Results 1 to 5 of 5

Thread: Cẩm nang gia đình người hồi gia

  1. #1
    NÚP LÙM & CHÉM GIÓ
    ltvt's Avatar

    Join Date
    Nov 2009
    Location
    Hell or Heaven?
    Posts
    388

    Cẩm nang gia đình người hồi gia

    CẨM NANG GIA ĐÌNH NGƯỜI HỒI GIA


    Từ năm 2006, nhiều gia đình sẽ đón nhận con em thân yêu trở về sau một thời gian dài không ngừng học tập, rèn luyện và phấn đấu để chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ, học văn hoá, học nghề. Giờ đây, con em của quí vị đang trong giai đoạn chuẩn bị để tái hoà nhập với cộng đồng. Đó là niềm vui và thành quả không chỉ của riêng người hồi gia mà còn là niềm vui và hạnh phúc lớn lao của tất cả những gia đình có con em hồi gia. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui về sự đoàn tụ thì các gia đình cũng canh cánh bên lòng những lo âu, trăn trở liên quan đến tâm lý, sức khỏe, việc làm, qui tắc ứng xử, quan hệ xã hội, đặc biệt là những nguy cơ về sự tái nghiện của người hồi gia.

    Tương lai của người hồi gia phần lớn phụ thuộc vào chính người hồi gia, nhưng những suy nghĩ và cách hành xử của người hồi gia lại tuỳ thuộc rất nhiều vào thái độ và sự quan tâm của gia đình và cộng đồng xung quanh đối với họ. Ở giai đoạn này gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng, chính sự hiểu biết, lòng khoan dung và thái độ ứng xử thích hợp của gia đình sẽ góp phần nâng đỡ và hỗ trợ để người hồi gia tự tin hơn, dần xoá đi mặc cảm, từng bước hội nhập và trở lại như một con người bình thường trước đây trong xã hội, đồng thời góp phần kéo giảm tỉ lệ tái sử dụng đến mức thấp nhất.
    Cuốn cẩm nang này ra đời nhằm mục đích cung cấp cho gia đình người hồi gia những kiến thức về các vấn đề liên quan đến người hồi gia đã được đề cập đến ở trên. Cuốn cẩm nang là tập hợp những ý kiến và hướng dẫn được chọn lọc bởi các chuyên gia tâm lý, xã hội, các bác sĩ giàu kinh nghiệm và những kinh nghiệm thực tế của nhiều học viên là người sau cai tại các trường / trung tâm.
    Hy vọng rằng tình yêu thương và sự động viên của mỗi gia đình, sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc để người hồi gia lấy lại được niềm tin vào cuộc sống. Chúng ta cùng cầu chúc cho các bạn trẻ - người hồi gia - có đủ nghị lực để vượt qua những đam mê tăm tối và thực hiện được những ước mơ, hoài bão mà họ hằng ấp ủ. Chúc các gia đình có thêm niềm tin và sức mạnh để nâng đỡ người thân của mình.
    Trong quá trình biên soạn ắt không tránh khỏi những thiếu sót nhất định, rất mong nhận được những ý kiến phản hồi mang tính xây dựng của gia đình người hồi gia và những người có quan tâm nhằm giúp cho cuốn sách mỏng này ngày một hoàn thiện hơn.

    Ủy Ban Phòng Chống AIDS TP. Hồ Chí Minh

  2. #2
    NÚP LÙM & CHÉM GIÓ
    ltvt's Avatar

    Join Date
    Nov 2009
    Location
    Hell or Heaven?
    Posts
    388
    I. NHỮNG ĐIỀU GIA ĐÌNH CẦN BIẾT

    1. Con em của quí vị đã thay đổi:

    Qua thời gian dài được chữa bệnh, sinh hoạt, học tập ở các trường/trung tâm, người hồi gia nay không còn là người “nghiện ma túy” nữa. Họ đã trở thành một con người mới không còn là những người mà gia đình hay bà con hàng xóm từng biết đến với tiếng thở dài ngao ngán hoặc những cái lắc đầu ngán ngẩm như trước đây!
    Người con, người em thương yêu của gia đình đã có rất nhiều nỗ lực phấn đấu và giờ đây đang chuẩn bị trở về với gia đình và cộng đồng để tiếp tục thực hiện những dự định và công việc còn dang dở trước kia.

    2. Người hồi gia lo lắng về sự kì thị của gia đình và cộng đồng

    Dù bản thân đã quyết tâm và nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt nhưng trong lòng người hồi gia vẫn canh cánh nhiều âu lo, nhất là những lo lắng về sự kì thị và phân biệt đối xử của người xung quanh đối với mình. Vì thế khi trở về với gia đình và cộng đồng, người hồi gia có thể chưa sẵn sàng hòa đồng với mọi người hoặc có cách ứng xử và thái độ hơi lạ khi được mọi người quan tâm, chăm sóc. Gia đình cần hiểu và cảm thông, nhằm giúp họ vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này.

