Page 1 of 2 12 LastLast
Results 1 to 10 of 20

Thread: Những tấm gương sáng tự CNMT thành công !

  1. #1

    Lightbulb Những tấm gương sáng tự CNMT thành công !

    Ma tuý là 1 ma lực khiến con người ta rất khó từ bỏ nó, nhưng trong thực tế xã hội có rất nhiều người đã dùng nghị lực bản thân đoạn tuyệt hẳn được với nó ,vậy MT không phải là thứ mà con người ta không thể từ bỏ được (bản thân mình cũng có 1 thời gian từ bỏ MT được dài nhất là 9 năm -trong DD Niềm tin thì Admin Song Khoa cũng là 1 tấm gương sáng về CNMT thành công ...) .Mình lập topic này mong tất cả mọi người post về những tấm gương đã cai nghiện MT thành công để chúng ta cùng học hỏi và phấn đấu đoạn tuyệt với MT vĩnh viễn !

    1-ĐOẠN TUYỆT MA TÚY, TRỞ THÀNH ÔNG CHỦ TRANG TRẠI :

    Năm 2005, trở về từ bãi vàng Phước Sơn, anh và những người bạn nghiện ma túy đã khiến xã Đại Quang, huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam, vốn bình yên bên luỹ tre làng trở thành “xã nóng”. Với quyết tâm cao, anh đã tự cai thành công, lấy lại được niềm tin từ gia đình, bạn bè và cộng đồng; là gương điển hình cho những người nghiện ma túy trong xã và các nơi khác có ý muốn làm lại cuộc đời.

    Sau đoạn đường dài từ Tam Kỳ về xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, chúng tôi đã đứng trước trang trại của anh Nguyễn Văn Cường, 33 tuổi, ở thôn Mỹ An. Trông người thanh niên chân chất, chín chắn này không ai nghĩ rằng anh đã từng một thời là bạn của “cái chết trắng”. Con đường đến với ma túy của anh cũng là con đường của hầu hết người nghiện ma túy tại tỉnh Quảng Nam, đó là sống ở những vùng quê nghèo, không nghề nghiệp và lên bãi vàng Phước Sơn mong có cơ hội đổi đời.

    Công việc đem lại cho họ một nguồn thu nhập khá, nhưng cũng lần lượt đội nón ra đi sau những lần chơi ma túy; với Cường, mỗi ngày anh tiêu hết hai triệu đồng và thường xuyên như vậy. Cường nói, ở nơi rừng thiêng nước độc, để lấy tinh thần khi đào hầm ở những độ sâu vài chục mét, hoặc những lúc rảnh rỗi, không có thú vui nào khác, anh và các bạn đã dùng ma túy và nghiện lúc nào không hay.

    Rời nhà năm 2003, trở về năm 2005, có tên trong danh sách quản lý người nghiện ma túy của Công an; Cường đã được sự vận động của chính quyền, các ban ngành, mặt trận đoàn thể tại địa phương, sự khích lệ của gia đình, bạn bè và xóm làng; bản thân anh cũng nhận thấy những tác hại của ma túy; đến tháng 6/2005 anh bắt đầu tự cai tại gia đình, với quyết tâm làm lại từ đầu. Anh kể, quá trình cai không dễ chịu chút nào, tuần đầu tiên anh vẫn còn cảm giác thèm thuốc, phải uống thuốc ngủ để quên đi; tuần thứ hai cơ thể mỏi mệt, nhức trong xương, mọi người trong nhà thay nhau xoa bóp, massage và chuyền nước, đến tuần thứ ba thì khỏi dần, anh chơi thể dục thể thao nhiều và duy trì để rèn luyện cơ thể, bên cạnh đó anh cũng có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

    Sau giai đoạn cắt cơn, anh chuyển qua lao động. Điều thuận lợi là lúc đó gia đình anh có 25 ha đất rừng, do Hội Nông dân huyện giao cho, cách nhà 15 km. Vào thời gian đó, nếu gia đình anh không tiến hành trồng rừng thì Hội sẽ thu. Thế là anh đã mua keo lai về trồng, hiện nay đã phủ xanh diện tích.

    Đầu năm 2007, trong một lần xét nghiệm để cho máu cứu người hàng xóm, kết quả âm tính đã giúp tăng thêm động lực và niềm tin cho anh trong cuộc sống. Với số vốn 20 triệu tích luỹ được khi làm vàng, anh quyết định mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu.
    Bài toán kinh tế của anh là lập trang trại nuôi heo, gà và cá kết hợp với trồng rừng. Trang trại của anh hiện tại rộng 03 ha, trước đây là đất hoang, có rất nhiều mồ mả. Từ đầu năm 2008, anh đã thuê lại và tiến hành khai phá, san bằng và làm ba ao cá và thả nuôi các loại cá mè, cá lóc,..và nuôi heo, hoàn thiện hệ thống đường dẫn nước, với sự trợ giúp kỹ thuật của Hội khuyến nông huyện về vấn đề chọn giống và quy trình nuôi. Tận dụng khu vườn rộng rãi, anh luôn phiên nuôi gà, vịt mỗi đợt 400 con. UBND xã Đại Quang đã giúp anh hoàn thiện các thủ tục để lập hồ sơ đề nghị huyện Đại Lộc công nhận trang trại để tranh thủ các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó, trang trại của anh càng ngày được mở rộng và được đầu tư tốt hơn, mỗi năm mang lại cho anh một khoảng thu nhập trên hàng trăm triệu đồng. Nhìn lại cơ ngơi của mình, Cường cứ ngỡ như mơ. Có thể nói, bài toán kinh tế mà anh Cường vạch ra là hướng đi đúng đắn trên vùng đất nghèo và hiếm người mạnh dạn đầu tư như anh.

    Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Thanh Phương- chủ tịch xã Đại Quang cho biết “ Năm 2005, xã có 16 người nghiện ma túy từ các bãi vàng trở về, khiến cho dư luận quần chúng xôn xao, nhân dân bất an. Chúng tôi đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, chính quyền, mặt trận, đoàn thể vào cuộc. Song song với làm công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động đối tượng cai nghiện, xã đã kết hợp với Công an tỉnh triệt phá các nguồn cung cấp ma túy; đến nay, xã Đại Quang đã có nhiều chuyển biến tích cực, không phát sinh người nghiện mới và tất cả người nghiện đều đã và đang cai tại gia đình, tiến bộ và có cuộc sống ổn định tại địa phương. Với những người chưa có việc làm, địa phương sẽ hỗ trợ giới thiệu vào các nhà máy đang đóng tại địa bàn. Toàn xã quyết tâm xây dựng xã không có tệ nạn ma túy”.

    Câu chuyện về Cường không chỉ dừng lại ở quyết tâm cai nghiện mà còn gắn với người rất quan trọng trong cuộc đời của anh. Đó là người đã luôn bên cạnh và động viên anh trong suốt quá trình cai nghiện, ngoài người thân trong gia đình. Chị trước đây là tiếp viên trong nhà hàng. Hoàn cảnh éo le, lầm lỡ đã kéo hai người đến với nhau và đi chung con đường, làm lại cuộc đời. Họ cưới nhau đầu năm 2006 - sau khi anh cai thành công và hiện có một cậu con trai. Căn nhà nhỏ ở trang trại luôn ngập tràn hạnh phúc. Mọi người bảo rằng đó là câu chuyện tình yêu kết thúc có hậu.

    Khi hỏi về bí quyết để cai nghiện thành công, Cường nheo mắt “Chỉ có quyết tâm của chính người đó thôi. Tôi biết có nhiều người cai 2- 3 lần nhưng không hiệu quả. Còn tôi, tôi không thể nghiện ma túy mãi và nghèo mãi được”. Nét phong trần, từng trải nhiều so với tuổi vẫn còn vương trên gương mặt và nụ cười chân quê ấy đã đem lại niềm tin cho nhiều người vào anh. Thực tế anh đã làm được điều nhiều người trông đợi và còn hơn thế nữa. Bởi chính quyền, đoàn thể địa phương và tất cả mọi người đã không quay lưng lại khi anh cần họ và sự quyết tâm của anh - của một người thức tỉnh kịp thời trước bình minh.

