Page 2 of 2 FirstFirst 12
Results 11 to 15 of 15

Thread: Hành trình xương thủy tinh

  1. #11

    Kỳ 7

    TTO - Chiều nay ta lại chuyển nhà. Lần này chúng ta thật sự ở cùng nghĩa địa. Ta mua rẻo đất cuối giáo xứ Tân Hưng, giáp nghĩa địa, bao bọc chung quanh là những cái rãnh hôi sình và ngập tràn rau muống. Đường đi vào là một bờ ao âm u cỏ dại.

    Mùa chay, người ta ra nghĩa địa đọc kinh cho các linh hồn. Tiếng kinh nguyện và những vành khăn trắng... Mẹ nhìn người ta, mẹ đứng im chết lặng. Mẹ sẽ còn ôm con đi tới tận đâu, nơi cái thế gian này? Mẹ không biết, mẹ không biết con trai à...

    Mẹ với bố lăn lưng ra tìm mọi cách kiếm sống cho gia đình. Mọi điều không may cứ đến dồn dập. Mẹ mệt mỏi, rã rời. Trước mắt mẹ hiện ra một dòng sông và mẹ đã có một đêm dài, dài lắm... (Sau này, mẹ đã viết thành một câu chuyện và đặt tên là Có một đêm dài).

    Thôi, mẹ sẽ nhờ con tải lên đây để chúng mình cùng đọc lại, để nhớ về những tháng ngày buồn đau của nhà mình...

    Có một đêm dài...

    Ông xã tôi, vì chưa đủ kinh nghiệm trong công việc làm ăn, nghe bạn bè mời chào, đã dám đứng ra nhận thầu điện nước cho mấy chục căn nhà ở khu dân cư Vị Thanh - Cần Thơ, đâm ra phá sản. Ngày ngày công nhân đến đòi nợ. Không trả được, họ nặng nhẹ khổ sở vô cùng. Đã vậy, cháu trai lớn của tôi mắc bệnh hiểm nghèo, lúc đó nằm bất toại trên giường. Thân đàn bà như tôi vừa lo kiếm cái ăn cái mặc, lại vừa phải chạy tiền trả nợ cho chồng để người ta không xâu xé.

    Tôi đi vay nặng lãi của những người cho vay bạc góp, một triệu thành triệu hai. Cứ mỗi sáng là phải có bốn chục ngàn để người thâu tiền tới lấy. Khổ quá, tôi đâm ra hoảng loạn và chán ngán vô cùng, nhưng lại không dám tỏ ra ngoài mặt vì sợ con cái đang đau ốm thấy sẽ buồn.

    Mỗi buổi sáng tôi ra ruộng rau muống gần nhà mua lại rau của những người trồng ở đó chất lên xe chở đi bán. Xe rau đã nặng mà không nặng bằng lòng tôi như đeo đá tảng.

    Một đêm nọ, tuyệt vọng không ngủ được, tôi đi lang thang như một kẻ phát rồ. Đã qua Giáng sinh, mà sao con đường Lê Đức Thọ, rồi đến đường Thống Nhất vẫn còn rực rỡ những dây đèn xanh đỏ. Xanh đỏ, rực rỡ mà làm chi, khi lòng tôi tối tăm u uất. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe gắn máy lướt qua. Hình như ai cũng ngoái lại nhìn vào mặt tôi thì phải. Có gì mà nhìn ngó chứ! Tôi muốn hét thật to! Lồng ngực tôi đau tức. Mặt tôi nóng phừng phừng như kẻ... say rượu. Tôi thấy ghét cuộc đời, ghét cả bản thân tôi nữa. Tôi đi qua giáo đường, không phải một mà là rất nhiều giáo đường, tĩnh mịch và cô liêu trong đêm. Tôi hờn giận cả Chúa Trời: chắc Người chỉ lo lắng quan tâm cho những người đủ đầy đẹp đẽ kia mà quên mất tôi rồi... Đầu óc tôi quay cuồng với đủ thứ ý nghĩ không đầu không cuối. Ma xui quỷ khiến dẫn bước đưa chân, tôi thất thểu tới cầu Bến Phân, cây cầu bắc qua sông Lái Thiêu. Không còn những đỏ xanh của đèn hoa rực rỡ nữa mà trước mắt tôi, bờ bên kia, là đen ngòm một vùng tối. Hình như là một vườn dừa thì phải. Những thân dừa y như những bóng ma, xõa tóc rũ rượi trên nền trời âm u, khiến tôi sợ hãi. Tôi dừng bước bên thành cầu hoang vắng. Tự nhiên tôi nảy ra ý nghĩ...nhảy xuống sông, chết quách cho rồi! Ừ, thật là sung sướng. Nhắm mắt lại, nhón chân, thế là xong. Chỉ một tiếng động lao xao thật nhẹ. Một vài vòng sóng lạnh lẽo gợn lên. Rồi tất cả sẽ lặng im. Lặng im. Tôi cũng sẽ lặng im trong một giấc ngủ thật dài, ngủ mãi. Chấm hết mọi lo toan. Chấm hết mỗi ban mai dậy thật sớm, đi cho nhanh để khỏi phải gặp bộ mặt ú núc và đáng ghét của mụ thâu tiền góp dữ tợn. Chấm dứt mỗi buổi chiều tàn trở về sau một ngày nặng nhọc, phải dọn dẹp bộ mặt cho thật tươi, giấu lo toan và khổ sở vào tim để con trai đang bệnh khỏi đau buồn. Mặc kệ anh, với những nợ nần dang dở. Sẽ nhẹ nhàng biết bao khi được im lìm nơi đáy sông không cùng không tận dưới kia!

    Tôi cúi xuống, dòng sông đen ngòm và hôi thối. Nước hình như không chảy nổi mà đặc quánh lại. Bỗng dưng, trước mắt tôi hiện ra con sông xanh mượt của quê tôi ngoài Bắc. Trên sông, những vạt bèo thấm đẫm sương long lanh mỗi ban mai. Mặt trời đỏ rực và một bầy trẻ thơ rộn rã... Tôi bỗng nhớ bố tôi. Mỗi cuối năm, Tết đến, bố lại điện thoại vào hỏi thăm Tết này con có bánh chưng không. Có lẽ với bố, tôi luôn luôn mãi là một đứa trẻ trong đám trẻ thơ rộn rã ngày nào. Lòng tôi như dịu lại, có cái gì đó thật ngọt ngào chảy trong tôi. Bỗng tôi nghe thấy văng vẳng đâu đó có tiếng ai ầu ơ sao giống tiếng bà tôi, tiếng mẹ tôi ngày xưa quá vậy.

    Ầu ơ... Công chúa lấy anh bán than...

    Người ta lên ngàn mình cũng phải theo...

    Tôi ghé mắt nhìn xuống ven sông, thấy lúp xúp một dãy nhà tạm bợ. Nơi ấy, thấp thoáng sau ánh đèn leo lét, có một người đàn bà đang đung đưa ru một bé thơ. Ôi! Phải chăng đó cũng là một người đàn bà xa xứ giống như tôi, cũng phải chịu đựng bao gian nan vất vả, có khi còn khổ hơn tôi nữa cũng không chừng. Giật mình, tôi nghĩ đến hai đứa con: chúng nó sẽ ra sao khi không còn tôi? Sẽ đói khát, ngơ ngác và cằn cỗi như gà con mất mẹ. Và bé Hội, con sẽ xoay xở ra sao mỗi khi bố phải đi làm... Và bố mẹ tôi ắt hẳn sẽ đau buồn, xấu hổ với xóm giềng vì có đứa con tự vẫn trôi sông nơi đất khách quê người... Tôi bỗng thấy mình kém cỏi, tầm thường và hèn hạ biết bao! Tôi nghe nước mắt tôi chảy mặn môi. Tôi đứng khóc thật lâu và thấy lòng vơi nhẹ nỗi khổ đau. Tiếng chuông nhà thờ đã vang lên ngân nga, vậy là trời sắp sáng và mọi người cũng sắp sửa đi lễ nhất rồi. Cái ý nghĩ muốn chết đã bay biến đi đâu. Khối đá tảng trong lòng tôi đã rớt xuống sông thế cho thân xác tôi. Tôi đi thật nhanh (hình như là chạy thì phải). Tôi sợ ai đó sẽbắt gặp tôi, bắt gặp cả ý nghĩ dạt dột của tôi lúc nãy thì thật là xấu hổ vô cùng. Tôi nghe có tiếng cười của con giục tôi về nhà cho nhanh. Ông xã tôi ra mở cửa. Hình như anh ấy đã thức suốt đêm để đợi tôi về.