    3. Người hồi gia có tâm lý mặc cảm tự ti

    Tâm lý mặc cảm tự ti do day dứt với quá khứ lầm lỗi, do e ngại những va chạm trong ứng xử khi trở về. Tâm lý mặc cảm tự ti cũng nảy sinh từ những so bì với anh em, bạn bè đồng trang lứa về cuộc sống hiện tại. Nhưng dù cho có khó khăn thế nào thì người hồi gia cũng sẽ tự tin và mạnh dạn hơn nếu họ luôn nhận được sự động viên và khích lệ quý giá của gia đình.

    4. Người hồi gia có nguy cơ tái nghiện

    Gia đình phải tin rằng con em mình đã thay đổi sau thời gian dài được chữa bệnh kết hợp với lao động trị liệu, cuing như được trang bị những kiến thức và kỹ năng để chống tái nghiện khi hòa nhập cộng đồng. Nhưng nói như thế không có nghĩa là gia đình có thể yên tâm hoàn toàn, không tính đến nguy cơ tái nghiện của người hồi gia.
    Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này thì các yếu tố sau đây có thể góp phần làm tăng nguy cơ tái nghiện:
    - Mãi vẫn không tìm được việc làm phù hợp
    - Thất nghiệp
    - Sống trong môi trường dễ gợi nhớ đến việc sử dụng ma túy trước đây.
    - Môi trường có nhiều cám dỗ, không an toàn.
    - Bị sang chấn tâm lý do những đổ vỡ hoặc mâu thuẫn trong gia đình.
    - Bị bế tắc, không tìm thấy động cơ và hướng phấn đấu trong cuộc sống
    - Được tự do tiêu xài tiền bạc mà không có ai kiểm soát.

    5. Người hồi gia thường có tâm lý cô đơn, lạc lõng

    Khi trở về cộng đồng thì các mối quan hệ trước đây với bạn bè, thầy cô trong trường/ trung tâm không còn. Ở gia đình thì ai vào việc nấy, ít dành thời gian trò chuyện, hoặc lắng nghe người hồi gia như lúc mới về trong khi người hồi gia chưa kịp chuẩn bị tâm lý để thiết lập các mối quan hệ mới, chưa mạnh dạn bày tỏ những khó khăn với gia đình hoặc các nhân viên xã hội để nhận được sự hỗ trợ, hoặc tham gia các buổi sinh hoạt phù hợp và bổ ích dành cho họ, nên dễ rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng nên rất cần được sự quan tâm và động viên của người thân.

    6. Người hồi gia nhiều lúc tự dằn vặt với quá khứ

    Người hồi gia đã tiêu phí một khoảng thời gian khá dài, nhiều người thậm chí đánh mất cả tuổi trẻ vào việc sử dụng ma tuý. Vì thế không có gì lạ khi đôi lúc họ tỏ ra day dứt, hoặc dằn vặt bởi quá khứ và hối tiếc về những gì đã qua. Tuy nhiên, ở một ý nghĩa nào đó thì quá khứ chính là sự cảnh tỉnh, đồng thời cũng là sự nhắc nhở cần thiết để người hồi gia không mắc lại những lỗi lầm cũ, giúp chuẩn bị kỹ hơn cho việc lập kế hoạch của bản thân trong tương lai.

    7. Người hồi gia thiếu niềm tin ở bản thân về sức khỏe, khả năng, và nghị lực vươn tới trong cuộc sống

    Tuy đã trải qua một thời gian dài được chữa trị, chăm sóc tận tình nhưng có thể sức khỏe của người hồi gia chưa được phục hồi hoàn toàn, bản thân họ cũng chưa đủ ý chí, nghị lực để nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng xã hội. Điều này dễ khiến người hồi gia đôi khi cáu gắt bực bội, hoặc dẫn đến chán chường, tuyệt vọng. Những lúc như thế, gia đình chính là điểm tựa tốt nhất cho người hồi gia cả về tinh thần lẫn vật chất để họ cố gắng hơn. Hy vọng với thời gian, sự động viên cộng với tình yêu thương của gia đình và xã hội sẽ giúp người hồi gia dần có thêm niềm tin và nghị lực để phấn đấu trở thành những con người hữu ích.

    8. Người hồi gia cần được hỗ trợ việc làm

    Một trong những nguyên nhân dẫn người hồi gia đến với ma tuý, trong đó nguyên nhân “do có quá nhiều thời gian rảnh rỗi” chiếm một phần đáng kể. Chính vì vậy mà theo kinh nghiệm các chuyên gia thì “việc làm” sẽ là một yếu tố tích cực trong việc tạo niềm tin cho người hồi gia. Việc làm không những đem lại thu nhập mà còn là điều kiện để người hồi gia tạo dựng lại những mối quan hệ xã hội đã mất trước đây, đồng thời giúp cho người hồi gia tự khám phá và tăng cường lòng tin vào năng lực của chính bản thân cũng như gia đình và cộng đồng.

    9. Nhiều tổ chức, ban ngành, đoàn thể ở các cấp sẵn sàng hỗ trợ người hồi gia và gia đình

    Tái hòa nhập cộng đồng có thể xem là thành công bước đầu của người hồi gia: từ một người lệ thuộc ma túy - một bệnh nhân – qua quá trình trị liệu phục hồi họ đã trở thành một con người “mới” – không còn lệ thuộc ma túy, đang quyết tâm mong muốn làm lại cuộc đời và hy vọng được cộng đồng xã hội chấp nhận.

    Để duy trì và phát huy tốt nhất thành tựu bước đầu ấy, chương trình hỗ trợ người hồi gia tái hòa nhập cộng đồng đã được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo chính quyền và ban ngành đoàn thể các cấp, cộng với sự tham gia của đội ngũ cán bộ xã hội đầy nhiệt huyết, đầy tình thương yêu và ý thức trách nhiệm, luôn sẵn sàng và hết lòng hỗ trợ cho người hồi gia và gia đình.

  3. #3
    NÚP LÙM & CHÉM GIÓ
    ltvt's Avatar

    Join Date
    Nov 2009
    Location
    Hell or Heaven?
    Posts
    388
    II. NHỮNG ĐIỀU GIA ĐÌNH NÊN LÀM

    1. Tạo bầu không khí tin cậy, thương yêu, gần gũi trong gia đình

    Bầu không khí ấm cúng trong gia đình có ý nghĩa rất quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người hồi gia. Mối dây gắn kết mọi người chính là tình thương yêu và sự quan tâm lẫn nhau thể hiện qua các sinh hoạt chung như bữa cơm gia đình, sự ân cần trong thái độ cư xử, trong lời ăn, tiếng nói v.v… Những điều này làm cho người hồi gia luôn suy nghĩ và cân nhắc, trước khi làm bất cứ điều gì cũng đều nghĩ đến gia đình yêu thương của mình, điều này sẽ giúp họ có thêm nghị lực và nguồn động viên lớn lao để vượt qua sự cám dỗ của ma túy.

    Nên thể hiện như thế nào?

    - Luôn lắng nghe để thấu hiểu những băn khoăn và lo lắng của người hồi gia, đồng thời tạo điều kiện để người hồi gia hiểu được những suy nghĩ và hành động của các thành viên khác trong gia đình.

    - Luôn thống nhất ý kiến giữa các thành viên trong gia đình, tránh trường hợp “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” khiến người hồi gia mất phương hướng và dễ suy diễn theo cảm tính chủ quan.

    - Khi nảy sinh mâu thuẫn, gia đình cần bình tĩnh để lắng nghe, đồng thời phân tích và lý giải các vấn đề trên cơ sở tôn trọng và tin cậy người hồi gia. Điều này sẽ giúp giải quyết mâu thuẫn, đồng thời giúp người hồi gia cảm nhận được tình cảm của gia đình và dễ hội nhập vào cuộc sống mới.

    2. Tạo dựng niềm tin.

    - Người hồi gia sau một thời gian dài học tập và rèn luyện trong các trường/trung tâm, khi được trở về cũng có niềm tin rằng mình sẽ nỗ lực để hòa nhập với cộng đồng và quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy. Vì vậy niềm tin này luôn cần được gia đình củng cố, động viên và hỗ trợ.

    Tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý vài vấn đề sau:

    - Người hồi gia đã có một thời gian dài không sống cùng gia đình
    - Môi trường sống tập thể trong các trường/trung tâm và môi trường sống trong gia đình rất khác nhau.
    - Sự e ngại của người hồi gia trong việc thiết lập lại các mối quan hệ
    - Sự mặc cảm của người hồi gia về quá khứ trước đây của mình.

    Tạo dựng niềm tin bằng cách:

    - Giúp người hồi gia hiểu họ được tôn trọng và được quyền nói lên những suy nghĩ của mình. Gia đình cần lắng nghe và khuyến khích người hồi gia bộc lộ suy nghĩ của bản thân để có hướng động viên và hỗ trợ họ. Nếu quan điểm bất đồng, tránh bộc lộ phản ứng và sự không hài lòng ngay lập tức vì dễ gây căng thẳng và có thể làm cho mâu thuẫn thêm trầm trọng hơn.

    - Để giải quyết bất đồng hoặc mâu thuẫn, gia đình nên nắm thêm thông tin, tìm hiểu rõ vấn đề và chọn thời điểm thích hợp để trao đổi lại với người hồi gia trong tinh thần yêu thương và tôn trọng.

    - Gia đình nên khuyến khích và tạo điều kiện để người hồi gia tham dự hoạt động của các nhóm “bạn giúp bạn”, hoặc các nhóm “tự hỗ trơ” thuộc các trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng ở địa phương. Thông qua tác động nhóm trong môi trường bạn bè thân thiện, đồng cảm và được sự hỗ trợ kỹ thuật của các nhân viên xã hội chuyên nghiệp, tâm lý người hồi gia dễ phát triển theo hướng tích cực, điều này sẽ tốt cho việc phục hồi và phát triển lòng tự tin nơi người hồi gia.

    - Ngoài ra, gia đình nên mạnh dạn giao những công việc phù hợp và gắn trách nhiệm của người hồi gia với công việc được giao để họ thấy mình được tin tưởng, nên bắt đầu từ những việc nhỏ và đơn giản.

    Ví dụ: trong thời gian mới về chưa có việc làm thì người hồi gia có thể phụ giúp một số công việc trong nhà như: quét dọn nhà cửa, nấu cơm, đóng tiền điện, nước, điện thoại, đi chợ hoặc chở mẹ đi chợ .v.v…

    - Khen ngợi khi người hồi gia hoàn thành tốt và nhẹ nhàng hướng dẫn thêm những thiếu sót để công việc lần sau được tốt hơn.

    - Giúp người hồi gia thiết lập mối quan hệ thân thiện với bà con họ hàng và lối xóm
    Ví dụ: cùng đi với người hồi gia đến thăm bà con họ hàng, lối xóm. Sau đó tạo điều kiện và khuyến khích người hồi gia chủ động đến thăm hỏi mỗi khi có dịp. Khi người hồi gia chủ động gặp gỡ mọi người, họ sẽ thấy tự tin hơn.

    3. Khuyến khích người hồi gia học tập lao động

    “Nhàn cư vi bất thiện” do vậy việc làm là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng giúp người hồi gia tránh được nguy cơ tái nghiện. Khi có việc làm, người hồi gia sẽ không còn thời gian rảnh rỗi để suy nghĩ vẩn vơ, thậm chí tiêu cực, hoặc đi chơi với bạn bè cũ. Hơn thế, họ sẽ tự hào khi cảm thấy mình có ích cho gia đình, xã hội và tự tin hơn.

    Khuyến khích như thế nào?

    - Gia đình cần hỗ trợ người hồi gia trong việc xây dựng kế hoạch bản thân cho cuộc sống sắp tới khi tái hòa nhập cộng đồng. Cụ thể là sẽ ở đâu, làm gì, cần ai phụ giúp .v.v… với những công việc mang tính cụ thể và phù hợp với khả năng lẫn sức khỏe của người hồi gia.

    - Nên có sự thống nhất giữa người hồi gia và gia đình về công việc mà người hồi gia sắp làm. Bắt đầu từ những việc rất nhỏ và khả năng thành công cao nhất.

    - Nếu gia đình có điều kiện thì có thể khuyến khích người hồi gia tiếp tục ghi tên học văn hóa, học nghề ở các trung tâm, hoặc vừa học vừa làm ở các cơ sở dạy nghề tư nhân. Có thể dựa trên một số nghề mà người hồi gia đã được đào tạo cơ bản trong các trường/trung tâm.

    - Nếu giữa gia đình và người hồi gia không có sự thống nhất thì gia đình có thể trao đổi với nhân viên xã hội là những cán bộ quản lý trường hợp hoặc cán sự xã hội của địa phương để nhận được những hỗ trợ cần thiết.

    4. Ngăn cản người hồi gia giao tiếp với người xấu

    Nếu người hồi gia có quyết tâm từ bỏ ma túy nhưng vẫn gặp gỡ số bạn bè cũ hiện còn đang sử dụng, hoặc tiếp xúc với nhóm người xấu từng dụ dỗ người hồi gia đến với ma túy trước đây thì khả năng tái nghiện là rất cao.

    Vậy gia đình nên làm như thế nào?

    Giúp người hồi gia hạn chế tiếp xúc với những người xấu nói trên bằng cách từ chối một cách khéo léo. Ví dụ “A không có nhà”.

    Tuy nhiên, khi làm những việc này gia đình cần bàn bạc thống nhất trước với người hồi gia để tránh sự hiểu lầm. Ngoài ra, cũng nên khuyến khích và tạo điều kiện để người hồi gia thiết lập các mối quan hệ mới và tích cực như tham gia các nhóm “tự hỗ trợ”, nhóm “bạn giúp bạn” … điều đó giúp người hồi gia có thêm những hàng rào bảo vệ hữu ích và tự tin để nói không với đám bạn xấu – nói không với ma túy dễ dàng hơn.

