- Các câu hỏi thường gặp về HIV
- Các câu hỏi thường gặp về HIV tại Việt Nam
- Các câu hỏi thường gặp về UNAIDS tại Việt Nam

CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ HIV

1. HIV là gì?
2. AIDS là gì?
3. Phát hiện HIV bằng cách nào?
4. HIV lây truyền như thế nào?
5. HIV không lây truyền như thế nào?
6. Làm cách nào để có thể ngăn chặn lây nhiễm HIV?
7. HIV chuyển sang giai đoạn AIDS trong thời gian bao lâu?
8. Sự liên quan giữa HIV và Lao là gì?
9. Sự liên quan giữa HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục là gì?
10. Có phương thuốc nào đặc trị AIDS không?
11. Có bao nhiêu người đang sống với HIV?
12. Số liệu về HIV nào là tin tưởng nhất?
13. Dữ liệu về giám sát HIV được thu thập như thế nào?
14. Sự khác nhau giữa số liệu “báo cáo” và số liệu “ước tính”?
15. Sự khác nhau giữa dịch HIV ở mức thấp, dịch tập trung, và dịch đại trà?
16. Phổ cập Tiếp cận về dự phòng, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ là gì?
17. ARV là gì?
18. Kháng thuốc là gì?
19. ABC là gì?

1. HIV là gì?
HIV là chữ viết tắt của Vi-rút Gây suy giảm Miễn dịch ở người. HIV tàn phá các tế bào máu nhất định có tên gọi là CD4 hoặc tế bào T. Các tế bào này rất quan trọng đối với sự hoạt động bình thường của hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Khi hệ miễn dịch bị HIV xâm nhập, cơ thể một người sẽ dễ dàng bị các bệnh nhiễm trùng do vi rút, vi khuẩn, ký sinh, nấm và các vi trùng khác gây ra.

2. AIDS là gì?
AIDS là chữ viết tắt của ‘Hội chứng Suy giảm Miễn dịch Mắc phải’ và mô tả một tập hợp các triệu chứng và nhiễm trùng có liên quan tới suy giảm mắc phải của hệ miễn dịch. Nhiễm vi rút HIV sẽ tạo nền tảng cho căn nguyên của AIDS. Lượng HIV có trong cơ thể và sự xuất hiện của các loại nhiễm trùng nhất định được coi là các chỉ số của tiến triển từ nhiễm HIV chuyển sang AIDS.

3. Phát hiện HIV bằng cách nào?
Khi nhìn một người nào đó, ta không thể biết liệu người đó có nhiễm HIV hay không. Cách chắc chắn nhất để xác định điều này là thông qua xét nghiệm HIV. Xét nghiệm có thể cho thấy sự hiện diện của vi rút một cách gián tiếp. Nếu mẫu phẩm máu chứa kháng thể HIV thì người đó có HIV dương tính. Kháng thể là các proteins do cơ thể sản xuất ra để chống lại sự xâm nhập của vi rút .

4. HIV lây truyền như thế nào?
HIV lây truyền qua tình dục không bảo vệ, bao gồm tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hay bằng miệng. Một số dịch tiết nhất định của cơ thể như máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo và sữa sẽ làm lây lan HIV. Vi rút có thể bị lây truyền qua máu bị nhiễm chứa trong bơm kim tiêm đã được dùng để tiêm chích ma túy. Một phụ nữ nhiễm HIV có thể truyền vi rút sang cho con mình trong quá trình mang thai hoặc cho con bú. HIV cũng lây truyền qua các chế phẩm máu không sạch, chưa được sàng lọc.

5. HIV không lây truyền như thế nào?
HIV không phải là loại vi rút có thể dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác. Vi rút này không sống được ngoài cơ thể. Vì vậy, nó không thể bị lây truyền thông qua các tiếp xúc thông thường hằng ngày như bắt tay, ôm hoặc hôn. Mồ hôi, nước mắt, dịch nôn mửa, phân hay nước tiểu đều có chứa một lượng nhỏ HIV, nhưng chưa bao giờ được báo cáo đã làm lây truyền bệnh. Muỗi và các loại côn trùng khác không làm lây truyền HIV.

6. Làm cách nào để có thể ngăn chặn lây truyền HIV?
Cách chắc chắn nhất để tránh lây truyền là tránh các hành vi nguy cơ cao đã được xác định. Có các biện pháp khác có thể áp dụng nhằm làm giảm nguy cơ, đáng chú ý như: bao cao su có thể làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm; các phụ nữ mang thai có HIV dương tính có thể giảm nguy cơ lây nhiễm cho con mình thông qua điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV; và những người tiêm chích ma túy không được dùng chung bơm kim tiêm.

7. HIV chuyển sang giai đoạn AIDS trong thời gian bao lâu?
Thời gian chuyển sang giai đoạn AIDS khác nhau giữa người này và người khác và nó phụ thuộc rất nhiều vào việc người đó có được điều trị hay không. Đối với những người được điều trị, thời gian có thể là mười năm hoặc dài hơn nữa trước khi HIV chuyển sang AIDS. UNAIDS ước tính rằng phần lớn người nhiễm HIV tại các quốc gia có ít hoặc không có điều kiện tiếp cận điều trị có khoảng thời gian này là tám đến mười năm. Thời gian này thường ngắn hơn đối với trẻ em.

8. Sự liên quan giữa HIV và Lao là gì?
HIV làm yếu hệ miễn dịch và làm tăng khả năng nhiễm lao của cơ thể. Ứơc tính một phần ba số người sống với HIV trên toàn thế giới đồng thời nhiễm Lao và Lao là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở những người nhiễm HIV.

9. Sự liên quan giữa HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục là gì?
Những người mắc các nhiễm trùng lây qua đường tình dục có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn bất kỳ người sắp bị nhiễm nào khác. Thí dụ, các viêm loét ở cơ quan sinh dục do herpes gây ra tạo thành một lối vào cho HIV. Các nhiễm trùng qua đường tình dục làm các tế bào tập trung ở bộ phận sinh dục và trở thành đối tượng của HIV. Cũng như vậy, người có HIV dương tính có nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục hơn bất kỳ người nào khác. Hệ miễn dịch của họ đã bị tổn thương khiến cho cơ thể gặp nhiều khó khăn chống lại các nhiễm trùng.

10. Có phương thuốc nào đặc trị AIDS không?
Hiện nay chưa có phương thuốc đặc trị AIDS hữu hiệu. Các điều trị bằng thuốc có thể giảm tốc độ HIV gây suy giảm hệ miễn dịch. Có các phương pháp điều trị khác có thể ngăn chặn hoặc chữa một số bệnh có liên quan tới AIDS. Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm một số loại vắc xin ở người, tuy nhiên còn phải mất một thời gian nữa mới có thể có được một loại vắc-xin hiệu quả.

11. Có bao nhiêu người đang sống với HIV?
Tính đến năm 2007, UNAIDS ước tính có 33.2 triệu người đang sống với HIV trên tòan thế giới.

12. Số liệu về HIV nào là tin tưởng nhất?
UNAIDS cung cấp bộ số liệu có phạm vi rộng nhất liên quan tới dịch HIV trên toàn cầu tại địa chỉ website www.unaids.org. Các số liệu thu thập đều đã được các chuyên gia cấp quốc gia và các nhà dịch tễ học quốc tế thông qua và đồng thuận. Mỗi quốc gia có cách tính riêng của mình và các số liệu của mỗi quốc gia cũng ở mức độ đầy đủ và chính xác khác nhau.

13. Dữ liệu về giám sát HIV được thu thập như thế nào?
a) Thông qua các giám sát sinh học, các giám sát huyết thanh trọng điểm trên một số quần thể xác định, các sàng lọc HIV thường xuyên trong số máu được hiến tặng, các xét nghiệm HIV sàng lọc thường xuyên trên một số nhóm nghề nghiệp hoặc các quần thể khác, các sàng lọc HIV từ các mẫu phẩm lấy từ các điều tra trên nhóm dân cư thông thường và các sàng lọc HIV từ các mẫu phẩm lấy từ các điều tra trên nhóm dân cư đặc biệt.

b) Thông qua các giám sát hành vi, các điều tra cắt ngang được tiến hành lặp đi lặp lại trên nhóm dân cư thông thường và các điều tra cắt ngang được tiến hành lặp đi lặp lại trên các quần thể được xác định, và

c) Thông qua các nguồn thông tin khác như các ca nhiễm HIV và AIDS được báo cáo, số tử vong xác nhận, giám sát STI và giám sát Lao.

14. Sự khác nhau giữa số liệu “báo cáo” và số liệu “ước tính” là gì?
Các báo cáo về số ca có thực cho chúng ta biết con số nhỏ nhất những người bị ảnh hưởng, nhưng nếu nhiều trường hợp không được báo cáo thì việc sử dụng các số liệu này chỉ có giới hạn,. Mặc dù các hệ thống giám sát HIV quốc gia đã được cải thiện nhiều trong thập kỷ qua, hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong việc báo cáo các số liệu. Vì vậy, các cán bộ y tế dựa vào các số liệu giám sát quốc gia sẵn có và các ước tính dịch tễ học, sử dụng các phần mềm khác nhau và các công thức thống kê nhạy bén, để đưa ra các ước tính toàn cầu và ước tính quốc gia về số người nhiễm, số nhiễm mới và số tử vong.

15. Sự khác nhau giữa dịch ở mức thấp, dịch tập trung và dịch đại trà là gì?
Mức độ thấp: Không có nhóm được xác định có tỷ lệ hiện nhiễm >5%.

Tập trung: ‘sự lây lan của dịch không vượt ra ngoài những nhóm chính”: tỷ lệ hiện nhiễm ở phụ nữ có thai ở thành thị dưới 1%, nhưng một số nhóm có nguy cơ cao có tỷ lệ hiện nhiễm >5%.

Đại trà: “sự lây lan của dịch vượt ra ngoài những nhóm chính”: tỷ lệ hiện nhiễm trong phụ nữ có thai liên tục quá 1%.

16. Tiếp cận Phổ cập về dự phòng, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ là gì?
Tiếp cận phổ cập là một cam kết toàn cầu nhằm cung cấp các dịch vụ về dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ cho những người có nhu cầu. Các quốc gia, với sự phối hợp và đồng thuận từ các tổ chức xã hội dân sự, những người sống chung với HIV và các đối tác khác, đã xây dựng các mục tiêu quốc gia dựa trên các đánh giá về tình hình dịch của mình cũng như những khó khăn cản trở trong việc mở rộng các đáp ứng với HIV.

Đầu năm 2006, dưới sự điều hành của UNAIDS và sự ủng hộ của LHQ, khoảng 130 nước đã tiến hành phân tích quốc gia về các trở ngại đối với việc đẩy nhanh quá trình tiến tới tiếp cận phổ cập. Các tham vấn này có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Tuyên bố Chính trị về HIV/AIDS được nêu ra tại Hội nghị Cấp cao về HIV/AIDS tại Đại hội đồng LHQ ở New York một năm sau đó.

Tính đến tháng 6/2007, 93 quốc gia đã hoàn tất việc xây dựng các chỉ tiêu quốc gia với hạn định thời gian cụ thể, trong đó có 60 nước đã xây dựng cho mình các kế hoạch chiến lược quốc gia với những đánh giá về nhu cầu tài chính rõ ràng cụ thể. Các nước khác đều đang trong quá trình xây dựng và sửa đổi các kế hoạch theo hướng tăng cường hướng tới tiếp cận phổ cập.

17. ARV là gì?
ARV là viết tắt của Antiretroviral. Đây là chữ viết tắt thường được dùng để chỉ một loại thuốc được chế ra nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể. Nó cũng được biết đến với cách viết ART (liệu pháp kháng retro vi rút). Nếu điều trị ARV hiệu quả, thì có thể làm chậm sự tiến triển hoàn toàn của AIDS trong nhiều năm. Thuốc ARV được khuyến khích sử dụng kết hợp để ngăn chặn hình thành kháng thuốc.

18. Kháng thuốc là gì?

Kháng thuốc là khả năng của một số sinh vật (ví dụ: vi rút, vi khuẩn, ký sinh hoặc nấm) có thể thích ứng, phát triển và nhân thêm số lượng kể cả khi có sự xuất hiện của các loại thuốc mà thông thường có thể diệt được chúng. Nó làm giảm tính năng của thuốc ARV trong việc ngăn chặn sự sinh sôi của HIV. Và như vậy có nghĩa là các thuốc trước đây đạt hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh sẽ không còn tác dụng. Do vậy, việc tuân thủ theo đúng đơn thuốc là hết sức quan trọng.


19. ABC là gì?
ABC là viết tắt của kiêng quan hệ tình dục, chung thủy và sử dụng bao cao su thường xuyên và sử dụng đúng cách. Đây là một cách tiếp cận dự phòng do một số tổ chức và chính phủ xúc tiến như một phương tiện ngăn chặn sự lây lan của HIV.