Sáng nay, cô hiệu trưởng trường mình kéo tay cô vào phòng giám hiệu và nói: ''Cô phải làm thế nào chứ, lớp cô chủ nhiệm có số học sinh yêu nhau nhiều nhất trường đấy!''. Điều đó khiến cô suy nghĩ thật nhiều. Liệu nhà trường, thầy cô và cha mẹ các con có thể cấm đoán được tình cảm của các con không? …

Một buổi họp phụ huynh bất thường ngay lập tức được triệu tập. Nhưng khác với các buổi họp phụ huynh khác, buổi họp này có sự tham dự của cả các con. Và buổi họp được đặt một cái tên nghe có vẻ lạ tai: “Học cách lắng nghe”.

Đầu tiên cô đề nghị tất cả mọi người suy nghĩ trong năm phút, sau đó, đưa ra những ảnh hưởng có thể có của tình yêu học trò. Cô đọc trong mắt các con và cả trong mắt cha mẹ của các con bao nhiêu niềm lo lắng. Năm phút lặng lẽ qua đi nhường chỗ cho không khí ồn ào, náo nhiệt. Cha mẹ các con là những người hào hứng hơn cả. Họ kể được bao nhiêu là “tội” của tình yêu học trò. Nào là khi yêu thì chỉ mê mải nghĩ đến tình yêu của mình, nghĩ đến người mình yêu mà sao nhãng việc học tập, rồi thời gian vốn đã quá ít đối với các con lại bị chia sẻ thêm cho một việc nữa, đó là những buổi gặp gỡ, hẹn hò. Rồi các con trở nên xa cách với cha mẹ hơn, thậm chí còn dối cha mẹ để hẹn hò. Nào là quan hệ tình dục tùm lum, rồi nạo phá thai … Nhưng cái tội to nhất mà tất cả các bậc phụ huynh đều quan tâm đến chính là “Trượt đại học”. Bao nhiêu là “tội” khiến các con ngồi im, không nói năng gì được. Cô thấy những khuôn mặt xinh tươi, hồn nhiên trầm ngâm suy nghĩ. Đã khi nào các con tự hỏi mình về những nguy cơ này trước khi đón nhận tình yêu chưa?

Rồi cũng có một cánh tay rụt rè giơ lên muốn nói. Rất khó nhọc, con chậm rãi nói từng lời: “Chúng con không phủ nhận yêu khi còn đi học có thể có những ảnh hưởng nhất định đến việc học tập như cha mẹ nói. Nhưng ảnh hưởng như thế nào là tuỳ ở cách làm của mỗi người. Không phải tất cả các bạn yêu nhau khi còn học phổ thông đều thi trượt đại học. Kể cả những bạn không yêu nếu không cố gắng thì vẫn trượt đại học như thường. Vậy sao lại đổ hết lỗi “trượt đại học” cho tình yêu học trò?”. Cô sung sướng mỉm cười, thông điệp đầu tiên mà tất cả chúng ta đưa ra là “đừng để tình yêu học trò ảnh hưởng đến chuyện học tập!” Thông điệp này không chỉ làm cô vui mừng mà cả cha mẹ các con và bản thân các con cũng thấy có ý nghĩa.

Con đã ngồi xuống, và thật may, có rất nhiều bạn khác tiếp lời con. Các con nói ra bao nhiêu là lợi ích tốt đẹp của tình yêu học trò. Hẳn là đối với các con, đó là một thứ tình cảm trong sáng lắm, hồn nhiên lắm, không vướng bận bất kỳ sự toan tính nào. Nào là tình yêu giúp các con sống tốt hơn, biết sống vì người khác hơn, biết nỗ lực phấn đấu hơn để không thua bạn kém bè. Các con muốn được cha mẹ, thầy cô trân trọng tình cảm của mình, đừng chỉ lúc nào cũng phê phán, lên án, cấm đoán những tình cảm ấy. Các con cũng muốn cha mẹ, thầy cô hướng dẫn cho các con về tình dục an toàn lành mạnh, hướng dẫn cho các con biết cách tự bảo vệ bản thân trước những hậu quả có thể xảy ra. Các con còn nói rằng, “quan hệ tình dục tùm lum” không phải chỉ ở những nơi mà cha mẹ nghĩ như: vườn hoa, nhà nghỉ, … mà nó còn có thể diễn ra ngay trong mỗi ngôi nhà. Nơi mà cha mẹ các con vì bận bịu công chuyện làm ăn chỉ trở về vào buổi tối mà không biết con mình đã làm gì suốt cả ngày ở nhà.

Những lời các con nói khiến cô và cha mẹ các con giật mình. Đúng là cô cũng như các bậc cha mẹ khác chỉ mải mê cấm đoán các con hẹn hò mỗi tối thứ bảy hay sau giờ học, cấm đoán các con đi xem phim, đi nghe ca nhạc hay đi mua sách, mua đĩa nhạc, những nơi mà thực chất là trong sáng, lành mạnh đối với các con. Cô và cha mẹ các con luôn cảm thấy bất an khi các con xin phép đi sinh nhật bạn hay đi ăn chè vào buổi tối mà không hề nghĩ rằng nếu các con muốn thì “điều đó” có thể xảy ra ngay tại nơi mà không ai có thể ngờ tới.

Cha mẹ các con muốn các con xác định giới hạn của tình yêu học trò. Các con biết tình yêu học trò là những rung động đầu tiên của trái tim, nhưng để những tình yêu ấy đến với bến bờ hạnh phúc, các con cần biết giữ gìn sự trong sáng của tình yêu và tự chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết. Những hành trang này các con có thể học ở trong nhà trường, qua sách báo và học cả ở cha mẹ, thầy cô. Vậy là thông điệp thứ hai mà cô, cha mẹ các con và bản thân các con đều thống nhất đưa ra là “Tình yêu trong sáng và tình dục lành mạnh”. Tất cả chúng ta đều mong rằng các con đủ sáng suốt để thực hiện điều đó và các con yên tâm, cha mẹ, thầy cô luôn ở bên các con mỗi khi các con cần.

Hai thông điệp quan trọng đó được tất cả mọi người ghi nhận. Chúng ta ra về trong sự hân hoan, vui sướng mà không biết rằng mình đã nhận được một thông điệp quý giá, quý hơn cả hai thông điệp ở trên, đó chính là “Thông điệp của sự lắng nghe”. Cô ước sao, ngay từ lúc này, cô và cha mẹ các con biết cách lắng nghe những cảm xúc của các con, lắng nghe những mong muốn của các con, có cái nhìn bao dung độ lượng với những xúc cảm, tình cảm của các con và là người bạn để có thể hướng dẫn cho các con những hiểu biết cần thiết khi các con bước vào thứ tình cảm mà lâu nay được coi là “chỉ dành cho người lớn”. Đó chính là tình yêu. Cô cũng ước sao các con biết cách lắng nghe sự quan tâm, lo lắng của cha mẹ, thầy cô, biết cách lắng nghe tương lai mời gọi và biết cách lắng nghe những kiến thức, những lời khuyên chân thành từ người lớn. Bây giờ thực sự cô đã hiểu sức mạnh của sự lắng nghe.