Results 1 to 2 of 2

Thread: Sinh vật ký sinh sai khiến côn trùng tự sát

  1. #1

    Join Date
    Feb 2003
    Location
    Hoa Hỏa sơn,Thủy Liêm động
    Posts
    1,258
    Khi quan sát thấy những con dế thường lao đầu vào nước và chết, người ta ngờ rằng chúng đã tự tử. Gần đây các nhà khoa học đã phát hiện ra nguyên nhân của hiện tượng đó: con dế dã bị giun sán xâm hại và quậy phá đến mức nó phải tự kết liễu đời mình.

    Giun sán ký sinh trên mình con dế chủ yếu nhằm mục đích sinh sản.

    Frederic Thomas, thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), đã tiến hành nghiên cứu một cuộc "thảm sát" ở một bể tắm tư nhân nằm ven rừng. Ông cho lắp máy quay phim để theo dõi. Một con dế bay đến đậu ở mép bể bơi và không ngần ngừ lao vào nước có chất Clo. Từ thân hình nó nhô ra một cơ thể hình sợi chỉ, dài đến 14 cm, tức gấp 10 lần thân hình con dế. Thì ra con dế tội nghiệp đã phải kết liễu đời mình do bị con vật ký sinh quậy phá.

    Con sán ký sinh là một loại trùng thuộc họ những con vật có hình sợi chỉ. Sau khi quan sát 200 cảnh tượng "tự sát" tương tự trong hai mùa hè, Thomas đã xác định được thêm nhiều điều thú vị về sự quậy phá của kẻ ký sinh. Không đơn thuần là nơi "trú ngụ", vật chủ còn bị "khách" gặm mòn dần và cuối cùng "chỉ được để lại những cơ quan cần thiết cho sự sống sót, còn toàn các phần khác của cơ thể bị ngốn sạch". Nếu ban đầu nó còn cần thiết cho sự phát triển của con vật ký sinh, thì nay con dế chỉ còn là cái xác rỗng, vô dụng và để mặc con sán kiểm soát hoàn toàn. Nó bị dắt dần đến môi trường lỏng vì đến lúc con sán cần sinh sản trong môi trường này.

    Tại miền nam nước Pháp, dế không phải là nạn nhân duy nhất của các con vật ký sinh hình sợi chỉ. Theo Thomas, tám loài côn trùng cánh thẳng khác cũng chịu ách "đô hộ" của loài trùng trên. Mặt khác, dạng tự sát trong nước cũng được thấy ở loài nhện, nhưng chúng bị nhiễm bởi các con trùng khác, thuộc loại có hình tròn, nhỏ. Các nhà nghiên cứu nhìn thấy ở đây dấu hiệu của một sự "hội tụ tiến hóa" trong tình trạng cộng sinh.

    Hiện tượng sống ký sinh, "ăn bám" loài khác rất phổ biến trong thế giới sinh vật. Nhưng để ăn bám được nhiều loài khác nhau thì phải có những chiến thuật thích nghi hết sức khéo léo. Vì những con vật ký sinh có chu kỳ sinh trưởng phức tạp, chúng cần trải qua nhiều giai đoạn phát triển trước khi trưởng thành, và cứ mỗi giai đoạn như thế lại cần có sự can thiệp của một vật chủ khác. Các con vật nạn nhân này nằm trong một "danh sách" thích hợp cho mỗi vật ký sinh, trong quá trình sinh trưởng riêng của nó.

    Một câu hỏi được đặt ra: làm thế nào để con vật "chủ nhà" mà vật ký sinh đang tá túc có nhiều cơ may bị vật chủ kế tiếp (trong danh sách) ăn vào bụng, để đáp ứng điều kiện sinh trưởng của con vật ký sinh ở giai đoạn mới? Phải thay đổi thái độ ứng xử và sai khiến thế nào để con vật chủ nhà đang ở sẽ tự sát bằng cách dâng mình cho con vật vốn quen ăn giống loài nó?

    Frank Cezilly, thuộc Đại học Bourgogne, cho biết: "Mỗi con vật ký sinh mang trong mình các chu kỳ sinh trưởng phức tạp đều có một khuynh hướng rất lớn là lôi kéo con vật nó đang tá túc, tác động hoặc đến thái độ hoặc đến thể chất con vật này, nhằm mục đích tăng khả năng di chuyển sang nơi ở mới".

    Một trong những ví dụ được biết đến nhiều nhất là con sán lá gai. Kịch bản đại thể diễn ra như sau: trên một cọng cỏ cao, một con kiến đang chờ để được một con cừu nuốt vào bụng cùng ngọn cỏ. Ở thời điểm này, con kiến hầu như chỉ còn là giác tố (chitine, nguyên chất của sừng và xương) rỗng, trong chứa toàn là sán lá gan ký sinh (Khi vào bụng kiến, sán sống thành nang thũng, cả ở não, và nhờ đó kiểm soát được bộ não của con vật siêng năng đáng thương này, sai khiến nó bò vật vờ tiến lên đầu các ngọn cỏ)

    Khi đã ở trong bụng cừu, cùng với "ngôi nhà cũ" của mình là xác kiến, sán ký sinh sẽ đẻ trứng. Nhưng trứng không thể nở được trong môi trường này. Chúng cần được bài tiết ra ngoài để nở thành những con dòi hay cung quăng; những con này sau đó lại bị sên ăn. Sán lá gan sẽ sinh sôi trong nơi trú ngụ mới, lớn lên và trở thành những con cung quăng biến hình rồi lại bị thải ra ngoài, nhưng lần này qua những vệt nước dãi của con vật nhuyễn nhể này. Và rồi các chú kiến bu lại ngay, chén thích thú thứ nước thải nhớt mà chúng rất chuộng. Và thế là các con sán, qua các chú kiến bị nhiễm và "tự sát", lại chui vào bụng cừu
    (còn nữa)
    Này bạn ơi xin nhớ cho rằng
    Dù đường đời vạn nẻo về đâu
    Cuộc đời mình là bụi cát xa xôi
    Thế gian này chẳng phải riêng ta

  2. #2

    Join Date
    Feb 2003
    Location
    Hoa Hỏa sơn,Thủy Liêm động
    Posts
    1,258
    Sinh vật ký sinh sai khiến côn trùng tự sát (phần cuối)


    Chuột bị sinh vật ký sinh điều khiển tự nhảy vào miệng mèo.
    Các thân sán dẹp, hay sán lãi, được truyền từ chim này sang chim khác cũng nhờ các con kiến làm chủ nhà trung gian: con kiến khổ chủ sẽ ăn phân do chim gõ kiến thải ra, rồi đến lượt nó lại trở thành mồi cho con gõ kiến khác.

    Để làm cho kiến dễ bị lộ diện, sán ký sinh không chỉ làm trì độn các phản xạ và bản năng sống sót của chúng, mà còn làm cho màu sắc giác tố của chúng trở nên sáng hơn để gõ kiến dễ nhận ra.

    Những con giun đầu có ngạnh ký sinh trong tôm đầm cũng có ý tưởng trên, nhưng áp dụng theo một phương pháp khác. Frank Crzilly, Đại học Bourgogne, cho biết: "Những con giun ký sinh này có màu sắc và nhìn thấy được qua vỏ mỏng bọc mình con tôm, do vậy dễ được các con chim ăn tôm, cá chú ý đến". Sống nhung nhúc trong bụng tôm, sán ký sinh làm đảo lộn hành vi của chủ nhà, khiến nó hướng đến nơi có ánh sáng và mặt nước (ngược lại hoàn toàn hành vi của một con tôm lành). Hơn nữa, khi nghe động nước, một con tôm lành mạnh lập tức lặn xuống; còn con tôm bị nhiễm giun sán, khi nước mới hơi xao động, đã cựa mình dữ dội, cứ như nó muốn hét to lên: "Ăn tôi đi, ăn tôi đi", để con vật săn mồi tiến lại gần.

    Người ta cũng thấy hiện tượng hội tụ tiến hoá tương tự ở loài tôm đầm, nhưng với loài giun sán khác - sán lá gan. Chúng không trú ngụ trong bụng tôm mà ký sinh ở trong não nó. Loài cá vằn nhỏ tại Canada cũng có hành động tự sát do gặp phải loài ký sinh tương tự. Bị sán lá gan sống nhờ, con cá vằn này quên mọi khái niệm nguy hiểm và bơi một mình ra ngoài đàn, ở những nơi nguy hiểm dễ bị các con chim bói cá châu Mỹ nhào xuống bắt. Giống chim này sẽ trở thành chủ nhà cuối cùng trong chu trình sinh sản của loài sán trên.

    Các nhà nghiên cứu mới chỉ khám phá ra vài điểm trong cách thức sán ký sinh làm tôm "chủ nhà" bị điên: có thể con sán lá gan đã dùng đến một chất truyền dẫn thần kinh, tác động đến não. Simone Felluy, thuộc Đại học Wellesley (Mỹ) đã chứng minh điều đó bằng cách tiêm sérotonine vào con tôm, khiến nó có trạng thái tương tự những con tôm bị sán ký sinh xâm hại.

    Tuy vậy, ở một số côn trùng cánh mỏng (như bò vẽ, kiến, các loài ong khác...), khi buộc phải làm "chủ trọ" trung gian cho các loài ký sinh trùng, cũng đã có phản ứng trở lại: chúng kiểm soát sự phát triển và hệ miễn dịch của sâu "khách" bằng cách đưa vào đó trứng của chúng, cùng với "virus" mà chúng tự tạo ra từ gene của mình. Khi khởi động, các gene từ virus sẽ làm hoán đổi sinh lý của con sâu theo hướng có lợi cho trứng của côn trùng cánh mỏng.

    Nhưng phải chăng chỉ những sinh vật mang bộ não nhỏ xíu mới dễ dàng bị vật ký sinh sai khiến? Hoàn toàn không phải như vậy. Chẳng hạn như vi sinh vật nguyên sinh toxoplasme, chuyên ký sinh ở các động vật lớn, có thể lây nhiễm sang tất cả các loài động vật có vú, trong đó có con người. Ở người, nó gây ra một chứng bệnh mang tên toxoplasmose, chỉ nguy hiểm đối với phụ nữ. Loài ký sinh này cũng thường chọn chuột làm nơi tá túc, nhưng chúng ưa chuộng nhất là ở loài mèo. Muốn vậy, khi đã chui được vào sọ của con chuột, "con" toxoplasme biến sự hiềm kỵ thành sự hấp dẫn, nên thay vì trốn tránh, con chuột lại lui tới nơi các chú mèo thường lai vãng, cho đến khi gặp con vật khắc tinh, tự động "nhảy vào miệng mèo". Michell Berdoy và cộng sự ở Đại học Oxford (Anh) đã chứng minh điều đó tại phòng thí nghiệm. Thay vì trốn tránh mùi của con mèo, các con vật gặm nhấm khốn khổ bị vật ký sinh xâm hại và sai khiến lại hít hơi con mèo một cách bình tĩnh, đôi khi còn thích nó hơn cả mùi đồng loại.

    Gần 70% dân số nước Pháp mang toxoplasme. Cho dù từ bộ não của chuột đến não của người có khác biệt lớn, song không thể không nghĩ đến hậu quả mà con vật ký sinh kia có thể gây ra ở các "chủ trọ" là con người. Đây còn là một vấn đề còn đang được nghiên cứu.

    Vả chăng, tuy không sai khiến chúng ta đi đến một thái độ ứng xử tự sát, song một vài con vật ký sinh cũng có thể đạt được việc kiểm soát một số cử chỉ của chúng ta. Các con oxyrures chẳng hạn - loài sán ở trong ruột - buộc trẻ em cứ phải gãi mông lia lịa. Trứng của các con sán này bám trên ngón tay đứa bé. Và thế là việc phát tán chúng được đảm bảo rồi. Theo một số nhà nghiên cứu, việc hắt hơi, ho đều nằm trong kho phương tiện mà các vật ký sinh phát triển để buộc chúng ta truyền bá chúng cho đồng loại.
    Này bạn ơi xin nhớ cho rằng
    Dù đường đời vạn nẻo về đâu
    Cuộc đời mình là bụi cát xa xôi
    Thế gian này chẳng phải riêng ta

Similar Threads

  1. Lệnh cấm ''lạ'' ở ký túc sinh viên
    By SuperAdmin in forum Đọc báo cho bạn
    Replies: 2
    Last Post: 18-01-05, 12:23 PM
  2. ca-ve sinh viên
    By heorung in forum Đọc báo cho bạn
    Replies: 0
    Last Post: 16-01-05, 02:02 PM
  3. sinh nhật không có anh bên
    By hoatigon in forum Kỷ niệm một thời yêu
    Replies: 2
    Last Post: 29-12-03, 01:53 PM
  4. chúc mừng sinh nhật THÁM TỬ NET !
    By người ta in forum Nhân vật đặc biệt...
    Replies: 11
    Last Post: 02-12-03, 04:12 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •