Sau 3 tháng trời thì Hậu đi thành thạo đường làng ngõ xóm. Dù ban ngày hay ban đêm Hậu cũng có thể phóng xe đi khắp làng trên xóm dưới… Hậu nhờ một đứa cháu ngồi sau, dùng hai bàn tay đặt vào lưng, phía dưới mạng sườn để "chỉ đường". Phương pháp là hai cậu cháu thống nhất một loạt động tác. Gồm có đẩy lên nghĩa là tiến, hơi kéo lại là dừng, bấm mạnh ngón tay là phanh, bấm ngón tay trái là rẽ trái, bấm ngón tay phải là rẽ phải...

Có lẽ câu hỏi mà đa phần bạn đọc (cũng như tác giả) băn khoăn là không thể nhìn thấy đường thì anh Hậu lái xe kiểu gì? Và sau khi nhìn tận mắt, sờ tận tay, đi thử thì chúng tôi đã tìm ra câu trả lời.

Tập lái xe trong đêm

Năm nay tròn 30 tuổi, Lê Đình Hậu đã có tới 10 năm đi xe máy trong tình trạng hoàn toàn không trông thấy đường, vậy mà anh mới chỉ bị ngã xe một đôi lần. Trung bình mỗi ngày anh đi khoảng 20km - tính ra trong 10 năm anh đã đi không dưới 70 ngàn km! Con số không tưởng đối với một người mù cả hai mắt!


Trong 10 năm qua, anh Hậu đã đi một quãng đường lên tới 70.000km.

Kể lại thời gian tập xe của mình, anh Hậu cũng không giải thích được vì sao mình lại có khả năng kỳ lạ đến thế. Khoảng năm 1987-1988, trong một lần Hậu cùng anh trai đi nghịch ở bờ đê thì nhặt được một cục sắt tròn tròn. Người anh trai lấy gạch định đập vỡ xem bên trong có gì, không ngờ quả đạn nổ lấy đi đôi mắt của Hậu.

Cuộc đời dường như đổ ập trước mắt cậu bé. Đang từ một đứa bé hiếu động, nay suốt ngày Hậu chỉ ru rú ở nhà quanh quẩn trong 4 bức tường. Hoàn cảnh kinh tế vốn khó khăn, quanh năm cha mẹ lo cho gần chục miệng ăn đã đủ mệt nên Hậu cũng không được quan tâm chăm sóc nhiều. Chuyện đi học lại càng xa vời.

Hiếm hoi có một vài lần các anh lấy xe đạp đèo Hậu đi chơi. Song lúc các anh bận việc thì Hậu lại đành bó gối ngồi nhà. Và một ý định "điên rồ" xuất hiện trong đầu cậu bé là tập đi xe đạp. Mặc cho mọi người can ngăn, Hậu nhờ một người bạn đi xe đã thạo dắt đi. Thế rồi cứ căn theo hai hàng cây bên đường làng, Hậu chập chững được những vòng bánh xe đầu tiên.

Ban ngày do có nhiều người qua lại, khả năng va chạm cao nên đêm đêm, Hậu mới xách xe ra đường làng tập. Thời gian đầu do căn đường không chuẩn, Hậu liên tục phi xe xuống ruộng. Sau chừng 6 tháng thì Hậu đã nhớ được đường quanh nhà, vòng sang các thôn, xóm...

Khoảng năm 1993-1994 người anh cả mua được một chiếc xe Honda về chạy hàng. Hậu thèm lắm, không biết cảm giác đi xe máy nó như thế nào nhỉ. Mỗi lần được anh cho ngồi lên đi chơi, Hậu cố ghi nhớ cách nổ máy, rồi vào số... Thế rồi một đêm nhân lúc anh vắng nhà, Hậu lấy trộm chìa khóa rồi leo lên xe tập. Mặc dù đã thuộc lòng đường đi lối lại, song thi thoảng Hậu vẫn sa vào ổ gà, hoặc vũng nước mưa, thậm chí tông cả vào hàng cây bên đường. Sáng ra, người anh thấy xe của mình sau một đêm bỗng nhiên vỡ yếm, cong cần để chân... thì giận lắm, nọc Hậu ra đánh cho một trận nên thân.

