Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tìm ra lý do tại sao một virus có vẻ vô hại lại có thể kéo dài cuộc sống của người nhiễm HIV. Virus GBV-C hoặc virus G này lần đầu tiên đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học vào giữa thập kỷ 90, mặc dù hình như nó đã tấn công loài người từ hàng ngàn năm nay. Virus làm hệ miễn dịch quen hơn nên có khả năng ngăn ngừa HIV tấn công tế bào bạch cầu. Chúng cùng họ với virus viêm gan, nhưng không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Giống như virus viêm gan B và AIDS, virus G lan truyền qua máu và quan hệ tình dục. Nghiên cứu ở người cho máu khoẻ mạnh thấy khoảng 1,5-2% mang virus hoạt động, trong khi khoảng 13% đã từng mắc. 85% trong số 271 nam giới mang HIV dương tính có dấu hiệu nhiễm virus này. Những người không bị nhiễm virus này dễ bị tử vong sau 5-6 năm, gấp 2,78 lần so với người bị nhiễm trường diễn. Nghiên cứu hạn chế do chỉ xem xét những nam giới được khám trước sự ra đời của các thuốc tác dụng mạnh đã cách mạng hoá việc điều trị bệnh AIDS vào giữa thập kỷ 90. Ngày nay, nhiều bệnh nhân AIDS có sức khoẻ khá tốt. Trong nghiên cứu mới đây, tác giả đã so sánh giữa các tế bào bạch cầu nhiễm cả 2 loại virus G và HIV với tế bào chỉ nhiễm HIV. Nhiễm kép làm tăng protein miễn dịch có tên là các chemokin gắn vào "vị trí cửa ngõ" trên tế bào bạch cầu, ngăn HIV xâm nhập. Bước tiếp theo là tìm ra cách kéo dài hoạt động của virus G và thử nghiệm dùng virus điều trị HIV. GBV-C là một nhiễm trùng phổ biến đã được nghiên cứu rất rộng rãi và không gây ra bất kỳ bệnh nào khiến nó khác với những virus sống khác và trở thành một lựa chọn thực tế hơn. Việc thuyết phục bệnh nhân chấp nhận điều trị bằng virus G có thể là một thách thức, mặc dù virus G tỏ ra vô hại song rất khó chứng minh một cái gì đó không gây hại, đặc biệt khi là một nhiễm trùng diễn ra liên tục trong nhiều năm.

Anh Điệp(Health Atoz)