Nghề làm báo cho tôi được đi nhiều, gặp nhiều những phiên toà mà bố mẹ là bị cáo, hoặc “dứt tình’’ với nhau. Thương cảm và day dứt nhất đối với mỗi người cầm bút là những ánh mắt lạc lõng, ngơ ngác của trẻ thơ đọng lại sau khi phiên toà đã kết thúc. ‘’Cuộc đời con sẽ ra sao, bố mẹ ?’’- Câu hỏi này của trẻ, ai sẽ trả lời đây ?

1. Phiên toà hôm nay sẽ xử cả bố lẫn mẹ nó về tội buôn bán trái phép chất ma tuý. Hai chị em nó chỉ dám đứng lấm lét cuối phòng xử án và ngơ ngác ngước hai đôi mắt trong veo về phía vành móng ngựa. Ở đó, bố mẹ nó cũng đang đưa những đôi mắt mệt mỏi khắp phòng xử án tìm hai chị em nó. Sau mấy tháng bị tạm giam, hai hố mắt của mẹ nó sâu hoắm, tóc bố nó phủ một màu trắng lấm tấm. Trước đây nhà nó nghèo nhưng sống êm đềm lắm. Thế rồi bỗng dưng chẳng biết bố mẹ nó kiếm được ở đâu rất nhiều tiền. Họ xây nhà, sắm tiện nghi hiện đại. Nhà nó thỉnh thoảng lại có người lén lút đến rồi đi một cách chóng vánh. Nó không hiểu. Bố mẹ nó không cho nó hiểu. Nó cũng chưa đủ lớn để hiểu về những đồng tiền kia. Chỉ đến khi công an đến nhà bắt bố mẹ nó đi cùng những gói bột trắng thì nó mới hiểu. Nó nghe mọi người nói tội buôn bán ma tuý dễ bị tử hình lắm. Mấy tháng trời bố mẹ nó tàn lụi trong trại tạm giam là ngần ấy thời gian chị em nó ôm nhau ngủ trong nỗi sợ hãi sẽ mang kiếp mồ côi…

Tiếng ông chủ toạ khai mạc phiên toà vang lên. Cố nhún chân lên nhìn vội mái đầu trắng xoá của bố, tự nhiên nó thấy hoa mắt, chóng mặt. Nó nghĩ đến màu trắng chết chóc của Heroin. Nó nghĩ đến màu trắng đau thương của chiếc khăn tang mà chị em nó sẽ phải quàng lên đầu nếu lỡ may bố mẹ bị kết án cao nhất. Đứa em nhỏ vẫn ngơ ngác nhai kẹo mà không để ý đến hai dòng nước đang chầm chậm chảy ra từ đôi mắt của chị nó. Bố mẹ ơi, sao lại làm gương xám ? Nó lầm lũi nghĩ và cúi xuống để tránh đi những cặp mắt thương hại đang vây quanh chị em nó…

2. Thằng bé lớp 6 ngồi gọn trong lòng bà ngoại và ngoan ngoãn ngước nhìn lên chỗ bố mẹ nó đang tranh luận tại toà trước khi ly hôn nhau. Những cuộc cãi vã như thế này nó nghe nhiều rồi. Ngày nào cũng nghe. Ngủ dậy nó đã phải nghe. Trong giấc mơ nó cũng phải nghe. Đi học về đến cửa nó đã phải nghe. Trong bữa ăn nó cũng phải nghe. Nó chẳng biết ai đúng, ai sai nhưng nó cũng đã đủ tuổi để hiểu được tại sao người lớn lại cãi nhau. Trận cãi nhau gần đây nhất của bố mẹ nó kết thúc bằng một tờ giấy mà cả hai người đều giật lấy bút trên tay nhau để ký vào đó. Trong khi chờ toà án xử, hai mẹ con nó về ở với bà ngoại. Bố nó ở lại nhà và ăn cơm bụi, uống nước hàng.

Trên hàng ghế đương sự, bố nó nghiến răng trèo trẹo, mắt long lên sòng sọc như nuốt tươi mẹ nó khi bà đổ hết mọi tội lỗi về ông. Không vừa, mẹ nó cũng hoa chân múa tay thanh minh với toà. Nó thấy bà ngoại xoa đầu mình và rút khăn mùi xoa trong túi ra chấm chấm hai hố mắt. Nó vẫn còn ngây thơ. Nó vẫn cho rằng bố mẹ cãi nhau hôm nay cũng như bao lần cãi nhau trước. Khi toà đồng ý cho hai người ly hôn, bà ngoại ôm chặt nó vào lòng hơn.Tiếng chuông kết thúc phiên toà rung lên những hồi réo rắt. Bà ngoại cầm tay nó và hai bà cháu bước nhanh ra khỏi phòng xử án nhộn nhịp. Ngước đầu nhìn lại, nó thấy bố mẹ mình đang lao ra theo hai bà cháu. Bà ngoại đã già mà hôm nay bước đi những bước thật nhanh nhảu. Hai bà cháu hoà nhanh vào dòng người đang hối hả trên đường phố. Có tiếng mẹ nó gọi thảng thốt phía sau lưng. Bà ngoại vẫn bước đi. Đôi chân nhỏ xíu của nó vội vã chạy theo bà. Lúc này nước mắt nó mới ứa ra. Nó đang nghĩ về bố, về mẹ, về một mái ấm hạnh phúc đã rất xa xôi và sẽ không bao giờ trở lại nữa. ''Cuộc đời con sẽ ra sao, bố mẹ ?''- là một học sinh lớp 6, nó đã biết nghĩ đến điều đó từ hôm nay.

3. Thú thực, tôi không muốn đi dự những phiên toà như thế này. Có cái gì đó nhiều khi không viết được nổi vào bài báo, thành một bài báo sinh động. Tôi sợ khi đọc được những nỗi lòng này của trẻ, ai sẽ là người trả lời các cháu đây: ''Cuộc đời con sẽ ra sao, bố mẹ ?''