Huyền thoại “người rừng” Chư Mom Rây

Trong những điều kỳ bí của khu bảo tồn, đỉnh Chư Mom Rây (huyện Sa Thầy, KonTum), chuyện về “người rừng không đuôi” được nhắc đến nhiều nhất. Theo lời kể của các nhân chứng thì “người rừng” giống như một đứa bé 10-15 tuổi, dùng tay chẻ đọt mây ăn… Lần theo các dấu vết, nhiều nhà khoa học đã vào cuộc.

Trên bản đồ địa lý khu bảo tồn rừng, đỉnh Chư Mom Rây có độ cao khoảng 1.800m. Từ sau chiến tranh đến giờ, rất ít khi có sự hiện diện của con người vì đỉnh núi rất nhiều thú dữ và có những đoạn dốc đứng nguy hiểm. Khi nghe tôi ngỏ ý muốn lần theo dấu vết của huyền thoại người rừng, anh Lại Đức Hiếu, phó giám đốc quản lý khu bảo tồn kể: “Hồi còn chiến tranh chống Mỹ, đỉnh Chư Mom Rây có một bãi đáp của máy bay trực thăng quân sự để lính biệt kích đổ bộ. Một hôm, các tay lính này đã tình cờ phát hiện một người rừng có lông lá như khỉ nhưng không có đuôi. Họ dùng lưới để chụp bắt rồi lấy trực thăng chở đi. Sau đó ít lâu, họ lại phát hiện thêm một bộ xương khô giống người, nhưng có bàn chân rất dài và mọc ngược ra phía sau…”.

... Đường càng lên cao càng khó đi với những dốc đứng nối tiếp nhau. Ở tầm cao khoảng 1.400 mét trở lên, hướng chúng tôi đi không còn một con suối nào có nước. Người dẫn đường, anh A Dính, bảo tôi ngồi nghỉ để chuẩn bị sức lên đỉnh núi, trong khi anh mày mò tìm kiếm các dấu vết lạ. Một lát sau, anh la lên trong bụi trà rừng và vẫy tôi lại gần. Trước mắt tôi, bụi trà cao mấy mét có một bên gốc phía đông nhẵn bóng như bị ai đó thường xuyên cà lưng vào. A Dính suy luận: Nếu các loài thú làm vậy sẽ phải để lại dấu chân dưới gốc, ngoại trừ đó là “một con gì đó thông minh hơn”.

Một giờ nghỉ lại trên điểm cao này nhưng tôi chỉ thấy được các loại chim dạn người đến mức, tôi lại sát gần chúng vẫn không thèm bay. Các dấu vết nhất định về người rừng không thể tìm thấy.

Vào thung lũng Mô Rây, tôi gặp ông A Binh, nguyên chủ tịch xã Mô Rây. Ông kể, hồi còn đi bộ đội, chính mắt ông đã nhìn thấy người rừng giống đứa bé khoảng 15 tuổi, cao tầm 1-1,2 mét lấp ló trong các vạt rừng mây ở khu vực núi Chư Mom Rây. “Chúng có hai cạnh tay bén như lưỡi dao dùng để đọt mây ăn, đi thẳng bằng hai chân, thân người phủ một lớp lông mỏng màu xám và không có đuôi”.

Theo ông Binh, hồi trước năm 1975, một người đàn bà dân tộc địa phương (ông không nhớ tên) đi rừng bắt được một “người rừng bé con” như cái bắp chuối. Nhìn nó quá giống người, bà đem về nhà nuôi nhưng nó chỉ khóc mà không chịu bú. Sau đó bà đưa ra suối tắm thì nó nín khóc và bốc cát ăn. Nuôi khoảng 1 tháng, bà thấy tội nghiệp quá nên đành thả về rừng.

Cuối thung lũng Mô Rây, nơi có làng Le của người dân tộc Rơ Măm, chúng tôi gặp ôngA Oong, 90 tuổi. Hồi khoảng 30-40 tuổi ông thường đi săn trên các dải núi Chư Mom Rây. Ông cho biết: "Chúng thường tập trung thành đàn mấy con. Thấy người, chúng há miệng kêu hơ hơ hơ… rồi lảng đi. Không biết cạnh xương tay chúng sắc như thế nào nhưng có thể dùng phát ngang những thân mây lớn như lưỡi dao bén. Mặt chúng phẳng, mắt tròn như trẻ con, phía trước lông màu xám, còn phía sau màu đen nhạt…". Khi tôi hỏi, ông có nghĩ là bây giờ chúng còn ở vùng rừng này hay không? Ông trả lời: Chắc còn nhưng khó gặp, vì dân làng đâu còn len lỏi trong rừng sâu, núi cao để săn bắn như hồi xưa.

Hai ông già A Dem và A Nhấp cũng có lời kể về người rừng tương tự như ông A Oong. Đặc biệt ông A Nhấp, 63 tuổi, từng đi bộ ở rừng này còn kể rằng: Ông có một đứa em trai, vì muốn bắt một “người rừng” nên đã bị cả đàn đuổi chạy xuýt chết. Ông còn tiết lộ: Thỉnh thoảng vẫn thấy các đọt mây như bị ai đó chặt ngang rồi xé ra lấy lõi bên trong.

Những ngày ở thung lũng Mô Rây, Rờ Kơi và thị trấn Sa Thầy, tôi còn gặp nhiều người khác và ghi lại những lời kể tương tự về người rừng. Đem nghi vấn này hỏi ông Hồ Đắc Thanh, giám đốc khu bảo tồn, ông chỉ nói: “Cho đến nay, nhiều hang sâu núi cao, vực thẳm của Chư Mom Rây vẫn chưa có người đặt chân đến nên cũng không dám nói trước. Nhưng có một điều chắc chắn là bà con dân tộc không nói dối bao giờ…”.