Results 1 to 4 of 4

Thread: Sao phải chìm vì 1% nỗi buồn?

  1. #1

    Sao phải chìm vì 1% nỗi buồn?

    Thử gõ cụm từ “buồn như con chuồn chuồn” lên Google, có tới gần 200.000 kết quả với đủ sắc diện của nỗi buồn, phần lớn là của người trẻ. Vì sao? Thử đọc bài viết của một người trẻ viết về nỗi buồn của giới mình...

    Tôi đọc ở đâu đó rằng con người thường rất bi quan, họ nhìn thấy một vệt mực trên tờ giấy vậy là chỉ còn biết chú tâm vào cái vệt sẫm màu đó mà không còn thấy tờ giấy trắng nữa. Vệt mực chỉ là 1% so với 99% của tờ giấy trắng, nhưng nhiều người nghĩ sự “trắng” ấy là điều bình thường nên không để tâm, chỉ có vệt mực sẫm mới nổi bật và quan trọng. Kết quả là trong cuộc sống của bao người, thay vì nhìn vào 99% nhịp đời êm đềm thì họ lại cứ xoáy vào 1% tuyệt vọng.

    Trên net, những nỗi buồn lớn, nỗi buồn nhỏ, nỗi buồn tình cảm, nỗi buồn công việc, nỗi buồn về chính bản thân thi nhau phơi bày. Nhiều người trẻ rạch sâu vào sự sầu thảm của mình để sống. Nếu không kể về điều buồn nản của bản thân họ sẽ chẳng có chuyện gì để nói! Nhưng ở mỗi thế hệ cách bộc lộ nỗi buồn mỗi khác: 6X-7X buồn thâm trầm về nhân tình thế thái, 8X buồn âm ỉ với những đổ vỡ trong tâm mình, 9X buồn một cách náo loạn, phô trương trên mọi phương tiện.

    Trên blog, những bạn bè online sàn độ tuổi cũng rải tràn buồn đau từ blast, theme đến entry mà khó có cách nào chia sẻ. Người có máu hài hước thì than thở kiểu: “buồn như con chuồn chuồn, chán như con gián”. Người nội tâm thì gắn mình vào u trầm: “thế thái lạnh như băng, nhân tình mỏng tựa giấy, cuộc đời mấy ai hay?”.

    Và họ rên rỉ với những nỗi buồn mang tính chiêm nghiệm đúc kết từ cái nhìn bi quan về cuộc đời, mà có khi từ những chuyện rất nhỏ nhặt: thấy mình cô đơn, sợ bị ế, va chạm với đồng nghiệp, bị sếp mắng, bạn bè hiểu lầm nhau, người yêu vô tâm, stress vì nhốt mình hoài trong môi trường công sở... hoặc giản đơn một cơn mưa cũng làm nỗi buồn trở nên lai láng.

    Tìm hiểu sâu hơn sẽ biết thêm một điều hiển nhiên nữa: 9X đang đứng trên đỉnh sầu thời hiện đại. Cứ như một trào lưu, hội chứng buồn nản lan rộng và sâu trong lòng mỗi 9X, những teen Emo trả giá cho sầu não trong tâm mình bằng nước mắt, bằng rạch tay, bằng những hành hạ thể xác để kiếm tìm bình yên.

    Nhẹ nhàng hơn thì họ than vãn mọi lúc mọi nơi. Những bang hội cô đơn, cô độc được các teen lập ra ầm ầm và cùng chia nhau nỗi buồn tự kỷ ám thị của mình. Những teen không thích hội hè thì ẩn vào nhật ký điện tử với nickname gắn liền với lonely, alone...

    Nếu friends list mà có add nick các cô cậu teen này thì đảm bảo sẽ thường xuyên nhận được những offline spam: “Buồn ứ chịu được, đi chết đây, vĩnh biệt cả nhà!” với muôn vàn lý do: ba mẹ la mắng, bồ theo kẻ khác, không có tiền mua đồ mới, không thiết sống... Nhưng rồi hôm sau lại thấy cô cậu ấy online hồn nhiên như chưa từng có chuyện gì xảy ra...

    Vì có khả năng “lây nhiễm” nên buồn chán phải được liệt vào dạng bệnh. Một căn bệnh phổ biến của thời hiện đại được sinh ra từ 1% ít ỏi nhưng lại có khả năng điều khiển cuộc sống của nhiều người. Sẽ là quá đáng nếu cấm con người không được phép buồn nản. Bởi cần có đủ buồn, đủ vui mới thấy được giá trị của hạnh phúc và thành công.

    Trong vài nghiên cứu khoa học, người ta còn phát hiện nỗi buồn có lợi cho sức khỏe. Nhưng điều tôi muốn chia sẻ sau tất cả những câu chữ của mình là tất cả những ai đang ôm ấp nỗi buồn của mình, đừng than vãn và PR cho nỗi buồn một cách thái quá nữa. Hãy học cách đối diện với nỗi buồn và vượt qua nó, còn những 99% tươi sáng đang chờ phía trước cớ sao cứ mãi bó hẹp mình trong 1% nỗi buồn như thế?

    (ST)
    Hãy sống hết mình cho giây phút hiện tại.
    Hãy mang niềm vui đến cho những người xung quanh bạn.
    Hãy chia sẻ một chút may mắn của bạn cho những người khó khăn hơn.
    Hãy làm như vậy, bạn nhé!

  2. #2
    Buồn là thuộc tính của con người. Nói như vậy không có nghĩa là loài động vật hay thực vật không biết buồn. Rất nhiều chuyện kể đã cho thấy loài vật, đặc biệt là những con thú được gần gũi với con người, thường thể hiện buồn vui. Và khoa học cũng đã chứng minh là các loài cây cỏ cũng có nỗi buồn riêng.

    Con người khi mới lọt lòng chưa ý thức được nỗi buồn, dù vừa mới chào đời đã cất tiếng khóc. Tiếng khóc đầu tiên của con người không phải biểu hiện của nỗi buồn như nhiều nhà văn, nhà triết học mô tả. Đó chỉ là tiếng khóc sinh lí, khóc để hệ thống hô hấp làm việc tốt hơn khi vừa mới tiếp xúc với môi trường mới, sau chín tháng mười ngày nằm trong khối nước ối của bụng mẹ.

    Những năm tháng đầu đời, đứa trẻ chưa có ý thức sự hiện diện của nó trên cõi đời, và vì chưa ý thức nên trẻ chưa biết buồn. Như vậy chính cuộc sống và những điều xảy ra trong cuộc đời đã làm cho người ta biết buồn. Nỗi buồn của lòai người tăng theo thời gian, càng sống, người ta càng buồn và càng thấm thía nỗi buồn cho nhân thế và cho thân phận.

    Tự điển tiếng Việt có rất nhiều từ để chỉ tâm trạng buồn. Buồn, buồn buồn, buồn hiu, buồn rã rượi, buồn thiu, buồn nẫu ruột, buồn bã, buồn bực, buồn rầu, buồn tênh...Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có nhiều câu thơ mô tả nỗi buồn:

    Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh.
    Buồn trông cửa sổ chiều hôm.
    Buồn trông ngọn nước mới sa.
    Buồn trông nội cỏ dàu dàu.
    Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh.
    Buồn trông phong cảnh quê người.
    Đã buồn cả ruột lại dơ cả đời.
    Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai....

    Buồn trong những câu thơ của cụ Tiên Điền mỗi lúc mỗi diễn tả tâm trạng khác nhau, đó là nỗi buồn cho thân phận, nhìn cảnh mà đau đớn người.

    Trong ca dao tục ngữ Việt Nam cũng có rất nhiều câu diễn tả nỗi buồn:

    Ngồi buồn quẫy nước trông trăng
    Nước trong, trăng lặn buồn chăng hỡi buồn...

    Cá buồn cá lội tung tăng
    Em buồn em biết đãi đằng cùng ai...

    Ca dao cũng có những câu so sánh nỗi buồn như dòng sông:

    Bên vui cứ lở, bên buồn bồi thêm...

    và nhiều nhiều nữa....

    Buồn là đối cực của vui. Thông thường khi vui người ta cười, khi buồn thì khóc, nhưng đôi khi cũng có điều ngược lại;

    Khi vui lại khóc, buồn tênh lại cười.

    Buồn do nhiều nguyên nhân, buồn cho sự đời, buồn vì mất người thân, buồn vì xa cách, biệt li, buồn vì bực mình, buồn vì thất bại, buồn vì thất tình, buồn vì bế tắc, vì khổ đau, vì nghèo đói, vì bị ức hiếp....vv...

    Và cũng có khi buồn vô cớ, buồn chẳng có lí do gì:

    Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn.
    (Xuân Diệu)

    Buồn muôn hình vạn trạng. Buồn được thể hiện vô cùng phong phú trong văn chương, nghệ thuật và cả trong đời sống hàng ngày. Niềm vui thì hữu hạn, nhưng nỗi buồn thì vô cùng. Đã buồn rồi thì làm chi cũng buồn, nhìn gì cũng thấy buồn;

    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
    (Truyện Kiều)

    Người ta thường tìm quên nỗi buồn trong rượu, nhưng càng say càng buồn.

    Sầu đong càng lắc càng đầy
    Ba thu cộng lại một ngày dài ghê
    (Truyện Kiều)

    Và do vậy khi đứng trước nỗi buồn của người thân, của bè bạn, người ta thường chia buồn, chia cho vơi bớt nỗi buồn. Và khi vui thì ta xin góp vui vào để cho niềm vui thêm lớn.

    Những nghệ sĩ tài năng đôi lúc thể hiện nỗi buồn không thấy con người, nhưng đọc lên nghe buồn vô kể, đó là cảnh buồn tâm trạng ;

    Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
    Con thuyền xuôi mái nước song song
    Thuyền về nước lại, sầu trăm ngã.
    Củi mấy cành khô lạc mấy dòng
    (Tràng Giang - Huy Cận)

    Nỗi buồn của con người thì vô cùng vô tận, bởi mỗi thân phận có nỗi buồn khác nhau, mỗi hòan cảnh có nỗi buồn riêng.

    Làm người ta phải luôn thông cảm và thấu hiểu trước nỗi buồn của đồng lọai. Khi con người vô cảm trước những nỗi đau buồn của những người chung quanh mình, đó là lúc ta tự hạ mình để trở thành thú vật mất rồi. Và đôi khi còn thua cả lòai vật vì có những con vật rất đồng cảm với nỗi đau của bầy đàn:

    Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ

    Và khi con người không còn thông cảm nỗi đau của nhau, thờ ơ một cách vô tư trước nỗi đau thì chỉ còn vực sâu thấu hiểm nỗi niềm;

    Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
    Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo
    (Tôi ơi, đừng tuyệt vọng - Trịnh Công Sơn)

    Một xã hội vẫn còn những kẻ ăn trên ngồi tróc, hút máu mủ của đồng lọai và không còn chút cảm xúc trước nỗi buồn nhân thế, thì xã hội đó đã bị thú vật hóa, chỉ toàn là CON không có NGƯỜI. Một xã hội chỉ chú trọng đến vật chất mà quên nỗi đau tinh thần, nỗi buồn nhân loại thì xã hội đó đang đi đến chỗ tự hủy diệt để trở về cuộc sống bầy đàn.

    Buồn do cuộc sống mà ra, muốn bớt nỗi buồn chỉ còn cách làm cho cuộc sống niềm vui, tâm an tĩnh, lòng thanh thản trước những bất trắc, tránh mọi chấp nê, xua tan những đố kị, ganh đua. Đừng tham lam quá mức vì cuộc đời rất sòng phẳng, cho tay này thì sẽ lấy lại ở tay kia.

    Được như vậy, ta chỉ có bớt buồn chứ chưa hết nỗi buồn của con người. Nhưng biết làm sao, vì đã là con người thì phải có buồn. Nói hoài không hết. Mong rằng ở thế giới bên kia không có nỗi buồn để những người đã mất được một niềm an ủi là đã tránh xa được nỗi buồn nhân thế và những người ở lại cũng bớt sợ hãi khi phải xa lìa chốn ở trọ này.

  3. #3

    Nụ cười: Món quà tuyệt vời

    Không ai nghèo đến nỗi không thể mỉm một nụ cười, cũng không ai đủ giàu để sống mà không cần đến nụ cười của người khác. Nụ cười không làm nghèo người ban phát mà làm giàu cho người được nhận, có khi người ta sẽ còn nhớ mãi…




    Nụ cười: Món quà tuyệt vời, tô điểm cho cuộc sống…

    Một nụ cười- vốn liếng tuy nhỏ bé - nhưng lại làm giàu cho kẻ đón nhận nó mà không hề làm nghèo đi kẻ trao tặng nó. Nụ cười chỉ nở trên môi trong khoảnh khắc phù du, nhưng ký ức về nó đôi khi tồn tại cả một đời. Nụ cười tạo được hạnh phúc trong gia đình. Nụ cười là dấu hiệu của nhân ái. Nụ cười làm cho kẻ nhọc nhằn tìm được sự thoải mái dễ chịu. Nụ cười đem lại sự can đảm cho người nản chí, hoang mang.

    Có những người không bao giờ nở một nụ cười với bạn. Không hề gì, bạn cứ trải lòng mình ra và tặng họ nụ cười của bạn. Cho nên khi bạn gặp một người mệt nhọc, không còn sức tươi cười với bạn được thì bạn hãy mỉm cười với người đó đi. Vì người nào không còn lấy nụ cười để tặng kẻ khác, họ là những người không còn nụ cười để cho, vì lẽ đó, họ chính là những người cần nụ cười của bạn hơn ai hết

    Có một câu chuyện kể rằng: Saint- Exupery từng là phi công tham gia chống phát xít trong Thế chiến thứ hai. Chính từ những năm tháng này ông đã viết ra tác phẩm “Nụ cười”. Không biết đây là một tự truyện hay một truyện hư cấu, nhưng tôi tin rằng nó có thật. Trong truyện, Saint- Exupery là một tù binh bị đối xử khắc nghiệt và ông biết nay mai có thể bị xử bắn như nhiều người khác.

    Ông viết : “Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm. Qua hàng chấn song nhà giam, tôi trông thấy một người cai tù. Tôi gọi: “Xin lỗi, anh có lửa không?”..

    Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu tại vì sao lại làm thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người.

    Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là viên cai ngục phát xít mà chỉ là một con người.

    Anh ta hỏi tôi: “Anh đã có con chứ?”.

    Tôi đáp: “Có” và lôi từ trong ví ra tấm nhỏ của gia đình mình.

    Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng.

    Đôi mắt tôi nhoà lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại được người thân. Anh ta cũng bật khóc.

    Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khoá và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng, thả tôi tự do rồi quay trở về.

    Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi chỉ nhờ một nụ cười”.

    Từ khi đọc được câu chuyện này tôi nghiệm ra được nhiều điều. Tôi biết rằng bên dưới mọi thứ vỏ bọc chúng ta dùng để thủ thế, để bảo vệ phẩm giá và địa vị, vẫn còn có một điều thật quí giá mà tôi gọi là tâm hồn.

    Tôi tin rằng: nếu tâm hồn bạn và tâm hồn tôi nhận ra nhau thì chúng ta chẳng còn gì phải sợ hãi hay căm thù oán ghét nhau

    Nếu bạn từng có một khoảnh khắc gắn bó với đồng loại qua sức mạnh của nụ cười, thì tôi tin rằng bạn cũng đồng ý với tôi, đó là một phép lạ nho nhỏ, một món quà tuyệt vời mà chúng ta có thể dành cho nhau.

    Theo: Giá của nụ cười (Con đường đi tìm hạnh phúc/Tủ sách Tâm hồn).
    Hãy sống hết mình cho giây phút hiện tại.
    Hãy mang niềm vui đến cho những người xung quanh bạn.
    Hãy chia sẻ một chút may mắn của bạn cho những người khó khăn hơn.
    Hãy làm như vậy, bạn nhé!

  4. #4

    Ý nghĩa của nụ cười

    Có một ông chủ kinh doanh nọ sang Nhật Bản công tác. Tuy là người thành đạt nhưng ông rất khiêm tốn và luôn chia sẽ thành công với nhân viên của mình. Sau khi hoàn tất công việc, ông đến một siêu thị để mua các món quà cho nhân viên của mình trước khi về nước.
    Khi ông bước vào siêu thị, một người phụ nữ dáng vẻ nhỏ nhắn đón chào ông bằng nụ cười nồng ấm khiến ông rất cảm động, hài lòng và không thể quên thái độ thân thiện đó. Trong khi mua sắm, thỉnh thoảng ông liếc nhìn người phụ nữ kia, cô đều dành nụ cười tươi như thế cho mọi khách hàng.

    Nhà kinh doanh nọ bát đầu tự hõi sao cô ta có thể cứ cười mãi như một cái máy thế. Đứng cười mãi suốt ngày như thế thì thật chán ngấy! Ông bèn bước đến gần cô hỏi:

    -Chào cô, không phải cô đang cố làm công việc này đấy chứ? Cô đạ làm như thế này bao lâu rồi ?

    Người phụ nữ mỉm cười, đáp:

    - Thưa ông tôi đã làm việc này 10 năm nay rồi và tôi rất yêu thích công việc của minh.
    Nhà kinh doanh hết sức ngạc nhiên, hỏi tiếp:

    -Tại sao cô lại theo đuổi công việc này lâu như thế? Lí đo gì khiến cô yêu thích nó?
    Người phụ nữ lại nở nụ cười:

    -Vì nhờ công việc này mà tôi được cống hiến cho đất nước mình.

    Nhà kinh doanh hơi mỉa mai:

    - Cô cống hiến cho đất nước bằng cách cười sao?

    -Vâng thưa ông!- người phụ nữ đáp- tôi cười với tất cả khách hàng đến đây để họ thấy hài lòng và thoãi mái. Khi đó, họ sẽ mua sắm nhiều hơn, ông chủ của tôi sẽ vui hơn và tôi được trả lương nhiều hơn. Do đó, tôi có thể chăm sóc gia đình tôi và mang hạnh phúc đến cho họ. Hơn nữa, khi có đông khách, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng lên, sẽ cần thêm nhiều nhà máy và nhiều công ăn việc làm được tạo ra, mọi người trên đất nước tôi sẽ hạnh phúc, Không chỉ thế, vì phần đông khách hàng của chung tôi là người ngoại quốc nên sẽ có thêm nhiều cơ hội giao thương với nướic ngoài, như thế nước tôi sẽ ngày càng thịnh vượng hơn. Những người như ông sẽ đến nước tôi thường xuyên hơn vì ông hài lòng với chúng tôi và có thể ông sẽ kể về chúng tôi với bạn bè và gia đình ông. Thế nên, đất nước chúng tôi sẽ chó thêm nhiều du khách, nhiều ngoại tệ, nhiều việc làm và nhiều người sẽ hạnh phúc. Như vậy là tôi đã cống hiến cho dất nước mình rồi.

    Thái độ và suy nghĩ của người phụ nử đối với công việc đã khiến nhà kinh doanh kia hết sức ngạc nhiên và thán phục. Ông chào cô rồi ra về. Từ sau đó, ông đã cố gắng truyền đạt thái độ áy cho các nhân viên của mình. Đến hôm nay, công ty của ông đã trở thành một trong những công ty tiếng tăm nhất thế giới.



    (ST)
    Hãy sống hết mình cho giây phút hiện tại.
    Hãy mang niềm vui đến cho những người xung quanh bạn.
    Hãy chia sẻ một chút may mắn của bạn cho những người khó khăn hơn.
    Hãy làm như vậy, bạn nhé!

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •