CHƯƠNG 1: BIẾT RÕ CƠ THỂ CỦA BẠN




1. Tại sao cần phân biệt tình dục và sinh dục?

Vì là hai việc khác nhau.

Về mục đích, tình dục chỉ nhằm đạt thoả mãn cảm giác nên nhiều khi không cần thiết cho cá nhân hoặc xã hội, và có thể tự thực hiện lấy một mình. Nếu có đối tượng thì đây là loại hình “quan hệ thân mật nhất” của loài người (với điều kiện hoàn toàn tự nguyện ở cả đôi bên).

Sinh dục, trái lại, nhằm mục đích bảo tồn nòi giống, khởi đầu bằng thụ thai, rồi sinh sản, là điều bắt buộc, để duy trì sự hiện diện của con người trên hành tinh. Sinh dục không cần đến cảm giác, mà cũng không nhất thiết là hậu quả của tình dục, nhưng lại không thể thực hiện một mình. Cho dù thụ tinh nhân tạo hoặc trong ống nghiệm (câu 32) vẫn cần đến tinh dịch của một người đàn ông.

Do những khác biệt căn bản nói trên, các cơ quan liên hệ cũng chẳng giống nhau:
Với tình dục, bộ phận cảm giác nằm bên ngoài, hoặc ít ra không ở sâu bên trong, và có thể sử dụng những phương tiện khác: tay, miệng, hậu môn, trang thiết bị “đặc biệt”, v.v..

Nhưng sinh dục thì nhất thiết phải có sự lồng ghép của “bộ phận nổi”, là dương vật đàn ông, vào “cơ quan rỗng” là âm đạoở phụ nữ như một cái phít cắm vào ổ điện. Ngoài ra, còn đòi hỏi một điều kiện bắt buộc là xuất tinh, và tinh dịch phải đủ khả năng thụ thai, đối với người chồng. Về phía người vợ cũng đòi hỏi một số điều kiện nhất định để thụ thai và phát triển.

Cần nhấn mạnh là trên phương diện tình dục, xuất tinh chỉ là tín hiệu cho biết “đã chấm dứt” về phía đàn ông và là hậu qủa của cảm giác, chứ không thực sự cần thiết cho việc tạo cảm giác ở cả đôi bên.

Để cho gọn, có thể nói: “Tuy cùng một đường, nhưng tình dục là bên ngoài, còn sinh dục nằm sâu bên trong.”

2. Vậy thì các bộ phận đó như thế nào?

Về mặt tiến hoá động vật học, phụ nữ nằm ở vị trí cao cấp hơn nam giới, do có đủ 3 bộ phận cho 3 chức năng khác nhau là: đại tiện, tiểu tiện và tình dục-sinh dục. Trong khi đàn ông chỉ được trang bị cơ quan đại tiện riêng, còn tiểu tiện và sinh dục-tình dục vẫn phải “xài chung” một bộ phận là dương vật.

Ở đàn bà, bộ phận bên ngoài, nhìn thấy được, gọi là âm hộ hay cửa mình (Hộ là cửa một cánh, theo chữ Nho) nằm ngay dưới xương mu, được bao phủ bằng lông ở phía trên và xung quanh, nhiều hay ít là tuỳ từng trường hợp cá nhân, chẳng theo bất cứ quy luật hoặc yếu tố sinh học nào, kể cả nồng độ hormone (câu 20).

3. Tại sao lại nhiều lông hoặc không lông?

Tại sao lại nhiều lông hoặc không lông trong tình trạng cơ thể vẫn phát triển bình thường, và vẫn có đầy đủ lông ở những chỗ khác, suối tóc và đen nhánh, … v.v… thì đây là việc Y học chưa thể hiểu rõ.

Tại miền Trung của Trung bộ Việt Nam, một vài địa phương có tỷ lệ khá cao phụ nữ ít hoặc không lông “ở chỗ đó”, nhưng chẳng thể giải thích bằng cách nào cả. Nhiều gia đình vài ba chị em gái thì chỉ có một hoặc hai người như vậy, và đôi khi bà mẹ lại không như vậy.

4. Đàn ông rất kỵ đàn bà bị chuyện này?

Không đúng. Đây chỉ là ý thích cá nhân. Hiện nay ở một vài nước Tây Phương, lại còn có phong trào (!?) “cạo để cho nó sạch” hoặc đơn giản là chìu theo ý thích của ông xã (!?) để sinh hoạt vợ chồng trở nên tốt hơn (!?).

Tại Việt Nam, chưa từng có trường hợp nào từ hôn hoặc “xa nhau” vì “lý do đó”, ít ra là theo sự hiểu biết của người viết.

Khi người đàn ông lập gia đình, họ đặt nặng những điều kiện khác, hơn là lông hoặc kích thước bộ ngực, sở dĩ như vậy vì đây là chuyện vợ chồng, lấy nhau là ăn ở với nhau suốt đời. Điều chủ yếu là: thực tế, ý kiến người đàn ông như thế nào? Và thường thường thì thực tế hoàn toàn khác, hoặc chẳng có gì ghê gớm như các cô tưởng tượng. Giống như trường hợp các thanh niên đau khổ vì “quá nhỏ” (?) sợ bị vợ chê, v.v… Đây cũng là một dạng ám ảnh hoang tưởng. Cần nhấn mạnh, tại các địa phương có “tỷ lệ cao” đã nói ở trên, thiên hạ vẫn lập gia đình bình thường, và hầu như chẳng hề có ai thắc mắc về chuyện vặt vảnh này, mà cũng chẳng thấy “xui xẻo” gì cả.