    -Tác giả : Như Trang

  2. #2
    3-Người thầy kiêm quản sinh từng "dính" ma túy :

    Nhìn Phạm Quang Thọ say sưa với bài giảng cho các em học sinh chẳng ai nghĩ anh đã từng dính đến ma túy và tưởng như đã “bại trận” bởi sự quyến rũ “nàng tiên nâu”...
    Nhìn Phạm Quang Thọ say sưa với bài giảng cho các em học sinh chẳng ai nghĩ anh đã từng dính đến ma túy và tưởng như đã “bại trận” bởi sự quyến rũ “nàng tiên nâu”...
    Ngồi trong ngôi nhà ba tầng khang trang mới hoàn thành không lâu ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Thọ nói không muốn nhắc lại chuyện cũ, chỉ thêm buồn. Nhưng anh bảo, nếu lời nói của mình có thể giúp ích cho dù chỉ một ai đó thì Thọ sẵn sàng, chẳng phải giấu giếm làm gì.


    (Nguyễn Quang Thọ hạnh phúc bên cậu con trai)

    Vừa cai nghiện vừa ôn thi đại học

    “Mỗi lần nhìn vào mấy bức ảnh chụp chung với các bạn ở trường ĐH Sư phạm 2 mình cứ ngỡ đó là ai chứ không phải mình. Hồi đó mình nặng chỉ 45kg. Mọi người cứ đùa vui gọi mình là chàng pa-pai (popeye) trong phim hoạt hình. Giờ có rau chân vịt ăn vào mới to khỏe thế này. Hiện tại mình nặng 60kg rồi...”- Thọ cười vui.
    Anh kể: “Tốt nghiệp THPT năm 1996 mình thi ĐH Bách Khoa Hà Nội nhưng thiếu điểm nên xin nhà xuống Hà Nội ôn thi. Nhà mình ba chị em, cùng một lúc đều đi học. Bố mẹ mình với chút đồng lương nghỉ mất sức ít ỏi, vài sào ruộng trồng lúa phải làm bánh chưng bỏ mối khắp huyện Vĩnh Tường (thuộc Vĩnh Phúc, quê gốc của anh - PV)”.
    Làm thuê ở một quán điện thoại rồi nghe lời bạn bè dụ dỗ, Thọ nghiện lúc nào không hay: “Thường thì cứ gần một tháng mình về một lần. Thời điểm đó, có khi hơn 2 tháng mình không về. Sau là tiền mình xin nhà hàng tháng tăng đột ngột, từ hai trăm/tháng lên năm trăm/tháng. Mình sợ mọi người phát hiện nên tránh gặp."
    Vì nhận làm thuê ở một cửa hàng điện thoại, lấy lý do có điện thoại chỉ cần gọi cho bố mẹ nên không cần về nhà nhiều nữa. Tới khi mình gọi về nhà báo sắp tới con sang Trung Quốc làm ăn với mấy người bạn, phải vài năm mới về được, sốt ruột, lo lắng buộc bố mẹ phải xuống xem xét tình hình mình thế nào”.

    Hay tin con mắc nghiện bà mẹ đổ gục xuống. Hai tuần nằm viện, bà đã qua cơn nguy kịch nhưng bác sĩ nói sức khỏe bà giờ yếu, cần phải tĩnh dưỡng, phải hết sức tránh để bà phải suy nghĩ, căng thẳng. Thọ đã khóc khi nằm bên giường của mẹ và tự hứa với mình không làm ba mẹ khổ nữa.

    Những lúc lên cơn nghiện, Thọ phải gồng mình lên để đấu tranh, vật lộn với chính bản thân mình. Có những cơn cuồng say quá không chịu nổi gia đình phải dùng dây thừng trói chặt anh vào giường sau đó dùng gậy vạng mà tới tấp. May mắn là Thọ mới dùng thuốc được 2 tháng, chưa đến nỗi nặng quá. Qua cơn say cả nhà lại ôm nhau khóc đau đớn. Cộng tất cả vào thì mất khoảng 5 tháng.

    Thi đỗ vào ĐH Sư phạm II trong sự khâm phục của bạn bè và sự tự hào cùng những giọt nước mắt chứa chan hạnh phúc của gia đình. Thọ bộ bạch: “Cũng không hiểu tại sao mình lúc đó lại mạnh mẽ đến thế. Có lẽ cái “tức” khi nhìn lũ bạn có đứa học kém hơn mình lại thi đỗ đại học với điểm số cao còn mình trượt một năm rồi lại dính vào chuyện này đã giúp mình có thêm nghị lực để vừa cai nghiện vừa ôn thi được."

    “Làm công tác quản sinh chẳng khác nào làm cảnh sát 113!”

    Tôi vẫn không hiểu lắm về chuyện thầy- một giáo viên trẻ lại về dạy chưa được bao lâu thầy đã nhận ngay làm công tác quản sinh trong nhà trường bán công-một công việc chẳng hề dễ dàng lại dễ bị “va chạm” nữa?

    Anh chỉ cười thật thà: “Thắc mắc cũng phải thôi. Ở trường mình dạy, nói không ngoa chứ làm quản sinh chẳng khác nào làm cảnh sát 113. Môi trường này rất nhiều em học sinh “không ngoan”. Mình đang dạy học mà nghe lớp này, em này có xô xát là phải tới can thiệp, giải quyết ngay. Chuyện học sinh đánh nhau, chém nhau là có. Mình làm không khéo thì chẳng những không giải quyết được mà còn dễ dính vào chuyện “thọc gậy bánh xe” lắm. Nếu vì tiền chẳng bao giờ mình làm”.

    Tình yêu thương của một người thầy với người trò chính là nguyên nhân thúc đẩy Thọ nhận làm công tác quản sinh của trường.

    Nguồn : langbinhminh.com

  3. #3

    Lightbulb

    Lỗi gặp phải khi gởi bài: Đành cắt bài này làm 2 mong Admin cho lên thoải mái characters đi
    1. The text that you have entered is too long (12579 characters). Please shorten it to 10000 characters long.

    4-Cai nghiện ma túy bằng thơ :

    TP - Ngô Xuân Thành nổi tiếng vì yêu thơ và vì cuộc đời chìm nổi. Người đàn ông bốn mươi ba tuổi này vừa trải qua những cơn đau đớn cực hình của việc tự cai nghiện ma túy, với một loại “thuốc” duy nhất là… thơ.


    (Anh Ngô Xuân Thành và con trai)

    Làm thơ để níu giữ hạnh phúc

    Tôi tìm đến nhà anh đúng vào một buổi tối mất điện. Dưới ánh nến nhập nhoà, trong căn nhà cấp bốn chật chội chừng mười lăm mét vuông, tôi trò chuyện với anh, người làm thơ kỳ lạ nhất mà tôi từng gặp. Anh rủ rỉ kể lại cuộc đời ba chìm bảy nổi của mình.

