Câu chuyện về người phụ nữ can trường này khiến tôi vừa cảm phục vừa day dứt bởi con số 27 lần cai nghiện cho chồng, trong vòng 20 năm gá nghĩa phu thê. 20 năm làm vợ - 20 năm chị ngậm buồn nuốt tủi để cứu vớt một con người.
1. Không biết còn ai trên đời này khổ nhục nhưng lại giàu nghị lực như chị không? 20 năm trước, lúc vừa tròn 22 tuổi, chị kết hôn với một người không phải vì tình yêu. Sau đêm tân hôn, chị mơ hồ nhận ra những biểu hiện bất thường của chồng - đó là dấu hiệu của một người nghiện thuốc phiện. Lấy chồng được đúng 12 ngày, chị phải chịu một trận đòn thừa sống thiếu chết vì dám tỏ thái độ khi phát hiện chồng mình nằm co cùng mấy công nhân lâm trường. Cuối năm đó, chị sinh con trai đầu lòng.

Suốt 9 tháng mang thai là bấy nhiêu ngày chị ôm bụng tìm chồng trên các lán nương, đỉnh núi, hẻm sâu. Có lần bụng vượt mặt, sắp đến ngày sinh, chị cầm đèn pin lần mò theo dấu dép của chồng lên tận đỉnh đồi. Vừa giáp mặt, còn đang thở chứ nào đã nói được lời nào, chị đã bị anh ta đánh hộc cả máu miệng.



Nuôi báo cô ông chồng nghiện dù nghèo, dù đói nhưng chị cũng cố lo cho anh ta tiền mua đủ một “bi” thuốc phiện để anh ta khỏi đi ăn cắp, ăn trộm hàng xóm. Chồng chị nghiện, nhưng trong người anh ta vẫn còn có chút tự trọng.



Anh ta có nghề mộc khá giỏi, đóng đồ gỗ đẹp có tiếng ở thị trấn, chỉ mỗi tội nghiện ngập nhiều khi quên cả lịch hẹn giao hàng cho khách, nên khách hàng cứ thưa dần.



Công việc phập phù tiền công không đủ để hút, những lúc ấy chị lại đưa cho chồng mấy chục nghìn đồng, đủ để mua 1 “bi” (thuốc phiện) sau này là 1 tép (hêrôin).



Hành vi “tiếp tay” đó kéo dài suốt mười mấy năm trời. Chị bảo chị vẫn tôn trọng chồng, vì anh ta vẫn giữ lời hứa không đi ăn cắp; nhưng không lấy của thiên hạ thì khi lên cơn vật, anh ta lại ăn cắp tiền của vợ. Năm 1995, chị sinh con trai thứ hai, vò võ ôm con một mình trong viện mà nước mắt chát mặn đầu môi. Anh ta không đến vì anh ta còn bận đi kiếm thuốc.



Năm 2000, mặc dù đứa con lớn mới học lớp 4, đứa bé đang đi mẫu giáo, nhưng chị vẫn quyết định đăng ký đi học lớp hộ sinh trên thị xã Sơn La. Thâm tâm chị nghĩ chỉ học hết lớp 7, với bằng sơ cấp (y tá), mình có thể nằm trong diện tinh giản biên chế bất cứ lúc nào. Đi học lớp hộ sinh có thể đảm bảo cho chị thời gian công tác dài và ổn định (Trạm Y tế xã bao giờ cũng có 1 định biên nữ hộ sinh), chỉ như vậy mới có thể tiếp tục nuôi con và đưa chồng đi cai nghiện. Chị gạt nước mắt để vượt 120km về thị xã học, để lại hai đứa bé và người chồng nghiện ở nhà.



Công việc của chị nhiều khi phải công tác xa nhà, những đợt tập huấn chục ngày đến cả tháng. Mỗi lần đi công tác, chị lục túi đưa cho thằng con lớn mấy chục nghìn đồng, dặn ở nhà trông em, tự nấu nướng mà ăn, nếu thấy bố cùn lên thì hãy lánh sang nhà bác Ánh hàng xóm. Có lần trở về sau chuyến công tác, chị trào nước mắt vì thương con khi nghe mấy bà bán thịt ở chợ kể lại. Thằng con lớn của chị, cứ hai hôm lại ra chợ, chỉ mua mấy mớ rau, tần ngần mãi, rồi cũng dám mon men đến quầy bán thịt, mua đám bạc nhạc và mớ bì lợn nói dối rằng về nấu cho chó, nhưng thực ra nó mang về rim mặn để hai anh em ăn cơm...



20 năm lấy chồng, nhưng chưa bao giờ chị được hưởng một giây phút hạnh phúc. Nụ cười trên khuôn mặt khả ái của người đàn bà vừa qua tuổi tứ tuần trông khắc khổ, đuôi mắt khi cười đầy vết chân chim như vết rạch của thần khổ ải và bất hạnh. Mấy chục năm qua, chị chưa bao giờ được ngủ trước 12 giờ đêm. Hôm nào cũng vậy, ngoài việc cơ quan, chị phải kèm cặp hai cậu con trai học hành, rồi cám bã, lợn gà.



Có thời điểm chị nuôi 3 lợn nái, 10 con lợn thịt, trồng hơn 1.000m2 ngô. Nhiều hôm trước khi đi làm tay phải chà vào nền xi măng để tẩy nhựa chuối, rau lang băm cho lợn. Niềm an ủi lớn nhất của chị là hai cậu con trai, nhờ trời học khá giỏi và ngoan, biết thương mẹ. Nhiều lần thấy bố hành hạ mẹ, chúng tỏ thái độ, thậm chí còn khuyên mẹ nên bỏ bố cho đỡ khổ.



Nhưng lần nào cũng vậy, chị lại ôm chúng vào lòng, nuốt nước mắt mà nói: “Ông ấy là bố các con, chỉ mẹ mới có quyền trách bố chứ là phận con, các con không được phép. Các con hãy cứ sống và phấn đấu trở thành một người đàn ông tốt, rồi sau này bố sẽ hiểu ra và sẽ thay đổi”.