TTO - Mẹ làm ở nơi ấy gần một năm, nói chính xác là 9 tháng 16 ngày con ạ. Vất vả, và... buồn, nhưng cũng không đem lại cho con được gì nhiều. Đã manh nha trong đầu mẹ cái cảm giác cùng quẫn và tuyệt vọng...

À quên, mẹ chưa kể với con về người đàn ông mắt tròn mắt dẹt khi nghe mẹ hát dân ca hôm nọ, đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời.

Mấy hôm sau, con khỏe và mẹ phải quay trở lại nhà hàng. Cũng hơi chờn chợn khi nghĩ tới phút ngông cuồng hôm trước. Mẹ đã chuẩn bị gồng mình để chịu đựng những xỉa xói, mỉa mai của bà chủ. Ồ, ngạc nhiên chưa: Mọi sự vẫn rất êm đềm! Mấy người bạn cùng làm nháy mắt: “Hương có “sếp” muốn gặp riêng ở trên lầu...”. Vớ vẩn! Rõ là vớ vẩn! Mẹ lại muốn mình biến thành con nhím đầy gai. Những ngày tháng ở đấy lúc nào trong mẹ cũng sẵn sàng một bản năng tự vệ.

Ông ấy chọn một bàn sát bên cửa sổ. Mọi rèm gió đều được ông ấy mở toang. Mẹ chủ động “tấn công”: “Ông muốn gì ở tôi? Muốn hát, muốn cười, hay muốn tôi gào thét...?”.

Ông ta co người lại như một kẻ biết lỗi bị đòn. Và ấp úng nói... Ông ta nói với mẹ rất nhiều, đại loại là: ông ta một người miền Bắc, đã đến nơi này một vài lần theo bè bạn... Nhận thấy mẹ của con không giống người ta. Muốn biết lý do gì khiến mẹ có mặt ở đây, v.v... và v.v...

Và điều muốn sau cùng là ông ấy muốn mẹ... hát cho ông ấy nghe một vài câu và cứ coi như là không có ông ta ở đó.

Sau đó ông ấy còn trở lại nhà hàng đôi lần. Ông yêu cầu mẹ bỏ nơi đó càng nhanh càng tốt. Ông nói ông không thể cho mẹ tiền, vì ông thừa biết mẹ sẽ không bao giờ thèm lấy...! Cuối cùng, ông ấy đưa cho mẹ một cuốn ca-ta-lô và một tờ giấy đính kèm nói về một hãng nước ngoài - hãng Triump, với một tiêu chí rất buồn cười: “Thời trang và hơn thế nữa!” - Ông ấy bảo: “Tôi muốn Hương hãy thử sức mình, vì tôi thấy Hương có khả năng về giao dịch, mua bán đấy. Sao lại không thử? Vả lại tôi sắp đi rất xa. Tôi muốn Hương ra khỏi nơi này, tôi mới an tâm được”.

Mẹ hỏi mãi tại sao ông ta lại tốt và quan tâm đến mẹ như vậy. Ông ấy nói ông là một kiến trúc sư, và ông ấy yêu cái đẹp, vậy thôi.

Mẹ lò dò tới đường Đông Du tìm văn phòng của hãng Triump, mẹ gặp được cô Minh, là trưởng nhóm bán hàng. Cô tạo mọi điều kiện để mẹ nhanh chóng có hàng mang đi bán (Con biết không, đó là những thứ hàng thời trang dành cho con gái, đẹp đẽ và đắt đỏ vô cùng). Cô Minh giao cho mẹ một giỏ hàng to tướng, chỉ với một điều kiện đơn giản: cứ sáng đi bán, chiều ghé về nhà cô trả lại tiền gốc. Bao nhiêu tiền lãi để mẹ mang về lo thuốc men cơm cháo...

Chiếc xe Chaly lại cùng mẹ bon bon trên các con đường. Ông ta nói đúng, mẹ thích nghi với công việc mới rất nhanh. Mẹ quay lại các bệnh viện, mẹ lò mò vào sân bay. Con đường Hồng Hà, khu nhà ở của các nữ tiếp viên hàng không, từng mòn bước chân của mẹ.

(Con người tốt bụng ấy giờ ở đâu? Thấm thoát mà đã 12 năm. Xin hãy nhận lấy nơi tôi một lời tri ân từ trái tim mình...).

Mẹ đã cố gắng rất nhiều con ạ, và chẳng dám ước ao gì cao sang. Ao ước con mạnh khỏe, chạy tung tăng ngay trước sân nhà, lũn cũn nhặt hoa phượng rơi tặng mẹ (Ừ, làm lụng suốt, mẹ chẳng nhận ra những búp phượng trước nhà đã quăn lại tức tưởi. Nó sắp ra hoa con trai ạ)

Con lại làm sao thế, thở khò khè, cứ ăn uống chút gì là ói mửa suốt. Tháng nào mẹ cũng bế con ra y tế phường cân đo mà không thấy lên ký. Sổ khám bệnh cứ mãi dày thêm: Viêm phổi. Suy dinh dưỡng. Rồi lại gãy xương... Hội ơi! Mẹ phải làm sao để con của mẹ mạnh khỏe an lành! Đã sắp bốn tuổi rồi mà con cứ bé tí tẹo. Lại vào mùa mưa nữa, mang hàng đi bán mẹ trùm áo mưa sùm sụp. Mẹ ướt thì được, chứ hàng thì không, con à. Chiều nay mẹ về nhà, nhà lại trống trơn: Bố và con lại vào bệnh viện! Trời ơi lại bệnh viện và bệnh viện, sao lại không một nơi nào khác để cả nhà ta đến vui chơi, thưởng ngoạn?!... Mẹ đổ gục xuống sân như một cái cây bị đốn. Mẹ ốm thật rồi. Mẹ đổ bệnh và con thì đang bệnh!

“Tình trạng này khó, thằng bé suy kiệt nặng. Anh chị nếu có điều kiện đưa cháu ra vùng biển thì tốt. Biết đâu nó sẽ cứng cáp và phổi sẽ khỏe lên...” - Ông bác sĩ bảo thế.

Đi biển? Ôi, mơ ước hoang đường! Tiền đâu mà đi biển? (Mãi mười năm sau, nhà mình bớt khó khăn, mẹ mới cho các con đi biển được một lần).

Không có tiền đi biển, thì mình... lên rừng. Phải đi thôi con! Phải cứu con! Và cứu luôn cả mẹ! Nhìn con nằm thiêm thiếp, lòng mẹ tê tái... Nếu cứ ở đây vật vã mãi với tiền, với bệnh, cứ phải bỏ con mà đi hoài, con chết thì mẹ cũng chết thôi! Mẹ mệt mỏi lắm rồi, cái đầu đau như dần và lồng ngực muốn nghẹn thở... (Đã bảo mẹ cũng bệnh rồi mà! Người ta chẩn đoán mẹ bị rối loạn thần kinh thực vật gì đó).

- Em mang con đi đây anh ạ!

- Đi đâu?

- Đi lên Di Linh (Lâm Đồng)

- Nhưng tại sao lại là Di Linh?

- Vì... ở đó mình có người quen, vả lại... khí hậu cũng mát mẻ nữa!

Mẹ và bố tìm cách bán sạch đồ đạc: này xe Chaly, bếp điện, giường... Những thứ đã gắn bó với chúng ta bốn năm trời, thương tiếc lắm nhưng mặc, người còn là của còn. Ấy vậy nhưng cũng chẳng được là bao. Mẹ treo bảng “cho thuê nhà”, còn bố thì đến ở nhờ nhà ông chú (là một người bà con sống ở Tân Bình).

Trước khi đi, mẹ dặn bố: “Nếu được thì anh xin người ta nghỉ quách cho rồi! Kiếm món tiền trợ cấp cho đỡ khổ!”

Cầm mấy chỉ vàng bán đồ đạc lên Di Linh, mẹ con ta dựng một gian nhà gỗ nho nhỏ... Ở ngay cột cây số 168 quốc lộ 20, cạnh trường tiểu học Gia Hiệp.

Ta gầy dựng một quán nhỏ bán hàng lê-ghim. Bố ở lại Thành phố Hồ Chí Minh kiếm việc làm và thỉnh thoảng bắt xe về thăm hai mẹ con mình...

Ở đây đẹp thật! Hoa cúc quỳ hoang dại mọc ở khắp nơi. Và hương cà phê thơm ngát. Chúng ta đã ở đó được hai năm. Hai mẹ con mình đã quen dắt nhau vào khu dân tộc K’ Ho để mua bắp, mua bí rợ. Ở đây ai cũng chung một họ: họ K’. Mẹ là K’ Hương, còn con là K’ Tí.

Những người dân ở đây thật hiền lành, mộc mạc. Họ cũng thương mẹ con mình, thỉnh thoảng lại cho chút này, chút nọ, khi là mấy quả ổi, khi là mấy quả bơ...

Chiều chiều ta vào rẫy cà phê dạo mát và rèn chân cẳng cho con. Mẹ vẫn không nguôi hi vọng con sẽ trở nên lành lặn. Mặt trời xuống núi, từng bầy trâu khua mõ trở về làng. Ta cũng theo những người dân tộc về nhà. Có những tối, hai mẹ con mình thắp đèn gỗ ngo để sang nhà bên cạnh ăn bắp luộc...

Hồi đó còn có thêm một kỷ niệm: nhà ta bị cháy (chuyện này, về sau con đã viết ở blog rồi, đúng không?).

Thời gian trôi thật nhanh, vậy mà đã được hai năm rồi con ạ. Một hôm lên với mẹ con mình, bố bảo: “Cho con về lại thành phố đi em, nó đã sáu tuổi rồi, cho nó đi học chứ! Vả lại, nhà sắp sinh thêm em bé, không lẽ... ở mãi trên rừng?”.

Chào nhé cao nguyên! Chúng ta lại đi về thành phố. Lại một núi những khó khăn, và CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA GIA ĐÌNH MÌNH vẫn không dừng lại...

Lên Lâm Đồng, mình ở huyện Di Linh, xã Gia Hiệp. Hai năm ở đó, chúng ta sống rất bình yên, tuy rằng con cũng bị nhập viện Di Linh mấy lượt: Khi thì té bong gân, trật khớp, khi thì ho nóng sốt... nhưng cũng không quá nặng nề. Mẹ cũng thanh thản hơn, bởi vậy cũng quan sát được những điều bổ ích.

Nơi mình ở người Kinh sống xen với đồng bào người dân tộc. Nhà mình mua đất của ông bà già dân tộc K’ho. Quan sát bà con sinh sống mẹ mới nhận ra: người ta rất hạnh phúc bình yên, vì người ta không biết tới bon chen, và sinh hoạt rất đơn giản. Đồ đạc của họ chủ yếu đan bằng tre, họ tự tay đan lấy. Những cái típ đựng cơm, những cái gùi đi rẫy đối với mẹ có nhiều ý nghĩa: Mẹ nhận ra người dân tộc có một nền văn hóa rất riêng, nếu được gìn giữ, bảo tồn sẽ bộc lộ một triết lý rất hay trong cuộc sống. Con người họ rất đặc biệt, không thấy họ buồn bã bao giờ. Ngay cả khi chết họ cũng chỉ coi là đến một chốn khác! Người sống chia cho người chết đồ đạc một cách rất công bằng, lại còn dựng cả nhà trên mộ của người chết nữa! Vậy ai bảo rằng chết là hết chứ! Họ thật là tình nghĩa, đúng không con? Bao giờ con khỏe lên, ta sẽ cùng nhau về lại nơi đó một lần con ạ.

Mẹ ở gần họ, lòng bỗng trở nên đơn sơ, bỗng rất thích cuộc sống quê mùa, rừng rú, thích tới mức đã hứa rằng ở đó luôn, và ước giống như họ. Thật sự nếu bố con không mang sự học của con ra thuyết phục, mẹ sẽ chẳng về lại thành phố nữa đâu! Càng ngày mẹ càng ngẫm nghĩ đến hai chữ vô thường. Sẽ rất nhẹ nhàng, sẽ rất bình an nếu người ta đến gần được hai chữ đó.

Mẹ vẫn nhớ câu chuyện: nhà mình ở gần một gia đình tên là bác K’ Liếp. Bác ấy là người Kinh, sống lâu ở đó sắp trở thành người dân tộc đến nơi, da dẻ đen sạm. Ngày ngày bác vác “xà bách” đi làm rẫy cà phê... Bác đã cho mẹ một bài học rất lớn trong cuộc sống.

Mẹ bác ấy sinh ra đông anh em lắm, nhà lại rất nghèo. Một mình bác vào Di Linh phát rừng làm rẫy. Sau mười năm, có chút sự nghiệp, bác ra Bắc đón mẹ với các em vào. Bác cắt rẫy chia cho người thân, còn bác ở chung với bà mẹ già cả, khó tính.

Vợ bác tức lắm, mắng mỏ bác và... khóc quá chừng! (Mà lại toàn sang mắng mỏ ở... nhà mình, vì nếu mắng ở nhà, sợ bà cụ đau buồn, mà mỗi lần đau buồn, bà ấy lại gào lên đòi...tự vận). Mặc bác gái kể lể, bác trai cứ rủ rỉ tỉ tê rằng: mẹ mình, em mình, làm sao để họ đói được... Bác gái khóc chán rồi cũng phải... nín. Bác gái bảo với mẹ: “Bỏ nó thì không được rồi... Còn nếu tức quá phát ốm, hóa ra mình thiệt!”, Xong hai người lại tiếp tục rủ nhau đi cuốc đất coi như không có chuyện gì.

Đến mùa hái cà phê, họ lại... cãi nhau vì bác trai lấy tiền đi sắm sửa cho mẹ, mua cho em thứ này thứ nọ. Hay cãi nhau như thế mà họ có tới mấy đứa con, đứa nào cũng... thò lò mũi xanh, nhưng không bao giờ phải đi bệnh viện. Ồ, lạ thật!

Mẹ học được ở hai bác ấy cái đức hy sinh, cả một tấm lòng biết sống cho người khác. Dù họ ít học, dù họ đen đủi lấm lem nhưng họ đã in vào lòng mẹ hình ảnh về những con người sống cao thượng...

Mình bồng bế nhau về thành phố. Mẹ sắp sanh em bé rồi.