Sáng 24/5 TP HCM chính thức khai trương ba cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Methadone tại quận 4, 8 và Bình Thạnh. Theo kế hoạch, các điểm trên sẽ thí điểm khám, điều trị hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân.

Địa chỉ của cơ sở gồm: 396/27 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4; 8/104 Đinh Bộ Lĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh và 958/24K Lò Gốm, phường 8, quận 6. Chương trình kéo dài đến hết năm 2008.

Tham gia chương trình là những người nghiện ma túy ít nhất 3 năm, từ 18 tuổi trở lên, đã cai nghiện nhiều lần nhưng tái nghiện, tự nguyện tham gia điều trị bằng Methadone.

Một điều kiện khác, người bệnh phải có hộ khẩu thường trú tại TP HCM, có giấy giới thiệu của UBND phường, xã nơi cư trú; không có hành vi tội phạm, không bị khởi tố và không có hành vi gây rối trật tự hoặc trộm cắp.

Tiến sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban phòng chống AIDS TP HCM, cho biết, Methadone là một dạng dùng thuốc gây nghiện nhẹ để thay thế các dạng chất heroin, do đó cách điều trị này còn gọi là "lấy độc trị độc".

Methadone được dùng dạng uống nên loại được nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu. Thuốc này cũng ít gây nghiện hơn heroin và không đòi hỏi phải tăng liều (mỗi ngày chỉ dùng 1 lần). Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng đối với người nghiện các chất ma túy khác như: cần sa, valium và cocain.

Methadone được Bộ Y tế chọn điều trị thí điểm tại Hải Phòng và TP HCM. Sau khi thí điểm, nếu phải đóng phí, mỗi ngày người bệnh cũng chỉ mất khoảng 6.000 đồng một liều.

Methadone được nghiên cứu điều trị ở Mỹ từ năm 1965, sau đó có mặt ở gần 70 quốc gia trên thế giới.

Năm 2005, chỉ tính riêngchâu Âu đã có 585.000 người tham gia điều trị thay thế bằng methadone. Ở khu vực châu Á hiện nay có Trung Quốc là nước áp dụng khá mạnh chương trình này với 503 phòng khám ở 23 tỉnh với hơn 60.000 người tham gia. Thái Lan cũng đã xây dựng chương trình này từ những năm 1980.