Tình trạng ngộ độc ma túy không chỉ xảy ra ở người lớn mà ngay cả trẻ sơ sinh, trẻ nằm trong bụng mẹ cũng có thể gặp. Bệnh lý này không chỉ có nguy cơ diễn tiến nặng trong giai đoạn cấp mà còn gây chậm phát triển và tổn thương tâm lý trong tương lai.

Ngộ độc ma túy bào thai là loại ngộ độc thụ động do mẹ sử dụng các chất gây nghiện trong lúc mang thai, chẳng hạn như thuốc giảm đau morphin, thuốc ho codein, thuốc ngủ phenobarbital, diazepam… Đặc biệt, trẻ dễ bị ngộ độc nếu mẹ dùng thường xuyên ma túy, rượu.

Hệ cơ quan của trẻ sơ sinh có cấu trúc và chức năng non yếu hơn so với trẻ lớn nên sự hấp thu, phân bố, chuyển hóa và bài tiết các chất gây độc trong cơ thể có nhiểu điểm khác biệt. Sự hấp thu ở trẻ sơ sinh chậm, gây tích lũy chất độc trong cơ thể. Số lượng protein để kết hợp với các chất độc này ít hơn, làm tăng thể tích phân bố, tăng nồng chất độc tự do trong máu, dẫn đến tăng độc tính đối với cơ thể trẻ. Chức năng gan thận của trẻ sơ sinh chưa hoàn chỉnh, dẫn đến khả năng chuyển hóa và bài tiết chất độc kém, làm kéo dài thời gian gây độc đối với cơ thể. Vì vậy, ngộ độc ma túy ở trẻ sơ sinh thường gây tổn thương nhiều cơ quan, kéo dài và quan trọng là ảnh hưởng tương lai lâu dài.

Trong bào thai, ma túy từ máu mẹ vào cơ thể trẻ qua bánh nhau, sẽ làm giảm tiết encephalin (có chức năng điều hòa dẫn truyền thần kinh). Sau khi sinh, trẻ không được nuôi dưỡng qua nhau nữa, đồng nghĩa với việc không có chất ma túy vào cơ thể của trẻ. Do tình trạng ngưng cung cấp ma túy đột ngột, encephalin sẽ không sản xuất đủ, kết quả làm tăng hoạt động hệ thần kinh, tạo nên những triệu chứng kích thích hệ thần kinh.

Bệnh mặc dù xảy ra từ khi còn trong bào thai nhưng không có biểu hiện ở trẻ khi mới sinh mà phải sau khoảng 4 ngày, có khi đến 4 tuần sau sinh. Dấu hiệu đầu tiên là khóc thét, quấy khóc dai dẳng. Trẻ khóc cao giọng, đỏ mặt, ưỡn người. Cơn khóc có khi kéo dài, khiến cha mẹ rất lo lắng. Nếu bệnh xuất hiện sớm sau sinh, trong giai đoạn cấp, thường biểu hiện sau đó là run giật từng cơn nhẹ hoặc có khi là cơn co giật. Triệu chứng co giật ở trẻ sơ sinh thường không được chú ý nếu trẻ được quấn chặt tã và nằm trong tối.

Trong giai đoạn cấp, cũng có thể gặp các dấu hiệu mắt nhìn thẳng, lơ mơ, vã mồ hôi, đỏ da, sốt cách hồi. Bên cạnh những dấu hiệu kích thích thần kinh, trẻ sơ sinh ngộ độc ma túy thường ngủ ít do bị rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, trẻ cũng bú ít do sự kém phối hợp giữa động tác bú và nuốt. Khi bệnh diễn tiến nặng, sẽ có dấu hiệu thở nhanh, thậm chí suy hô hấp.

Những triệu chứng co giật trong giai đoạn cấp kéo dài vài ngày. Nếu được điều trị và chăm sóc tốt, trẻ sẽ hồi phục không biến chứng. Sau giai đoạn cấp, trẻ thường thèm bú trở lại do không còn bị ức chế trung tâm kích thích ăn, tuy nhiên những triệu chứng khác tồn tại dai dẳng đến 8 tuần sau đó.

Trẻ em bị ngộ độc ma túy bào thai thường bị tổn thương từ khi còn trong bào thai và ảnh hưởng này tiếp tục kéo dài. Nếu không được quan tâm và theo dõi đúng, sẽ có hại đến sự phát triển thể chất và tâm lý của trẻ sau này:

Kém phát triển về thể chất: Do tình trạng quấy khóc dai dẳng, khó cho bú, kém ngủ nên đòi hỏi người chăm sóc trẻ phải có sự kiên nhẫn cao. Tình trạng này tác động đến tâm lý thân nhân, làm người chăm sóc trực tiếp bị sang chấn tâm lý, họ luôn cảm thấy lo lắng hoặc cố gắng phải nuôi trẻ, dẫn đến việc chăm sóc và dinh dưỡng không thích hợp.

Trục trặc tâm lý: Trẻ ngộ độc ma túy bào thai có nguy cơ nghiện ma túy sau này cao hơn những trẻ khác. Bà mẹ tiếp tục nghiện ma túy hoặc sống trong môi trường bạo lực là những vấn đề tiếp tục tác động đến hành vi, cư xử, mức độ phát triển tâm lý của trẻ, cùng với nguyên nhân không được nuôi dưỡng, giáo dục thích hợp. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển tâm lý và sự hòa nhập tích cực của trẻ trong cộng đồng.

Trước đây, khi chưa có nghiên cứu về ngộ độc ma túy bào thai, bệnh lý này thường được chẩn đoán lầm với viêm màng não, xuất huyết não, hoặc rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ canxi máu. Vì vậy, trẻ đã không được điều trị, theo dõi một cách hiệu quả.

Ngộ độc ma túy bào thai thường không cần điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Dùng thuốc chống co giật trong những trường hợp trẻ bị co giật, run giật, kích thích nhiều. Ngoài ra, việc kết hợp với dinh dưỡng và tâm lý trị liệu cũng có tác dụng bảo vệ tâm lý và giúp trẻ phát triển thể lực bình thường. Để bệnh không diễn tiến theo chiều hướng xấu, cần loại bỏ các tác động có thể gây ảnh hưởng xấu lên tâm lý trẻ như tình huống căng thẳng, xúc phạm lòng tự trọng của trẻ, sự thiếu thốn tình thương, tâm trạng bất an… Nên bảo vệ trẻ bằng một môi trường thân thiện và vòng tay yêu thương của gia đình.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)