    Ngô Xuân Thành sinh năm 1966, mồ côi bố từ khi mới bốn tuổi, mẹ là giáo viên cấp một. Ngày nhỏ, Thành học khá Văn, lớp bốn được đi thi học sinh giỏi thành phố.
    Nhà nghèo nên từ nhỏ Thành đã chăm chỉ, vừa đi học vừa đi bán nước, bán sắn luộc ở ga Thái Nguyên. Lớn lên, Thành đi làm thuê, đào ao, đóng gạch, bán vé số… đỡ đần mẹ. Rồi đi bộ đội, chuyển ngành về làm công nhân quốc phòng.
    Hai mươi ba tuổi, Thành lập gia đình, nhưng cuộc hôn nhân đầu tiên sớm tan vỡ vì những mâu thuẫn khó hàn gắn giữa hai bên gia đình nội ngoại.
    Thành rời cơ quan nhà nước ra ngoài làm nghề xây dựng. Lúc đầu làm phụ nề, nhưng chỉ sau ba tháng đã dám đứng ra nhận công trình riêng, dần dần ăn nên làm ra, trở thành một “cai” xây dựng.
    Không hiểu sao, trong những cuộc vui với bạn bè, hễ uống rượu say thì xuất khẩu thành… văn vần. Bạn bè bảo nhau: “Lúc nào thằng Thành đọc thơ là nó say rồi đấy!”.
    Rồi Thành lập gia đình lần thứ hai với một cô nấu bếp ở Khu du lịch công đoàn Hồ Núi Cốc. Vợ Thành đẹp và khá hoạt bát. Thành đưa vợ về thành phố, chồng làm xây dựng, vợ chạy chợ, đời sống cũng khấm khá. Vợ chồng tâm đầu ý hợp nên rất hạnh phúc, năm 1993 sinh một bé trai kháu khỉnh.
    Nhưng rồi, công việc làm ăn của Thành thua lỗ. Gia đình bên vợ ở Thanh Trì, Hà Nội khá giàu, có cảng sông và tàu thủy nên bảo vợ chồng Thành về Hà Nội làm ăn.
    Vợ làm việc ghi chép xuất nhập hàng ở cảng, chồng khi thì đi xúc cát, khi thì phụ tàu chở hàng dọc sông Hồng. Mỗi chuyến đi ròng rã hàng tuần, về nhà chỉ nghỉ ngơi vài tiếng, rồi lại đi, không có thời gian chăm chút vợ con.
    Cuộc sống lam lũ nhọc nhằn cuốn Thành đi. Đến một ngày, sau cả chuỗi ngày dài lênh đênh trên sóng nước trở về, cảm nhận những thay đổi lạ lùng của vợ mình và nghe bóng gió từ anh em thủy thủ, Thành chợt nhận ra sự mong manh của hạnh phúc gia đình, nhận ra mình yêu vợ rất nhiều và sợ mất cô biết chừng nào, anh bỗng dưng cầm bút làm thơ.
    Bài thơ đầu tiên, Thành làm là “Ở nhà nội trợ”, với những câu thơ rất “thật thà”: Hôm nay em vào ca/ Anh ở nhà nội trợ/Nào tương, cà, mắm, mỡ/ Anh biết chỗ nào đâu/ Xào rau lỡ đun lâu/Nhừ như là nấu cháo/Anh ngồi buồn đọc báo/Quên ngay mất nồi cơm..…Em về, anh luống cuống/ Mình ơi, có mệt không?/ Để xe đó anh trông/ Em vào nhà quạt mát.
    Những bài thơ đầu tiên là sự nâng niu những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình bé nhỏ, đầy ắp yêu thương, mong níu giữ tình yêu của người vợ trẻ: “Ôi thèm quá tiếng xe thồ lạch tạch/ Quần áo thô, tươi tả bóng em về”,

    “Em đi làm ca đêm/ Mang nhà ta đi một nửa/ Mì tôm ấm lòng - xào xạc quá/ Trà thấm qua vỏ chén…thương em”. Viết được bài nào, Thành hào hứng đọc cho vợ nghe bài ấy. Nhưng chỉ nhận được sự im lặng, ậm ừ cho qua của vợ.

    Si tình và si thơ

    Thơ không níu được người. Một lần, Thành đi theo dấu vết của vợ đến… khách sạn. Biết chắc vợ mình cùng người yêu cũ của cô ta ở trong đó, nhưng thay vì vạch mặt chỉ tên đôi gian dâm, Thành cay đắng quay về, theo tàu ngược sông ngay trong đêm.
    Sau một tháng lênh đênh như kẻ mất hồn, uất ức vì bị phản bội, nhưng lại không muốn trả thù kẻ đã phụ tình, Thành lặng lẽ dắt con về Thái Nguyên. Vợ Thành bỏ sang nước Nga cùng tình nhân.
    Thật lạ là Thành không hề khinh ghét vợ mà vẫn yêu thương và khắc khoải mong chờ ngày đoàn tụ. Thỉnh thoảng, anh gọi điện sang Nga để trò chuyện với vợ, rồi hỏi chừng nào cô về, nhưng câu trả lời anh thường nhận là “Không biết được”.
    Một thân gà trống nuôi con, loay hoay với sự mưu sinh. Nhưng mưu sinh với một người có nghề xây dựng không vất vả bằng nỗi đau đớn khi sống giữa bộn bề kỷ niệm vợ chồng và tình yêu mãnh liệt của một người đàn ông yêu vợ thật lòng.
    Và những nhớ mong, thương yêu cứ đầy ắp tháng ngày, Thành gửi hết vào thơ: “Em ở nơi nao có biết không/ Nhà xưa lối cũ vẫn đón trông/ Chiều tà hăm hở nơi ngõ đợi/ Chỉ thấy ngàn sương gió mênh mông”, “Em đi rồi, tôi đứng giữa sông sâu/ Lênh đênh nước nhớ tình ta – bến đợi/ Có hiểu không, người ta yêu hỡi/ Một nửa đời tôi đau đáu nhớ thương em”.
    Thành còn viết hẳn một bài trường ca tên “Tình nỡ phôi phai” gồm 840 câu thơ lục bát, với lời chua “Tôi viết trong nỗi yêu thương và cả sự hận thù… Viết trong những ngày xa và nhớ em bằng tất cả sự chân thành của một người chồng khốn khổ khi sắp phải xa mãi người vợ yêu”.
    Ba năm nuôi con và chờ đợi, đến năm 2005, một lần Thành gọi điện sang Nga cho vợ, vô tình gặp chính tình địch của mình. Chính người đàn ông ấy cho biết, họ đã có con với nhau. Ước ao hàn gắn rồi đoàn tụ để con có mẹ, vợ chồng có nhau sụp đổ tan tành.
    Thành gục ngã hoàn toàn. Anh bỏ bê công việc, lao vào rượu chè không thiết sống, rồi bập vào ma túy lúc nào không biết nữa. Sự sa ngã của bố đã làm đứa con trai bé bỏng sa sút học hành, rồi bỏ về Ninh Bình với ông bà ngoại. Người thân coi anh như kẻ bỏ đi.
    Còn lại một mình, từ một cai xây dựng, Thành trở thành một kẻ bệ rạc, vất vưởng làm thuê, có lúc túng tiền mua thuốc phải buôn cả heroin để “lấy nó nuôi nó”.
    Niềm vui duy nhất, sự chia sẻ duy nhất của Thành là cây bút và trang giấy. Tất cả những nỗi niềm cay đắng, tủi nhục của đời mình, tình yêu vô vọng gửi người vợ bội bạc mà không hiểu sao Thành vẫn còn nguyên vẹn sự yêu thương, cùng những kỷ niệm về thời hạnh phúc đã qua…
    Thành gửi vào thơ. Thơ là niềm vui và sự chờ đợi mỗi đêm về khi anh bế tắc đến cùng quẫn nhất, là sự cứu rỗi lúc anh cô độc, bị người đời và cả người thân khinh rẻ nhất, là sự đánh thức lương tri và nâng đỡ anh mỗi lần lún sâu vào nghiện ngập.
    Triền miên trong sự cô đơn và nhục nhằn tủi hổ, mạch thơ đau buồn của Thành qua mỗi đêm lại đầy ắp lên. Thành làm thơ cho mình, cho vợ, cho con, chỉ viết ra rồi cất đi.

    còn tiếp...

  4. #4
    ...tiếp

    Tựa vào câu thơ đứng dậy

    Thế nhưng, chuyện một người nghiện ma túy làm hàng nghìn bài thơ vẫn được nhiều người biết. Các bác ở Câu lạc bộ thơ phường Quang Trung thành phố Thái Nguyên, nơi Thành cư trú gặp anh chia sẻ và động viên.
    Thành nhận ra cuộc sống có ý nghĩa hơn, anh cởi mở dần với mọi người. Mạch thơ của Thành cũng khỏe khoắn hơn, đề tài mở rộng hơn. Thơ của Thành bây giờ không chỉ có sự thở than mà còn có những cảm xúc trong trẻo về thiên nhiên, cuộc sống cộng đồng, những ngẫm ngợi về thế sự, tình người…
    Cho dù phần lớn những gì Thành viết chỉ là những bài văn vần, nhưng năng lực viết của Thành rất mạnh. Buổi sáng, ngủ dậy là cầm bút viết ra mấy ý tưởng. Rồi đi làm. Cả ngày làm thợ xây quần quật với vôi vữa không mảy may nghĩ gì đến thơ. Tối về, ăn cơm xong, pha ấm nước chè rồi ngồi mở sổ, cầm bút và viết.
    Có thể nói, lao động viết của Thành rất… chuyên nghiệp. Thành bảo, có tâm trạng mới làm được thơ, mà ngày nào Thành cũng có tâm trạng, cũng có điều để ngẫm nghĩ, vì thế ngày nào Thành cũng viết, ít nhất là một bài. Có ngày dăm bảy bài.
    Kỷ lục cao nhất là từ ngày 15/1 đến 22/1/2007, Thành viết tổng cộng 150 bài thơ, mà không bài nào giống bài nào. Thành bảo cứ phải nghĩ rồi cầm bút viết thì mới ngủ được, nếu không viết thì phát ốm lên. Đã cầm bút thì cứ miên man nghĩ thành thơ rồi viết ra, có khi viết tới sáng luôn.
    Hăng hái xếp những cuốn thơ của Thành ra ghế để tôi chụp ảnh là một cô gái trẻ tên Phương. Phương là nông dân làm chè, từng đi phụ nề mà quen rồi thương yêu và gắn bó với bố con Thành. Thành biết ơn và trân trọng tình cảm của Phương, nhưng có vẻ một hạnh phúc mới chưa thể bắt đầu.
    Con chim phải tên sợ làn cây cong, Thành chưa dám đón nhận một cuộc sống mới, anh sợ mình không thể đem lại hạnh phúc cho cô gái tốt bụng này. Nhiều lần, Thành đề nghị Phương đừng đến với anh nữa, nhưng Phương nặng lòng nên khó dứt tình.

    Thành tự bạch:

    - Tôi là người có thể làm được những việc mà nhiều người làm được. Vợ bỏ đi chừng ấy năm nhưng nếu cô ấy quay về tôi vẫn sẵn sàng tha thứ, cũng như ngày xưa biết cô ấy ngoại tình nhưng tôi vẫn yêu và sợ mất cô ấy lắm. Ngày xưa, chỉ phụ nề ba tháng mà tôi dám đứng ra nhận công trình, làm thợ cả hẳn hoi, là vì tôi học nghề rất nhanh.

    - Còn chuyện cai nghiện bằng thơ của anh, có lẽ cũng… lạ lùng?

    - Vâng. Tôi cai nghiện mà không dùng bất cứ viên thuốc nào. Lúc vật thuốc thì thôi, dứt cơn vật thì tôi viết. Có khi viết chẳng ra chữ, chữ nọ xiên chữ kia, lúc hết cơn nhìn lại chữ nghĩa thấy cũng buồn cười. Nhưng tôi vẫn viết vì làm thơ lúc ấy giúp tôi dịu cơn đau đớn.

    Phương góp lời:

    - Vừa hết cơn vật thuốc xong, anh ấy đã bảo: Đưa bút, đưa giấy cho anh. Khổ, có viết được đâu, tay cứng đơ đơ ra, thế mà vẫn cố! Nhiều bài anh ấy viết xong đọc cho em nghe, em thấy cũng hay chị ạ.

    Tôi đùa:

    - Vậy là anh nghiện thơ còn gì?

    Thành gật ngay và cười:

    - Đúng vậy, nghiện nặng ấy chị ạ. Tôi không bao giờ bỏ thơ đâu. Khi làm thơ, tôi thấy mình tử tế và lương thiện.

    - Anh cai nghiện ma túy nhiều lần chưa? -Tôi hỏi thẳng. Thành thú nhận:

    - Cũng mấy lần rồi. Cai được lâu nhất là chín tháng, rồi buồn chán quá lại “dính”, vài tháng sau lại quyết tâm cai. Chị bảo tình cảnh tôi thế này…Tôi là thằng nghiện nhưng vẫn rất đàng hoàng, chưa bao giờ lấy cái gì của ai.
    Có lần, tôi đang vật vã vì cai thuốc, nghe xóm bên có tiếng kèn đám ma, tôi nghĩ về đời mình mà đau buồn quá, vớ lấy giấy bút viết luôn bài “Tiếng kèn đám hiếu”. Viết cho người mà cũng là cho mình. Bài thơ còn dở dang, vì tôi không biết nên kết thúc thế nào...Rồi Thành mím môi:

    - Lần này cháu Nam về ở hẳn với bố, nên tôi quyết tâm cai lần cuối, làm lại tất cả để cháu yên tâm sống với bố. Tôi không muốn mất cháu lần nữa. Bây giờ thì ổn rồi chị ạ.
    Tôi lật giở những trang viết của Thành. Từng bài thơ ngay ngắn, tên bài được viết trân trọng bằng mực màu. Thỉnh thoảng có mấy trang chữ viết xiên xẹo, Thành bảo đấy là những trang anh viết trong lúc cai thuốc. Mục lục nằm ở đầu tập, rất dễ tra cứu.
    Trong mục lục có nhiều bài Thành gạch chân, hoặc đánh dấu hoa thị, Thành bảo đó là những bài mình tâm đắc, đánh dấu để đọc và sửa chữa lại. Tôi đọc một bài thơ được gạch chân, có cái tên rất lạ: “Thực đơn và khách của nhà thơ”. Bài thơ đó như sau:

    Đêm

    Lũ chuột nhà - đói
    Lũ chuột đồng tới
    Thăm
    Chuột nhà mặt lạnh băng
    Không nói
    Chỉ tay vào nhà thơ
    Đó…
    Tiếng đêm trong bụng nhà thơ
    Man mác
    Thơ treo trên vách
    Mọi nơi
    Thơ
    Bâng khuâng
    Thơ yêu thương, xa vắng, buồn vui…
    Khách của chuột nhà đến chơi
    Giật thót…!
    Nghe tiếng đêm nơi bụng nhà thơ
    Mườn mượt
    “Thơ…nhà thơ ăn được
    Tại sao chúng ta lại không?”
    Một vần thơ rơi xuống
    Thơm nồng nàn
    Thơm ngây ngất…!
    Chuột chủ nhà mời khách
    Nếm thử cơm của nhà thơ
    Chí..chóe…
    “Thì ra là thế!
    Chỉ có nhà thơ sống được bằng thơ”
    Chủ và khách tần ngần
    Xoe tròn những cặp mắt
    Trân trọng xếp lại những tình thơ.

    Tôi lặng người và nghĩ: Liệu tất cả các nhà thơ chuyên nghiệp có trân trọng thơ như người đàn ông này không nhỉ?
    Hai tiếng đồng hồ trôi qua dưới ánh nến trong nóng nực. Ngồi nói chuyện với tôi, áo Thành ướt đẫm như thể bị ai đó giội nước lên. Nhưng Thành vẫn say sưa, anh bảo nói chuyện về thơ thì anh say lắm, cả ngày không muốn dứt.
    Tôi tạm biệt Thành và mượn mấy tập thơ của anh về đọc. Bố con Thành và Phương tiễn tôi ra về, đúng lúc nhà có điện. Căn nhà nhỏ sáng bừng sau lưng tôi.

    Lát nữa, trong căn nhà ấy, nơi thơ được tôn thờ với tất cả giá trị của nó, nơi thơ có thể cứu vớt được một con người lầm lạc, Ngô Xuân Thành sẽ lại ngồi vào bàn viết bài thơ thứ 4.736.

    4.735 bài và 20 cuốn sổ thơ


    Sau tám năm, sự nghiệp thơ của Thành là 20 cuốn sổ, được Thành nâng niu đánh số thứ tự từ 1 đến 20. Mỗi cuốn sổ là một tập thơ, có tên tập hẳn hoi, như “Giọt lệ màu hồng”, “Đường vào tình yêu”, “Tìm mãi yêu thương”…

    Trong mỗi cuốn sổ thơ ấy, Thành cẩn thận đánh số trang, số thứ tự bài, xếp mục lục đàng hoàng. Bài gần nhất viết hôm qua có thứ tự 4.735.

    Những cuốn sổ thơ được gìn giữ trong một cái tủ nhỏ, cũng theo thứ tự từ 1 đến 20.

    Những cây bút bi, bút dạ dùng để viết thơ cũng được Thành giữ làm kỷ niệm chứ không vứt đi, xếp vào 2 cái lọ trong tủ trông khá vui mắt.



    -TG: Nguyễn Thúy Quỳnh

  5. #5
    5-Gương sáng cai nghiện tại gia đình:

    Anh Cầm Nam tìm hiểu và biết được tính năng của một số cây thuốc nam để tự chữa bệnh. Sau khi cai được, với bài thuốc dễ kiếm, dễ dùng của mình, anh Cầm Nam đã phổ biến và giúp đỡ nhiều người cai nghiện thành công.



    Cho đến nay, mặc dù đã qua cơn "bĩ cực" được gần 10 năm, nhưng anh Cầm Nam (dân tộc Thái) ở tổ 3, phường Tô Hiệu, thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La vẫn còn bàng hoàng mỗi khi nhớ lại. Năm 1984, anh đi làm thợ thường xuyên phải xa nhà rồi mắc nghiện. Đến năm 1991, biết con nghiện, bố mẹ anh không cho đi làm nữa và bắt anh cai nghiện.

    Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, anh tái nghiện. Rồi anh yêu và cưới một cô giáo dạy ở trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Thời gian đầu, anh vẫn giấu vợ đi hút. Đến khi mọi thứ đã khánh kiệt, sức khoẻ đã thực sự giảm sút, anh đành khai thật với vợ về tình trạng nghiện ngập của mình và quyết tâm cai. Đó là năm 1994, khi anh đã nghiện được 10 năm.

    "Cai nghiện thành công hay không, ngoài yếu tố do bản thân người nghiện thì gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp người nghiện có nghị lực vượt lên được chính mình" - Đó là nhận xét của đồng chí Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc cai nghiện ma tuý tại gia đình.

    Ngày đầu tiên bỏ thuốc, ngoài những cơn vật vã, anh còn bị đau bụng dữ dội. Anh đã lấy rễ rau má, rễ cây chó đẻ và củ sâm hành mỗi thứ 100g, rửa sạch, phơi khô, sao vàng hạ thổ cho vào ấm sắc uống thay nước. Rồi lúc nhạt miệng, buồn nôn, anh thường ngậm quế chi; dùng nhân sâm để uống.

    Hiện anh Cầm Nam là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Sơn La, Hội viên CLB thơ Hương Đào và đang làm bảo vệ cho trường Trung học Văn hoá - Nghệ thuật Sơn La. Anh còn được các ban, ngành, đoàn thể khen thưởng về công tác phòng chống tội phạm, nêu gương người tốt việc tốt…

    Từ lần cãi nhau với vợ...

    Đó là trường hợp anh Nguyễn Khắc Thắng (37 tuổi) ở thôn Kiều Đông, xã Hồng Thái, huyện An Dương (Hải Phòng). Do mải chơi, anh Thắng theo đám bạn bè lêu lổng, trộm cắp. Năm 1992, anh bị xử phạt 24 tháng tù giam. Ra tù, vẫn "ngựa quen đường cũ" nên Thắng lại bị bắt và bị tù 2 năm nữa. Đầu năm 1997, anh được về nhưng cuối năm đó lại vào tù với mức án 5 năm. Ra tù, anh gần như buông xuôi và lâm vào tình trạng nghiện ngập.

    "Bước ngoặt" để anh thực sự vươn lên đó là sự giúp đỡ nhiệt thành của lực lượng Công an và Hội Phụ nữ. Có lần, Hội Phụ nữ xã cho vợ chồng anh vay tiền để mua lợn giống nhưng lúc đói thuốc, anh lại giấu vợ đem mua ma tuý. Chị Lê Thị Phượng (vợ anh) không chịu đựng được nữa và cuộc chiến đã xảy ra.
    Có mặt trong buổi hoà giải đó, chị Trần Thị Bể, Chủ tịch Hội Phụ nữ đã cho tiền để anh mua lợn giống và động viên vợ anh tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ. Một thời gian sau, vợ anh phải phẫu thuật cắt bỏ khối u, Công an xã và Hội Phụ nữ đã quyên góp tiền giúp anh trang trải viện phí, đồng thời đề xuất với chính quyền xã và nhà trường miễn tiền đóng góp cho các con của anh chị.

    Những việc làm đó đã đánh thức "phần người" trong anh. Và anh quyết tâm bỏ ma tuý, bỏ cờ bạc, rượu chè, trộm cắp. Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh giờ đây tuy chưa có nhiều tài sản nhưng rất ấm cúng !

    -Nguồn: Báo CAND

    6-Từ bỏ ma tuý trở thành thầy giáo dạy giỏi:

    "Đó là thời gian tăm tối nhất của đời tôi, đi ra đường không dám ngẩng mặt lên, là thầy giáo mà không dám dạy dỗ học sinh, thậm chí trong giấc ngủ, miếng ăn cũng không được yên…".
    Đó là tâm sự của thầy giáo Trịnh Xuân Huê, trường THPT Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

    Quãng đời tủi nhục nhất

    Nhớ lại những tháng ngày khủng khiếp đó, thầy giáo Huê kể: “Trong một lần sốt rét, nghe một số người mách là dùng thuốc sẽ khỏi ngay. Không chịu nổi cái sốt rét rừng, tôi đành liều. Sau thời gian, thấy người lúc nào cũng mệt mỏi và thèm cái gì đó… dần dần tôi không biết là mình nghiện từ lúc nào”.

    Thời gian đầu còn giấu được, sau mọi người ai cũng biết và nhìn tôi với ánh mắt khinh rẻ. Thời gian đó, ngoài giờ lên lớp, tôi không dám ra đường. Có lúc thèm thuốc mà không dám đi mua đành trốn lên rẫy nhờ một số người dân tộc đi mua hộ.

    “Đó là thời gian tủi nhục nhất của đời tôi, trong những giấc ngủ, miếng ăn mình cũng không được yên. Nhắm mắt vào là nghĩ sáng mai mình mua thuốc ở đâu để đủ thuốc lên lớp.

    Tiền lương giáo viên và tiền dạy thêm cũng đủ cho tôi mua thuốc hàng ngày. Mặc dù nghiện nhưng tôi vẫn cố gắng đảm bảo giờ dạy trên lớp và chuyên môn của mình. Có những lúc, không chuẩn bị được thuốc để cho buổi sáng đến lớp thì tôi lại xin nghỉ dạy ”.

    Niềm tin của mọi người đã cứu vớt tôi

    Trong thời gian 2 năm mắc nghiện, thầy Huê sống trong tủi nhục, chán chường. Tuy nhiên, nghiện ma tuý không phải là hết phương cứu chữa. Thương mẹ già, vợ và 2 đứa con thơ. Thầy Huê quyết tâm cai nghiện làm lại cuộc đời.

