cô gái mắc AIDS và danh sách 32 người tình</span>

<span style=\'color:green\'>Nhiều tháng nay, người dân xã Tân Phú Thạnh, Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang luôn bàn tán xôn xao về cái chết của một cô gái trẻ hồi đầu năm 2006. Cô chết vì căn bệnh thế kỷ. Có thông tin, trước khi chết, cô để lại “bản danh sách 32 người tình”...

Ông Nguyễn Văn Bảo, Trưởng ấp Phú Lợi, cho biết ở ấp có xảy ra một trường hợp chết vì bệnh AIDS là cô D., 31 tuổi, con ông T.

Ông G., sống cạnh nhà D., khẳng định, ông là người trực tiếp tẩm liệm thi thể cô D. trước khi đem thiêu, còn cái “danh sách 32 người tình” thì ông không rõ lắm, nhưng theo ông những gì cô D. để lại sau khi chết còn gấp nhiều lần cái danh sách ấy...

Ông G. kể: “Cách đây 5-6 năm, cô D. có ra miền Trung “làm ăn”. Khoảng ba năm sau cô trở về quê và cặp bồ sống như vợ chồng với một thanh niên ở thị trấn Cái Vồn, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cả hai có với nhau một đứa con rồi bỏ lên Sài Gòn sống".

Do D. cùng lúc quan hệ với nhiều người nên chồng bỏ. Từ đó, D. về quê sinh sống, tiếp tục bước vào nghề bán bia ôm.

Lúc đầu D. bán bia ôm, rồi cà phê đèn mờ tại khu Bản Trắng, xã Long Thạnh (“điểm nóng” về tệ nạn xã hội). Nhiều thanh niên trong xóm đến Bản Trắng chơi độ đá gà và “giải trí” nên gặp D. Sau đó, bị "động", D. chuyển địa bàn, về thị trấn Ngã Sáu mở quán “nước ôm”.

Tại đây, D. có để lại 7-8 số điện thoại là mối quen ở Ngã Sáu. Trong đó có một anh chàng tên N. là cán bộ ấp, mê D. quá nên khi D. về nhà ở ấp Phú Lợi cũng theo về luôn... Điều lạ là trước khi trở bệnh nặng, D. “hồi sức”, da trắng hồng, nhiều người trong xóm không biết vì sao cô này bỗng dưng phát đẹp lạ kỳ. Sau đó, mẹ D. qua nhà ông G xin lá me về tắm ghẻ cho D. và từ đó cô suy sụp, đưa đến bệnh viện thì bác sĩ phát hiện bị AIDS. Khi chết, D. chỉ còn da bọc xương”.

Cũng theo ông G., D. nằm liệt giường, không ăn uống gì cả chục ngày, thế nhưng trước khi chết (26/12 âm lịch) D. bừng tỉnh, bước khỏi giường, đón xe ôm đi Cần Thơ báo tin cho một người tình rằng mình bị AIDS&#33;

“Chắc có lẽ đó là hối hận cuối cùng của nó vì hành động trả thù đời, gây ra nhiều tội lỗi”, ông G. bình luận.

Sau khi D. chết, đích thân ông G. ra Cần Thơ báo tin cho một anh chàng, vì biết anh này thường xuyên vào ấp Phú Lợi đá gà và ở lại nhiều ngày với D. Thế nhưng gia đình nói anh ta đã bỏ đi rồi. Khi nói chuyện, ông G. phán một câu lạnh lùng: “Bây giờ thì chưa thấy gì đâu, nhưng khoảng vài năm nữa ở đây bệnh này nhiều lắm bởi con D. đẹp mà tính nó cũng dễ dãi".

Y sĩ Trần Thị Nương, thuộc Trạm y tế xã Tân Phú Thạnh, phụ trách y tế dự phòng ấp Phú Lợi, khẳng định: “Việc cô D. chết vì bệnh AIDS là có thật. Trước Tết Nguyên đán, tôi có xuống ấp Phú Lợi trong chiến dịch tiêm ngừa trẻ em và biết câu chuyện về cái chết của D. Dù chưa thấy phiếu xét nghiệm nhưng những triệu chứng trước khi chết rất giống người bị bệnh AIDS.

Sau khi biết thông tin trên, tôi đã báo cáo lãnh đạo trạm và Ban chỉ đạo phòng chống AIDS của xã. Tôi còn nghe người dân nói, trước khi chết D. có để lại danh sách 32 người từng có quan hệ với cô ta. Bản danh sách cũng như những thông tin liên quan về cô D. được gia đình giấu rất kỹ, thậm chí danh sách mà cô để lại đã bị đốt rồi. Nếu đó là sự thật thì nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng là rất cao”.

Y sĩ Nương còn cho biết, cũng trong khoảng thời gian trên, tại ấp Tân An cũng có một trường hợp cô gái tên T. chết vì AIDS nhưng gia đình cố che giấu sự thật...

Không chắc chắn có hay không tờ “danh sách 32 người tình”, nhưng hậu quả mà cô gái trẻ chết vì AIDS để lại là nghiêm trọng, giống như lời ông G. khẳng định: “Mấy ông choai choai trong xóm này mua mấy xị rượu đế, vài trái ổi nhậu là rủ nó đến “đãi” cả đám. Mấy ông công nhân của các công ty xí nghiệp trên địa bàn cũng vậy, có vài chục ngàn đồng là hú nó...”.

Theo người dân xóm này, trước khi phát bệnh AIDS thì D. đã có một thời gian trở về bán dâm trong xóm. Chị H., một người ở gần nhà D. tâm sự: “Thú thật với chú, nói ra thì sợ người khác buồn, nhưng nếu tôi có con gái tôi sẽ không gả ở đây. Sợ lắm...&#33;”.

Cũng theo chị H., sau cái chết của D., những chị em nào có đức lang quân từng “đi qua” những nơi D. hành nghề như khu Bản Trắng (Châu Thành A) hay khu vực thị trấn Ngã Sáu (Châu Thành) đều sống trong tâm trạng lo sợ và nghi ngờ...

Không nói ra nhưng theo chị H. đã có nhiều gia đình cãi vã nhau sau cái chết của D. Đó là chuyện của chị em phụ nữ ấp Phú Lợi, còn đối với thanh niên, đàn ông trong ấp về “bản danh sách 32 người tình” của D. luôn là đề tài bàn luận dẫn đến những suy đoán nghi kỵ lẫn nhau.

Một thanh niên trong ấp, úp mở: “Sau cái chết của D., khoảng hai tháng thì thằng T. bỏ đi làm ăn xa. Thằng này thì tôi thấy từng nhậu với con D...”.

Ngay cả bây giờ, không riêng gì thanh niên mà kể cả những người đàn ông đã có vợ đi làm ăn xa hay gia đình có biểu hiện bất hòa là dư luận lại nghĩ ngay đến... AIDS.

Cha mẹ D. cho biết: “Chuyện danh sách gia đình tôi có nghe nhiều người nói nhưng không thấy. Trước đây, chúng tôi không cho mọi người biết con mình chết vì AIDS vì sợ dư luận”.

Trong lúc nói chuyện vợ chồng bà luôn tay vuốt tóc đứa bé gái tuy dáng người gầy yếu nhưng khuôn mặt rất dễ thương với đôi mắt to tròn đen nháy. Cháu mới 5 tuổi đã mồ côi.

Vợ chồng bà nói trong nước mắt: “Không giấu gì chú, cháu ngoại tôi cũng đã đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với HIV. Hết mẹ rồi tới con. Lấy đâu ra tiền để lo cho nó&#33; Nhà có ba công đất là tài sản quý giá nhất do ông bà để lại cũng đã đem đi cầm cố được hơn cây vàng lo tiền thuốc men cho con D. hết, không biết khi nào mới chuộc lại được... Có cha cũng như không, vì cha đã bỏ mẹ con nó từ ba năm nay rồi và nghe đâu cha nó đã chết trước mẹ nó&#33;”.

Bà cho biết, dạo này cô cháu ngoại ăn rất kém, đêm nào cũng khóc vì nhớ mẹ. Còn việc thuốc men chữa trị cho cháu, sau khi đi xét nghiệm ở Cần Thơ lần một biết cháu nhiễm HIV, gia đình tiếp tục cho cháu xét nghiệm lần hai... nhưng do mặc cảm gia đình đã không đi lấy kết quả, đến bây giờ không biết cho cháu uống thuốc gì. Tất cả là sợ sự kỳ thị của xóm ấp.

Đến UBND xã Tân Phú Thạnh. Quyền Chủ tịch UBND xã, ông Võ Thanh Tường, khẳng định: “Dư luận ở ấp Phú Lợi tôi mới nghe báo cáo cách đây có ba ngày. Như vậy là quá chậm. Chúng tôi đã chỉ đạo công an và y tế xã tổ chức đi nắm lại thông tin. Xác định nếu thông tin cô gái chết vì AIDS là chính xác, với dư luận ồn ào như vậy thì sẽ làm rõ trách nhiệm của từng người. Sau đó chúng tôi sẽ báo cáo lên cơ quan chức năng cấp trên phối hợp giải quyết theo pháp lệnh phòng chống AIDS".

Trường hợp của cháu bé., bác sĩ Trang Văn Ân, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng (TT YTDP) huyện Châu Thành A, cho biết: “Chúng tôi có nhận được danh sách do TTYTDP tỉnh Hậu Giang chuyển xuống có một cháu gái năm tuổi, ngụ địa phương trên nhưng khác tên con của D. Vì vậy, chúng tôi sẽ xác minh lại. Nếu đúng thì chúng tôi sẽ điều trị cho cháu. Riêng vấn đề dư luận trên, tới đây chúng tôi sẽ liên hệ với chính quyền địa phương, mời đại diện các gia đình trong ấp đến để tuyên truyền về cách thức phòng chống và nhận biết AIDS”.

Anh Lê Minh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Châu Thành A, nhấn mạnh: “Dư luận đã tồn tại gần nửa năm trời mà ấp không báo cáo xã, rồi xã không báo cáo huyện. Thời gian quá lâu mà nếu không có danh sách hay danh sách đã bị thủ tiêu thì dễ gì những đối tượng liên quan thừa nhận. Vì vậy, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương, Ban chỉ đạo phòng chống AIDS, TTYTDP huyện điều tra lại từ đầu. Qua đó, xác minh lại mối quan hệ của D., nếu rõ được đối tượng nào đã từng quan hệ với D. sẽ vận động họ đi xét nghiệm máu, từ đó có biện pháp quản lý, tránh lây lan”.

Gia đình cô D. đã thừa nhận cô chết do bệnh AIDS và cháu gái họ hiện cũng nhiễm HIV. Dù trước đây họ giấu kín nhưng dư luận xôn xao và tồn tại lâu như vậy, đúng ra với trách nhiệm của cán bộ địa phương thì ấp phải báo lên xã và xã phải báo lên huyện (vì đây là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cộng đồng).

Thế nhưng khi đề cập việc này thì một cán bộ ấp lại nói, vì đây là dư luận, chưa xác minh chính xác nên không báo cáo.