Đòn roi không khuất phục được cậu em cứng đầu, thỉnh thoảng Hậu lại lấy trộm xe của anh trai để tập đi. Sau 3 tháng trời thì Hậu đi thành thạo đường làng ngõ xóm. Lúc ấy, dù ban ngày hay ban đêm Hậu cũng có thể phóng xe đi khắp làng trên xóm dưới. Nhưng một hôm, người anh quay ra vặn: "Mày kể như cũng giỏi đấy, nhưng chỉ phóng xe như thế thì lấy đâu ra tiền đổ xăng?". Câu hỏi này thực sự đã khiến cho Hậu lúng túng, không biết trả lời thế nào.

Cuối cùng, Hậu nghĩ phải kiếm việc gì mà làm thôi. Thông qua Hội Người mù của huyện, Hậu được người ta bày cho đi bán tăm tre, chổi đót, đũa... Thế là ngày nào Hậu cũng xăng xái đeo bọc tăm rồi leo lên xe đạp đi khắp làng bán. Được một thời gian thì người làng chẳng ai mua hàng của Hậu nữa, vì nhà ai cũng thừa thãi rồi. Hậu nghĩ cách, phải "mở rộng thị trường". Lắm người mách, phải ra chợ huyện, hoặc sang các xã bên thì mới có người mua. Thế nhưng, ngoài những con đường làng ngõ xóm thì Hậu chẳng còn biết đường chỗ nào khác nữa.

Những ngày buồn bã chán nản giống như khi bắt đầu biết mình bị mù lại ập đến, khiến cho Hậu cả ngày chỉ biết thui thủi một mình, chả buồn nói chuyện với ai. Nhiều người ở Hội Người mù huyện Quỳnh Lưu đến động viên Hậu học chữ nổi, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ của Hội cũng chỉ giúp Hậu quên đi nỗi buồn trong chốc lát. Bởi anh lo cho tương lai, "nếu không tính kế mưu sinh thì chả lẽ suốt đời cứ ăn bám vào bố mẹ, các anh chị hay sao" - Hậu nghĩ như vậy.

Thấy cậu em rầu rầu, người anh cả không nỡ liền bảo Hậu thử lên xe đi sang các xã bên, còn anh sẽ ngồi sau "chỉ đường". Và thế là dân xã Quỳnh Tam cứ thấy hai anh em nhà nọ cưỡi trên chiếc xe cúp, người ngồi sau luôn miệng "sang trái, sang phải, cua, tránh ổ gà, phanh...". Sau đấy ít năm, các anh trai của Hậu lần lượt lập gia đình, còn trơ lại cậu em khiếm thị.

Năm 2000, Hậu quyết tâm tự lập bằng cách vay mượn gia đình, người thân để mua một chiếc xe gắn máy với giá 6 triệu đồng làm phương tiện mưu sinh. Hậu lại nhờ một đứa cháu ngồi sau, dùng hai bàn tay đặt vào lưng, phía dưới mạng sườn để "chỉ đường". Phương pháp là hai cậu cháu thống nhất một loạt động tác. Gồm có đẩy lên nghĩa là tiến, hơi kéo lại là dừng, bấm mạnh ngón tay là phanh, bấm ngón tay trái là rẽ trái, bấm ngón tay phải là rẽ phải...".

"Đồng ý là có thể dùng tay để ra hiệu tiến, dừng, cua trái, cua phải... nhưng mà làm sao ước lượng được mình đang ở vị trí nào trên đường, hoặc giả đường to sẽ phải cua khác đường nhỏ, rồi thì đang cua mà gặp chướng ngại vật... thì làm thế nào?" - tôi thắc mắc. "Cũng chính vì thế mà chúng tôi mới phải tập với nhau, phối hợp sao cho thật ăn ý. Giả dụ bấu nhẹ phía bên trái là cua trái nhỏ thôi, bấu mạnh hơn thì cua rộng ra, mạnh hơn nữa thì mở cua hết cỡ... Ngoài ra, tôi còn có thể lắng nghe các phương tiện khác chạy để ước lượng khoảng cách an toàn. Cũng có thể là do... trời thương mà ban cho tôi khả năng ấy anh ạ" - anh Hậu giải thích.

Cứ tối tối nghe tiếng máy nổ là dân xóm 4 lại bảo nhau, thằng Hậu mù đang tập xe máy đấy. Hai cậu cháu cứ tập như thế suốt 3 tháng trời ròng rã thì trở nên thành thạo, có thể đi khắp huyện Quỳnh Lưu mà không gặp một va vấp nào. Thế là Hậu lại bắt đầu hành trình làm "dân buôn" của mình. Ban đầu, anh đi xung quanh huyện, tới nơi đông dân là đỗ xe máy, đeo túi hàng rồi để người cháu dắt đi bán dạo. Thậm chí, hai cậu cháu còn vào tận nhà người dân để bán.

"Thời kỳ ấy, chúng tôi sợ các anh Công an giao thông lắm (do người cháu “chỉ điểm”). Cứ thấy bóng dáng áo vàng là dừng lại, không đi tiếp nữa hoặc quay đầu đi chỗ khác. Lắm hôm chạy trên quốc lộ 1A mà phía đầu huyện có một tổ Cảnh sát giao thông, xuống cuối huyện lại có một tốp khác, chúng tôi phải ngồi nghỉ giữa đường chờ đến tối các anh ấy về hết thì mới dám đi tiếp" - anh Hậu kể.

Lấy vợ xong, anh Hậu vẫn chạy chợ bình thường. Trong vòng 6 năm, anh chị sòn sòn đẻ tới 4 đứa con 2 trai 2 gái. Gánh nặng mưu sinh vì thế mà càng đè nặng lên đôi vai hai vợ chồng. Nhà có vài sào đất, chị nai lưng ra làm quần quật mà chả đủ ăn. Anh Hậu ngày ngày đi bán tăm vẫn phải chia tiền lãi cho cậu cháu. Sau nhiều lần bàn bạc, anh quyết định phải chuyển giao nghề "hoa tiêu" cho chị.

Không biết có phải do hợp nhau mà chỉ trong vòng hai đêm, tất cả những động tác ám hiệu chỉ dẫn cho anh Hậu lái xe, hai vợ chồng đã tập nhuần nhuyễn. Vậy là bắt đầu cuộc đời "di gan" của hai người.

"Không liều thì không được anh ạ"

Sau khi sinh được cháu đầu lòng, công việc bán buôn ở trong tỉnh ngày càng trở nên khó khăn. Hai vợ chồng phải bôn ba khi thì ngược lên Thanh Hóa, Ninh Bình lúc lại lộn về Hà Tĩnh, Quảng Bình... thuê nhà trọ để bán hàng.

Anh Hậu vẫn còn nhớ cái lần đầu tiên anh cùng vợ chở một tải hàng lớn để chạy vào TP Hà Tĩnh. Người anh cả vạch lộ trình từ Quỳnh Tam chạy ra Quốc lộ 48 chừng 13km thì rẽ phải ra Quốc lộ 1A chạy gần 60km nữa thì tới TP Vinh, cứ thẳng đường chạy thêm 48km nữa thì tới TP Hà Tĩnh. Quãng đường ước tính lên tới 120km, đối với nhiều người mắt sáng thì quãng đường ấy chẳng thành vấn đề nhưng đối với vợ chồng anh Hậu thì dường như là cả một quả núi, muốn vượt qua đâu phải dễ dàng.

Tính đi tính lại, hai vợ chồng vẫn quyết định phải chạy bằng được vào tới nơi, để sáng sớm hôm sau còn bán hàng cho kịp hội chợ. Vậy là, 4 giờ sáng chị đã lọ mọ dậy cơm đùm cơm nắm, lại nhét thêm 2 chai Lavie nước mưa để khi khát thì uống. Đi được mấy chục kilômét thì chị thấy trước mặt có một tổ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ liền vội vàng "làm tín hiệu" cho anh Hậu phanh lại rồi tìm bóng râm... "hạ trại".

Cả hai ngồi chờ đến trưa, khi tổ Cảnh sát giao thông thay ca thì mới dám tiếp tục lên đường. Đi thêm được vài chục kilômét nữa thì trời đổ mưa rào. Mưa như trút nước, những ngọn mưa như ngọn roi quất thẳng vào mặt hai vợ chồng khiến tay lái của anh Hậu phần nào bị chuệch choạc. Không dám liều, cả hai lại tìm một nhà dân nhờ trú mưa. Cứ thế, đến xẩm tối thì họ mò được tới Hà Tĩnh.

Thế nhưng, được một thời gian thì công việc buôn bán trở nên khó khăn, vì xuất hiện rất nhiều người cùng bán hàng như vợ chồng anh Hậu. Thế là cả hai phải tính kế phiêu dạt đi nơi khác.


Anh Hậu cùng vợ và các con.

Được một người bà con mách, vào hẳn các tỉnh phía Nam sẽ có khả năng bán buôn tốt hơn. Vậy là hai vợ chồng ôm theo quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và cả một tải hàng nhờ xe khách chở vào. Điểm dừng đầu tiên là ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây vợ chồng anh Hậu may mắn gặp được một người đàn ông vì quý mến mà đã nhận anh Hậu làm anh em kết nghĩa. Cũng ở đây đã xảy ra một chuyện cười ra nước mắt.

Số là thấy anh Hậu mù mắt, được vợ ngồi sau chỉ đường mà đi xe máy siêu quá, mấy cậu thanh niên ở khu trọ cũng bắt chước. Cậu ngồi cầm lái lấy dải khăn bịt mắt lại, một cậu ngồi sau ôm mạng sườn để "chỉ đường". Song lần nào cũng chỉ đi được chục mét thì hoặc đổ xe, hoặc đâm vào cây cối, cột điện sứt sát cả tay chân.

Hơn một năm sau, khi mà nhiều bà con ở Vũng Tàu bắt đầu quen với vợ chồng anh Hậu mù bán đũa thì cả hai lại phải tiếp tục lên đường “kiếm thị trường” mới. Lần này vợ chồng anh mang hàng, rong ruổi khắp TP HCM. Tình trạng giao thông như nêm cối ở cái thành phố đông dân nhất cả nước cũng không ngăn được bước chân vợ chồng anh Hậu.

Từ khi nghe chuyện anh mù đi xe máy, cho đến khi trực tiếp chứng kiến, rồi ngồi phía sau cho anh đèo, lúc nào tôi cũng có cảm giác rờn rợn. Bởi nếu để ý một chút thì mỗi ngày, ở nước ta xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông lớn nhỏ khiến không ít người bị thương, kẻ bị chết - mà hầu như tất cả đều do người mắt sáng gây ra cả.

Ông Trần Văn Hưởng, Phó chủ tịch Hội Người mù Việt Nam khi nghe tôi khẳng định chuyện anh mù đi xe máy là có thật cũng chép miệng: "Thế thì anh ấy tài quá, nhưng mà đi hàng trăm kilômét như vậy thì quả là liều lĩnh". Rồi đến ông Đức, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nghệ An cũng có chung suy nghĩ, có lẽ phải dũng cảm lắm thì mới dám đi như thế.
Chị Lợi, vợ anh Hậu tâm sự, mặc dù đã tập thành thục với nhau rồi nhưng mấy hôm đầu cùng anh rong ruổi khắp Nghệ An bán tăm tre, đũa tre chị cũng run lắm. Lúc nào chị cũng bắt anh đi với tốc độ chừng 20-30km/giờ thôi. "Anh bảo người mắt sáng còn sợ khi đi xe máy trên quốc lộ nữa là người mù. Nhưng vì miếng cơm manh áo, chúng tôi không đi thì để 4 đứa trẻ chết đói à. Thế là cũng đành nhắm mắt đưa chân anh ạ...".

Chính quyền địa phương, rồi thì Hội Người mù trên huyện, trên tỉnh cũng đã cho gia đình chị vay vốn để làm ăn. Thế nhưng nào là phải sửa nhà cho mẹ già, rồi thì phẫu thuật cho đứa con gái... ngày càng lạm vào số tiền được vay của gia đình. Hiện tại, số nợ của gia đình đã lên tới 40 triệu đồng mà không biết lấy đâu ra để trả. Dạo này chị Lợi lại đau ốm liên miên, thế nên ngày ngày đứa con gái lớn phải cùng cha bắt xe đò đi bán khắp các huyện, xã lân cận.

Mặc dù đã hết sức cố gắng để... lánh mặt các anh cảnh sát giao thông, song vợ chồng anh Hậu vẫn thỉnh thoảng cũng bị tuýt còi. Thế là cả hai lại xuống trình bày, xin xỏ. "Cũng may các anh Công an thông cảm cho hoàn cảnh nhà em mà tha cho đi. Nhưng các anh cũng nhắc là lần sau không được liều lĩnh như thế nữa".

Chia tay chúng tôi, anh Hậu tâm sự: "Cho tới năm 2003 thì anh phải giục chị tập lái, rồi đi lấy bằng để thi thoảng anh mệt thì chị có thể đổi lái. Bây giờ chủ yếu là chị ấy cầm lái thôi, tôi cũng nhẹ gánh được phần nào. Nhưng sức khỏe chị ngày càng yếu dần, chả biết còn đi được đến bao giờ nữa..."

Minh Tiến (Chuyên đề ANTG 978)