Hoàn Cát – hành trình của những người hoàn lương...

(Cadn.com.vn) - Trộm cắp, nghiện ma túy, càn quấy... và trượt dốc thảm hại trong sự hư hỏng, họ buộc phải vào cơ sở giáo dục để cải tạo thành công dân tốt. Ở đây – Cơ sở giáo dục (CSGD) Hoàn Cát, không còn thấy cám dỗ, vơi bớt ám ảnh lầm lỗi, hàng trăm người đang hướng đến một điều rất đỗi giản đơn: học tập từ lao động để thấy giá trị chân chính của con người.

Những “nông dân” bất đắc dĩ

CSGD Hoàn Cát nằm sâu trong vùng Cùa, Cam Lộ (Quảng Trị), vốn trước đây là trại giam tỉnh và đến năm 1997 được chuyển đổi mô hình như trên, nay thuộc Tổng Cục 8, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ CA). Từ xa, ánh mắt người đến đã ấn tượng bởi khung cảnh xanh tốt của cây cao su, của vườn mít đang sai quả, có cả đồng ruộng lúa chín thơm. Nhấp nhô trong đó là bóng của những trại viên mang đồng phục xanh đang làm vườn, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm áo và bàn tay cầm nông cụ còn vướng lắm bao vụng về. Nhưng nhìn luống rau, nhìn hàng cây do tổ mình chăm sóc đang lớn nhanh, niềm vui như len lỏi vào khoảng buồn tối tăm của họ. Một chặng đời không muốn nhớ và ắt hẳn không thể quên...

Chuyện trò đầu tiên với tôi hôm ấy là trại viên Phan Công Chiến (1984, quê Hương Khê, Hà Tĩnh). Có lẽ tôi khó mà quên được đôi mắt đầy u buồn của người thanh niên này khi nhắc đến tuổi 18 đã qua. Là con một trong gia đình trí thức, giàu có, Chiến được cha mẹ cho ra TP Vinh (Nghệ An) để ôn thi đại học. “Học chi mà miết rứa, học mà không chơi cũng thừa. Thôi thử một lần cho biết, tốn kém có mấy mô” - Chiến nghe vậy đã thấy lung lay. “Ừ thì một lần thôi nghe”, vậy là hít heroin.

Chiến bồng bềnh trong cảm giác lạ và sướng. Rồi những phép toán, những bài tập lý, hóa đều dần rơi rụng sau mỗi lần “phê” thuốc. Và mùa tuyển sinh ĐH năm đó đã vắng tên của Chiến, vắng hẳn cả năm sau, năm sau nữa... cho đến hôm nay. Ma túy nó vừa xa vừa gần khiến Chiến quẫy đạp, dằn vặt. Mỗi khi túng tiền, mỗi khi đói thuốc, Chiến như một kẻ càn quấy quất vào lòng cha mẹ nỗi đau vô tận.

Chứng kiến đứa con đang bị hủy hoại, Chiến được đưa vào CSGD Xuân Hà. 2 năm ở đó trở về, Chiến tiếp tục nghiện, sức khỏe giảm sút trầm trọng. Năm 2009, Chiến được đưa vào CSGD Hoàn Cát. “Ngày mới vào, em đói thuốc vật vã, tưởng không sống nổi. Nhưng những lúc ấy có cán bộ đến hướng dẫn để giúp em vượt qua thời khắc khủng khiếp.

Đơn giản là bài tập thể dục, rồi phân công lao động nhẹ phù hợp với sức khỏe, chế độ dinh dưỡng qua từng bữa ăn cũng được quan tâm (dành riêng cho trại viên bị nghiện) nên dần dần em đã khỏe lại. Sau mấy tháng, em đã lao động được như các anh em khác rồi”. “Tiến rồi” - Chiến nói như reo lên để khoe với tôi với sự cảm kích dành cho chính mình.


Các trại viên chăm chỉ lao động.

Trại viên Hồ Sỹ Nông (quê Vĩnh Linh, Quảng Trị) mới được vào đây đúng với 2 từ “càn quấy”. Dù đã có con lớn 20 tuổi nhưng cái ngược đời của anh đúng là ít ai mà chịu được. Vốn hay nói, lại nói dài mà khoái say sưa nên rượu vào anh lại sinh chửi bới vợ con. Làng xóm điếc tai nhưng không giận bằng chuyện đêm khuya uống say về, Nông lại mở nhạc to oang oang như “khao” cả làng.

Ai nấy đều chán, vợ ly dị, Nông lười biếng càng say, càng quậy. Sau mấy lần bị xử phạt hành chính về gây rối rồi uống rượu lao xe máy vào người khác, anh Nông “Chí Phèo” bị buộc phải đi cải tạo để thôi cái thói uống rượu phá phách, “nghe nhạc đêm khuya”. “Lao động mệt nhọc nên quên đi được nhiều chuyện buồn, lại được chia sẻ hoàn cảnh với anh em, được cán bộ giáo dục, tôi thật hối hận bởi những sai lầm đáng tiếc của mình” - anh Nông nói có vẻ quyết tâm lắm.

Hàng trăm người vào đây như Chiến, như anh Nông đều có một đoạn quá khứ đầy lầm lỗi, dù mức độ vi phạm chưa đến mức phải vào tù, nhưng buộc phải uốn nắn, cải tạo không phải trong vài tháng ngắn ngủi. Và sự nỗ lực hướng dẫn, giáo dục và quan tâm của cán bộ cơ sở trở thành bước nối quan trọng giúp họ có niềm tin cải tạo tốt, hòa nhập trở lại với cộng đồng.



Quang và Thanh vui mừng đã được dạy chữ.
Phía trước là bầu trời...

Thượng tá Nguyễn Minh Nhơn - Giám đốc CSGD Hoàn Cát cho biết, các trại viên được bố trí tham gia vào các đội như chăm sóc cây công nghiệp, đội trồng và chăm sóc rừng, đội chăn nuôi, đội thủ công nghiệp... Giáo dục, lao động đã giúp họ dần lấy lại sự thăng bằng về tinh thần, về sức khỏe. Nhưng đặc biệt nhất là đội học văn hóa, học nghề được tổ chức tại cơ sở.

Đưa tôi xem hàng chữ vừa mới viết, Trần Văn Quang (1990, trú Chi Lăng, TP Huế, TT-Huế) không giấu được cảm giác ngại ngùng, hổ thẹn bởi chật vật mãi Quang mới viết được con chữ thật ngay ngắn. Lấy tay quệt mồ hôi, Quang bảo: “Em đã học xong lớp xóa mù rồi, em đã viết thư cho ba mẹ được rồi. Bọn em đứa mô cũng muốn được cô Tiến dạy nữa”. Cô Tiến chính là trung úy CA Trần Thị Tiến, cán bộ của cơ sở và phụ trách luôn chương trình xóa mù nhiều năm qua.

Một mình, một lớp với đủ loại tuổi, thành phần, trung úy Tiến đã làm công việc “trồng người” thầm lặng và gian nan ấy, nhưng kết quả thì lại đầy cảm kích và xúc động. “Có chữ, đọc được sách, được báo, em hiểu nhiều chuyện hơn, em mừng lắm” - Quang bảo. Cũng như Quang, trại viên Nguyễn Đình Thanh (1989, quê Điện Bàn, Quảng Nam) vừa "tốt nghiệp" lớp xóa mù đã phấn khởi nghĩ đến cảnh cha mẹ ngạc nhiên bao nhiêu nếu thấy em đọc được sách, làm được phép tính. Ấy là sự kỳ diệu bất ngờ mà Quang và Thanh chưa bao giờ nghĩ tới. “Không trộm cắp, không quậy nữa, em sẽ gắng học lấy một nghề để mưu sinh” - cả hai rất hy vọng.

Lại nói đến dạy nghề, trung tá Nguyễn Đình Liên - Phó GIÁM đốc CSGD Hoàn Cát dẫn tôi đi thăm phòng học nghề dành cho trại viên. Tại đây, trại viên được bố trí học các nghề phổ thông như mộc, nề, hàn, rèn... Đây là bước chuẩn bị cần thiết và quan trọng để các trại viên không bị “đứt đoạn” khi trở về cộng đồng. Ngoài những buổi lao động, học tập, cán bộ quản giáo còn tổ chức phổ biến pháp luật, phối hợp tuyên truyền các chương trình về phòng, chống TNXH, đại dịch HIV... Ngày 7-6-2010, tôi cũng thấy vui lây khi các trại viên háo hức tham gia hội thi tìm hiểu về phòng, chống HIV/AIDS do cơ sở phối hợp với ngành Y tế tổ chức. Ngày trở về của họ chắc chắn sẽ đầy ắp kỷ niệm và nhiều điều bổ ích.

Trở về xuôi, bỏ lại sau lưng con đường rợp mát dẫn vào Hoàn Cát và tạm biệt những anh “nông dân” bất đắc dĩ, tôi lại nghĩ đến Chiến với đôi mắt ánh lên hy vọng khi bắt gặp hình ảnh hoa phượng nở đỏ ở sân khu học nghề. Chiến hiểu, mỗi năm, liền sau mùa hoa phượng nở là một mùa tuyển sinh ĐH đang đến gần...

Hà Tùng