    Thầy Huê cho biết: “Tôi đã lên gặp Sở GD&ĐT, Ban Giám hiệu nhà trường trình bày lý do và xin nghỉ không lương 1 năm để cai nghiện. Khi đó, các anh trên Sở, Ban Giám hiệu và đồng nghiệp động viên tôi rất nhiều và họ đặt niềm tin vào tôi”.
    Trong lúc lên cơn nghiện, vật vã và đau đớn vợ anh chính là người đã giúp anh vượt qua. Sau một năm trút bỏ được sự nhục nhã, đau đớn dày vò cả thể xác lẫn tâm hồn, thầy Huê đã trở lại bục giảng.
    Thầy Huê xúc động: “Cảm giác lần đầu tiên bước lên bục giảng sau một năm cai nghiện, tôi không bao giờ quên. Rất hồi hộp, hồi hộp hơn cả khi nhận được giấy báo đỗ đại học vì tôi nghĩ học sinh đón nhận mình như thế nào, nghĩ gì về mình bây giờ. Nhưng thật bất ngờ, khi bước vào lớp, tôi được nhận một tràng pháo tay giòn giã và các em gần gũi tôi hơn bao giờ hết. Cảm giác đó, như tôi được sống lại lần nữa”.

    Với ý chí quyết tâm làm lại cuộc đời, thầy Huê đã từ bỏ được vòng vây của “nàng tiên nâu”. Hiện nay, thầy Huê là Bí thư Đoàn trường năng động, là thầy giáo giỏi đào tạo nhiều học sinh đoạt giải tỉnh, quốc gia về môn Sinh học.

    -TG: Hồng Hạnh

  6. #6
    7-Tự cai bằng thuốc bí truyền sau 32 năm nghiện ma túy:

    Đến xã biên viễn Bát Mọt (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) hỏi thăm Lang Liu (dân tộc Thái) ở bản Chiềng, không ai là không biết. Năm nay, Lang Liu 78 tuổi, từng 32 năm nghiện thuốc phiện. Vậy mà, bằng bài thuốc lá của bố vợ truyền lại, ông đã tự cai nghiện cho mình.
    Ông còn biến nhà mình thành "trung tâm cai nghiện" cho những ai "vướng phải nàng tiên nâu". Nhưng rồi đây, rất có thể bài thuốc này sẽ thất truyền nếu như Lang Liu "khuất núi" mà vẫn chưa có ai thay ông giữ lại bài thuốc...


    Một thời thuốc phiện thay... cơm

    Lang Liu vập vào bàn đèn, thuốc phiện từ năm 1960. Thời ấy, ông kể: "Bản Chiềng ta, thuốc phiện nhiều hơn cả cơm gạo. Không nghiện mới lạ. Hầu như đàn ông trong bản ai cũng hút. Đầu tiên, hút để lấy sức khỏe cuốc cái nương, làm cái rẫy cho nhanh, sau nghiện bã người rồi thì tìm vào hang hốc nằm dịn lấy nhau véo thuốc nhai, đốt thuốc hút, cả ngày hang núi bốc khói thuốc phiện thơm lừng…".
    Lang Liu ngúc ngắc đầu, kể tiếp: "Nghiện thuốc phiện sướng lắm. Nó làm khỏe cái người, mạnh cái tay, cứng cái chân, việc khó đến mấy nuốt một thỏi bằng hạt đậu tương là làm băng băng, con hổ con voi có khi cũng không khỏe bằng. Sướng lắm!".
    Để có thuốc phiện hút, nhai sống như trẻ con nhai kẹo, như người già ngậm sâm suốt ngày, Lang Liu phải bán rất nhiều thứ. Xưa, nhà Lang Liu giàu có nhất bản, vậy mà chỉ sau một thời gian "đầu tư cho sức khỏe", gia sản đã khánh kiệt, đến cả cái gối thổ cẩm vợ chồng gối chung cũng bị Lang Liu cắp nách mang đi đổi lấy một gợt móng tay thuốc phiện chỉ bằng đầu que tăm.
    Hết cái để đổi, Lang Liu quay sang trồng thuốc phiện. Lang Liu kể: "Ta nghiện đến nỗi sợ thiếu thuốc, sợ không đủ thuốc nên thay vì trồng ngô, trồng sắn trên nương, trên rẫy, ta chỉ trồng cây thuốc phiện. Trồng trên nương trên rẫy thấy vẫn chưa đủ, vẫn còn sợ thiếu thuốc ăn, ta lặn lội vào rừng sâu, lên ngang lưng dãy Phù Cú để trồng.
    Vụ này qua vụ khác, ta trở thành người nhiều thuốc phiện nhất vùng này. Có nhiều thì hút nhiều. Hút càng nhiều thì nghiện càng nặng. Ta quẳng luôn bàn đèn, chuyển qua ăn, nhai, nuốt sống thuốc phiện như ăn da voi, da hổ, mồm miệng cả ngày trệu trạo, kẽ răng cáu đen, bết nhựa thuốc phiện như vừa ăn phải cứt bò, cứt ngựa vậy.

    Tiếng tăm của ta người Lào cũng nghe, con nghiện khắp nơi đều biết, kéo về chật sàn, chật bếp. Người có tiền thì mua, người không có tiền thì xin, không cho cũng cứ lao vào véo thuốc, nằm vạ vật xó nhà, xó bếp hút thuốc phiện rào rào như tằm ăn lá sắn suốt ngày. Riêng ta, từ ngày chuyển sang ăn thuốc phiện thì không biết đến cơm, thịt là gì. Thèm rau thì bảo vợ vặt ngọn cây anh túc luộc ăn hoặc vò nhục, chấm tro bếp nhai sống. Món đó, với ta là nhất…".

    "Tái sinh cuộc đời, tái sinh những phận người"


    Lang Liu có cả thảy 5 người con, hai trai, ba gái. Tiếc thay hai con trai ông sau khi trốn gia đình đi đào vàng cũng vướng vào nghiện ngập. Vợ Lang Liu, một phụ nữ dân tộc Thái hiền lành, chịu thương chịu khó vì không đủ kiên nhẫn với người chồng lầm lạc đã cõng bố đẻ bỏ về nhà ở. Được một thời gian, ông cụ đổ bệnh. Trước khi khuất núi, ông cho gọi Lang Liu đến truyền lại bài thuốc cai nghiện mà ông đã học của người Lào cho "chàng rể nghiện ngập". Lang Liu kể: "Bố vợ ta mắt mở trừng trừng, nhìn ta thều thào, buồn thảm. Ông dặn ta về bài thuốc, dặn ta từng lá cây, ngọn cỏ trong bài thuốc đó rồi bảo ta phải cai nghiện để làm người, phải làm gương tốt cho thằng Hiếu con trai ta, cho dân bản xứ này…"


    Lang Liu đang bốc thuốc phai.

    Được cha vợ truyền cho bài thuốc quí, Lang Liu quyết tâm cai nghiện cho mình. Sau một thời gian "vừa đi đường vừa nuốt thuốc phiện trừ cơm" để lấy sức khỏe, Lang Liu băng rừng, lội suối, kiếm đủ các loại cây thuốc trong tổng cộng ba bài thuốc cha vợ dặn, Lang Liu quay về tự nấu nước xông hơi, sắc thuốc uống.
    Sau gần ba tháng cột mình trong xó bếp cùng với sự giúp đỡ tận tình của vợ, cuối cùng ông cũng cắt được cơn, bắt đầu đỏ da, thắm thịt trở lại. Đến tháng thứ tư, Lang Liu đã biết sợ thuốc phiện, đem tất cả những ống bương, ống luồng, vỏ bầu nêm đầy thuốc phiện vào rừng chất củi thiêu hủy. Từ đó, hễ mỗi khi đánh hơi thấy mùi thuốc phiện là Lang Liu lại nôn thốc, nôn tháo, thấy sởn da gà vì... sợ.
    Năm 1995, cai nghiện cho mình xong, Lang Liu tiếp tục đi tìm hai con về để cai cho các anh. Hai con ông, một có thâm niên nghiện 10 năm, một nghiện 9 năm đều được ông cai nghiện thành công. Đau đớn thay, sau khi "tái sinh" cuộc đời cho hai con không lâu, giữa năm 2007, con trai đầu của Lang Liu lại liệt giường và qua đời bởi bệnh ung thư máu.
    Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, tháng Chạp năm 2008, người con trai thứ hai của Lang Liu trong một tai nạn xe cũng vỡ hộp sọ, đứt mạch máu não mà chết. Cơ đồ gia sản cha con cùng nhau gây dựng chưa được bao đã lại lần lượt ra đi bởi hai đám tang oan nghiệt. Khó khăn càng khó khăn thêm khi hai con dâu của Lang Liu đi thêm bước nữa, để lại ba cháu trai cho hai ông bà nuôi nấng, không được học hành ra đầu ra đũa, không nghề nghiệp…
    Từ năm 1996 Lang Liu tự mình đi hái thuốc, còn vợ ông ở nhà sắc thuốc, cai cho những người nghiện trong bản. Qua nhiều năm biến nhà mình thành "trại cai nghiện", vợ chồng Lang Liu đã giúp không biết bao nhiêu người thoát khỏi "nàng tiên nâu", trở về với cuộc sống lương thiện. Giờ đến bản Chiềng, nhắc lại kỳ tích đó của Lang Liu, không ai là không xúc động và tỏ ra biết ơn Lang Liu nhiều lắm...
    Tiếng lành đồn xa, dân nghiện nhiều nơi trong huyện Thường Xuân, thậm chí ở tận Thành phố Thanh Hóa, ngoài Ninh Bình, tận Nghệ An cũng cơm, đùm cơm nắm lặn lội lên bản Chiềng xin tá túc nhà Lang Liu cai nghiện. Bất kể là ai, miễn là dân nghiện, ông đều sẵn sàng tiếp nhận, cai cho tiệt nọc mà không lấy một đồng dù hoàn cảnh gia đình ông cũng rất khó khăn.
    Lang Liu nói: "Mỗi con nghiện nhờ thuốc ta mà khỏi, ta đều vạch một vạch bằng than lên tấm ván thiên (ván dùng làm nắp đậy quan tài) để ghi lại. Người cai khỏi nhiều lắm, nhiều đến nỗi vạch nó kín đen cả hai mặt tấm ván. Nhưng mà, lúc thằng Hiếu con ta chết, tấm ván thiên ấy mang đóng hòm, chôn theo nó mất rồi. Ta làm vì cái bụng muốn nghĩ tốt cho người thôi. Đừng tái nghiện làm khổ gia đình, khổ người khác, xã hội ghét cho lắm, khinh cho lắm… Cho ta củ sắn củ khoai là được rồi".

    Cần giữ lại bài thuốc quý

    Hôm chúng tôi đến gặp Lang Liu, ông cụ đang ốm, nằm quấn mền rơm gọn lỏn trong xó phản. Nghe tiếng người Kinh, Lang Liu tưởng "con nghiện" từ dưới xuôi lên xin tá túc cai nghiện, Lang Liu gượng dậy khất lần bằng giọng đặc đờm, yếu ớt: "Ta ốm mấy tháng nay rồi, không dậy đi lấy thuốc được. Ta sợ đận rét này không qua khỏi rồi. Nếu cái bụng tụi mày muốn làm việc tốt, việc có ích cho mình, cho xã hội thì ở lại đây, ta sẽ truyền lại bài thuốc ấy cho rồi tự đi kiếm, bảo nhau mà cai lấy thôi".
    Tôi gạn hỏi ông cụ thể về bài thuốc, Lang Liu rời khỏi phản, nhờ tôi dìu ra bếp rồi với tay lên gác bếp lôi xuống một bọc nilon đen quánh bồ hóng, bên trong đựng những miếng lát mỏng như lát sắn khô.
    Lang Liu vốc lên tay một ít rồi giới thiệu: "Mày không phải là thầy lang, càng không phải người dân tộc thì không biết cây này là cây gì đâu. Mày chỉ cần biết đây là một trong ba thứ thuốc cai nghiện gọi là thuốc phai. Uống thứ này sẽ làm cho các chất ma túy trong máu phai, nhạt dần… Ngoài thuốc phai là nước lá xông. Nước xông có tác dụng làm cho chất ma túy trong người theo mồ hơi thải ra, đồng thời giúp lưu thông khí huyết. Bài thuốc cuối cùng là thuốc cắt cơn. Các vị thuốc này đều rất khó kiếm, chúng chỉ mọc ở trên núi đá cao, nơi ẩm thấp trong rừng sâu và đặc biệt là trên các vách đá ở những con suối… Muốn biết chính xác được những loại cây đó chỉ mấy ông bác sĩ ở trạm xá Trung ương lên đây xem xét mới được."
    "Hòm ván chuẩn bị sẵn rồi. Ta, vợ ta sắp đến ngày chết rồi, yếu lắm, không trèo đèo, lội suối hái thuốc được nữa. Trước khi chết, ta muốn truyền lại bài thuốc này, nhưng chưa tìm được ai cả. Phải giữ lại bài thuốc quí này, vì nó cần cho những ai đã sa vào ma túy, thuốc phiện muốn quay lại làm người lương thiện..." Lang Liu nói, tay chặn lên ngực, nhổm mông, chúi sát mặt vào bếp lửa ho sù sụ.
    Khi tôi tiếp xúc với Lang Liu, rồi ngay khi trở về Hà Nội, ngồi viết những dòng này, tâm trí tôi như bị nhúng trong những huyền tích ly kỳ đến khó tin về một con người già cả nơi rừng sâu hoang sơ miền biên viễn phía Tây xứ Thanh này, nhất là về cái gọi là "di nguyện sống" của ông cho bài thuốc cai nghiện.
    Nó cứ ám ảnh tôi, khiến tôi phải lo toan, rồi hy vọng, rằng Lang Liu sẽ lập thêm một kỳ tích nữa, là truyền lại thành công bài thuốc cai nghiện, không chỉ riêng cho cháu ông mà cho tất cả những ai muốn giữ lại bài thuốc quý mà gần 20 năm qua ông đã dùng để tái sinh cho đời mình, cho những phận người lầm lạc bởi "nàng tiên nâu"!...

    -Theo Báo CAND

  7. #7

    8-ANH TRẦN QUANG DŨNG: Một điển hình tiêu biểu sau cai nghiện, nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng:


    Gặp anh Trần Quang Dũng (sinh năm 1967, thường trú: 27/266 Nguyễn Du, tổ 35, khu phố II, phường 07, quận Gò Vấp) tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua yêu nước thành phố năm 2006, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy anh là một thanh niên khỏe mạnh và hoạt bát. Nếu anh không nói ra thì chắc chẳng ai nghĩ rằng anh vừa “lột xác” trở về hòa nhập với cuộc sống đời thường sau 16 năm gắn bó đời mình với “cái chết trắng”. Tôi thật sự xúc động khi nghe anh kể lại:

    Năm 1990, trong một phút nông nổi thiếu kiềm chế của tuổi trẻ cộng với sự sự hiếu kỳ, tò mò và muốn tìm hiểu cảm giác “lâng lâng” là như thế nào, anh Dũng đã cùng đám bạn tìm đến thuốc phiện. Và từ giây phút định mệnh ấy, cuộc đời anh đã trượt dài cùng với chất bột màu trắng quái ác kia. Anh đã buông trôi tất cả, bất chấp sự can thiệp của gia đình, vợ con và người thân. Anh đã đánh mất tất cả tài sản, danh dự, uy tín, sức khoẻ, nhưng vẫn còn một chút may mắn là còn tình thương của gia đình.

    Lần đầu tiên, anh dứt khoát từ bỏ ma túy, mạnh dạn đi cai nghiện. Viện Y học Dân tộc là nơi anh chọn để vào chữa bệnh. Một tuần lễ cắt cơn trôi qua thật nhanh, vừa về nhà anh đã sử dụng lại. Anh đã tái nghiện không biết bao nhiêu lần sau mỗi lần đi cai nghiện. Có những trung tâm anh đến lần thứ 3 và họ đã từ chối không nhận. Mười hai lần đi cai nghiện, với anh chỉ là an dưỡng để lấy lại sức khoẻ, để về sử dụng tiếp. Dù mỗi lần cắt cơn, anh phải trải qua đau đớn, vật vã và chỉ muốn được chết đi. Giữa tình yêu thương của gia đình, vợ con, người thân của anh đã dùng hết mọi cách để mong kéo anh lên khỏi bờ vực thẳm. Nhưng sự quyến rũ của chất chết người kia đã làm anh quá yếu đuối, không đủ tự tin để từ bỏ. Không biết bao lần anh hứa với gia đình, bao lần đứng hứa với bà con trong tổ dân phố, bao nhiêu tờ cam kết tại Công an phường. Mặc dù đã có tên trong danh sách quản lý giáo dục cai nghiện tại địa phương theo Nghị định 163 của Chính phủ, anh cũng lén để sử dụng ma túy.

    Và lần cuối cùng của cuộc chơi, sau tháng năm dài sử dụng ma túy, tài sản trong nhà không còn thứ nào có giá trị để anh giải quyết được cơn ghiền. Trộm cắp, cướp giật, lừa đảo thì không dám, vay mượn người thân thì hết được rồi, thân thể anh ốm yếu, tàn tạ, sức khoẻ không có đủ để làm được việc gì kiếm tiền. Thật sự bế tắc!

    Được sự động viên của gia đình, của địa phương, một lần nữa anh lại đi cai nghiện với thời gian là 24 tháng tại Trường Giáo dục, đào tạo và giải quyết việc làm số 2 thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố ở tỉnh Lâm Đồng. Sau 3 tháng cai nghiện, sức khoẻ dần bình phục, anh đăng ký lái xe cho Phòng Hậu cần của trường. Được sự tín nhiệm của Phòng Hậu cần và anh em học viên, anh được bầu làm Trưởng nhóm với 23 học viên phục vụ hậu cần cho trường. Suốt thời gian học tập, làm việc xa thành phố, xa gia đình và vợ con, đêm đêm nằm suy nghĩ rất nhiều về khoảng thời gian mình đã vùi chôn tuổi thanh xuân trong sự đam mê phù phiếm, anh đã tự hứa với lòng mình phải quyết tâm cai nghiện. Từ đó, anh hăng say lao động, tham gia các hoạt động của trường, các buổi tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS. Kết quả sau 56 tháng học tập, lao động ở trường, anh đã nhận được nhiều giấy khen của Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, Ban giám đốc Trường 2, Phòng hậu cần; được 3 lần đi tham quan Đà Lạt, 1 lần về phép và tháng 7/2006 anh đã được hồi gia.

    Không thể kể hết được cảm xúc khi nhận được giấy báo hồi gia từ Ban giám đốc trường, không thể nói lên được sự vui mừng trong anh lúc ấy. Trên đường về thành phố, anh vừa mừng vừa suy nghĩ, không biết mọi người trong khu phố có còn ánh mắt nhìn anh e ngại, xa lánh như trước kia không? Bước chân vào Ủy ban nhân dân phường 07, quận Gò Vấp, vui mừng và xúc động khi thấy vợ con đang chào đón, các ban ngành đoàn thể của Ủy ban, Chi bộ khu phố, mọi người làm lễ tiếp nhận anh trở về rất chân tình, cởi mở và đầy ấn tượng. Những điều mà anh lo lắng trên đường về đã không xảy ra. Ngược lại, anh được tất cả mọi người quan tâm giúp đỡ, động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để anh nhanh chóng hoà nhập cộng đồng. Một tuần lễ sau khi nghỉ ngơi thoải mái bên gia đình, anh đi làm môtơ điện lạnh. Nhưng sức khoẻ đã buộc anh phải nghỉ việc do bị gai cột sống nên không thể ngồi quấn dây đồng lâu được.

    Trưởng khu phố và cảnh sát khu vực biết được khó khăn của anh, đã động viên anh tham gia vào Đội dân phòng khu phố. Thu nhập hàng tháng từ tiền lương của dân phòng không nhiều, Trưởng khu phố và Cảnh sát khu vực liên hệ với 2 trường học ở khu phố để anh làm thêm công tác giữ gìn an ninh trật tự vào buổi sáng và buổi chiều. Thu nhập từ 2 việc làm này tạm thời đủ để anh góp phần cùng vợ trang trải chi tiêu trong gia đình. Ba tháng sau, anh lại được nhân dân trong tổ tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Cũng trong thời gian này anh được Trưởng khu phố và Cảnh sát khu vực tin tưởng giao cho nhiệm vụ Đội phó Đội dân phòng chuyên trách tại khu phố 2. Tháng 01/2007, Ủy ban nhân dân phường 7 thành lập Câu lạc bộ mang tên “Cùng tiến” - đây là nơi tập hợp anh em được hồi gia để cùng động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn tái hoà nhập cộng đồng. Được sự tín nhiệm của các ban ngành đoàn thể trong Ủy ban nhân dân phường 07, anh lại nhận thêm một công việc mới đó là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Cùng tiến”.

    Bây giờ ngẫm nghĩ lại, anh cảm thấy hối tiếc cho quãng đời đã qua - quãng đời mà anh đã chôn vùi thể xác, tinh thần và tuổi thanh xuân trong ma túy. Anh nói với tôi rằng khi nào tôi đăng bài viết này thì hãy nhắn dùm anh mấy lời “Hỡi các bạn đã và đang lầm đường lạc lối như tôi ngày xưa. Ma túy sẽ dần dần lấy đi tất cả từ các bạn và sẽ mang lại cho các bạn một điều không hề mong đợi - đó là căn bệnh AIDS thế kỷ. Các bạn hãy thức tỉnh trước khi quá muộn. Cộng đồng xã hội luôn dang rộng vòng tay đón các bạn trở về”.
    -TG: Kim Liên

  8. #8
    KHÔNG CÓ VIỆC GÌ KHÓ
    CHỈ SỢ LÒNG KHÔNG BỀN
    ĐÀO NÚI RỒI LẤP BIỂN
    QUYẾT CHÍ ẮT LÀM NÊN
    Ma túy rất mạnh nhưng ko thể mạnh bằng ý chí quyết tâm của con người. đã có rất nhiều người cai nghiện thành công chứ ko phải ko cai được phải không nào. chỉ cần có niềm tin và lòng quyết tâm. họ làm được thì ko có lí do gì là mình không làm được. hãy cố gắng lên để một ngày nào đó gần đây tên và anh của các bạn sẽ đươc nhắc đến như một tấm gương sáng trong chuyên mục những người cai nghiên thành công.

  9. #9

    Thac mac!

    Toi muon hoi nhung nguoi da tung nghien co the cho toi biet la nhung bieu hien cu the cua nguoi mac nghien nhu the nao? Toi moi lay chong va biet chong minh nghien nhung khong biet lam cach nao de cai cho anh ay bay gio?

  10. #10
    Bạn nên mở 1 topic riêng để cho mọi người dễ thấy còn vào tư vấn cho bạn =>bạn check hộp nhắn tin đi

    Lưu ý : Bạn phải post bài =tiếng Việt có dấu nha !

Page 1 of 2 12 LastLast

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •