Results 1 to 2 of 2

Thread: Hành trình đến đường vinh quang của một con nghiện

  1. #1

    Hành trình đến đường vinh quang của một con nghiện

    (Thứ ba , 09/09/2008, 00:14)

    (CATP) Khoa và tôi đến Báo CATP cùng một thời điểm, năm 2000. Tôi đến để xin một chân cộng tác khi vừa tốt nghiệp Đại học Báo chí. Khoa đến bày tỏ ước muốn làm một điều gì đó cho công tác phòng chống ma túy khi vừa ra khỏi trại cai nghiện. Khoa gầy còm, xanh xao, trắng nhợt, thao thao vẽ một bức tranh đầy màu sắc, rực rỡ và trong sáng.

    BƯỚC TRƯỢT DÀI CỦA CHÀNG TRAI 15 TUỔI


    Trần Song Khoa (SN 1980) là con út và con trai duy nhất của một tiến sĩ, công tác tại Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam, mẹ làm ở Tổng công ty phát triển và kinh doanh nhà TPHCM. Những năm cấp 2, lúc nào Khoa cũng có tên trong đội tuyển chuyên toán của trường. Học giỏi, con nhà giàu đã tạo nên thói tự mãn. Trong số cậu ấm cô chiêu mà Khoa kết bạn có một thằng bạn sau này nằm trong băng cướp Rồng xanh. Gã trai 15 tuổi tên Khoa lúc nào cũng muốn chứng tỏ bản lĩnh. Lần đó, cả đám đi chơi, Rồng xanh mang theo tép heroin trộn vào điếu thuốc lá. Cả bọn chuyền tay nhau hút. Đầu óc quay cuồng, Khoa lê thân về đến nhà, ói vật vã xong thì lăn ra ngủ từ chiều cho đến hết ngày hôm sau.

    Lúc đó truyền thông và thông tin về tác hại của ma túy không nhiều và rõ ràng như bây giờ. Không biết nên không sợ, vài hôm sau đi chơi, Khoa lại hút thuốc lá tẩm heroin. Sáng thức dậy mệt, nước mắt nước mũi trào ra, Khoa tưởng mình bệnh, mua thuốc uống, uống hoài không khỏi. Kể cho đám bạn nghe tình trạng của mình, chúng mua ma túy cho hút, thấy khỏe, tỉnh táo, sảng khoái. “Lúc đó tôi mới biết mình nghiện. Hóa ra nó không làm cho mình thèm mà không có nó mình sống dở chết dở! Ba tháng hè, tôi lao vào ma túy mãnh liệt như con thiêu thân”.

    Vốn dĩ ba mẹ không khắt khe với Khoa chuyện tiền bạc, nhất là tiền học. Học phí, học thêm, tiền mua sách, tiền tiêu vặt... đủ thứ tiền được Khoa phịa ra. Nhu cầu cứ tăng vùn vụt, các khoản tiền dù kê khống đủ kiểu vẫn hụt, Khoa bắt đầu chôm tiền nhà, rút ruột những cọc tiền của mẹ cất trong tủ. Bỏ ăn, cơ thể suy nhược, giờ giấc sinh hoạt bất thường và tiền liên tục bị mất, tất cả đã tố cáo Khoa. Lần đó, Khoa phải nhập viện để mổ ruột thừa. Bác sĩ gây mê nhưng giữa lúc mổ thì Khoa tỉnh dậy. Bác sĩ giật mình, tiêm thêm một liều của người lớn. Nhưng cũng chỉ hai giờ sau mổ là Khoa tỉnh. Bác sĩ cho gia đình biết Khoa đã dính ma túy nặng. Khoa đành phải thú nhận. Nghe xong, ông bố ngất xỉu, cả nhà khủng hoảng. Trong tâm tưởng ông, ma túy không thể chạm đến một gia đình gia giáo như gia đình mình, càng không thể là Khoa, học giỏi, ngoan ngoãn.


    Không chút hiểu biết, cứ ngỡ chỉ là một căn bệnh, ba mẹ Khoa mời bác sĩ về cai tại nhà cho cậu quý tử. “Tôi được cho uống thuốc (sau này mới biết, đó cũng là thuốc gây nghiện nhưng nhẹ hơn ma túy) và canh giữ trong vòng bảy ngày. Cai xong là tôi chuyển qua... chích. Bác sĩ vừa đi thì tôi cũng đi tìm thuốc. Nhưng do gia đình siết tiền bạc, tôi phải chích”. Ba năm học cấp ba, Khoa đã ì ạch lê từ trường này sang trường khác, cuối cùng chuyển hẳn vào trường Giáo dục thường xuyên. Khoa hầu như không đến trường. Dù số ngày nghỉ trong học bạ phải sửa thành số tháng nghỉ, Khoa vẫn lấy được bằng tốt nghiệp bổ túc thật dễ dàng. Chỉ bốn môn thi, Khoa đã đủ điểm tốt nghiệp cho sáu môn. Thi đại học, Khoa đậu cả ba trường đại học và một trường cao đẳng.

    PHẢI SỐNG CHO RA NGƯỜI
    Khoa đậu đại học, cả nhà ai cũng mừng nhưng đành ngậm đắng nuốt cay đưa con vào trường cai thay vì vào giảng đường đại học. “Tôi lê la hầu hết các trung tâm cai nghiện của thành phố, kết thúc khóa cai ở trại này được ít hôm, bố mẹ lại phải đưa tôi sang trường khác. Chưa bao giờ tôi cai được thật sự cho đến khóa cai nghiện cuối cùng tại Phú Văn, tôi vẫn nhớ như in, lúc đó anh Phạm Đắc Tỉnh là giám đốc”.

    May mắn nhất là Khoa đam mê tin học, có lẽ còn hơn cả nghiện ma túy, chính tin học đã thổi bùng khát vọng sống trong Khoa, mang Khoa ra khỏi bóng đen ma túy. Tại Phú Văn, ngay sau cắt cơn, Khoa đăng ký đi học vi tính tại trường nhưng dàn máy hơn mười cái bị hư hết, đang đóng gói để mang về thành phố sửa chữa. Học chay lý thuyết, Khoa mạnh dạn xin được thực hành sửa. Hy sinh một máy để Khoa lấy linh kiện thay cho những máy khác. Thành công, thầy giáo rất ngạc nhiên. Sự việc được báo lên ban giám đốc, đích thân Phó giám đốc Nguyễn Văn Bi chạy xuống trại kêu Khoa lên. Trung tâm sử dụng mạng nội bộ Novell, các phòng ban nào cũng cần phần mềm, từ kế toán đến quản lý học viên. Chẳng mấy chốc Khoa trở thành con cưng của trung tâm. Thậm chí các thầy còn gợi ý Khoa làm hồ sơ chuyển sang cai theo nghị định cho đỡ tốn kém nhưng mẹ Khoa không chịu. Bà chấp nhận đóng tiền để giữ cho con cái lý lịch sạch. Thành con cưng đồng nghĩa với có cơ hội để Khoa trở lại với ma túy.

    Nhưng cậu đã không làm vậy. “Những ngày ở đây, tôi mới biết mình được gì và mất gì, điều kiện để tôi tìm một ít thuốc trong hoàn cảnh được cưng kiểu lính triều đình là không khó, nhưng thật sự tôi muốn bỏ. Một năm cai xong, các anh trong ban giám đốc có ý giữ lại ký hợp đồng lao động lâu dài nhưng tôi từ chối. Tôi khao khát đi học lại. Tôi phải đi tìm tôi của những ngày tháng cũ, khi ma túy chưa chạm đến”.

    Năm 2000, Khoa về thành phố, vô cơ quan của ba làm, ban ngày cắm đầu vô máy tính cũng khuây khỏa. Tối về thì rất buồn, người tốt không ai chơi với mình, người xấu thì mình không dám giao du. “Ở cơ quan, tiếng là con sếp nhưng cũng chẳng ai chơi cùng, thậm chí người ta coi mình như thứ cùi hủi, còn không dám ngồi ăn cơm chung bàn”. Khoa chỉ còn cách nhận làm tất cả mọi việc liên quan đến tin học để qua ngày tháng. Một hôm, Khoa gặp lại một người bạn từ bé tại một tiệm Internet, hiện là sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật. Ngồi chơi với bạn, Khoa lang thang trên trang VNN và nảy ra ý tưởng lập một sân chơi ảo cho các bạn nghiện và cai với hy vọng “sẽ không còn người nghiện bị bỏ rơi, không ai chơi, không có sân chơi”. Nhớ lại những năm tháng cả nhà vật vã cai cùng mình mà không thành, Khoa nhận ra rằng tất cả là do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết.

    Nghỉ cơ quan, Khoa khăn gói đi xin việc ở Trường 5 (Đắc Lắc) để tìm cách tiếp cận học viên lấy tư liệu cho trang web. Trường 5 lúc này đang xây dựng chưa có học viên, Khoa làm việc được khoảng 10 ngày thì có quân chuyển về. Có người trong số học viên nhận ra Khoa từng là người nghiện. Vụ việc đến tai ban giám đốc. Khoa bị rơi vào diện nghi vấn, bị mời lên thử nước tiểu, đồ đạc bị lục, xe máy cũng kiểm tra. Thậm chí, người ta còn nói thẳng: “Nghi ngờ Khoa lên đây để móc nối bán ma túy, hiện tại không tìm thấy gì nhưng nếu phát hiện thì sẽ giao Khoa cho công an”. Lúc này Khoa mới giật mình nghĩ, chỉ cần có ai đó muốn hại mình, lén bỏ vào hành lý một ống kim tiêm là toi. “Ai mà tin một thằng nhẵn mặt ở trường cai như tôi!”.
    (Còn tiếp)

    HOÀNG NGUYÊN
    http://www.congan.com.vn:3333/home/v...con%20nghiện
    Nếu bạn thật sự không thể thay đổi để hòa hợp với thế giới, vậy thì hãy bắt thế giới thay đổi để hòa hợp với bạn

  2. #2

    Hành trình đến vinh quang của một con nghiện (Tiếp theo và hết)

    (Thứ năm , 11/09/2008, 08:21)

    CÒN SỐNG CÒN HY VỌNG
    Khoa quay về thành phố, vạch ra một phương án khác. Khoa lân la các khu vực nóng về ma túy như Mả Lạng, Đồng Tiến, Nancy chụp hình các cảnh tiêm chích, mua bán. Đương nhiên là chụp lén, dùng máy phim để lên bàn che chiếc mũ lưỡi trai. Ngày đầu tiên chụp trong sợ hãi và háo hức. Mang về rọi ra, cả cuộn phim chỉ một màu đen thui. Và Khoa lên Báo Công an TPHCM để nhờ giúp đỡ thông tin hình ảnh cho trang web. Lúc này báo có chuyên mục chống ma túy. Lân la trên net tìm tư liệu về ma túy của nước ngoài, mày mò dịch. Dịch xong ra tiệm sách thấy người ta bán đầy.

    Mất hơn một năm thì trang web cũng xong. Ngày 2-5-2002, trang web heroin-aids.com chính thức ra đời. Cho đến nay đã hơn 5 triệu lượt người truy cập. Hơn 20 người còn giữ liên lạc với Khoa sau khi cai nghiện. Khoa nhận ra rằng, trí thức là những người dễ cai hơn. Và hầu hết những người đến với trang web đều đã có ý định cai nghiện, trang web chỉ là bước đệm giúp họ đi đến cùng ý định này. Có người ở tận Quảng Ninh qua trang web đã liên lạc với Khoa và khăn gói vào TPHCM cai.

    Khoa biết, giúp người khác cai, không có nghĩa là Khoa vĩnh viễn không tái nghiện. Khoa tự lập cho mình một hàng rào phòng thủ. Khoảng thời gian này, đi qua những điểm mua bán cũ, tự dưng Khoa nổi da gà. Một lần vô tình gặp lại đám bạn cũ, rủ nhau đi uống cà phê, vừa vào quán, chúng nó lôi hàng ra, Khoa cắm đầu lao ra khỏi quán như một thằng điên. Khoa cố gắng để giữ một khoảng cách càng xa càng tốt. Khoa nhớ như in lần bố đưa 20 triệu đồng để mua xe. Cậu biết đó là niềm tin nhưng cũng là thử thách bố mẹ đặt ra. Cầm tiền đi mua chiếc xe Citi hết chưa tới 10 triệu, số còn lại Khoa cầm về đưa cho bố mẹ. Trang web của Khoa toàn là tiền bố mẹ cho. Đây là khoảng thời gian ý nghĩa nhất của cuộc đời chàng trai 24 tuổi. Mỗi một người nghiện cai thành công là một lần anh nếm hạnh phúc. Rất đông người nghiện, không nghiện, các phụ huynh trong cả nước tìm đến trang web để chia sẻ, tâm sự.

    Để nuôi mình và nuôi website, Khoa viết phần mềm thuê. Đại học Harvard xếp website trong top 100 trang về ma túy tốt nhất thế giới. Lúc này những người đến với trang web đã lên đến một con số rất lớn. Ngoài hoạt động trên Internet, họ còn có nhiều hoạt động offline. Khoa và các bạn lên kế hoạch đi phát bướm truyền thông, thu gom tiêm chích, đi tư vấn tại gia cho người nghiện. Vì không có pháp nhân, nên họ không xin được bướm truyền thông. Đi in thì cũng không được. Khoa mạnh dạn viết đơn gửi Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Tài xin một tư cách pháp nhân để hoạt động. Một tháng sau, Khoa nhận được một công văn hỏa tốc gửi đến tận nhà đề nghị Thành đoàn tiếp nhận Khoa và website.

    Được vài tháng, Khoa đọc được trên Internet dự án GIPA của Liên hiệp quốc nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tham gia tình nguyện của người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi AIDS tuyển người, nhưng điều kiện là không làm trong chính quyền. Một công việc gần gũi với tâm huyết của Khoa. Tỷ lệ người nghiện nhiễm HIV rất cao. Cũng chính HIV khiến người nghiện không từ bỏ được ma túy vì chán đời, bế tắc, vì mất phương hướng sống. Khoa chia tay thành đoàn và chính thức về làm cho GIPA vào năm 2005. Tại đây, Khoa giúp người nghiện nhiễm được tiếp cận với thuốc và cách chăm sóc. “Càng ngày tôi càng yêu công việc. Tôi được học kỹ năng làm việc và trau dồi vốn ngoại ngữ. Trên hết là tôi có thêm kiến thức về ma túy, HIV để làm bạn với người nghiện và giúp họ cai”.

    Vẻ trầm ngâm trong giây lát, Khoa tiếp: Tôi vẫn day dứt mãi trong lòng một điều, với nhận thức của một người đã từng nghiện, gắn bó với người nghiện cho đến bây giờ tôi rất hiểu người nghiện cần gì và làm sao để cai nghiện, cũng như giải quyết vấn đề cai nghiện nhưng không thể nói cho những người có trách nhiệm. Tôi đưa lên trang web, nhưng có mấy kẻ nghiện đọc web. Tôi biết, khi chọn đồng hành cùng người nghiện xì ke và người nhiễm, con đường của tôi sẽ nhiều chông gai. Nhưng tôi không nản, trong tôi vẫn đầy hy vọng.

    HOÀNG NGUYÊN
    http://www.congan.com.vn:3333/home/v...con%20nghiện
    Nếu bạn thật sự không thể thay đổi để hòa hợp với thế giới, vậy thì hãy bắt thế giới thay đổi để hòa hợp với bạn

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •