Ba ơi!

19-06-2006 23:38:47 GMT +7


“Hồng ơi, ba thấy mệt quá...!”. Đó là câu nói cuối cùng ba dành duy nhất cho tôi và cũng là lần cuối tôi được ôm ba, xoa vào ngực ba như truyền chút hơi ấm để rồi ba đi xa mãi mãi.

Tôi đến lớp với tâm trạng lo lắng, bồn chồn nhưng không hiểu tại sao. Tôi cứ nghĩ vì nghe ba than mệt nên tôi xót dạ, nhưng đây không phải là lần đầu. Lòng tôi nặng nề hơn khi cơn mưa chiều ngày càng nặng hạt, trời nổi dông, sấm sét liên hồi và tôi lo sợ. Điện thoại di động của tôi vang lên và đầu dây bên kia là giọng em gái nghèn nghẹn: “Ba bệnh nặng, chị về gấp!”. Chạy vội về nhà, nhìn ba nằm trên giường với gương mặt hồng hào, thanh thản, tôi vẫn không tin ba mất.

Mặc dù là con thứ nhưng tôi là đứa con gái được ba cưng nhất. Mẹ kể lại hồi sinh tôi thiếu tháng, chỉ hơn ký rưỡi nên phải nằm trong lồng kính, vậy mà với tay nghề bác sĩ thâm niên của ba, tôi cũng vượt qua được giai đoạn nguy hiểm nhất. Trong 3 tháng đầu, đêm nào ba má cũng thức trắng vì tôi luôn khóc, nóng sốt lại co giật. Rồi má bị bệnh, ba thay má đút từng muỗng sữa cho con gái. Với đồng lương ít ỏi trong bệnh viện thì làm sao nuôi nổi vợ và 4 con, ba phải chạy vạy, làm thêm, trực đêm ở bệnh viện...

Sau giải phóng, ba làm cùng lúc 2 bệnh viện và mở phòng mạch tại nhà nhưng cũng chủ yếu giúp đỡ người nghèo khó. Má làm y tá cho ba. Rồi tôi vào trung học, đi hợp tác lao động nước ngoài. Xứ lạ quê người, mọi thứ với tôi thật đáng sợ. Một lần bệnh nặng phải nằm viện, tôi ước có bàn tay của ba để tôi bớt đau đớn. Nghe con gái cưng bệnh, ba không ăn không ngủ. Ngày về nước chỉ có má ra đón và tôi nghẹn ngào khi biết vì lo cho tôi mà ba đổ bệnh, liệt nửa thân. Gặp lại con như thêm sức mạnh, ba tự điều trị và đi lại được. Nhưng càng lớn tuổi sức khỏe yếu đi, một lần bị choáng và té ngã, ba bị liệt nửa người lần thứ hai.

Tất cả như đã an bài, sau chuyến ba má thăm quê trở về, má bị nhồi máu cơ tim đã về chốn vĩnh hằng. Còn ba, mất người bạn đời, đau khổ rồi ngã bệnh. Lần này ba không còn sức lực để chống lại, ba nằm một chỗ, mọi sinh hoạt hằng ngày phải có người lo. Tôi trở nên bất lực nhìn ba yếu dần theo ngày tháng. Rồi cuối cùng, ba cũng về với má.

Cuộc đời ba là những chuỗi ngày vất vả. Năm mười tuổi, ba rời xa làng chài miền Trung vào Sài Gòn làm đủ nghề để kiếm sống. Qua hơn mười năm lận đận, ba có được nghề may. Nhưng không bằng lòng, thời gian rảnh ba đọc sách, nghiên cứu y khoa. Cuối cùng mơ ước trở thành bác sĩ của ba cũng đạt được...

Chiều nay, dọn dẹp tủ sách y khoa của ba cho ngăn nắp, tôi đọc được những dòng nhật ký ba viết vội vàng: “...Con gái yêu, làm người phải biết vượt qua khó khăn. Khó khăn giúp ta trưởng thành và chín chắn hơn. Mai này dù không làm bác sĩ nhưng con gái của ba vẫn phải là người giúp ích cho đời...”.