Hành trình AIDS -3: Cái chết của một người đồng tính
11:32' 22/08/2005 (GMT+7)
(VietNamNet) - Hiếm có câu chuyện nào khiến tôi phải suy nghĩ và nhớ nhiều đến vậy… Chuyện hai người đồng tính yêu nhau, và một người vừa ra đi vì S.



Rít một hơi thuốc dài, tay xoay xoay ly cà phê, nét mặt Qu. trầm buồn: “Anh ấy qua đời là em mất một nửa. Em và anh ấy yêu nhau thật sự…”. Em nhìn thẳng vào mặt tôi, hỏi: “Anh có tin không?”. Tôi im lặng.



Cái chết của người tình đồng tính

http://vietnamnet.vn/dataimages/original/i...282_s-bai3a.jpg


Trung tâm Mai Hòa. Vào nơi này để được về với bụi...
Khi "người yêu" đi xét nghiệm, kết quả HIV dương tính, anh không cho Qu. biết, lẳng lặng chia tay với Qu. Tức giận và sĩ diện, Qu. chấp nhận đường ai nấy đi.



Miệng nói đừng gặp nhau nữa nhưng nhất cử, nhất động gì của nhau cả hai đều rõ. “Nhiều khi điện thoại reo, em chưa kịp a lô thì đầu dây bên kia đã “Em ơi! Anh xỉn quá trời rồi!". Em cũng muốn quên anh ấy đi nhưng không được, có chuyện là em gọi điện cho ảnh, ví dụ như: "Anh ơi! Xe em bị công an chụp rồi!".



Thời gian sau, biết được người yêu có nhiễm S, Qu. bàng hoàng đi xét nghiệm. Kết quả dương tính. Hai người lại quay lại với nhau. Họ ngộ ra và cùng nhau tham gia các đội, nhóm tuyên truyền trong thành phố.


Qu. nhớ lại cảm giác ngày đám tang "anh ấy": “Người ta đều dửng dưng như không, kể cả gia đình ảnh, cha mẹ của anh ấy cũng thế. Hình như chỉ có em mới thấy trống vắng, người cứ như mất hồn”. “Em thấy mình có những khoảng trống khó bù đắp. Gặp lại bạn bè ngày xưa chỉ gượng nói, gượng cười”.



Nhìn hai mắt Qu ráo hoảnh, tóc lòa xoà xoã xuống gương mặt gầy. Ra về, Qu đứng dậy bước đi thất thểu như người mất hồn, suýt ngã…



Những tấm di ảnh tuổi 20




Bữa trưa của các bé bị nhiễm S tại Trung tâm Mai Hoà.
Nhiều người bước ra từ bóng tối nghiện ngập đã rất thấm thía những ngày lao đao. Sống đã lang thang, đến khi trút hơi thở cuối cùng cũng ngoài đường, không người thừa nhận. Khu để hài cốt ở trung tâm Mai Hòa, hầu hết di ảnh trên các hủ cốt còn trẻ lắm, tuổi chừng 18 đến 25. Trong đó có Thủy. Người ta còn nhắc đến Thủy không chỉ vì em đẹp, cái chết của em cũng làm nhiều bệnh nhân ở đây mủi lòng.



Một buổi sáng, cơn đau đầu lên tới đỉnh, Thủy gào: “Dì ơi con đau quá, cứu con dì ơi!”. Soeur giám đốc đã kịp thời thông báo về gia đình em. Ba mẹ và người thân Thủy từ Đồng Nai hớt hải chạy lên. Lần đoàn tụ cuối cùng chỉ có những ánh mắt nhìn nhau và tiếng nức nở. Nước mắt lăn dài, chảy xuống vành tai Thủy.



Soeur Th. còn rất trẻ, đo huyết áp cho em và lắc đầu. Soeur không mặt đồ dòng, đem nước vào gội đầu, chải tóc và hát cho em nghe những bài Thánh ca. Thủy nằm thả một chân xuống giường, đong đua theo nhịp bài hát, mắt mở to thư giãn như chấp nhận, hài lòng. Thủy đã ra đi trong buổi trưa hôm ấy.



Thủy chỉ mới 18 tuổi. Vào Sài Gòn bán cà phê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thời gian sau, nghe lời bạn bè đi làm quán khác. Dần dần, để kiếm được nhiều tiền hơn em đã trượt dài... Một lần bị sốt nặng, người cùng nhà trọ đưa em đi viện, cũng trong lần ấy người ta báo em có nhiễm HIV ở giai đoạn đầu. Bác sĩ tư vấn, em không bán dâm nữa. Sau, kẹt tiền, em lại “ngựa quen đường cũ”. Khi đã “thân tàn ma dại”, Thuỷ bị đuổi thẳng ra đường, một vài người thương tình chở em vào bệnh viện Nhiệt Đới, ở đây các Seour đưa Thủy về Mai Hòa.




Di ảnh trên các hủ cốt còn trẻ lắm, tuổi chừng 18 đến 25...
Mới đây, theo chân một người tình nguyện trong nhóm từ thiện phi chính phủ, tôi đến căn gác ở đường Nguyễn Tri Phương Q.5, TP.HCM. L 21 tuổi đang nằm co rúm một mình trong bóng tối âm u. Cứ đến giờ ăn mẹ L mở cửa đưa đồ ăn vào. Sau khi được tình nguyện viên thuyết phục, L theo anh về nhóm. L. tâm sự: “Từ khi em sinh đến bây giờ không một ai chăm sóc cho em như anh, mẹ chưa bao giờ làm như vậy!”. Hai hôm sau, buổi sáng L chợt gọi: “Anh ơi! em không thấy gì nữa hết, người em run lắm…”. Tôi đưa bàn tay ra trước mặt em, hỏi: “Thấy gì không?”. Em bảo: “Không”. Bỗng dưng em chợt thảng thốt: “Anh ôm em đi! Em sợ lắm". Tình nguyện viên ôm em vào lòng. L thì thào: “Cái đầu em như đang đi xuống giếng…”. Anh ngồi kể chuyện cho nó nghe, nó định nói gì nữa nhưng chỉ gọi được hai tiếng Anh ơi!” rồi trút hơi thở cuối cùng. Thân thể chàng trai 21 tuổi mềm dần trong tay người tình nguyện.



Nhìn cử chỉ L. đưa cánh tay bất lực lên gọi người tình nguyện như cầu cứu. Có lẽ, những người ở đó khó ai quên.



Nước mắt người mẹ


Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 31/5/2005 tích lũy số người nhiễm HIV trong cả nước là 95.871 người. Số bệnh nhân AIDS hơn 15.100 người. Số tử vong do AIDS 8.975 người.

Riêng trong 1 tháng, từ 17/3 đến 16/4/2005 số người nhiễm HIV mới phát hiện là 953, số bệnh nhân AIDS mới là 156, số tử vong do AIDS là 127. So với tháng 3/2005, số người nhiễm HIV mới tăng 419 ca, số bệnh nhân AIDS tăng 51 ca, số tử vong tăng 10 ca. Và con số này không dừng lại ở đây…

Chiều hôm ấy, trong căn nhà lụp xụp, hút sâu trong con hẻm nhỏ ở Q.4. Bà Th ngồi kể chuyện ngày Q.K còn sống. Hai bát hương lạnh lẽo đặt trước hai di ảnh con bà đục màu. Bàn thờ hai nạn nhân của HIV chỉ có thế. Tôi thắp cho người đã khuất hai nén nhang. “Đứa anh lớn đi cách đây 2 năm rồi, thằng nhỏ thì mới cúng trăm ngày ngày cách đây mấy hôm đấy cậu à. Thú thật, tôi có nghĩ là con mình bệnh sida đâu. Tui hay nói với tụi nó là mình nghèo, đừng đua đòi với bạn bè, vậy mà…”. Bà nghẹn ngào, tức tưởi: “Làm mẹ mà, thương nó nên không sợ lây gì hết. Chỉ tội con mình bị mọi người né tránh. Tôi cũng động viên thằng nhỏ: người ta tránh con chứ má đâu có bỏ con. Tôi thấy nó khóc. Ba hôm sau thì nó đi”.



Tình cảm của người mẹ dành cho những đứa con bị nhiễm HIV/AIDS chẳng phải ai cũng như nhau. Có người nghe con sắp chết thì như trút được gánh nặng. Bà L. có đứa con tên N. Hai lần thi trượt đại học, chán, nó theo bạn đi chơi hút chích, rồi nghiện. Khi N bệnh, căn nhà bên đường Nguyễn Tri Phương Q.10 bị mẹ cấm cửa.



Hôm N yếu, một người trong nhà dưỡng cầm tay nó hỏi địa chỉ nhà, anh tìm đến địa chỉ gặp mẹ N, bà nói thật: “Của cải trong nhà tôi nó lấy đi nhiều quá, với lại gia đình tôi là gia đình trí thức, đem nó về cúng bái thì tôi không làm được!”. Anh khuyên bà xuống thăm con lần cuối. Đến nhà dưỡng, bà đứng xa xa nhìn N. Thấy mẹ, N. cố nói trong nước mắt: “Mẹ ơi! Mẹ nhắn với ba tha lỗi cho con, con đã “chôm” của nhà mình nhiều quá, con không còn sức để làm trả ơn cho ba mẹ được nữa.”. Bà nghẹn đắng, bước lại gần N. nói không nên lời, N. lấy hơi lên và không thở nữa.




Trước khi ra đi mẹ đã gửi em lại Trung tâm Mai Hoà để mong em được chăm sóc tới ngày theo mẹ...
Khi tôi đang viết dở bài này, một tình nguyện viên gọi điện báo có đám tang bệnh nhân S, tôi xin được đi theo. Đám tang không kèn, không trống cũng không nhạc. Vài ba người bạn đến thắp nén nhang rồi quầy quả ra về. Chiều hôm tiễn thi hài ra lò thiêu chỉ vẻn vẹn 12 người, tính cả tôi và hai tình nguyện viên thường hay lui tới giúp đỡ. Một tình nguyên viên đi cùng, kể: “Khi được hỏi về nguyện vọng trước khi qua đời, Thằng bé này là người muốn đám tang có kèn trống như mọi người bình thường, mình đã cố thuyết phục gia đình, vậy mà…”.



Chị T.L trước khi ra đi đã mong muốn gởi đứa con gái nhỏ tên Liệu lại trung tâm Mai Hòa, mong nó được chăm sóc, thương yêu cho đến ngày nó theo chị. Biết rằng, ngày ấy sẽ không xa...



Không biết trên đời này còn bao nhiêu bà má phải rơi nước mắt vì những đứa con S.

[COLOR=blue][FONT=Times]