Nghệ thuật "cai nghiện" cho con của một người mẹ
19:35:00 05/11/2009
Đối diện với tôi lúc này hình như không phải là một con người đã từng bị ma túy chi phối. Khi đã trải lòng mình với cuộc sống, chàng sinh viên thuở nào, Bùi Thế Lực, sinh năm 1984, quê ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa, đã sắp mãn hạn thi hành án hai năm cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Lao động Ba Vì, Hà Nội.

Một buổi chiều, Lực ở nhà một mình. Em vẫn ở trong phòng mình để ôn luyện như mọi ngày. Đang ngồi học, cậu đứng phắt dậy. Tìm tòi, lục lọi khắp các ngăn kéo. Không thấy gì cả. Cậu xoay người với chùm chìa khóa bên trong ngăn kéo mà cậu cất giữ rất cẩn thận ra. Vừa tra khóa vừa lo sợ có người về, tay cậu run run đến nỗi đánh rơi cả chùm xuống đất.

Tiếng lọc xọc của khóa làm Lực giật mình. Tưởng có ai về, Lực luống cuống, chạy thật nhanh về phòng, ngồi y nguyên vào vị trí cũ. Phải mất mấy phút sau, Lực mới định thần lại trạng thái của mình. Thở phào một tiếng rồi cậu lại lẻn vào phòng của bố mẹ. Tra khóa vào ổ, em mơ hồ nhận ra rằng tất cả các khóa đều đã được thay mới. Cảm giác bất lực, lo sợ đè nặng lên tâm hồn Lực. Ngắm nghía mọi đồ vật trong gian phòng một cách từ từ, chậm rãi và có phần suy tính. Lực liếc mắt về chiếc đài mà mẹ cậu rất thích. Nét mặt tự nhiên co lại, chân tay run rẩy, mồ hôi đổ ra như tắm. Suy đi tính lại thì chỉ còn có cách ấy. Nghiến chặt hai hàm răng, cậu quyết định bọc chiếc đài mà mẹ cậu rất thích vào trong một cái túi rất to, rỗng không.

Bước vội ra khỏi cửa. Cậu xô ngay vào mẹ mình. Lúng túng, Lực chỉ ậm ờ được câu: "mẹ". Chưa kịp định thần thì mẹ cậu đã hỏi: "Định đi đâu mà vội thế con?". Lướt qua cái bọc trên tay Lực, bà nhanh trí nhớ ra: "À, con ra ngoài thì mang sửa hộ mẹ cái đài luôn nhé. Hôm qua, bật lên, mẹ thấy khó nghe lắm. Chắc là bị hỏng loa hay sao vậy. Tối nay có chương trình kể chuyện hay lắm. Con sửa nhanh rồi tối hai mẹ con cùng nghe nhé!".

Nói đoạn, mẹ xách túi thức ăn vào bếp. Miệng thở dốc, chân tay luống cuống. Mẹ đi rồi mà Lực vẫn đứng ngây ra một lúc. Cậu đáp vâng ạ rồi chạy nhanh ra ngoài cổng. Lực chạy một mạch ra đến tận cửa hàng cầm đồ. Cầm chiếc đài mà tay cậu run run, chân như muốn quỵ xuống. Ôm chiếc đài trên tay, Lực băn khoăn, day dứt. Vậy là từ nay mẹ mình không còn được nghe chương trình chuyện kể đêm khuya nữa. Chắc là mẹ sẽ nhớ nó lắm, tiếc nó lắm nếu như nó bị mất. Cố gắng mãi Lực mới nhấc được đôi chân lên để chạy. Em cố sức chạy thật nhanh, không biết là đi đâu, chỉ mong sao cho rời xa nơi này, càng xa càng tốt. Chạy đến khi em kiệt sức, khắp người mồ hôi vã ra. Tiếng thở hồng hộc hòa cũng với nhịp tim gấp gáp. Cuối cùng thì em đành lững thững bước đi, trở lại căn nhà của em.

Cứ mỗi buổi tối, là Lực lại sang nhà một người bạn để hỏi bài. Cầm trên tay một đống sách vở, cậu không hề khiến cho mẹ nghi ngờ gì. Nhưng không phải Lực đến nhà bạn, mà cậu đi về phía cuối làng, nơi ít người qua lại vào buổi tối. Có lần đang định hành động thì có người đi qua, vội nhìn qua xem thì phát hiện ra rằng đó chính là người hàng xóm của mình, Lực thu vội đống sách vở cùng "đồ nghề" của mình rồi cứ thế mà chạy. Chạy thật nhanh để tránh chạm mặt với người đó. Vừa chạy vừa ôm đống sách to tướng, thỉnh thoảng lại phải dừng lại để nhặt những quyển sách bị rơi do không cầm chắc chắn. Nhặt rồi lại rơi, đang lo lắng thì người hàng xóm ấy cũng theo kịp cậu. Người ấy nhận ra và hỏi cậu.

Trong khi đó thì Lực cố nhìn sang hướng khác. Giả ho rồi lấy sách che đi một phần khuôn mặt. Thu nhặt nhanh những quyển còn vương trên đất, Lực chạy nhanh về hướng khác. Người hàng xóm lấy làm lạ, nhưng cũng chẳng kịp hỏi thêm câu nào thì cậu đã khuất bóng. Về đến nhà, Lực đã thấy người chạm mặt mình vừa nãy đang ở trong nhà, nói chuyện với mẹ mình.

Đứng ngoài cổng, Lực nghe phong thanh lời bà hàng xóm ấy: "Dạo này thằng Lực hay chơi bời với đám thanh niên xấu lắm. Có lần tôi còn nhìn thấy nó cùng đám bạn chích ở góc chợ đấy. Tôi nghi lắm. Vừa nẫy lại gặp nó trong xó ở cuối làng đấy". "Chị đừng nói linh tinh. Con em nó sang nhà bạn học từ đầu tối. Nó nhiều bạn lắm, có chơi thì chơi chứ đời nào nó nghiện ngập, hút hít như chị nói. Con em, em biết. Chị không phải lo".