Ba loại sinh vật cuộn vào nhau thành một bọc.
Các nhà khoa học Đức mới đây đã phát hiện thấy những dạng sống hình cầu nhỏ xíu, với vô số các sợi dọc ngang, được hợp bởi ba loại sinh vật nguyên thuỷ hoàn toàn khác biệt. Chúng là một trong những cấu trúc vi khuẩn phức tạp nhất từng được biết tới.

Nhà vi khuẩn học Katarzyna Palinska và cộng sự, Đại học Oldenburg, đã tìm thấy những "quả cầu" này trên các bãi biển bùn lầy phía bắc nước Đức, và đưa chúng về phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Mỗi quả cầu như vậy là nơi quần cư của hàng nghìn vi khuẩn (bacteria), cyanobacteria (một loại vi khuẩn khác), và tảo đơn bào.

Đầu tiên, các vi khuẩn tụ lại với nhau, tiết ra một màng bao ngoài ôm lấy cả nhóm, tạo thành bọc có đường kính khoảng 3 milimét. Tiếp đó, cyanobacteria chui qua những "cửa sổ" nhất định trên quả cầu để lọt vào trong (những vi khuẩn lạ không thể đi qua được cổng này). Một khi đã ở trong quả cầu, cyanobacteria cũng không thể ra ngoài, chúng tạo thành các chuỗi nằm ép vào mặt trong lớp vỏ bọc. Sau cùng, quả cầu được lèn chặt thêm bởi một loại thực vật đơn bào, được gọi là tảo cát.

Nhà sinh thái học David Paterson của Đại học St Andrews, Anh, nhận xét, dạng sống này gần giống địa y, là một kiểu cộng sinh của nấm và tảo. Tuy nhiên, khác với địa y, mối quan hệ của chúng dường như khá lỏng lẻo: khi bị tách ra khỏi nhau, mỗi loại vi khuẩn vẫn có thể sống đơn độc.

Các nhà nghiên cứu cho rằng ba nhóm sinh vật trong "quả cầu" có thể đã hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm thức ăn: chẳng hạn cyanobacteria có thể hấp thụ nitơ từ không khí, tảo cát chuyển ánh sáng thành thức ăn. Cả hai nhóm này nuôi dưỡng vi khuẩn, còn vi khuẩn có nghĩa vụ xây nhà cho chúng. Hoặc cũng có thể trong số này, có loài chuyên ăn bám vào loài khác. “Chúng tôi chưa biết đây có phải là sự cộng sinh hay không”, Paterson nói.