những người mắc bệnh HIV thường hay có triệu chứng Lao cho nên chúng tôi sẽ đăng bài này lên để cho các bạn nghiên cứu :

Khi có người trong nhà mắc bệnh lao


"Gia đình chồng tôi đều bị mắc bệnh lao phổi. Cách đây 2 năm, cả chồng tôi cũng bị và mới điều trị hết. Hiện nay, bản thân tôi cũng đã nhiễm bệnh và đang điều trị. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên về việc chữa trị và ngăn ngừa bệnh này".

Trả lời:

Muốn phòng bệnh lao, phải chú ý những điểm sau đây:

- Giải quyết triệt để nguồn lây, nghĩa là chữa khỏi cho người mắc bệnh lao (đặc biệt là lao phổi). Một bệnh nhân lao không được chữa trung bình mỗi năm sẽ lây bệnh cho 10-15 người khác, trước hết là những người cùng sống, cùng làm việc.

- Không để các chất có trực khuẩn lao phát tán ra ngoài. Đờm của người có bệnh phải được khạc vào ca hoặc cốc chứa vôi bột... Người bệnh không được khạc nhổ bừa bãi.

- Sau 2-3 tuần điều trị thuốc lao đầy đủ, tích cực, khả năng làm lây bệnh ở người lao phổi sẽ giảm đi. Trước và sau thời điểm này, bệnh nhân cần tránh sự tiếp xúc không cần thiết với người không mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em gầy yếu, thiếu ăn, suy nhược, suy dinh dưỡng... Không được để người bị lao chưa khỏi bệnh bế ẵm, hôn hít hoặc trông nom trẻ nhỏ.

Người bị lao tốt nhất là được ở một nơi riêng. Nếu ở cùng nhà, nằm cùng giường thì nên nằm tráo đầu đuôi hoặc mỗi người nằm quay đầu về một hướng, không để hơi thở của người bị lao phả vào mặt mình. Nhà ở cần thoáng đãng, không ẩm ướt, nhiều ánh sáng, cao ráo, sạch sẽ, vệ sinh.

- Không cần ăn uống riêng biệt, bát đũa riêng vì bệnh lao phổi thường không lây theo đường ăn uống. Nếu có điều kiện, nên ăn uống đủ chất, giàu chất đạm: tôm, cua, cá, ốc, thịt, đậu, đỗ...

- Có thể phòng lao cho trẻ mới đẻ bằng cách tiêm vacxin BCG. Với trẻ lớn, phải phát hiện xem đã bị lây nhiễm chưa bằng cách đưa đi khám bệnh, làm xét nghiệm Mantoux, chụp phim X quang phổi... Nếu có biểu hiện bị lây nhiễm hoặc bị bệnh thì phải điều trị bằng thuốc chống lao theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.

Việc chữa trị lao cần được tiến hành dưới sự chỉ dẫn, giám sát của thầy thuốc chuyên khoa. Nên dùng thuốc vào lúc xa bữa ăn (trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 1-2 giờ) vì dịch vị và thức ăn sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc. Khi điều trị, phải dùng đủ số thuốc (ít nhất 3 loại), đều đặn và đủ thời gian quy định cho tới khi khỏi hoàn toàn.