    Sau cái đêm hôm ấy, tôi đã bình tĩnh lại. Tôi bàn bạc với chồng tìm cách tháo gỡ khó khăn của gia đình. Chúng tôi tiếp tục bán nhà trang trải nợ nần, dành ra một chút tiền nuôi con, kéo nhau về vùng ven thành phố lập nghiệp... Ông xã tôi bây giờ đã xin vào làm ở một công ty bảo vệ, làm cho ổn định. Các con tôi đều ngoan ngoãn và biết vâng lời.

    Với tôi, cái đêm dài dặc ấy đã ghi một dấu ấn thật sâu, đã trở thành một người bạn đồng hành và đã giúp tôi nhận ra: hạnh phúc thay khi được sống trên đời, được cùng sẻ chia lo toan cho những người mình yêu dấu...
    Hãy sống hết mình cho giây phút hiện tại.
    Hãy mang niềm vui đến cho những người xung quanh bạn.
    Hãy chia sẻ một chút may mắn của bạn cho những người khó khăn hơn.
    Hãy làm như vậy, bạn nhé!

  2. #12

    Kỳ 8

    TTO - Con gãy xương nhiều bận mẹ cũng quen rồi. Nhưng mỗi lần con gãy xương đùi thì nỗi lo sợ của mẹ lại tăng lên nhiều Hội ạ.

    Lần nào gãy xương đùi ông bác sĩ cũng giải thích rằng cái xương này quan trọng lắm, nó là cái trụ chính nâng cả thân thể lên. Nó lại tiếp giáp với cả xương chậu nữa. Nếu sơ suất sẽ để lại di chứng nặng nề. Vậy mà con vẫn gãy xương đùi tới mấy lượt. Mỗi khi bó bột người ta bó suốt từ gan bàn chân lên một bên mông và bó vòng qua bụng.

    Có nghĩa là con sẽ hoàn toàn nằm bất động tới hơn một tháng trời. Tất cả mọi sinh hoạt của con đều phải diễn ra một chỗ.

    Mẹ cho con nằm trên vạt giường đặt ở phòng khách để con còn xem tivi. Mẹ trải chiếu có một nửa thôi, nửa kia để trống cho thoáng hơi, con đỡ bị hầm lưng.

    Mỗi lần thay chiếu mẹ trải ở phần bỏ không và đẩy con sang theo chuyển động từ từ tịnh tiến. Luồn mép chiếu xuống lưng con, mẹ đẩy khúc chân, ba đẩy vai thật nhẹ nhàng thật đều tay để con không đau đớn!

    Còn những sinh hoạt khác cũng khó vô cùng: mẹ khoét vạt giường thành khoảng trống để con đi vệ sinh.

    Mỗi lần con nằm một chỗ là mẹ đóng cổng nhà: mẹ không muốn ai nhìn thấy hình hài con, mẹ thêm đau lòng lắm!

    Tính mẹ cũng không quá chi tiết, nhưng những ngày con nằm một chỗ, mẹ lau nhà cửa sạch bong. Mẹ còn tẩy trùng cứ như ở bệnh viện. Mẹ sợ con nhiễm thêm những bệnh khác vì con đang yếu sẵn rồi. Vậy mà nằm miết con thêm bệnh ho, ho rung người, cái xương cũng đau mà cái ngực thì tức!

    Con nằm một chỗ thì mẹ thức cùng với con. Đêm mẹ lo chuyện vệ sinh, mẹ cho con uống sữa, uống thuốc...

    Hội ơi, mẹ sợ nhất là phải đếm từng ngày. Mẹ đợi từng tờ lịch rơi. Mẹ thấy trong lòng tuyệt vọng... Thế là mẹ lẳng lặng vứt cuốn lịch bóc trên tường! Đã lâu rồi nhà ta không treo loại lịch ấy nữa.

    (Bây giờ nhà mình tạm ổn. Có một bác quen tặng chúng ta một cái đồng hồ có cả chức năng đếm ngày bằng tay nữa. Ồ, sao bác ấy biết cái phần thiếu hụt của chúng ta? Hay bác ấy muốn dặn chúng ta: đừng quá nghĩ suy theo thời gian, mọi sự rồi sẽ ổn. Mọi giông tố rồi cũng phải qua, một đời con người ta, không lẽ chỉ toàn là giông tố?)

    Này, bé ngoan của mẹ, con còn nhớ chuyện mẹ con mình chữa bệnh bên chùa Kỳ Quang không, đúng là cũng có rất nhiều điều để nhớ.

    Chẳng là hồi đó, sau khi mình đã chạy vạy điều trị khắp nơi, bệnh viện chê và con chẳng thấy bớt.

    Những người hàng xóm tốt bụng ở khu gò mả Tân Hưng mới bày vẽ: “Hương, việc gì phải đi đâu xa, mang nó vô chùa chữa trị từ thiện cho gần nhà, lại đỡ tốn kém”.

    Mẹ ngại cái chữ “từ thiện” lắm, là vì cuộc sống còn vô vàn người gặp khó khăn, người ta không còn phương cách nào tồn tại mưu sinh người ta mới cắn răng sống bằng đồ cứu tế. Vả lại như thế là sẽ mắc nợ. Mà nợ thì..., mình sống thì không sao, còn có thể làm lụng để trả nợ bằng cách này, cách khác. Chứ nói dại, lỡ đùng một cái mẹ chết, chưa trả được nợ thế gian, thì phần hồn sẽ bị cắn rứt.

    Mọi người mới mắng mẹ: “Trời ơi, cô mày thật là dở hơi! Con mình bác sĩ chê rồi, còn đường nào chưa đi thì phải cố mà đi chứ! Vả lại mang nó vô chùa chữa bệnh, ông Phật thấy nó dễ thương, động tâm, biết đâu ông phù hộ nó!”.

    Ừ, thế cũng có lý. Mẹ lại bồng con lên xe: chúng ta cùng nhau tới chùa để chữa bệnh

    Các thầy phát cuốn sổ và khám rất kỹ càng. Thầy nói: “Châm cứu cho cháu sẽ đỡ nhức xương, cho thuốc nam về nhà sắc uống để nâng cao nội tạng”.

    Các thầy tốt thật, còn pha trò để con vui, không khí ở đó ân cần không giống ở bệnh viện.

    Mẹ mua một hộp kim sáng loáng, mấy chục cây kim dài thoòng. Các thầy châm cứu cho con, châm từ đỉnh đầu, dọc sống lưng, tới tận mắt cá. Cả người con giống con nhím màu trắng, đặc những kim là kim. Các thầy còn kẹp thêm vào bao nhiêu là dây nhợ để chạy điện cho con nữa. Cái máy điện kêu o..o... Mấy cái kim rung rung, mẹ thấy hãi quá!

    Thầy nói với mẹ: “Châm vào các huyệt, bởi vậy không đau”, rồi đùa vui với con: “Có đau gì đâu, Hội há?”

    Con nhanh nhảu vâng dạ, lại còn kêu khoái quá trời, vì cái mắc cá bớt đau, cái đầu gối bớt nhức.

    Châm cứu một lúc, con lại thiu thiu ngủ mới buồn cười. Mẹ nhủ thầm: Thằng bé này gan thật!

    Mẹ tranh thủ quan sát: chùa xây lại đẹp quá... Trong chùa có rất nhiều trẻ con, chúng nó bạo dạn lắm. Chúng nó xúm đến những người đi khám bệnh, ngồi cả vào lòng. Chúng nó mồ côi, có đứa lại ngơ ngơ, rất thiếu tình cảm... Mẹ thấy yêu chúng nó lắm. Ở ngoài đợi con, mẹ tranh thủ... bắt chấy cho chúng. Sau này mẹ mang theo đồ, bấm móng tay cho chúng nó nữa. Chùa còn có cả những anh chị khiếm thị, có anh chị học cùng lớp ban đêm với con. Các anh chị ấy được các thầy dạy cho cách mát-xa, bấm huyệt...

    Có hôm, mẹ tự cho mình cái “quyền” rảnh rỗi, mẹ trèo tít lên lầu cao. Ở đó có rất nhiều tượng Phật bằng đá trắng, lại có cả hai ông Phật ngồi đánh cờ với nhau. Có một tháp chuông to cao đẹp đẽ.

    Có hôm mẹ mang theo một khăn trắng sạch sẽ, tranh thủ lau những kệ, những bàn. Người ta bảo làm những việc này là phúc đức vô lượng.

    Mẹ thấy chúng ta mắc nợ các thầy nhiều quá, mới nghĩ ra việc để làm. Mẹ phụ các thầy việc cắt bông thành những miếng nho nhỏ, tẩm cồn để sát trùng cho bệnh nhân châm cứu. Những bệnh nhân mới đến lại cứ tưởng mẹ là nhân viên, lò dò lại hỏi thăm, thế là mẹ hướng dẫn cho họ đi lấy sổ, lấy số thứ tự...

    Con châm cứu ở đó kể cũng được mấy tháng liền. Ở đó riết, quen, mẹ học được cách sử dụng máy chạy điện và rút kim cho bệnh nhân khi đủ thời gian qui định. Thấy vậy, thầy phụ trách ở đây là một đông y sĩ, nói với mẹ: “Cô hãy học châm cứu đi, tôi sẽ giúp cô”. Mẹ lấy làm vui lắm, điện thoại hỏi ý ông ngoại, ông ngoại rất vui, nói mẹ cố lên con, việc gì mà mình thích thú, đam mê, mình sẽ làm được...

    Vậy mà xương con vẫn cứ gãy, bệnh ngày mỗi nặng thêm. Chúng ta tiếp tục chuyển nhà và thế là mẹ tan vỡ giấc mơ học được nghề châm cứu!

    Chao ôi là mẹ tiếc, bởi mẹ tự biết, nếu điều kiện thuận tiện mẹ sẽ làm được nhiều điều. nhưng mà thôi, vì điều cần hơn là lo cho con và ổn định gia đình con ạ!

    Nhưng những ước mơ sẽ vẫn theo ta mãi, và mẹ còn ước mơ thêm rằng khi ta khá hơn, cuộc sống bớt gian nan, ta sẽ đến với những người ốm đau, những trẻ con không may mắn...

    (Điều này chúng ta đã thực hiện được chút ít, khi gia đình mình đến nơi ở mới xa thật xa. Nơi xóm nghèo, bệnh nhiều và trẻ con thì tha hồ... đông đúc!).

    Đêm qua mẹ đã mất ngủ. Cậu thanh niên hàng xóm mất vì tai nạn giao thông. Một mạng sống mất đi trong tích tắc! Mẹ cậu ấy vẫn đang vật vã than khóc vì thương nhớ con mình. Mới thấy sự sống thật đáng quý phải không con, dẫu khó khăn gian lao nhưng được sống vẫn cứ là hạnh phúc.

    Mẹ nhớ lại những lần đi tìm thuốc để chữa trị căn bệnh của con, bố mẹ đã cố gắng kiếm tìm, hết thuốc tây rồi thuốc bắc. Có một lần đi chợ, mẹ nghe có hai người đàn bà nói chuyện với nhau về một ông lương y rất tài giỏi. Họ nói ông ấy làm thuốc đã mấy chục năm, cả những bệnh mà bệnh viện trả về ông cũng chữa khỏi. Chốn chợ búa đông đúc, mẹ lại không quen biết với người ta, đâu có lẽ gì túm người ta mà hỏi được. Mẹ mới nghĩ ra một cách: mẹ theo một bà về tới tận nhà, mẹ làm quen bà ta, rồi mẹ tỉ tê hỏi chuyện...

    Hóa ra bà ta cũng không biết đích xác, chỉ là nghe vậy thôi. Bà ấy bảo trên một chuyến xe đi chùa cùng các bà già, bà nghe một bà kia kể lại. May mà bà ấy lại có biết cái bà kia. Thế là mẹ lại thêm một lần đi dò tìm tiếp.

    Rồi mẹ cũng dò ra được: ông ấy là thầy Hồ Nàm, một thầy cắt thuốc người Tàu, ở mãi Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Từ nhà mình tới đó rất xa. Nhưng xa mấy mẹ cũng tìm được. Ba mẹ tìm tới đó thấy bệnh nhân tới cắt thuốc rất đông. Ông thầy đã hơn tám chục tuổi rồi, tóc bạc trắng như ông tiên, trông phúc hậu lắm! Thấy an tâm, bố mẹ mướn xe chở con đi lên ông thầy bắt mạch cắt thuốc. Không dám chở con bằng xe máy vì sợ con đau, đường xa lắm.

    Ông bắt mạch cho con thật kỹ, xem mắt, xem cẳng tay, ông kết luận: bệnh khó, nhưng vẫn có cơ may chữa trị. Ông cắt mỗi bận mười thang thuốc, hẹn cứ mười hôm phải tới bắt mạch một lần. Con nhớ không, chúng ta đã kiên trì đi như thế cả năm trời... Mỗi lần đi như thế cả xe cộ thuốc thang cũng mất gần triệu bạc. Mẹ thì miệt mài sắc thuốc, vỡ cái siêu nọ lại mua cái siêu kia. Hồi đầu sắc chưa quen gạn ra đổ vô mấy lượt. Về sau quen, cứ đổ ba chén nước, chụm ba thanh củi chắc, đun lửa nhỏ liu riu, sau hai tiếng rưỡi đồng hồ là còn trên nửa chén. Ngày con uống ba lượt, mẹ canh thuốc hết gần tám tiếng đồng hồ. Nghề sắc thuốc cho con cũng có giờ giấc như đi làm vậy! Sắc thuốc người ta kỵ nhất là để thuốc cháy, thuốc mà cháy coi như là điềm gở.

    Con uống thuốc thấy hồng hào được một tý, bố mẹ đã mừng mừng, bảo nhau chuyến này tốn kém gian nan, thằng bé có khi khỏi bệnh!

    Vậy mà... con lại gẫy xương.

    Mang con đi bó bột, ông bác sĩ bảo: “Thằng bé này chăm tốt, ăn uống dinh dưỡng đủ đầy, nên có thịt có da, chứ còn xương cốt mỏng và... yếu lắm!”.

    Vậy là dẫu thuốc tốt lại phải chia tay với ông thầy thuốc người Tàu. Vì thuốc ấy chỉ có tác dụng bồi bổ thôi chứ không làm xương con cứng lên được.

    Buồn quá, lại đi tìm đường khác cứu con! Hội có nhớ những ngày mẹ Hương của con đi nhặt củi khắp nơi nhóm lửa góc sân sắc thuốc cho con không?. Lúc ấy mẹ buồn lắm, đã mất bao công sức, lại mắc nợ với người ta suốt cả năm trời.Vậy mà công lao trôi ra sông cả! Nhưng mẹ không tiếc. Mẹ sẽ lại đi tìm, thể nào cũng có ngày mình gặp thầy gặp thuốc. Hôm nay chưa gặp, thì mai sẽ gặp. Cứ tin và phải tin vậy, đúng không con trai của mẹ?

    Con lại cố tập đi, cái chân con lại đau nữa rồi. Mẹ vẫn luôn nhắc con không cần phải quá sức như thế. Dù con mãi không đi được thì với mẹ cũng không sao, mẹ vẫn mãi bên con.

    Mấy hôm nay người ta nhắc nhiều tới lễ lạt, nhưng bố vẫn đi làm. Mẹ con mình ở nhà đón lễ cũng vui chán và đến tối, mẹ sẽ chở Khoa đi nhà sách một vòng. Đó là thú vui của mẹ con mình. Ở trong nhà sách đẹp đẽ thơm tho, mình tha hồ đọc sách... “chùa”, lúc về lại mua một vài cuốn.

    Này, con trai của mẹ, sao con có vẻ căng thẳng vậy: con nôn nóng chuyện thi cử lấy bằng hay con buồn phiền vì không được đi chơi lễ? Không đi được đâu con ạ, đường xá đông đúc quá chừng, mà thanh niên bây giờ họ đi xe thật là ngổ ngáo. Lỡ xảy chuyện là nguy lắm con ạ.

    Nhắc đến đây mẹ mới nhớ về chuyến đi biển duy nhất của chúng ta. Bố mẹ đưa các con đi biển Cần Giờ... Thương con quá, khi mẹ bế con xuống biển, con bỗng khóc ré lên... Hóa ra sóng biển đánh vào ống chân làm con đau đớn. Mẹ bế con ngồi trên cát, chúng ta chỉ được ngồi xem thiên hạ tắm biển mà thôi. Mẹ cay đắng, ngậm ngùi khi nhận ra căn bệnh quái ác kia đã lấy của con quá nhiều thứ. Ngay cả những điều tưởng như bình thường đơn giản nhất, con cũng không được hưởng như mọi người... Lòng buồn đau vô hạn, mẹ đưa con và em về. Từ đó chúng ta không lần nào đi biển nữa.

    Thì mình vẫn có biển con ạ. Ta thấy biển qua tivi. Nếu ta ước mơ, ta vẫn có thể sang tận Ha-oai tắm biển! Nào, mẹ con ta cùng nhau mơ ước, những mơ ước rất khác người: chúng ta sẽ cùng nhau ra khơi trên một con thuyền thật lớn. Con là thủy thủ, mẹ là hành khách của con tàu. Chúng ta sẽ đứng trên những con sóng bạc đầu. Con hiên ngang, không hề sợ biển. Biển cũng sẽ thua mẹ con ta. Cứ ước mơ, biết đâu ước mơ sẽ có ngày thành sự thật...
    Hãy sống hết mình cho giây phút hiện tại.
    Hãy mang niềm vui đến cho những người xung quanh bạn.
    Hãy chia sẻ một chút may mắn của bạn cho những người khó khăn hơn.
    Hãy làm như vậy, bạn nhé!

  3. #13

    Kỳ 9

    TTO - Hội nhỏ bé của mẹ! Mấy hôm nay con chập chững đi những bước đầu tiên, run rẩy và vẫn cần đến tay mẹ đỡ. Mấy hôm nay mẹ cũng đang tập quen với ý nghĩ rằng con đã lớn rồi. Ta thỏa thuận điều này nhé: cả nhà sẽ không gọi con là Tý Lớn nữa nhé!

    Con không còn là Tí và con cũng phải tập lớn dần trong tính cách, đúng không? Mẹ đã rất vui khi con nói rằng con muốn tự lập để lỡ khi không còn bố mẹ trên đời.

    Hội ạ, muốn là muốn thế – dẫu rằng cuộc sống không phải cứ muốn là mọi sự sẽ được – nhưng mẹ sẽ cùng con, ta sẽ cùng nhau đi tiếp những bước đi, dù nho nhỏ thôi, ta vẫn sẽ đi vì cuộc sống chẳng thể nào dừng lại.

    Mẹ đã mang những tấm ảnh của các anh ở mái ấm Phan Sinh về đấy. Con hãy xem và nhận xét thử xem thế nào: Gần 20 thanh niên trẻ trung, đáng yêu, dù không muốn họ vẫn phải chấp nhậncuộc đời gần như bất toại. Họ không thể buồn mãi. Khi mẹ đến thăm, họ vẫn cười, họ vẫn nói với mẹ về những chuyện vui, chuyện ấm áp, nghĩa tình ở đời. Có anh còn kể cho mẹ nghe về những dự tính, những mơ ước đấy.

    Đúng rồi đấy, con trai của mẹ, hãy cứ mang những dự tính, những ước mơ. Đừng bao giờ chỉ sống với những thực tại trần trụi. Con có thấy cuộc đời sẽ đẹp mãi, nếu ta còn biết ước mơ. Không phải cứ mơ ước nào cũng thành. Nhưng không phải vì thế mà con không mơ ước.

    Còn chuyện đi học, con không được cãi lời mẹ đâu, dù ở lứa tuổi nào, hoàn cảnh nào, nếu còn được học, thì cứ học. Thời thế bây giờ khác, việc học hành, giáo dục đã khác ngày xưa. Cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Mình phải chịu khó tìm tòi mới thấy. Mẹ biết con buồn mãi vì không thể học hết cấp 3. Nhưng con à, với hoàn cảnh của chúng ta, cần phải có lựa chọn cho hợp lý. Phải tiếp tục học con ạ, học tin học cũng là học. Với sức khỏe của con, tin học là chọn lựa hợp lý nhất.

    Con đừng là bản sao của mẹ: cái gì cũng dở dang, lúc nào cũng hụt hẫng, chông chênh, luôn luôn lo lắng, đắp đổi để mong được bình an... Hơn nữa, dẫu sao mẹ cũng chỉ là một người đàn bà yếu ớt. Con thì khác. Con là một đấng nam nhi, không cần phải quá nghĩ đến căn bệnh kia, không có nó thì đời ta vẫn là một cái gì đó mong manh ngắn ngủi. Bởi vậy nếu có thể con hãy mạnh mẽ, dạn dĩ lên. Cái gì cảm thấy cần, con hãy quyết đoán. Con hãy trở thành một chàng trai dũng cảm. Mẹ sẽ giúp con. Mẹ sẽ hạnh phúc hơn nếu con trở thành người mạnh mẽ. Mạnh mẽ và vui vẻ, hai điều đấy đáng để ước ao...

    Mẹ cũng cảm ơn con nhiều vì dạo này con hay quan tâm đến mẹ. Mẹ vẫn bình thường, vẫn vui và yêu các con thật nhiều, dù rơi vào hoàn cảnh nào. Con lo chuyện mẹ có đủ sức không, nếu cứ đến những nơi xa để thăm người bệnh? Được mà con, điều ấy làm mình vui hơn. Vả lại sự có mặt của mình ít nhiều cũng làm họ vui, họ cảm thấy bình an, thì điều ấy nên làm lắm chứ! Chắc con còn nhớ những ngày tháng mình khổ, mình khắc khoải, đớn đau, chỉ cần một ai đó chia sẻ, quan tâm, tin yêu... thì mình thấy hạnh phúc biết bao!

    À, hè về rồi đấy, em Khoa sẽ ở nhà. Cái thằng bé ấy mạnh chân mạnh tay lắm, anh em có giỡn chơi thì con cẩn thận nhé.

    Mẹ đi đây Hội ạ, còn nhiều việc phải lo, nhân tiện mẹ đi bỏ thư cho ông bà ngoại. Chỉ có ông ngoại đọc, bà ngoại chẳng đọc đâu... Bà yếu rồi... Mẹ nhớ bà quá.

    Đêm nay mẹ lại thức. Bố mắng tại mẹ uống trà, “đã hay nghĩ suy lại còn uống trà” nên mới mất ngủ! Nhưng không phải. Mẹ biết thức vì những kỷ niệm lại trở về... Bây giờ là hai giờ khuya, mẹ trở dậy ghi kẻo không lại quên mất:

    Chiều nay, người hàng xóm khoe rằng họ mới mua một cái xe gắn máy... Họ rất vui, tự nhiên mẹ lại nhớ đến những chiếc xe đã gắn bó với cả nhà mình...

    Hồi mẹ lấy bố, nhà mình có một cái Chaly (chuyện này mẹ đã ghi lại rồi: xe Chaly đã cùng mẹ đi làm, đi bán dạo...). Khi chúng ta lên Di Linh, mẹ bán mất Chaly và khi trở về, bố mình cót két đi cùng chiếc xe đạp.

    Ngày mình dời nhà về Gò Vấp, mẹ đã tích tiền bán nhà mua một cái Citi... Dĩ nhiên hồi đó xe còn mắc mỏ nên chúng ta đành đi xe... không giấy.

    Có một ngày con ốm, nhập viện Nhi Đồng 2, bố đi làm, mẹ đưa con vào bệnh viện.

    Lúc về, bố lật đật gom thêm đồ đạc vào thăm. Bố đi thế nào mà bị một chú cảnh sát giao thông thổi (ngay ngã ba Nguyễn Kiệm – Thích Quảng Đức). Bố lo sợ vã mồ hôi, lo chú lập biên bản, mất xe. Ấy vậy mà chú ấy... rất tốt: Chú chưa lập biên bản ngay, chỉ nói là có tiền thì đưa... 400 ngàn, khỏi lập! Bố mình run lập cập, nói xin anh hãy đợi em. Chú bảo cứ để xe bên vệ đường cạnh mấy chú xe ôm, đi lo tiền cho sớm! Bố kêu xe ôm về đường Bạch Đằng vào nhà ông chú mượn được mấy trăm, lấy được xe về. Nhà mình mắc thêm món nợ!

    Sau lần ấy bố dặn mẹ: nhớ đấy, nếu có gặp chú CSGT đừng có dại mà trình bày hoàn cảnh này nọ, buồn cười lắm... Mẹ bảo bán quách chiếc Citi cho rồi, nhưng bán lấy gì mà đi. Nhưng đi xe kiểu đó thì lại sợ, sợ bị mắc nợ thêm!

    Cho đến một ngày con gãy cái tay phải treo toòng teng, mẹ chạy xe đi mua đồ. Mẹ chạy một mạch xuống tận Hoàng Hoa Thám (Tân Bình) Mẹ lê la... gạ bán (Con sẽ bảo tại sao mẹ biết những chỗ này? Ôi dào, đường ở mồm, cuộc sống dạy người ta học khôn, cứ khốn khổ đi, rồi sẽ biết hết!).

    Mẹ bán được cái xe thật! Mẹ bọc tiền thật kỹ, giắt trong... cạp quần. Khoác một cái áo ngoài lếch thếch lôi thôi, mẹ đi bộ sang một con đường khác rồi gọi xe ôm.

    Về đến nhà, biết mẹ đã bán xe, bố trợn tròn mắt: Mẹ mày thật là bạo gan... Mẹ thủng thẳng nói thêm rằng mẹ đã nhờ cậu sửa xe tháo cái bửng cất ở nhà ông chú, lúc nào ghé qua mang bán kiếm được thêm mấy chục ngàn! Bố thốt lên: “Ôi trời ơi! Mẹ mày thế này thì... khiếp quá!”. Có gì mà khiếp, của mình thì mình bán nuôi con, mình có ăn không của ai mà sợ. Mỗi khi rơi vào cảnh khốn khổ, mình toàn bị người ta o ép mãi thì sao... Mình cũng phải tính thế nào cho đỡ thua thiệt chứ! Từ nay dứt khoát là sẽ không đi xe không giấy nữa! Vừa khổ vừa lo. Họ lấy tiền trên tay mình mà lại còn tỏ ra oai phong lẫm liệt!

    Ngày xe Trung Quốc xuống giá, may gặp dịp ông ngoại vào thăm, thấy cảnh nhà mình, thương quá, ông đã mua cho gia đình mình một cái xe mới. Cái xe màu đỏ, hiệu PRETTY, mua ở cửa hàng đường Nguyễn Oanh, hết hơn 7 triệu... Vậy mà chưa đầy một năm, con gãy xương đùi, mẹ lại phải mang cái xe thân yêu đi bán. Tiếc thì cũng tiếc, nhưng xe đâu có bằng con.

    Bây giờ mình bớt khổ hơn, mẹ đã mua lại một chiếc xe cũng màu đỏ. Thỉnh thoảng mẹ lại bỏ con lên xe đi dạo một vòng. Con trai có thấy không, chúng mình cũng chưa khổ mấy. Phải cảm ơn ông ngoại, bởi lúc mua cái xe cho mẹ ông có bảo rằng: “Bố cho cô cái cần câu...” (ý ông nói là lấy cái xe để làm phương tiện sinh sống). Ông ngoại có biết đâu, mỗi lần bé Hội ốm gãy xương, trong nhà có món gì là mẹ Hương, đứa con gái yêu thương của ông, cũng phải đem đi cầm, đi bán...

    Đêm nay nghĩ lại chuyện cũ, mẹ thấy buồn cười, vậy mà mắt mẹ lại cứ cay cay...

    Năm 2002 ấy nhà mình khổ thiệt! Mẹ đi bán hàng rong lo ăn lo học cho các con. Bố đi làm, chỉ là làm công nhật.

    Mệt lắm, thật sự là quá mệt. Mẹ đã không thể cười, bao nhiêu nét vui tươi đã lịm tắt.

    Tiền hết... Vô tình ông ngoại vào thăm và “bắt quả tang” mẹ bê chiếc ti-vi đi bán. Mẹ bán ti-vi “xịn” mua lại một cái ti-vi 14 “inh” để dư ra được mấy trăm ngàn. Đêm, nằm một mình hình như ông ngoại đã... khóc!

    Không ngủ được, mẹ dậy pha trà, hai bố con ngồi nói chuyện. Ông bảo: “Sao con không mua giường cho con cái nó nằm?”. Mẹ nói: “Dọn nhà hoài... mệt lắm bố ơi. Con cho hết giường rồi, để khi cần, bán được nhà, chạy cho tiện. Con hứa, khi nào đỡ khánh kiệt, có thể ổn định con sẽ mua cho chúng nó mỗi đứa một cái giường thật đẹp cho mà xem” (Bây giờ đã yên yên, mẹ đã mua cho mỗi đứa một cái giường màu mận chín.)

    Ông ngoại buồn lắm, buồn như mưa rơi, mà mưa rơi thì nhà mình dột lỗ chỗ... Ông ngoại thở dài. Tiếng thở dài làm mẹ đau như dao cắt. Ông ngoại tặng mẹ mấy câu thơ:

    Mưa rơi trên mái tôn nghèo

    Con gái cắn răng chẳng hề kêu

    Bao năm xa xứ, con giấu nhẹm

    Để bố xa xôi phải nghẹn ngào

    Thôi mà bố, than thở chẳng giải quyết được gì đâu, có chăng chỉ tiếc giấc mơ ngày xưa. Con đã không được tiếp tục mặc áo sinh viên, đã không thể trở thành kỹ sư nông nghiệp. Chẳng thể đi trên đê sông Hồng tràn gió và nắng, nghe tiếng sáo vi vu theo sóng lúa dập dìu. Chẳng thể sống ở nơi quê cũ rất thương yêu... Tất cả đã qua rồi bố à. Phải nhìn vào thực tại thôi. Thực tại, con cần phải đương đầu với bao nhiêu điều, bố ạ!

    “Thằng bé yếu quá, cái bụng to quá, chân tay run thế kia. Cái kiểu này gọi là “nặng bồng nhẹ tếch”. Con phải tập cho nó con ạ, chớ để nó mập thêm...”. Nhìn quanh, ông ngoại phát hiện ra nhà mình có cái giá đựng bình lọc nước, ông bèn lấy làm dụng cụ cho con luyện tập. Cái giá thay cặp nạng, vừa nhẹ lại vừa chắc tay. Mỗi sáng, hôm nào trời không mưa, ông ngoại dìu tập cho con nhích từng bước nhỏ xíu...

    Mẹ yêu ông ngoại lắm, yêu ông nhất trên thế gian này. Nếu có thể làm bất cứ điều gì mà ông ngoại vui mẹ sẽ làm, không cần phải tính toán.

    Những ngày ông ngoại đến, mẹ bày đủ trò cho ông ngoại vui. Ông ngoại về rồi, mẹ lẳng lặng xin đi làm dọn phòng ở một tòa nhà lớn ngoài thành phố...

    Làm người dọn nhà ở đây cũng khó, vì dọn nhà cho những ông Tây, người ta giàu, mướn văn phòng mở công ty. Dọn nhà cho những người này phải rất chi chuyên nghiệp: phải biết sử dụng hóa chất, máy hút bụi, máy chà sàn, phải biết cách gấp từng cái khăn tay..., và phải biết... cúi đầu trước khách ra vào cao ốc. So với tất cả những người ra vào đó, người dọn dẹp là đứng thứ bét rồi, có cúi đầu, gọi dạ bảo vâng mới... chuyên nghiệp chứ!

    Mẹ xin làm ca đêm con ạ, ngày ở nhà chăm con. Làm đêm yên tĩnh, gần như không có người. Tha hồ vừa hút bụi vừa nghĩ đủ ước mơ mà chẳng phải cúi đầu chào ai hết.

    Ban đêm, mẹ làm bạn với... rác. Gom rác ở những cái giỏ trong các gầm bàn ở văn phòng. Ở đây mẹ mới phát hiện ra: Ồ, rác, rác thế mà... có ích. Ừ, có ích thật. Ta gom giấy vụn lại để dành một tuần bán một lần. Các chị em cùng với mẹ mỗi người đều có thêm chút thu nhập. Còn có những cái nơ, cái kẹp chưa hư, nhưng chắc... lỗi thời các cô văn phòng bỏ đi, mẹ gom về cho trẻ con hàng xóm.

    Mẹ không hề kẹp tóc. Mẹ giữ thói quen ấy cho đến bây giờ, mẹ thích được thảnh thơi, tóc tai cũng phải để cho thảnh thơi mới được.

    Một đứa đi gom rác, mà không chịu kẹp tóc, lạ chưa. Đã bảo mẹ là mẹ mà, mẹ không bao giờ thích mình là ai khác.
    Hãy sống hết mình cho giây phút hiện tại.
    Hãy mang niềm vui đến cho những người xung quanh bạn.
    Hãy chia sẻ một chút may mắn của bạn cho những người khó khăn hơn.
    Hãy làm như vậy, bạn nhé!

  4. #14

    Kỳ 10

    Kỳ 9 (tt)

    Ở đây đã xảy ra một việc đặc biệt, liên quan đến tòa nhà lặng lẽ phía bên kia đường... Câu chuyện này để mai mẹ viết tiếp. Hôm nay mẹ chở con nhiều cũng hơi mệt. Mình đi ngủ đi con...

    Ngôi nhà lặng lẽ phía bên kia là tòa mục vụ của giáo phận thành phố (số 6 đường Tôn Đức Thắng) đó con. Đêm đêm, khuya, tan ca, rời khỏi tòa nhà 37 tầng cao vút, lộng lẫy - nơi mẹ dọn rác và hút bụi - mẹ băng qua đường đến đứng trước cái cổng nhỏ của tòa nhà. Mẹ hướng vào tượng Đức Mẹ ngự khiêm nhường lặng lẽ ở trong sân. Mẹ xin với Đức Mẹ rằng: Mẹ hãy cho con bình yên như cát bụi. Cát bụi nhỏ bé, cát bụi tối tăm, cát bụi âm thầm giữa cuộc đời rộn rã... Mẹ cũng xin với Thiên Chúa cho mẹ đủ sức mạnh để bình yên. Bình yên vác thập giá đời mình. Bình yên đương đầu với căn bệnh của con. Bình yên ngay cả khi sóng gió, ngay cả khi bị người đời chà đạp...

    Bởi vì khi trái tim đã bình yên thì mọi sự trên đời không còn gì là khó nhọc, chẳng còn gì là quan trọng. Mẹ đã bình yên đi qua những căn nhà đẹp đẽ xưa kia là của chúng ta mà không hề ngoái lại, luyến tiếc. Mẹ cũng bình yên lắm, khi bắt gặp những cái nhìn cảm thương, những cái nhìn khinh bỉ, rằng sao bây giờ Hương ra nông nỗi này, sao bây giờ phải đi quét rác dọn phòng, sao bây giờ lại giống như kẻ hạ tiện ngu dân... Ồ! Có sao đâu! Mọi sự bây giờ cứ như dòng nước chảy, cứ cuốn đi, đi mãi. Miễn chúng ta có nhau. Miễn sao sáng ra thấy các con bình an, đêm về thấy các con say giấc... Thế là vui, thế là hạnh phúc! Đâu có cần phải la hét, tranh đua. Mặc kệ người ta. Mẹ học cách cúi xuống để tồn tại. Như gương đức mẹ vậy, năm xưa ôm con chạy trốn tới xứ người, giữ gìn mạng sống cho con để nhân gian có một đấng cứu chuộc.

    Mẹ thì chẳng dám nghĩ đến cao xa, chỉ mơ mình làm được như con gà mái mẹ thôi. Biết chở che con mình, biết bới đất kiếm giun, kiếm sâu nuôi con cho đến lớn... Biết dạy con tự lập khi khỏe chân mạnh cánh là phải biết kiếm lấy cái ăn, biết chăn dắt đàn con mình vượt qua sình lầy, rào giậu...

    Ngôi nhà lặng lẽ ở đường Tôn Đức Thắng ấy càng thêm in sâu vào mẹ vì về sau, có lần mẹ con ta đã đến đấy và đã có một ngày rất đỗi hạnh phúc: mẹ con ta đến đó để làm chứng nhân, chứng nhân của Chúa Ki-Tô, đấng sáng tạo và yêu con người nhất mực. Chúng ta đã thấy những nụ cười, đã nghe được những tiếng vỗ tay vang dậy: mọi người cùng chia sẻ với mẹ con ta, về những ước mơ về những dự định...

    Tạ ơn thiên chúa đã đồng hành với mẹ trong những tháng năm dài. Người là đấng vô hình chung thủy, chẳng đổi thay và đã cho chúng ta bao bài học cao quý.

    Người đã từng “cúi xuống đất và chẳng hề nói gì...” và người cũng đã từng sống một đời âm thầm trong vai trò một anh thợ mộc...

    Kỳ 10

    TTO - Hội ạ, ngày mai mẹ con chúng ta lại tiếp tục cuộc hành trình con nhé! Chúng ta chỉ còn ở trong ngôi nhà này một đêm nay nữa thôi. Ngày mai chúng ta sẽ xa phố phường để đến một nơi xa, hẻo lánh, quê mùa, tối tăm...

    Đừng buồn, phải thế thôi còn ạ. Sự sống của con là trên hết. Để duy trì sự sống ấy, chúng ta phải có tiền, mà tiền thì con biết rồi, mẹ chỉ có một cách: bán nhà và đưa cả nhà đi dần về một hướng xa hơn...


    Đêm cuối cùng thăm thẳm, lòng mẹ sao thấy bần thần. Mẹ cứ lãng đãng nhớ về một điều gì. Mẹ cứ hồi tưởng những chuyện đã qua trong đời mẹ, như có ai đó quay lại những đoạn phim... À, mẹ chưa nói với con: vừa rồi mẹ nhận được tin bà ngoại ốm nhưng nay bà đã bớt rồi. Bác cả đưa bà từ bệnh viện trở về, tuy lẫn lộn nhưng bà vẫn nhớ dặn một điều: Đừng báo cho cái Hương nó biết kẻo nó bỏ con bỏ cái cuống lên chạy ra ngoài này là thêm khổ...

    Để mẹ dành chút thời gian chuyện trò với ông bà ngoại nhé, con nhé:

    “... Bố mẹ ơi, vậy mà thấm thoát đã 19 năm rồi kể từ ngày con xa bố mẹ! (Sau này lấy chồng xa xứ, dù cứ ba năm con lại thu xếp ra thăm bố mẹ một lần. Nhưng con chưa bao giờ coi những chuyến về ấy là đoàn tụ, vì nó quá chóng vánh và con thì chẳng làm được gì cho bố mẹ).

    Nếu người ta có nói với bố mẹ rằng: “Con gái ông bà giờ này nó cứ phải trôi dạt từ hẻm hóc này đến khu xóm kia, phải đối phó với trăm điều đắng cay, khốn khổ, nó phải gục xuống vì tật bệnh của con... thì bố mẹ đừng có tin và đừng có buồn. Vì con vẫn là con, vẫn rất ngoan và khát khao sống thật. Bây giờ, con mới nghiệm ra, sau gần 20 năm sống đời tự lập: rằng không gì sung sướng hơn khi mình là chính bản thân mình với những đớn đau, sướng khổ, vui buồn, với cả những khiếm khuyết của bản thân mà mình dám thừa nhận.

    Con còn nhớ 19 năm về trước, nhà mình cũng khá... vẻ vang: Bố là ông quan to đứng đầu một huyện. Con cái đều học hành giỏi giang: Hai đứa lớn đang chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Một đứa đang học đại học (là con). Đứa út vào cấp 3 và đứa kế út đang luyện thi vào đại học. Ở quê mình ngày đó ước mơ lớn nhất của những ông bố bà mẹ là con cái được vào đại học. Với những nhà nông dân nghèo khó thì đó là mơ ước đổi đời. Còn với con cái nhà quan thì cái đích đại học không thể nào khác được, bởi nó là tương lai, là danh dự..., là nhiều thứ lắm. Bởi vậy mới ra nông nổi: đã có đứa thi trượt đại học thì đòi... tự tử. Lại có đứa bỏ cả tuổi trẻ ôn thi đi ôn thi lại tới ba bốn lần, đến khi nào đậu bằng được mới thôi! (Dù đến khi tốt nghiệp xong rồi thì... thất nghiệp, nằm nhà cả đống!)

    Bố là một ông quan tốt, chẳng tham ô, hách dịch bao giờ. Bởi vậy nhà mình nghèo xác nghèo xơ, chỉ giàu về tiếng tăm và danh dự. Bố đi làm có ôtô đưa đón. Một ngày nọ, bố đi họp ở Hà Nội về, chú lái xe dở chứng ra bờ hồ uống mấy vại bia. Vậy là có chuyện: khi xe về đến thị xã Phủ Lý, chú ấy tông vào cột đèn: xe đổ, người đau và nhà mình mắc nạn...

    Người ta đưa bố vào bệnh viện tỉnh. Bố bị bỏ nằm chèo queo ở đó một đêm như những người dân thường. Chỉ sau cái đêm nằm ở bệnh viện ấy, bố đã hiểu thêm nhiều điều, bảo: “Làm người dân đúng là khổ vô cùng vô tận!”. Lúc ấy là 28 Tết, con đã nghỉ học về nhà, nghe tin vội đón xe vào bệnh viện. Bố nằm đó, phờ phạc, xác xơ. Tay nẹp tạm bằng mấy cái que. Họ vô tâm đến nỗi không rót cho bố được một miếng nước. Thông tin bay đến văn phòng tỉnh ủy. Bác Nguyễn Văn An (lúc đó làm bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh) vào tận bệnh viện “chỉ đạo” người ta cứu chữa cho bố. Thế là người ta cuống lên! Người ta nâng niu quý trọng. Người ta đưa bố vào phòng cao cấp. Người ta bó bột và đóng đinh nội tủy... Người ta đã biết bố là quan chứ không phải là dân thường. Cái xót xa cho thân phận thường dân bắt đầu len lỏi vào người con từ độ ấy...

    Con quay lại trường đại học, lòng chẳng bình yên. Những lời nhắn nhe của mẹ gửi lên làm con tê tái: Học làm gì nữa! Phải về thôi. Học vậy là đủ rồi... Con quyết định sẽ về phụ cho mẹ đỡ khổ. Mẹ ở nhà chăm bố, nghỉ không ăn lương. Bố thì đang rất buồn. Nằm một chỗ như bị án treo. Ứng cử HĐND khóa này bố phải tạm thời... rút.

    Con về với bộ mặt tỉnh queo tỉnh rụi. Con dọn một quán nước trước nhà mình. Bố có vẻ buồn: nhà mình bây giờ cũng phải buôn gánh bán bưng sao?!... Ôi, có sao đâu bố! Con ngồi chơi riết cũng sinh hư. Mình bán buôn kiếm tiền lời cũng đỡ... Bố im lặng. Bố thở dài.

    Khổ thân bố, bố ơi. Chính trường chiếm hết thời gian và cuộc đời của bố. Bây giờ đùng một cái lâm nạn, bị trói một chỗ, bố bức bối vô cùng. Không khí trong nhà mình căng như sợi dây đàn sắp đứt.

    Con phải đi. Con đi đây bố ạ. Con vào Sài Gòn. Chú mình ở trong ấy làm đến giám đốc oai quyền lắm, thiếu gì việc để con làm cơ chứ.

    Xếp vài bộ quần áo vào cái vali cũ với một chút tiền nhỏ phòng thân, con ra đi với một bộ dạng tươi hơn hớn. Con muốn bố mẹ yên lòng. Con không thể chịu đựng thêm nỗi xót xa đau đớn bởi những tiếng thở dài sườn sượt của bố hằng đêm, bởi những lời phiền muộn, khắc khoải của bố hằng ngày: “Cũng vì tôi mà con bé khổ... Nó không học đại học rồi đời sẽ ra sao...”.


    Ôi, có gì đâu, việc gì mà bố phải dày vò bản thân mình đến vậy?

    Con đi vào đó không đầy một năm và báo tin về con sẽ lấy chồng, để cả nhà mừng. Con lấy một anh bộ đội không chức không quyền, rất nghèo và tốt bụng... Bố đã ra làm quan trở lại. Các em cũng học rất ngoan. Anh chị lớn cũng đã được phân việc làm ở những thành phố lớn. Nhà mình lại trở về trạng thái... an toàn, vẻ vang. Còn gì mừng hơn thế. Chỉ riêng con, từ đấy, con rẽ qua một cuộc đời mới, cuộc đời của một lê thứ thường dân, với lầm than, khổ ải, đắng cay, vui buồn của chính con...”.

    Ôi, mẹ xin lỗi, từ nãy đến giờ mãi nhớ chuyện xửa chuyện xưa mà bỏ quên bé Hội của mẹ! Xếp đồ vào giỏ rồi đi ngủ đi con, ngày mai mình lại lên đường, tiếp tục cuộc hành trình...

    Đêm cuối cùng ngồi trong ngôi nhà này mẹ ngồi nhìn ra ngoài trời tối mênh mông. Bầu trời đen sẫm một màu. Các con đã ngủ cả rồi. Mẹ nhìn các con, bỗng nhớ về bao chuyện cũ. Ta đi đã nhiều và gặp gỡ đã nhiều. Mẹ tự hỏi lòng: đã có bao nhiêu người làm cho ta đớn đau và bao nhiêu người làm trái tim ta run lên vì được an ủi, đồng cảm?
    Hãy sống hết mình cho giây phút hiện tại.
    Hãy mang niềm vui đến cho những người xung quanh bạn.
    Hãy chia sẻ một chút may mắn của bạn cho những người khó khăn hơn.
    Hãy làm như vậy, bạn nhé!

  5. #15

    Kỳ 10 (tt)

    Trong cái đêm êm vắng, tĩnh mịch này, mẹ bỗng nhớ lại nhiều điều lắm...

    Mẹ nhớ về những tháng ngày mẹ làm trong cái nhà hàng, lúc ấy con còn rất bé, bị bệnh luôn và mẹ vẫn phải đi làm hoài. Một ngày kia trong nhà hàng xuất hiện một người chủ tiệm giày. Giày của ông ấy khâu bằng tay, rất đẹp. Ông ấy mở cửa hàng ở đường P., một con đường trung tâm thành phố với rất nhiều thương hiệu giày nổi tiếng.

    Ông ta có vẻ ghét mẹ, thì đã làm sao? Mẹ là một cô Bắc kỳ còn ông ta tỏ mẽ là một anh công tử Nam bộ rặt. Mỗi người ngồi ở một bàn khác nhau. Ông ta cứ nói oang oang làm như mình là “trung tâm thế giới” vậy! Ở bàn bên này mẹ chẳng quan tâm. Ngồi đâu mẹ cũng chỉ mong nhanh hết giờ để về bệnh viện với con. Con ốm nặng đã phải nhập viện Nhi Đồng 2 mấy ngày rồi. Vậy mà vẫn không được yên, ông ta cho “đệ tử” nói thế nào mà con gái bà chủ lại... điều mẹ sang đấy.

    Mẹ sang và im bặt. Mẹ ngồi im như tượng, chẳng nói năng... Ông ta gắp vào chén mẹ đủ thứ thức ăn mà mẹ thì chẳng thèm đụng đũa. Nhạt toẹt, mất hứng hay là bận việc mà ông ta bỏ cả bàn về trước, sau khi đã thanh toán mọi chi phí cho những người ở lại. Kệ ông ta chứ, có hề gì! Hôm ấy là ngày cuối tuần, mẹ về rất khuya và mẹ đi thẳng vào bệnh viện. Đã bốn ngày qua con cứ ho sù sụ và rũ ra như tàu lá khoai, về chiều lại còn sốt hâm hấp. Viêm phổi cấp đấy. Mẹ đăng ký cho con nằm phòng dịch vụ - phòng 2 giường và có nhà vệ sinh riêng. Mẹ đã chẳng từng cam kết rằng mẹ sẽ không bao giờ để con thua kém bất cứ đứa trẻ nào mà. Đã 1 giờ rưỡi khuya rồi. Mẹ vào đến nơi thì cửa sắt của khoa dịch vụ đã khóa im ỉm. Bố ở bên trong cứ loay hoay. Bố bảo: “Bác sĩ họ ngủ hết rồi mà anh thì không dám gọi”. “Không sao - mẹ bảo bố - Vứt ra cho em cái áo khoác đi”. Bố hỏi: “Về à?”. “Về làm chi? Để em kiếm chỗ nào ngủ đỡ, trời sắp sáng rồi”. Mẹ đi một vòng trong vườn bệnh viện. Cây cổ thụ rất nhiều, không khí mát lạnh và âm u. Và mèo, rất nhiều mèo hoang. Trong đêm, mắt chúng xanh lè. Chúng đuổi nhau rầm rập, phát khiếp!

    Tới một mái hiên chìa ra giáp vườn, mẹ ngồi xuống băng ghế đá, trùm chiếc áo của bố, mẹ ngủ...

    Giật mình mở mắt, trời đã lờ mờ sáng. Bỗng mẹ nghe lạnh toát người vì sợ hãi: trước mặt, cách không đầy ba sải tay, mẹ thấy ngạo nghễ một cái... bia mộ bằng đá đen to tướng! Định tâm mẹ mới biết đó là bia mộ của một ông bác sĩ nước ngoài. Mẹ đã nghe kể rằng ông ấy đã sang đây làm việc và là một trong những người đầu sáng lập ra cái bệnh viện Nhi đồng 2 này. Hóa ra người chết hiền thật! Chứ nếu không hôm qua ông ấy thò tay lên... tóm mẹ thì mẹ đã đi đời! Bây giờ thì nói cứng vậy thôi, chứ lúc đó mồ hôi mẹ vã ra như tắm. Mẹ phóng thẳng một mạch ra ngoài cổng, không dám ngoái lại...

    Trời sáng bảnh, cửa mở, mẹ mua cháo thịt bằm mang vào cho con. Vừa vào tới cửa phòng mẹ vô cùng ngạc nhiên: ông chủ tiệm giày hôm qua trong quán đang ngồi chễm chệ trò chuyện với... phu nhân (của ổng) ở ngay giường bên cạnh! Dưới nền nhà, con và con trai ông ấy đang hí hửng chơi cái ôtô điều khiển từ xa... Cái ôtô mấy hôm trước mẹ đã mua bằng những đồng tiền vất vả và cực nhọc. Hơi giật mình thảng thốt nhưng mẹ trấn tĩnh lại và cố nói với con thật to: “Mẹ đã về này! Mẹ mua cháo cho con đây! Anh Tân ơi, dậy đi. Dậy pha sữa cho bé Hội đi!” - Mẹ nghe rõ giọng mẹ cao và có vẻ tự hào lắm. Miệng nói tay làm, mẹ lôi trong túi du lịch ở đầu giường ra hộp sữa Meiji đỏ. Mặt mẹ lúc ấy đầy... ngạo nghễ. (Còn mặt ông ta có lẽ trông rất... đáng thương). Múc từng thìa sữa Meiji, mẹ có vẻ đắc thắng, hỉ hả trong lòng lắm với ý nghĩ: “Tôi phải cực nhục từng đêm để kiếm được đồng tiền, còn ông dư tiền dư bạc đi ăn chơi, nhưng con tôi không hề thua kém con ông bất cứ điều gì...”.

    Ông ta ở đó thêm một lát rồi lật đật ra về. Tối hôm ấy, ông ta lại đến nhà hàng và lò dò theo mẹ về tận tới nhà ta...

    Chuyện này hãy còn dài, mai ta lại viết tiếp...

    Ông ấy đã đến nhà mình. Ông nói chuyện với mẹ và làm quen với con. Ông ấy cho biết đã đi hỏi những người quen biết nhưng chẳng thể giúp được gì cho căn bệnh của con... Ông tỏ ra ái ngại cho những lo toan của mẹ! Mẹ nói với ông ấy:

    - Không sao đâu ạ, tôi chịu cũng quen rồi... Anh, cả chị nữa, cùng cháu có thể đến nhà tôi chơi, nhưng tôi mong anh đừng đến nơi ấy nữa...

    - Sao lại thế, nhà hàng mà không có khách đến thì họ đóng cửa mất thôi... - Ông ta nói có vẻ nửa đùa nửa thật. Biết vậy nhưng mẹ vẫn cắt ngay:

    - Tôi biết anh là người chân chất làm ăn. Anh có gia đình và con nhỏ. Bây giờ khỏe thì thế đấy. Lỡ chẳng may đau ốm, vận hạn, sẽ thấy mọi sự suy sụp vô cùng... Tôi nói rất thật lòng, mong anh suy nghĩ...

    Ông ta vẫn kiên trì theo mẹ tới chỗ làm, còn mẹ thì cố gắng tránh không gặp ông ta. Ông ta vẫn hay chạy xe theo mẹ về đến gần nhà và một hôm ông ta van vỉ rằng xin gặp mẹ một lần sau cùng để nói chuyện. Ông ta nói ý thế này: sau một thời gian dài biết mẹ, ông mới ngộ ra: gia đình thật là quý và ông cũng bắt đầu biết quý trọng phụ nữ, chứ từ trước tới giờ, ông gia trưởng và coi thường phụ nữ lắm. Ông lúng túng rút trong giỏ xách ra tặng mẹ một đôi giày. Một đôi giày màu mận chín rất xinh, cao 7 phân. Ông nói là tự tay làm từ đầu tới cuối.

    Ông hứa với mẹ sẽ không phung phí tiền vào những cuộc chơi vô bổ, tu chí làm ăn và chăm sóc gia đình. Và ông ấy đã làm được như đã hứa. Sở dĩ mẹ biết vì sau rất nhiều năm không gặp, hôm nọ mẹ cùng cô bạn vào thành phố, đi qua con đường năm nào, mẹ thấy tiệm giày của ông ngày xưa đã trở thành một cửa hàng lớn khang trang, đẹp lắm...

    ... Trở lại những dòng nhật ký, nếu con hỏi tại sao đêm nay mẹ nhớ đến những chuyện này. Tại sao à? Là vì ngày mai chúng ta lại lên đường. Con ơi, lần này chúng ta sẽ đi thật xa, sẽ về tận bãi rác Đông Thạnh, xa lắm con trai ạ. Sẽ tắt hẳn mọi phồn hoa, rực rỡ chốn thị thành. Sẽ về cùng sống với những người nông dân, nơi có những vườn cỏ voi mênh mang, có những đàn bò sữa mập mạp...

    Ta sẽ rời thành phố, xa những con hẻm nhỏ, xa những người xóm giềng đã trở nên rất thân quen. Mẹ phải xa những giáo đường, xa tiếng chuông ngân nga mỗi buổi chiều và sáng.

    Con hãy cứ yên lòng. Cuộc sống của chúng ta vẫn còn ở phía trước...

    Con trai ơi, đưa tay đây, mẹ đỡ. Ta dọn nhà về Đông Thạnh, gần bãi rác Hóc Môn, một bãi rác mênh mông của thành phố. Mẹ mướn một xe “bắt heo” (xe lam nhỏ) chất hết đồ đạc và chất hết chúng ta... Chúng ta lên đường.

    Xe qua cầu Cụt, cầu Trường Đai, qua vùng Tân Thới Hiệp... rồi đến cầu Dừa. Đó là ranh giới giữa nông thôn và thành thị. Qua cây cầu nhỏ đó là thành phố đã ở lại thật xa. Xa, xa mấy thì mẹ con mình vẫn cứ phải đi con ạ. Thấy không con, những vạt rau xanh um, những mái nhà lô xô không thứ tự và hàng lối. Có sao nào, ngay cả đời mình mẹ thấy nó cũng trôi đi chẳng theo một trật tự gì con ạ. Cứ như là những ngọn sóng nhấp nhô, dập dụi. Ngồi với con trên xe lòng mẹ rối lắm nhưng mẹ vẫn cố vui vẻ trò chuyện để con an lòng.

    Nhà ta núp trong một vùng bung xung cây cối. Con đường đất đi vào nhỏ xíu vòng vo, xe bắt heo không vô lọt. Ở đầu đường là chùa Bà Tư, cuối đường đổ ra một nghĩa địa mênh mông, giáp một ngã ba, đó là nơi trú ngụ của những người... cõi khác. Mẹ đành chống chế: một bên Phật ngự, một bên là các linh hồn, ta ở giữa tha hồ bình an vì đã được bảo vệ chu đáo lắm.

    Bà con lối xóm xúm tới dọn đồ giúp nhà ta: có gì đâu, toàn những ghế là ghế. Ghế cao, ghế thấp, ghế vuông, ghế tròn, cái ngắn, cái dài, thôi thì đủ cả. Ghế để con bám, ghế để con ngồi, ghế để con tập di chuyển...

    Con cứ ở yên trong nhà con nhé, mẹ còn nhiều việc phải làm. Mẹ đi lo thủ tục, chuyển học cho em, xin tạm trú, rồi xin đồng hồ điện...

    Mẹ biết là con buồn. Ta về ở xứ heo hút, xa xôi này, con thua thiệt lắm. Sẽ chẳng còn những buổi chiều mẹ cõng con đi chơi phố, sẽ chẳng còn những buổi tối mẹ cõng con vào nhà sách rực rỡ... Nhưng con hãy bình tâm: ở đâu cũng có những điều buồn và những điều vui, vấn đề là ở trong lòng chúng ta, con à.

    Kìa, có mấy đứa trẻ thập thò, cười đùa, chỉ trỏ: “Cái thằng què kìa, nó ở đâu về vậy?”; “Nó lết bằng tay bây ơi, mắc cười quá!”... Nghe, mẹ cũng nẫu cả lòng, con trai ạ. Còn con thì buồn bã âm thầm, có lúc lại quạu quọ thế kia... Không sao con, ai chẳng là người, ai chẳng có lúc buồn đau, bức bách.

    Con trốn vào một xó, ngồi buồn so, thu lu như ông cụ. Thôi đành vậy, để mẹ lo ổn định gia đình rồi sẽ lo ổn định tinh thần cho con. Hãy đợi mẹ...

    The end
    Hãy sống hết mình cho giây phút hiện tại.
    Hãy mang niềm vui đến cho những người xung quanh bạn.
    Hãy chia sẻ một chút may mắn của bạn cho những người khó khăn hơn.
    Hãy làm như vậy, bạn nhé!

Page 2 of 2 FirstFirst 12

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •