Bắt gặp chùm sáng bất thường trên bầu trời Mỹ


Các tia sáng hội tụ ở phía đối diện với mặt trời trên đường chân trời.
Trong khi đang tha thẩn ngắm hoàng hôn trên hẽm Horseshoe ở bang Utah, Mỹ, Peggy Peterson vô tình nhận ra một điều kỳ lạ phía sau lưng cô: Các tia sáng khuếch tán qua những đám mây ở phía trước mặt trời dường như đang hội tụ lại ở phía đối diện trên đường chân trời.

Hiện tượng ngoạn mục nhưng hiếm gặp này được các nhà khí tượng hoc gọi là các tia hoàng hôn ngược (anticrepuscular rays).

Về nguyên tắc, những tia sáng mặt trời tới trái đất gần như song song với nhau. Tuy nhiên ở khoảng cách xa trên bầu trời, chúng gây nên hiện tượng phối cảnh khiến ta có cảm tưởng chúng đang dồn về một điểm: Chính vì thế, đôi khi vào những lúc mặt trời lặn hay mọc phía sau những đám mây, nhìn từ bề mặt trái đất, bạn sẽ thấy các tia sáng dường như phát ra từ một điểm duy nhất trong đám mây ấy.

Các tia sáng này được gọi là các tia hoàng hôn (crepuscular rays), chúng tạo thành những vòng cung lớn toả ra trên không trung như những nan quạt.

Các tia hoàng hôn ngược (anticrepuscular rays) xuất hiện ở phía bên kia của chân trời, đối diện với các tia hoàng hôn. Chúng hội tụ tại một điểm cách nơi những tia sáng phát ra một cung đúng bằng 180 độ. Hiện tượng này hiếm gặp hơn nhiều so với các tia hoàng hôn, và các chuyên gia cho biết, bức ảnh của Peggy Peterson (phát ngôn viên của ông Oxley, Chủ tịch Tiểu ban Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ) là một trong những bức ảnh tốt nhất về hiện tượng phối cảnh kỳ lạ này.