp tục đi làm, để sống và để chăm sóc những đứa con yêu quý của mình. Đó chính là thuốc ARV. Nhưng khi bắt đầu dùng thuốc ARV là anh phải dùng suốt đời và cần uống thuốc đúng như sự hướng dẫn bác sĩ điều trị.
    Tại các khóa tập huấn, anh đã hiểu tuân thủ điều trị là như thế nào. Nghĩa là mỗi ngày anh phải uống thuốc 2 lần vào những giờ nhất định. Anh không được phép quên uống thuốc quá 3 lần trong một tháng. Anh cần có người nhắc anh uống thuốc đúng giờ và đầy đủ. Người ấy chính là vợ anh. Sau một thời gian uống thuốc, tình trạng sức khỏe của anh khá lên trông thấy. Anh tăng cân và đã có thể làm được những công việc nặng trong nhà, những công việc mà trước đây đều do vợ anh đảm nhiệm. Cả hai vợ chồng đều rất vui vì điều đó.
    Nhưng gần đây sức khỏe của vợ anh bắt đầu giảm sút và xuất hiện những cơn ho khan. Anh nghĩ rằng bây giờ sức khỏe của anh đã tốt lên nhiều nên có thể chỉ cần uống thuốc một lần trong ngày. Số thuốc của lần thứ 2, anh đã đưa cho chị uống. Họ đã uống như vậy được gần 2 tháng rồi. Nhưng trái với điều mong đợi của hai vợ chồng. Sức khỏe của vợ anh không tốt lên còn anh thì lại gầy sút đi và xuất hiện những nốt sẩn trên da. Hôm nay cả hai vợ chồng đã đến phòng khám ngoại trú. Bác sĩ khám cho biết, anh đã mắc một bệnh nhiễm trùng cơ hội mới.
    Bây giờ thì anh hiểu rằng không thể chia sẻ thuốc cho người khác vì điều đó không những không tốt cho anh mà còn gây nguy hiểm cho vợ mình. Việc uống thuốc không đủ liều và không đúng như hướng dẫn của bác sĩ có thể sẽ làm cho HIV kháng lại thuốc ARV này. Và cả hai vợ chồng anh đều có nguy cơ bị kháng thuốc. Khi bị kháng thuốc thì phải chuyển sang từ phác đồ bậc 1 sang bậc 2.
    Trong vài năm gần đây, do nhiều nỗ lực, giá của các loại thuốc ARV đã giảm xuống, tạo điều kiện cho nhiều người nhiễm HIV được tiếp cận với việc điều trị này. Tuy nhiên, phác đồ bậc 2 bao giờ cũng đắt hơn nhiều lần so với phác đồ bậc 1. Hiện nay, các thuốc điều trị phác đồ bậc có giá từ trên 3 triệu đến trên 5 triệu đồng/năm tùy loại (trong cùng một phác đồ cũng có nhiều loại thuốc) thì thuốc phác đồ bậc 2 có giá khoảng 45 triệu đến 54 triệu đồng/năm - một chi phí quá lớn đối với bất kỳ người lao động nào.
    Do đó, nếu bạn là người nhiễm HIV, bạn không được tự ý mua thuốc để tự điều trị. Bạn hãy đến các phòng khám ngoại trú, các cơ sở y tế chăm sóc và điều trị nhiễm HIV/AIDS để được tư vấn về điều trị bằng thuốc ARV. Và khi bạn bắt đầu điều trị, bạn phải luôn luôn nhớ rằng: “Phải tuân thủ điều trị để đảm bảo cho việc điều trị đạt kết quả tốt và phòng tránh nguy cơ kháng thuốc” - Ths Đỗ Thị Nhàn nhấn mạnh.

    Khi một cánh cửa hạnh phúc đóng lại , một cánh cửa khác sẽ mở ra. Nhưng thường ta cứ ngắm mãi cánh cửa đóng lại để rồi ko thấy cánh cửa đang mở ra. Chúc bạn biết mở cửa.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •