Các bài hát lặp lại trong đầu - nỗi ám ảnh của nhiều người


Phụ nữ dễ cáu tiết hơn đàn ông khi bị ám ảnh bởi một đoạn nhạc.
Rất nhiều người phàn nàn rằng tại một vài thời điểm nhất định trong cuộc sống, họ lại bị tra tấn bởi một bài hát cứ lặp đi lặp lại trong đầu. Một nghiên cứu mới đây cho thấy những người thường xuyên bị hành hạ bởi hiện tượng này có xu hướng loạn thần kinh nhẹ, hay do nghe nhạc thường xuyên.

Thủ phạm thường là những bài đầu tiên hoặc cuối cùng mà chúng ta nghe thấy trong các tình huống khác nhau, như bản nhạc đánh thức vào mỗi buổi sáng hay bài hát cuối cùng trước khi ta tắt máy. "Bất cứ thứ gì cũng có thể mắc lại trong đầu. Tôi nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta lại bị hành hạ bởi những giai điệu quái quỷ riêng", James Kellaris của Đại học Cincinnati, Mỹ, nói.

Trong một nghiên cứu trước đây về hiện tượng này, Kellaris đã tìm ra rằng nỗi ám ảnh đó thường là những giai điệu đơn giản, lặp đi lặp lại và chứa một yếu tố làm người nghe ngạc nhiên.

Trong cuộc khảo sát mới đây, Kellaris đã điều tra 559 người có độ tuổi từ 18 đến 49, hỏi về tần số các giai điệu lọt vào đầu, quá trình ám ảnh kéo dài bao lâu và hiện tượng này thường xảy ra khi nào. 98% trả lời họ từng bị ám ảnh bởi các bài hát. Hầu hết nói rằng quá trình đó xảy ra thường xuyên và kéo dài trung bình vài giờ.

Những bài hát có lời thường là thủ phạm chính. Kellaris cho đó là điều bình thường, không chỉ giai điệu mà cả lời bài hát cũng mắc lại trong đầu, ông gọi đó là "triệu chứng lời bài hát ngớ ngẩn". Kết hợp cả giai điệu và lời hát sẽ khiến những đoạn nhạc dính chặt lấy người nghe trong vài giờ.

Hiện tượng này cũng thường xảy ra với những người có triệu chứng loạn thần kinh ở mức độ không quá nghiêm trọng, chủ yếu là người hay băn khoăn, lo lắng và có thói quen như cắn bút chì hoặc gõ ngón tay.

Để bảo vệ mình khỏi phiền toái này, Kellaris khuyên mọi người đừng lo lắng ngay khi có một bài hát xuất hiện trong đầu và tránh nghe nhạc trong một thời gian nếu nó quá dai dẳng. Một số người cũng cho biết đã tìm cách thoát khỏi nỗi ám ảnh đó bằng cách tìm nghe một thứ khác, tập trung vào một hoạt động nào đó hoặc tìm cách xoá bỏ đoạn nhạc bằng cách hát lại toàn bộ bài hát.