    5. Gia đình khuyến khích người hồi gia tham gia công tác xã hội trong các đoàn thể, các nhóm “bạn giúp bạn”, nhóm “tự hỗ trợ”

    Gia đình nên tạo điều kiện và trong giai đoạn đầu có thể cùng người hồi gia tham gia các hoạt động xã hội như gia nhập các câu lạc bộ dành cho người hồi gia và gia đình, tham gia nhóm bạn giúp bạn, trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên, gia đình phật tử, nhóm hướng đạo, các nhóm trong nhà thờ .v.v… Đây là cơ hội quí báu để người hồi gia kết bạn với những người trẻ đồng trang lứa và đầy nhiệt huyết, họ sẽ cảm thấy có ích khi được tham gia các hoạt động đóng góp sức mình cho xã hội và thông qua những hoạt động này giúp người hồi gia định hướng tốt hơn cho tương lai.

    6.Quan tâm chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh tật của người hồi gia

    Trong trường hợp người hồi gia nhiễm HIV/AIDS thì cần được chăm sóc sức khỏe với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Môi trường sống vui vẻ, an toàn và thân thiện với công việc lao động phù hợp sẽ giúp cho cuộc sống của người hồi gia được cân bằng và duy trì trong thời gian dài. Đặc biệt, sự quan tâm chăm sóc của gia đình, bạn bè cũng là động lực để thúc đẩy người hồi gia tự giác trong việc tuân thủ điều trị ARV.

    7. Biết hướng dẫn con em đến các cơ sở chữa bệnh tại cộng đồng

    Khi trở về với gia đình và cộng đồng, người hồi gia có thể gặp phải những vấn đề liên quan đến sức khỏe, đôi lúc cũng cần đến sự chăm sóc, chữa trị, tham vấn của các bác sĩ, các chuyên gia tâm lý. Khi đó, mong quý gia đình đừng ngần ngại hướng dẫn người hồi gia đến các cơ sở y tế, các Trung tâm tham vấn và hỗ trợ cộng đồng ở địa phương để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

    8. Tìm hiểu về thuốc chống tái nghiện để hỗ trợ người hồi gia khi cần

    Khi được tái hòa nhập với cộng đồng, có thể xem như người hồi gia đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành công đáng tự hào. Tuy vậy, khó khăn chưa phải đã hết, vẫn còn đó những thách thức và rào cản có thể chắn ngang con đường tái hòa nhập của người hồi gia. Trong số đó, nguy cơ tái nghiện là một trong những nỗi lo lớn nhất. Vì thế, đối với một số người hồi gia, một lúc nào đó có thể cần đến sự hỗ trợ của thuốc chống tái nghiện. Khi đó, mong quý gia đình hãy bình tĩnh và tiếp tục sát cánh, hỗ trợ hết mình để giúp con em vững vàng, không rơi vào con đường lầm lỡ khi xưa.

    9.Thay đổi môi trường sống cho người hồi gia

    Nếu môi trường sống xung quanh gia đình vẫn còn người sử dụng ma tuý và còn nhiều điều gợi nhớ có thể lôi kéo người hồi gia đến việc tái sử dụng thì việc mạnh dạn thay đổi môi trường sống cũng là một biện pháp tích cực nhằm hỗ trợ người hồi gia trong việc chống tái nghiện.

    Hỗ trợ người hồi gia thay đổi môi trường sống như thế nào?

    Gia đình và người hồi gia cần bàn bạc, thảo luận và thống nhất ý kiến với nhau về nơi ở mới, về điều kiện sinh hoạt và công việc sẽ làm v.v… Gia đình cũng cần cho người hồi gia biết mục đích của việc này là nhằm hỗ trợ cho người hồi gia trong việc chống tái nghiện. Đồng thời quan tâm đến nhu cầu tình cảm người hồi gia khi sống xa nhà, để họ luôn cảm thấy ấm áp như có người thân ở bên cạnh.

    10. Bảo vệ người hồi gia trước sự chỉ trích và xoi mói của hàng xóm

    Mặc dù người hồi gia đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, tuy nhiên những người xung quanh có thể không biết được trong suốt khoảng thời gian ở trường/trung tâm người hồi gia đã phấn đấu, học tập và thay đổi như thế nào. Cho dù hàng xóm không tin nhưng điều quan trọng là gia đình phải tin vào ý chí phấn đấu của người hồi gia, có như vậy mới cho người hồi gia cảm giác được gia đình tin tưởng và tiếp tục phấn đấu không ngừng để tự khẳng định.

  4. #4
    NÚP LÙM & CHÉM GIÓ
    ltvt's Avatar

    Join Date
    Nov 2009
    Location
    Hell or Heaven?
    Posts
    388
    III. NHỮNG ĐIỀU GIA ĐÌNH KHÔNG NÊN LÀM

    1. Nhục mạ, mắng mỏ, chỉ trích người hồi gia

    Người hồi gia sau nhiều vấp ngã trong cuộc sống đã làm mất lòng tin của gia đình và người xung quanh nên giờ đây họ rất mặc cảm, tự ti với chính bản thân ngay cả khi trong họ đã có những chuyển biến tích cực. Chính vì vậy mà những lời mắng mỏ, nhục mạ, hoặc chỉ trích gay gắt sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm và lòng tự trọng của người hồi gia. Họ có thể vì thế mà sinh ra buồn chán, đau khổ và tuyệt vọng, từ đó nảy sinh những hành động không hay.

    - Những lời mắng mỏ, chỉ trích có thể xuất phát từ các bậc cha mẹ, nhưng đôi khi cũng có thể từ các anh chị em trong nhà. Có thể người hồi gia vẫn còn những thói quen không tốt khi sống chung trong nhà, nhưng gia đình không nên vì thế mà có thành kiến hoặc cáu gắt, hay lên giọng chỉ trích khi họ vô tình làm sai hoặc trái ý của mình.

    - Nếu như có những bất đồng trong quan điểm hoặc lối sống thì gia đình cũng phải cho người hồi gia cơ hội được bày tỏ và bình tĩnh lắng nghe, tránh tình trạng người khác nói thì không sao nhưng nếu người hồi gia nói thì cho là không có giá trị hoặc bị coi thường. Người hồi gia thường rất nhạy cảm với những điều xảy ra xung quanh và bất cứ sự mâu thuẫn nào cho dù rất nhỏ cũng có thể làm ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ và hành động của người hồi gia và đẩy họ đến việc tái nghiện.

    2. So sánh người hồi gia với những người khác

    Người hồi gia đã mất một khoảng thời gian khá dài để chữa bệnh, học tập kết hợp với lao động trị liệu tại các trường/trung tâm, chính vì vậy mà có rất nhiều việc người hồi gia đã bỏ lỡ và bây giờ, khi quay trở về với cộng đồng, người hồi gia mới bắt đầu làm lại. Như thế không tránh khỏi sự chậm trễ hoặc không thành công như ý muốn.

    Nếu không hiểu điều này, gia đình sẽ:

    - Luôn có ý so sánh người hồi gia với anh em trong gia đình hoặc người quen biết, đòi hỏi người hồi gia phải giống người này hay người kia.

    - Thường xuyên chê bai, chỉ trích hoặc than thở khi người hồi gia thực hiện công việc không thành công, thậm chí đưa việc đó ra làm trò cười cho mọi người. Điều này sẽ gây tổn thương rất lớn nơi người hồi gia, dễ khiến họ thêm tự ti, mặc cảm vì cảm thấy mình vô tích sự, chỉ làm khổ gia đình từ đó sinh ra buồn chán, thất vọng, rất dễ sa vào con đường cũ.

    Ví dụ: “Mày nhìn đám bạn của mày kìa, đứa nào cũng có công việc, tương lai đàng hoàng, còn mày thì sao?” hoặc “Cứ nhìn con người ta mà thấy buồn, giá mà mày được một phần của thằng A thì tao cũng mãn nguyện rồi” hoặc “Giá mày được một phần của thằng em mày thì tao đã đỡ khổ biết bao nhiêu”.

    - Gia đình có thể thay những câu so sánh này bằng các câu động viên như : “ Ba tin là con cũng không thua gì thằng A, thằng B đâu, bây giờ làm lại từ đầu tuy có hơi trễ một chút nhưng Ba và gia đình tin là con có thể làm được” hoặc “ Ba mẹ biết con buồn vì không được bằng anh bằng em, nhưng cuộc đời thì đâu có ai giống ai, chỉ cần con có sự cố gắng và quyết tâm thì ba mẹ và anh chị em nhất định ủng hộ con”.

    Gia đình không quá khắt khe nhưng cũng tuyệt đối không dễ dãi nuông chiều

    - Gia đình vì sợ người hồi gia quay lại con đường cũ nên thường quản lý chặt chẽ họ về thời gian, tiền bạc v.v… điều này dễ dẫn đến sự hiểu lầm đáng tiếc giữa người hồi gia và gia đình.

    Ví dụ: người hồi gia đi đâu, làm gì đều có người giám sát, quản lý khiến họ bất mãn và có thành kiến với gia đình.

    - Gia đình quá khắt khe chi li trong chuyện tiền bạc với người hồi gia, hoặc vừa cho tiền, vừa răn đe một cách nặng nề.

    Gia đình không nên quá nuông chiều người hồi gia

    Tuy gia đình không nên quá khắt khe trong vấn đề sinh hoạt, hoặc tiền bạc hàng ngày nhưng không có nghĩa là để cho người hồi gia tự do tiêu xài hoặc sống theo ý thích của mình. Gia đình phải hiểu rằng chính sự quan tâm không đúng mực trước đây của gia đình cũng là một phần nguyên nhân khiến người hồi gia tìm đến ma tuý. Chính vì vậy, gia đình cần phải có sự quan tâm gần gũi, chia sẻ đối với người hồi gia, nhưng đồng thời cũng phải có biện pháp quản lý hữu hiệu.

    Tránh tình trạng:

    - Một số gia đình quá nuông chiều người hồi gia do mang tâm lý muốn bù đắp, không để làm bất cứ việc gì, xin bao nhiêu tiền cũng cho, hoặc xin gì được nấy. Đây là một hành động không hay dễ khiến người hồi gia sinh tật ỷ lại, chây lười lao động và không muốn rèn luyện phấn đấu.

    - Một số gia đình giao quá nhiều tiền hoặc công việc làm ăn kinh doanh lớn cho người hồi gia ngay khi họ mới về mà không quản lý, bàn bạc, thảo luận và hoạch định công việc cụ thể cùng với họ.

    3. Không nghi ngờ, chụp mũ hoặc thường xuyên nhắc nhớ quá khứ lầm lỗi

    Không ai muốn bị nói xấu, hoặc nhắc đến quá khứ không tốt của mình, người hồi gia cũng như vậy, họ muốn làm lại từ đầu cũng có nghĩa là muốn để quá khứ của mình ngủ yên. Nhưng nhiều gia đình đã quá thành kiến với quá khứ của họ nên:

    - Khi có vấn đề xảy ra như mất tiền bạc, gây gổ, đánh nhau v.v… trong nhà hoặc trong xóm đã vội vã tra xét, hạch hỏi người hồi gia.

    - Khi có sự việc không hay xảy ra, người ta thường nhắc lại chuyện cũ, truy cứu quá khứ và coi đó như là một cái cớ để buộc tội người hồi gia.

    - Không tin cậy, cử người theo dõi người hồi gia, luôn nghĩ “ngựa quen đường cũ” nên thường xuyên yêu cầu người hồi gia thử test nước tiểu, khám xét quần áo hoặc phòng ngủ của họ.

    Nhiều lần bị nghi ngờ, chụp mũ, đổ oan như thế sẽ khiến người hồi gia càng mất lòng tin vào gia đình và cuộc sống. Nếu gia đình không khéo léo, hoặc thiếu tế nhị sẽ vô tình đẩy người hồi gia quay lại con đường cũ với suy nghĩ: ”đằng nào thì người ta cũng không tin mình rồi”.

    Người hồi gia trong giai đoạn chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng đã ý thức được đầy đủ về hành vi sử dụng ma túy trước đây của mình và mong muốn từ bỏ nó. Họ cần được tạo điều kiện và cơ hội thay đổi bản thân để xây dựng một tương lai khác nên nếu như gia đình khơi gợi lại quá khứ ấy bằng thái độ chì chiết, tiêu cực sẽ khiến người hồi gia thêm tự ti, mặc cảm.

    Vì thế không nên:

    - Nhắc lại quá khứ với thái độ phê bình, chỉ trích.

    - Đem chuyện quá khứ của người hồi gia đi nói với họ hàng hoặc bạn bè, lối xóm ngụ ý răn de, cảnh giác v.v…

    4. Giành quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến người hồi gia

    Một số gia đình luôn cho rằng người hồi gia chưa đủ chín chắn để có thể quyết định bất cứ điều gì, gia đình quan niệm nếu thả lỏng, người hồi gia có thể dễ dàng sa ngã hoặc bộc lộ những hành vi tiêu cực nên thường giành quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến người hồi gia, sau đó buộc người hồi gia thực hiện mà không quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của họ. Không cho phép họ được quyền lựa chọn và quyết định các vấn đề của bản thân.

    Tại sao không nên làm?

    Nếu làm như vậy thì người hồi gia không còn tự tin để ra quyết định, mặt khác dễ dẫn đến tâm lý bất mãn, buông xuôi, ỷ lại hoặc tỏ thái độ bất cần, không hợp tác.

    5. Tự ý mua các loại thuốc chống nghiện hoặc các loại thuốc hỗ trợ khác

    Việc dùng thuốc để hỗ trợ chống tái nghiện chỉ thích hợp với một số người do vậy, thuốc phải được sử dụng đúng theo hướng dẫn của các bác sĩ/chuyên gia có kinh nghiệm. Ngược lại, nếu tự ý mua và sử dụng thuốc có thể không đem lại hiệu quả mong muốn mà trái lại còn có thể gây nhiều tác hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nếu có nhu cầu, gia đình nên liên hệ với các cán bộ quản lý trường hợp hoặc các trung tâm tham vấn và hỗ trợ cộng đồng để được hướng dẫn thêm.

  5. #5
    NÚP LÙM & CHÉM GIÓ
    ltvt's Avatar

    Join Date
    Nov 2009
    Location
    Hell or Heaven?
    Posts
    388
    IV. NẾU NGƯỜI HỒI GIA TÁI SỬ DỤNG

    Gia đình là người hiểu và thấu cảm người hồi gia nhiều nhất. Khi phát hiện người hồi gia tái nghiện, gia đình cũng đừng quá đau khổ, nản lòng mà chối bỏ thực tế, bỏ mặc con em mình. Hãy bình tĩnh và sáng suốt để xem xét từng khía cạnh của vấn đề và tìm cách giải quyết:

    1. Các dấu hiệu nhận biết người hồi gia tái sử dụng

    Nếu người hồi gia tái sử dụng mà đối phó thì gia đình sẽ rất khó phát hiện tuy nhiên vẫn có một số những dấu hiệu bên ngoài như:

    - Lặp lại những dấu hiệu nguy cơ trước đây như: thức khuya, dậy muộn nhưng không phải do công việc.

    - Hay rời nhà vào những giờ cố định mà không ai ngăn cản được (hoặc người hồi gia lợi dụng lòng tin của gia đình rồi mua ma tuý về dùng tại nhà).

    - Cần nhiều tiền nhưng không giải thích được lý do.

    - Kết bạn với những người mà gia đình biết hiện còn đang sử dụng ma tuý.

    - Ngoài những biểu hiện về mặt tâm lý thì gia đình có thể kín đáo kiểm tra cơ thể của người hồi gia xem có các vết chích, vết rạch da mới không. Những biểu hiện lừ đừ hoặc nói năng một cách bất thường, tỏ ra quá phấn khích cũng là những dấu hiệu nguy cơ.

    2. Các dấu hiệu quá liều sốc thuốc và cách xử trí

    Sau một thời gian dài không sử dụng, nếu dùng lại ma tuý với liều lượng như cũ, người hồi gia có thể gặp phải tình trạng sốc thuốc do quá liều, sau đây là một số dấu hiệu:

    Dấu hiệu quá liều:
    - Ngất xỉu, lừ đừ.
    - Da tái xanh, vã mồ hôi.
    - Hơi thở nông (thở yếu)
    - Mạch chậm, yếu.

    Trường hợp thường gặp là một người tiêm chích ma túy xong bị lừ đừ, sau đó lơ mơ, bất tỉnh. Đôi khi có rối loạn nhịp thở, nhịp tim và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

    Khi gặp trường hợp sử dụng ma túy quá liều, cần phải xử trí như sau:

    - Trước tiên cần gọi thêm một ai đó xung quanh giúp đỡ và gọi cấp cứu. Kế đó quan sát, kiểm tra xem nạn nhân còn thở, còn mạch không bằng cách:

    + Quan sát lồng ngực, bụng nạn nhân xem có di động không?
    + Để một nhúm tóc nhỏ hay sợi bông gòn ngay trước lỗ mũi nạn nhân xem có lay động không?
    + Áp tai lên ngực nạn nhân xem có nghe tiếng đập của tim không?
    + Bắt mạch ở cổ tay, hoặc mạch ở cổ nạn nhân xem mạch có nhảy không?

    - Nếu nạn nhân ngưng thở hoặc mạch không đập thì làm hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực như các trường hợp cấp cứu khác.

    - Nếu nạn nhân còn thở, còn mạch thì xử trí tiếp như sau:

    + Đặt nạn nhân nằm nghiêng để tránh chất nôn tràn vào đường thở.
    + Làm thông đường thở: ngửa đầu nạn nhân ra phía sau, nâng nhẹ hàm trước, nếu có nôn thì dùng ngón tay để móc chất nôn ra ngoài.
    + Tiếp tục theo dõi: nếu tình trạng khá hơn: thở đều, môi hồng trở lại.

    3. Làm gì khi người hồi gia tái nghiện?

    - Gia đình nên trực tiếp nói chuyện thẳng thắn và cởi mở với người hồi gia, đi vào thực chất của vấn đề mà người hồi gia đang gặp phải, nhằm tìm được nguyên nhân cụ thể khiến họ tái nghiện để cùng tháo gỡ. Phân tích những tổn hại và mất mát gần nhất, cụ thể nhất mà người hồi gia và gia đình có thể gặp phải nếu người hồi gia tái sử dụng ma tuý.

    - Gia đình có thể liên hệ với các trung tâm tham vấn và hỗ trợ cộng đồng để được giới thiệu một người được đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên môn về hồi gia – đó là những cán bộ quản lý trường hợp - để tham vấn và hỗ trợ gia đình khi cần. Cán bộ quản lý trường hợp là người bạn đồng hành đáng tin cậy của người hồi gia, hỗ trợ người hồi gia trong việc lập kế hoạch hành động hàng tuần, hàng tháng, cùng với người hồi gia thương lượng về giảm nguy cơ trong dự phòng tái nghiện đồng thời là cầu nối giữa người hồi gia với gia đình.

    - Gia đình cần quan tâm động viên sự cố gắng phấn đấu của người hồi gia, ghi nhận và biểu dương những điều người hồi gia đã đạt được, đây là bước đệm quan trọng để họ kiên trì và nỗ lực hơn trong cuộc chiến đấu với chính bản thân. Trong cuộc chiến chống lại ma túy, thì sự kiên nhẫn và nỗ lực của gia đình là điều vô cùng cần thiết.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •