Bác sĩ Gero Hutter -Ảnh: Reuters
TT - Lại vừa có thêm một hi vọng mới trong cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS. Mới đây, các bác sĩ Đức tiết lộ một bệnh nhân AIDS lâu năm dường như đã khỏi bệnh hoàn toàn sau khi trải qua một ca phẫu thuật cấy ghép tủy sống.


Hãng tin Reuters cho biết các tác giả của đột phá này là nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Charite ở thủ đô Berlin do các bác sĩ Gero Hutter và Thomas Scheider dẫn đầu. Người bệnh giấu tên may mắn này là một người Mỹ 42 tuổi sống tại Berlin, đã bị nhiễm HIV/AIDS suốt mười năm qua. Ngoài ra, ông ta còn bị mắc bệnh bạch cầu, căn bệnh nguy hiểm có liệu pháp chữa trị tốt nhất là cấy ghép tủy sống.

Trước khi được ghép tủy, bệnh nhân này buộc phải ngưng dùng thuốc chống AIDS do bác sĩ Hutter lo ngại thuốc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào tủy sống được cấy ghép. Thông thường, các loại thuốc chữa HIV/AIDS có thể có hiệu quả đến mức các xét nghiệm không còn cho thấy sự tồn tại của HIV trong cơ thể. Nhưng trên thực tế, virus HIV cực kỳ “xảo quyệt”, nó không bao giờ biến mất mà lẩn khuất trong các tế bào “trú ẩn”. Nếu người bệnh ngưng dùng thuốc, virus HIV lập tức trỗi dậy trở lại, lây lan khắp cơ thể người bệnh chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần. Do đó, bác sĩ Hutter dự kiến cho người bệnh này sử dụng lại thuốc chống HIV/AIDS nếu phát hiện dấu vết HIV quay trở lại.

Nhờ gen chống AIDS

Tuy nhiên, dù bệnh nhân này đã ngừng uống thuốc chống AIDS trong suốt hai năm qua kể từ khi được phẫu thuật ghép tủy sống, mọi xét nghiệm từ máu, tế bào đến mô não và trực tràng - nơi HIV thường trú ẩn - đều không cho thấy bất cứ dấu vết nào của virus tử thần này. Bác sĩ Hutter cho biết hằng ngày ông vẫn lo sợ virus HIV sẽ tái xuất hiện trong cơ thể người bệnh này, nhưng cho đến nay có vẻ như ông ta đã hồi phục hoàn toàn. “Tôi vô cùng ngạc nhiên”, bác sĩ Hutter thừa nhận.

Nếu gen Delta 32 của một cá nhân được thừa hưởng từ cả cha lẫn mẹ thì nó có khả năng ngăn chặn virus HIV xâm nhập các tế bào cơ thể bằng cách vô hiệu hóa protein CCR5 - có vai trò đường dẫn để virus HIV tấn công các tế bào. Mới đây, Tập đoàn dược Pfizer Inc (Mỹ) cũng đã chế tạo loại thuốc chống HIV/AIDS bằng cách tấn công protein CCR5. Khoảng 1-3% người châu Âu, đặc biệt là ở Bắc Âu, được thừa hưởng loại gen này từ cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, loại gen này hầu như không xuất hiện ở người châu Phi, châu Á và Nam Mỹ.

Bí mật của ca phẫu thuật giúp bệnh nhân người Mỹ chữa khỏi cả bệnh máu trắng và bệnh AIDS là người hiến tủy mang trong mình một loại gen đột biến kháng virus HIV có tên Delta 32. Từ năm 1996, giới y học phát hiện một số nam giới đồng tính ở châu Âu không hề mắc bệnh dù thường xuyên quan hệ với người bị nhiễm HIV. Các nghiên cứu sau đó cho thấy những người này có mang trong mình loại gen đột biến Delta 32.

Bác sĩ Hutter là một chuyên gia về huyết học chứ không phải chuyên gia HIV/AIDS. Dù vậy, ông đọc nghiên cứu này từ năm 1996 và cho rằng có thể cấy ghép tủy sống từ người hiến tủy có mang trong mình gen chống virus HIV Delta 32. Khi đó, trong tay ông Hutter có khoảng 80 mẫu xét nghiệm máu của người hiến tủy. May mắn là mẫu xét nghiệm máu của người thứ 61 có chứa gen Delta 32. Và bác sĩ Hutter đã cấy tủy sống của người hiến tặng này vào cơ thể bệnh nhân người Mỹ.

Hướng chống AIDS mới

Các nhà nghiên cứu Đức khẳng định cấy ghép tủy sống có chứa gen Delta 32 không phải là phương pháp thông dụng để chữa HIV/AIDS. Bác sĩ Hutter cảnh báo virus HIV rất khó lường và hoàn toàn có thể tái xuất hiện ở bệnh nhân người Mỹ. Hơn nữa, cấy ghép tủy là loại phẫu thuật nguy hiểm và đòi hỏi trước hết tủy sống của bệnh nhân phải bị hủy hoại hoàn toàn. Người bệnh có nguy cơ tử vong từ những nhiễm trùng đơn giản nhất do họ hoàn toàn không có hệ miễn dịch cho đến khi các tế bào mầm từ tủy sống cấy ghép phát triển.

Nếu còn tồn tại trong cơ thể người bệnh, qua một thời gian dài virus HIV thậm chí có thể biến đổi và có khả năng tấn công tế bào biến đổi gen. Ngoài ra, vô hiệu hóa protein CCR5 có thể dẫn đến những tác dụng phụ nguy hiểm. Một nghiên cứu mới đây cho thấy người có gen Delta 32 dễ bị chết vì virus gây sốt “Tây sông Nile”. Bản thân các cuộc phẫu thuật cấy ghép tủy sống cũng rất nguy hiểm: khoảng 30% cuộc phẫu thuật không thành công và khiến bệnh nhân thiệt mạng. Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Bệnh truyền nhiễm quốc gia (Mỹ), nhận định phương pháp điều trị này quá tốn kém.

Tuy vậy, ông Fauci khẳng định trường hợp này sẽ mở ra con đường mới trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Nó sẽ khuyến khích các nhà nghiên cứu theo đuổi liệu pháp gen để ngăn chặn virus HIV. “Trường hợp này đã giúp chứng minh ý tưởng rằng nếu có thể chặn CCR5, có thể bằng liệu pháp gen, chúng ta sẽ hạn chế được khả năng nhân bản của virus HIV” - ông Fauci cho biết.

Hiện tại, nhiều nhóm nghiên cứu cũng đang kiểm nghiệm các phương pháp chữa trị HIV/AIDS bằng cách tấn công CCR5. Tại Trung tâm City of Hope ở California, bác sĩ John Rossi và các đồng nghiệp can thiệp gen chính virus HIV, biến nó trở thành vô hại. Loại virus HIV vô hại này được sử dụng để đưa vào cơ thể người bệnh ba loại gen, một loại vô hiệu hóa CCR5, hai loại kia tấn công virus HIV.

HIẾU TRUNG
(Theo Reuters, AP, Wall Street Journal)