Mặc dù đã được làm xét nghiệm đúng cách, thậm chí thực hiện xét nghiệm nhiều lần, nhưng những bạn trẻ này vẫn luôn bị ám ảnh bởi nguy cơ lây nhiễm HIV…

Câu chuyện đã xảy ra hơn hai năm nhưng Tuyên vẫn luôn bị ám ảnh về khả năng lây nhiễm HIV. Chuyện là một lần, Tuyên đã có quan hệ tình dục với gái mại dâm có sử dụng bao cao su, sau đó, anh có dùng khăn tắm của cô ấy để lau dương vật. Kể từ đó trở đi, anh luôn dằn vặt mình bởi suy nghĩ, có thể mình đã bị nhiễm HIV từ cô gái đó. Anh đã đi làm xét nghiệm HIV hai lần, sau 2,5 tháng và lần hai là sau 6 tháng kể từ khi xảy ra chuyện đó, kết quả đều âm tính, nghĩa là anh không bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, anh vẫn không hết lo lắng.

Sau lần ấy, anh không bao giờ quan hệ tình dục với bất cứ người con gái nào mà chỉ thủ dâm mỗi khi có ham muốn tình dục. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Tuyên nhận thấy, mỗi khi thủ dâm và xuất tinh thì tinh dịch có màu nâu, đi tiểu hơi buốt, điều này khiến anh vô cùng lo sợ. Anh luôn ám ảnh bởi suy nghĩ, có thể đến thời điểm này, vi rút HIV mới xuất hiện trong anh. Tuyên đi xét nghiệm lại một lần nữa, kết quả vẫn là âm tính nhưng anh chẳng bớt lo lắng chút nào.

Mỗi khi suy nghĩ về khả năng lây nhiễm của mình, Tuyên lại dằn vặt, lại tự trấn an mình rồi lại dằn vặt. Anh thấy mình đang bị nhốt trong một cái vòng luẩn quẩn mà không thể thoát ra. Tuyên luôn lo sợ về khả năng lây nhiễm của mình dù câu chuyện đã xảy ra hơn hai năm và đã ba lần anh làm xét nghiệm HIV. Điều này khiến anh vô cùng mệt mỏi, sức khỏe giảm sút và ảnh hưởng rất nhiều đến công việc ở cơ quan.

Cũng giống Tuyên, Ninh luôn bị ám ảnh vởi khả năng lây nhiễm HIV của mình. Một lần chạy xe máy qua đoạn đường rẽ vào nhà, anh gặp vụ tai nạn xe máy, người bị nạn chính là Phong, cậu con trai cô hàng xóm gần nhà Ninh. Anh không ngần ngại lao vào cứu giúp. Ninh bế Phong ngồi lên chiếc xe ôm gần đó và chiếc xe phóng đi. Máu Phong chảy ra rất nhiều, thấm cả vào quần áo anh. Vết thương từ cánh tay cậu ấy đang chảy rất nhiều máu, Ninh lấy tay mình bịt vào vết thương trên tay Phong. Không ngờ hơn 1 năm sau, Phong qua đời vì AIDS, Ninh hoảng sợ nhớ lại, lúc bế Phong và dùng tay bịt vào vết thương của cậu ta, tay anh cũng đang có vết trầy xước. Ninh vội vã đi làm xét nghiệm HIV, dù kết quả là âm tính sau mấy lần làm xét nghiệm ở hai cơ sở xét nghiệm khác nhau nhưng anh vẫn luôn lo lắng về khả năng lây nhiễm của mình. Nhiều lúc anh nghĩ, có thể máu Phong dính lên quần áo anh và vi rút HIV có trong đó hẳn đã xâm nhập vào cơ thể anh. “Mình chỉ mới 24 tuổi, mình không thể chết lúc này được”, Ninh luôn tự nhủ như vậy và lo lắng đến mức không ăn không ngủ được.

Trường hợp của Vinh còn ám ảnh nặng nề hơn. Một buổi chiều, khi đang đi bộ ra hiệu sách gần nhà, Vinh nghe thấy tiếng kêu la của một phụ nữ đang đi trên vỉa hè vì một tên cướp đã giật túi xách của chị. Vinh chạy đuổi theo và khi tóm được tên cướp, Vinh đã đấm vào mặt hắn. Không ngờ, máu mũi tên cướp xảy xộc ra và tay anh lại bị chảy máu do va vào răng của tên cướp. Sau lần đó, Vinh luôn lo lắng, dằn vặt, sợ mình đã lây nhiễm HIV. Anh đã đến trung tâm tư vấn và làm xét nghiệm tình nguyện ở bệnh viện da liễu để làm xét nghiệm hai lần theo đúng thời gian mà bác sĩ đã tư vấn. Kết quả xét nghiệm đều là âm tính nhưng Vinh vẫn không hết lo lắng. Mỗi khi cơ thể có bất cứ thay đổi nào là Vinh lại gọi điện thoại để hỏi trung tâm: “Tôi thấy cơ thể mình như bị sốt, chân có mấy cái mụn nhỏ có phải là biểu hiện của HIV không”, “Tại sao lúc trước bị mụn chỉ một vài ngày đã lành mà sao lần này lâu vậy, có phải tôi đã nhiễm HIV rồi không”…

Mặc dù đã được tư vấn đi khám da liễu và được kê đơn thuốc nhưng Vinh vẫn không khỏi lo lắng, ám ảnh về việc mình có thể đã bị nhiễm HIV. Nỗi lo nhiễm HIV đeo bám anh cả trong giấc ngủ. Cứ vài ba ngày, Vinh lại gọi điện đến trung tâm tư vấn để trình bày từ đầu đến cuối câu chuyện và nỗi lo của mình. Anh còn lo lắng HIV có thể sẽ lây sang cả vợ anh, hai người chỉ mới kết hôn được hai tháng. Do vậy, Vinh đã sử dụng bao cao su mỗi khi hai vợ chồng gần gũi. Mặc dù vợ anh đã hết lời khuyên nhủ, động viên anh nhưng Vinh vẫn không thoát khỏi ám ảnh về nguy cơ lây nhiễm HIV của mình, điều này khiến vợ anh rất mệt mỏi.

Làm gì để thoát khỏi ám ảnh?

Tuyên, Ninh và Vinh đều may mắn vì đã không bị lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, điều đáng nói là họ không thể thoát khỏi cảm giác ám ảnh dù đã được xét nghiệm và được khẳng định rằng họ hoàn toàn không bị lây nhiễm HIV sau khi có hành vi nguy cơ. Những trường hợp tương tự như ba nhân vật trên không phải là hiếm thấy. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bạn trẻ chúng ta cần làm những gì để có thể loại bỏ cảm giác ám ảnh đó ra khỏi tâm trí mình nếu như rơi vào tình huống tương tự như trên?

Trước tiên, để thoát khỏi cảm giác ám ảnh mặc dù đã được làm xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính, các bạn cần chủ động tìm hiểu, cập nhật các thông tin khoa học có liên quan đến bệnh HIV như phương thức lây nhiễm, nguy cơ, khả năng lây nhiễm HIV, xét nghiệm HIV trên báo chí, truyền hình, internet.... Dựa trên những thông tin đã tìm hiểu được và kết quả xét nghiệm để hiểu rằng, lo lắng của bản thân là không có cơ sở. Từ đó, có thể yên tâm về khả năng lây nhiễm của mình.

Hơn nữa, cần nhận thức rằng sự lo lắng, ám ảnh đó đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, công việc và những người thân xung quanh ra sao để có động lực thoát khỏi những ám ảnh đó. Một biện pháp nhỏ khác là mỗi khi có cảm giác lo lắng, ám ảnh về nguy cơ lây nhiễm trong tâm trí, các bạn có thể tập trung vào thực hiện các hoạt động khác mình thấy hứng thú hoặc trò chuyện cùng bạn bè, tham gia vào các hoạt động tập thể để đẩy lùi suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực đó.

Trong trường hợp nỗi ám ảnh vẫn còn đeo bám dù bạn đã cố gắng loại bỏ bằng nhiều cách, các bạn cần tìm đến sự hỗ trợ của các bác sĩ tâm lý. Họ sẽ đưa ra các liệu pháp trị liệu phù hợp dựa trên trường hợp của bạn nếu cần thiết để giúp bạn sớm thoát khỏi cảm giác ám ảnh của mình.

Lan Anh (Theo tamsubantre.org)