Nghị quyết 16/2003/QH11 của Quốc hội đã kết thúc sau năm năm thí điểm đề án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện”. Đó cũng là khoảng thời gian tôi gắn bó với công việc của người làm công tác cai nghiện.

Nếu nói theo cách văn chương, hoa mỹ thì tôi cũng là một trong những người “yêu màu áo xanh, bỏ phố lên rừng, chôn vùi tuổi xuân trong những vùng đất xa xôi hẻo lánh vì những con người lầm lỡ”. Nhưng nếu nói một cách cơm áo thì tôi thấy còn rất ngại ngùng với những gì giới nghệ sĩ vẫn thường ca ngợi chúng tôi.

Tác giả Nguyễn Thị Oanh chuyên về công tác xã hội nên đã đưa ra những kết luận chặt chẽ ở cuối bài viết nói trên khi đề cập quan điểm và nguyên tắc làm việc của công tác xã hội và tham vấn tâm lý. Thật ra những nguyên tắc đó chúng tôi đều thuộc nằm lòng, nhưng để thực hiện không phải là điều đơn giản. Chẳng phải vạch áo cho người xem lưng, nhưng tôi thấy rất lo lắng khi nhìn lại năm năm qua công việc chúng tôi làm có nguy cơ trở thành “bắt cóc bỏ đĩa”.


Tôi rất muốn chúng ta phải thẳng thắn nhìn lại những gì mình làm, từ đó có thể biết chắc chắn kết quả sẽ ra sao. Như một người trồng cây, họ biết mình đã phun những thứ thuốc gì, bón phân gì và cuối vụ sẽ thu hoạch củ quả ra sao.

Quy trình cai nghiện của một người từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng đã được chia ra làm nhiều giai đoạn. Từ cắt cơn đến lao động trị liệu, tham vấn cá nhân, tham vấn tập thể, giáo dục thể chất, điều lệnh đội ngũ cho đến những bài triết lý, những lời hứa… đều được soạn một cách tỉ mỉ, chi tiết theo từng giai đoạn phù hợp.

Người cai nghiện được học văn hóa, học nghề, học chuyên đề theo những nội dung chương trình cụ thể. Thế nhưng chúng ta chưa mạnh dạn đánh giá hiệu quả đích thực của những việc làm đó ra sao? Chương trình học văn hóa, học nghề được thực hiện theo quy định của các ngành chức năng nhưng chất lượng có đủ sức cạnh tranh khi trở về cuộc sống bên ngoài?

Thời gian qua, áp lực giải quyết lao động để tạo ra tiền ăn bù lỗ trong một ngày ở các trường cai nghiện khi thời buổi trượt giá đã làm đau đầu người quản lý, từ ban giám đốc cho đến nhân viên. Đó là chưa kể cán bộ quản lý và nhân viên của trường phải chia nhau các công việc: đưa học viên đi lao động, gác cổng trước, canh cổng sau, giám sát quy trình làm việc, học tập. Mọi người chẳng còn nhiều thời gian gặp gỡ, tham vấn cho học viên. Cán bộ quản lý còn lo lắng khi học viên luôn có suy nghĩ bỏ trốn.

Không ít trường hợp một học viên cai nghiện bỏ trốn rất nhiều lần trong một quy trình cai nghiện, lại còn cầm đầu, giật dây cho những người khác bỏ trốn. Có những trường hợp cá biệt liên tiếp vi phạm nội quy đơn vị, lý lịch dày đặc với những lần cai nghiện, những lần vào tù ra khám vì tội cướp giật, trộm cắp, buôn bán và tàng trữ trái phép các chất ma túy. Bây giờ chúng ta đang nhanh chóng giải quyết tái hòa nhập cộng đồng, kể cả những trường hợp vi phạm như vậy thì thử hỏi ai dám chắc con số tái nghiện là bao nhiêu?

Vì vậy, chúng tôi rất cần các cơ quan chức năng tạo điều kiện hơn nữa trong việc thực hiện một quy trình cai nghiện. Những người làm công tác giáo dục phải thật sự là người định hướng, vạch ra những con đường đúng đắn cho người nghiện lựa chọn lối đi phù hợp cho từng hoàn cảnh cụ thể.

Những lớp học tập trung chỉ là điều kiện cần nhưng sự gần gũi, sẻ chia mới là điều kiện đủ. Trong khi nhân sự làm công tác quản lý còn nặng nề với việc canh gác thì không sao làm tròn trách nhiệm giáo dục của mình. Chúng ta không thể buộc người nghiện suốt đời ở lại trung tâm cai nghiện, họ phải trở về cộng đồng sinh sống với tất cả các mối quan hệ xung quanh. Do đó cần thay đổi cái nhìn về họ, môi trường cai nghiện phải thật sự làm thay đổi suy nghĩ của họ. Địa phương và cộng đồng xã hội phải thấy được trách nhiệm của mình khi đón nhận một người trở về.

Đối với một người nghiện, không phải sau bao năm đi chữa bệnh là đã thoát khỏi những di chứng nặng nề do ma túy để lại. Trường cai nghiện không có phép mầu làm họ nhanh chóng quên đi ma túy. Những cố gắng của những trung tâm cai nghiện chỉ thật sự có hiệu quả khi cộng đồng xã hội cùng chung sức.

LÊ THỊ BÍCH HÀ (Trường 2, Tân Thanh, Lâm Hà, Lâm Đồng)