Chính phủ các nước châu Á tin rằng HIV/AIDS đã được kiểm soát. Liệu có quá lạc quan, vì theo Ngân hàng Phát triển châu Á và UNAIDS, đây là thời điểm ''một mất một còn'' với châu Á?


Châu Á đang phủ nhận


Một bệnh nhân HIV đang được điều trị tại Viện Y học Lâm sàng các Bệnh nhiệt đới ở Việt Nam.

Nhiều nguy cơ, vốn đã tồn tại và đang xuất hiện, đe doạ biến dịch bệnh HIV/AIDS ở châu Á hiện nay thành một đại dịch lớn trong tương lai gần. Tính tự mãn nguy hiểm và định kiến xã hội sâu sắc bao quanh căn bệnh này là những trở ngại lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của nó. Tuy nhiên, điều đáng báo động là: Chính phủ các nước châu Á đang phớt lờ những mầm mống lớn của HIV/AIDS - người sử dụng ma tuý và lao động tình dục.

Khi các chuyên gia và nhà hoạt động chống AIDS nhóm họp tại Hội nghị AIDS quốc tế tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 11 đến 18/7, một nghiên cứu kéo dài 18 tháng do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và UNAIDS tiến hành đã kết luận: Đây là thời điểm ''một mất một còn'' với châu Á.

Hơn bảy triệu người hiện nhiễm HIV/AIDS tại vùng châu Á - Thái Bình dương. HIV/AIDS gây ra khoảng 50.000 ca tử vong mỗi năm. Theo báo cáo này, chi phí mà châu Á phải gánh chịu do căn bệnh trên gây ra là 7,3 tỷ USD trong năm 2001. Chừng nào châu Á còn phủ nhận, tổn thất trên sẽ tiếp tục tăng.

Nếu chính phủ các nước không tăng mạnh chi tiêu dành cho các chương trình ngăn ngừa HIV/AIDS cũng như chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, sẽ có mười triệu ca nhiễm mới, 750.000 ca tử vong mỗi năm và tổn thất tài chính mỗi năm sẽ lên tới 17,5 tỷ USD tới năm 2010.

Swarup Sarkar, một trong các nhà nghiên cứu của báo cáo, cho biết: ''Các chính phủ châu Á cần hành động từ bây giờ''. Các chuyên gia và nhà hoạt động chống HIV/AIDS hy vọng Hội nghị Bangkok sẽ gióng lên hồi chuông báo động tại châu lục này. Hàng triệu người tại đây đã bị bần cùng hoá bởi HIV/AIDS. Và chi phí của việc không hành động đối với xã hội cũng như nền kinh tế đang tăng lên khi bệnh dịch chín muồi.

Người ta đã từng hy vọng rằng châu Á sẽ thoát khỏi kiểu tai hoạ AIDS đã huỷ hoạt nhiều vùng rộng lớn ở châu Phi, nơi tỷ lệ lây lan có thể cao tới 40%. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng khuyến cáo sự tự mãn và phủ nhận đang che đậy một nguy cơ lớn đối với khu vực này - một trong năm điểm lây nhiễm HIV mới trên toàn thế giới. TS Chris Beyrer, giám đốc Chương trình Nghiên cứu và Đào tạo Quốc tế AIDS Johns Hopkins Fogarty (Mỹ), nói: ''Chúng ta đang đối phó với các dịch bệnh mới trong khi dịch bệnh cũ vẫn đang tiếp diễn''.


Bệnh nhân HIV ở Ấn Độ.

Do châu Á có dân số đông nên so sánh tỷ lệ phần trăm đơn thuần với vùng cận Sahara của châu Phi đã che dấu tỷ lệ tử vong lớn của người nhiễm HIV/AIDS trong khu vực.

Thử xem xét hai nước đông dân nhất thế giới: Ấn Độ có 4,58 triệu người nhiễm HIV, đứng thứ hai sau Nam Phi với chừng năm triệu bệnh nhân. Tại Trung Quốc, các quan chức ước tính số người nhiễm chưa tới một triệu. Báo cáo của ADB/UNAIDS khuyến cáo số người nhiễm tại quốc gia đông dân nhất này có thể lên tới mười triệu vào năm 2010 nếu không có hành động quyết liệt.

Đối với châu Á, sự gia tăng nhỏ trong tỷ lệ lây nhiễm có thể làm tổng số người nhiễm tăng mạnh. Theo Beyrer, 3-4% dân số trưởng thành đang chung sống với căn bệnh chết người này thực sự là một tại hoạ thảm khốc. Châu Á giàu có hơn vùng cận Sahara của châu Phi - nơi sự ghê rợn của AIDS được truyền tải bằng hình ảnh của những đứa trẻ mồ côi. Tuy nhiên, Beyrer cho rằng xét về mặt dịch tễ, câu chuyện của châu Á vẫn đang hé mở và có xu hướng đi theo một hình mẫu đã được thiết lập tại phương Tây.

Tiêm và nhiễm

Lấy Indonesia, nơi cách đây gần một thập kỷ gần như không có ca AIDS nào, làm ví dụ: Ngày nay, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này, với khoảng 216 triệu dân, đối mặt với một bệnh dịch đang lan tràn. Bệnh dịch bắt nguồn từ những người tiêm chích ma tuý. Indonesia là một ví dụ về cách bệnh dịch AIDS có thể xuất hiện và lan tràn nhanh như thế nào. Một nghiên cứu được tiến hành năm 1996-1997 liên quan tới 800 gái mại dâm ở Jakarta cho thấy không có ai nhiễm HIV. Thế nhưng nhóm y tế của Hải quân Mỹ đã nghiên cứu... sai địa điểm (&#33. Vào năm 2002, các nhà chức trách Indonesia ước tính trong số 160.000 người tiêm chích ma tuý, 85% dùng chung kim tiêm và 50% được tin là nhiễm HIV.

Theo GS Nick Crofts, giám đốc Trung tâm Giảm Tác hại thuộc Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khoẻ công cộng Macfarlane (Australia), bệnh dịch AIDS tại châu Âu và Mỹ lây lan nhanh trong số những người tiêm chích. Họ nhiễm HIV do sử dụng kim tiêm bẩn. Sau đó, họ truyền bệnh cho gái điếm. Mặc dù các quốc gia như Thái Lan đã loan báo thành công trong việc giảm lây truyền HIV thông qua nhiều chiến dịch quan hệ tình dục an toàn, nhiều chính phủ có xu hướng phớt lờ hoặc phủ nhận sự tồn tại của các nhóm có nguy cơ khác, chẳng hạn như khoảng 4,5 triệu người tiêm chích ma tuý khắp châu Á.


Bệnh nhân AIDS ở Thái Lan.

Rắc rối là số người tiêm chích tại châu Á đang tăng lên. Theo Crofts, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 là cú huých cho ngành buôn bán ma tuý bất hợp pháp. Ngày càng có nhiều người hơn tìm đến với ma tuý để thoát ly thực tế hoặc để kiếm tiền. Phương thức xuất khẩu ma tuý từ các nơi như Myanmar và Pakistan đã thay đổi khi nhu cầu tăng lên. Hoạt động buôn bán bằng đường biển nhằm tránh các vụ bắt giữ trên bộ cũng phát triển mạnh.

Điều mỉa mai là cũng có những nguy hiểm bắt nguồn từ thành công trong việc chống HIV/AIDS. Tại Thái Lan, sự tự mãn đang trở lại. Chính phủ nước này đang chi tiêu ít hơn cho hoạt động phòng ngừa. Các nhà hoạt động nói rằng chính phủ không quan tâm đủ tới số ca nhiễm đều đều của các đối tượng tiêm chích và bức thông điệp quan hệ tình dục an toàn, từng có thời rầm rộ và rõ ràng, hiện không tới được một số lao động tình dục.

Xem xét trường hợp của Bombuey, một cô gái Thái Lan có mái tóc dài rủ xuống khuôn mặt để che dấu những vòng tròn tối dưới mắt - dấu hiệu của AIDS giai đoạn phát triển mạnh. ''Anh từ đâu tới?'' - cô hỏi một du khách bằng tiếng Anh của gái bar. Khi được hỏi cô cảm thấy thế nào, Bombuey nhảy cỡn lên để chứng tỏ vẫn khoẻ mạnh. Theo linh mục Joe Maier, giám đốc Trung tâm AIDS ở Bangkok - nơi Bombuey đã được điều trị, cô gái này đang bị lao. Ông nói: ''Trong một vài tuần, cô sẽ trở lại các quán bar ở Phuket để hành nghề lần cuối. Cô ấy sẽ lây nhiễm HIV cho một vài người rồi sẽ trở lại đây để... chết''.


Bệnh nhân Indonesia này nhiễm HIV sau khi dùng chung kim tiêm.
Có nhiều ý kiến khác nhau về cách giải quyết bệnh dịch AIDS ở châu Á. Các tổ chức như UNAIDS và ADB ủng hộ việc tăng chi tiêu để giải quyết nó. Tuy nhiên, hệ thống y tế công cộng của nhiều quốc gia quá yếu kém nên không thể chi tiêu hiệu quả cũng như không có nhiều tiền để tiêu. Họ nói nếu các chính phủ hành động ngay từ bây giờ, số ca nhiễm mới tới năm 2010 sẽ giảm từ mười xuống còn bốn triệu, tránh cho khu vực này tổn thất hai tỷ USD mỗi năm.

Báo cáo mới nhấn mạnh: Khi bệnh dịch phát triển, từ năm 2007 tới 2010, các chính phủ trong khu vực sẽ cần chi 5,2 tỷ USD mỗi năm để ngăn chặn sự lây lan của nó. Đây là một con số khổng lồ so với mức chi tiêu 200 triệu USD hiện nay mà các chính phủ châu Á dành cho chống HIV/AIDS.

Các giải pháp đơn giản

Các tổ chức phi chính phủ nhỏ hơn lại ủng hộ một phương pháp ít tốn kém hơn. Một số chuyên gia nói rằng cách tốt nhất là tập trung vào các hành vi cụ thể đang gây ra nhiều ca nhiễm bệnh nhất. Đây chính là chiến thuật mà Mạng lưới Giám sát Đại dịch AIDS ủng hộ. Mạng lưới này sẽ đưa ra một thông báo trong vài ngày tới. Theo nhà dịch tễ Elizabeth Pisani thuộc Văn phòng Khu vực châu Á của Tổ chức Sức khoẻ Gia đình Quốc tế, một trong các tác giả của báo cáo, HIV đang lây lan tại châu Á và họ biết nên làm gì với nó. Quan điểm của bà là cung cấp kim tiêm sạch cho các đối tượng tiêm chích và bao cao su cho lao động tình dục sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm ở ngoài nhóm nguy cơ cao. Hong Kong là một trong ít nơi tại châu Á có hệ thống hiệu quả, cung cấp kim tiêm cho đối tượng nghiện hút.



Một bệnh nhân AIDS xoè bàn tay nhận thuốc.
Elizabeth nói tiếp: ''Phần lớn người dân châu Á không tham gia vào các hành vi mà làm cho họ có nguy cơ nhiễm HIV. Điều quan trọng là chúng ta tập trung nỗ lực phòng ngừa vào việc cung cấp bao cao su và kim tiêm sạch cho một nhóm nhỏ những người làm chuyện đó''.

Crofts chỉ ra rằng rắc rối là người nhiễm HIV tại châu Á chủ yếu nằm ở rìa của xã hội và thường xuyên di chuyển, gây khó khăn cho quá trình điều trị bằng thuốc chống retrovirus sẵn có. Việc điều trị bằng các loại thuốc này phải được tiến hành nghiêm ngặt và nằm dưới sự giám sát y tế. Do vậy, các cách điều trị đó không phù hợp với những đối tượng nghiện mà đang sống bấp bênh. Ngoài ra, việc không tuân thủ phương pháp điều trị ARV có thể dẫn tới các dạng HIV kháng thuốc.

Cũng thật là khó để thuyết phục các chính phủ châu Á đưa ra lời khuyên đối với đối tượng tiêm chích và lao động tình dục. Nếu một người sử dụng ma tuý tại Nepal còn có thể tìm thấy một kim tiêm để dùng chung trong một nhà vệ sinh công cộng hoặc một người nghiện ở Indonesia có thể mua ma tuý của một người khác trên phố với giá chưa tới mười USD, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS ở châu Á sẽ là điều không thể nếu không có phản ứng phối hợp mạnh mẽ trong khu vực