Để lại sau lưng quá khứ lầm lạc, họ gắng sức lao động với niềm tin cuộc sống và mọi người sẽ không thờ ơ với họ. Trên mỗi chặng đường tìm lại cuộc sống bình thường của mình, họ luôn có được sự đồng hành của nhiều người, với tấm lòng cảm thông, nâng đỡ, giúp họ có thêm quyết tâm gây dựng lại cuộc đời mới.
Tết này nữa là Tết thứ 3 chị P.U, sinh năm 1979, ở phường An Lạc, quận Ninh Kiều làm bà chủ quán nhậu. Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt đẹp sắc sảo, phong cách chững chạc, nếu không nghe chị kể, khó ai biết được bà chủ quán nhậu tháo vát này đã một thời “bán mình” cho ma túy.

Chị Thơm và anh Kiệt hạnh phúc với công việc hiện tại.
Ngày ấy, vì tò mò, ham vui cùng bạn, chị P.U phải vào trại cai nghiện ở tuổi 19. Trở về nhà sau thời gian cai nghiện, sự động viên cùng tình thương yêu của mẹ và em trai không làm chị quên được những ánh mắt dò xét, không thiện cảm của bà con hàng xóm. “Lúc đó gần như cả ngày, tôi nhốt mình trong nhà, muốn học cái nghề, thì chủ dạy nghề lại từ chối khi biết tôi từng nghiện ma túy. Nhiều lúc quẫn quá, tôi muốn đi xa, nhưng sợ bản thân không kiềm chế được trước sự rủ rê của bạn bè, lại tái nghiện. Sau những đêm mất ngủ, tôi quyết định quên đi những mặc cảm, tự ti để làm lại cuộc đời”, chị P.U tâm sự. Hằng ngày, chị ở nhà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa để mẹ yên tâm bán rau, cá ở chợ Tân An. Những lúc làm việc nhà xong, chị P.U chạy ra chợ phụ mẹ việc mua bán. Cuộc sống cứ thế đắp đổi qua ngày. Năm 2008, chị P.U được Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (CCPCTNXH) TP Cần Thơ cho vay 2 triệu đồng. Có vốn, chị mua ít khô, bàn ghế, bán quán nhậu trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đến nay, chị P.U đã hoàn trả vốn và được vay lần thứ 3.

Công việc bán quán cứ cuốn lấy chị P.U cả ngày. Mỗi buổi sáng, chị tất bật đi chợ, về nhà lặt rau, nấu nướng, dọn bàn ghế chuẩn bị đón khách. Giờ đây, với việc bán quán nhậu, chị P.U đã đảm đương được cuộc sống cho cả nhà. Bà con xung quanh không còn dè dặt mà dần cảm mến cô chủ quán giỏi giang, cần mẫn của xóm mình. Chị P.U chia sẻ: “Tôi đã từng nói với chính mình phải tự tin để vượt qua những lỗi lầm, sống đàng hoàng, sống có ích, ít nhất là đối với gia đình. Chính sự tự tin của bản thân mà tôi đã nhận được niềm tin của các anh, chị ở CCPCTNXH. Và điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là mọi người không còn xem tôi là đối tượng tệ nạn...”.
Mấy tháng nay, mỗi buổi chiều ở góc đường 30 tháng 4, quận Ninh Kiều, có đôi vợ chồng trẻ ngồi bơm bánh xe, vá ruột xe cho khách qua đường. Có hôm, bà con ở gần đấy lại thấy có thêm cô con gái nhỏ ngồi học bài bên thùng đồ nghề của cha mẹ. Đó là gia đình chị Thơm và anh Kiệt, ngụ ở đường Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều. Vừa phụ chồng vá ruột xe cho khách, chị Thơm khoe: “Từ ngày có cái máy bơm hơi này, vợ chồng tôi có đồng ra đồng vô. Ngày nào cũng vậy, ít cũng được vài chục ngàn, nhiều thì một trăm ngàn”. Những lúc vắng khách, anh Kiệt tranh thủ chạy vài cuốc xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống không dư dả nhưng vợ chồng chị yên tâm vì đã có phương tiện làm ăn, chỉ cần siêng năng.
Không ít người dân ở đường Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều vẫn còn nhớ chuyện tình cảm động của chị Thơm và anh Kiệt. Ngày ấy, anh Kiệt là chàng trai hiền lành chạy xe ôm. Mỗi buổi sáng, anh đều thấy chị Thơm phụ chạy bàn cho quán ăn đối diện với bến anh đậu xe chờ khách nên dần cảm mến rồi yêu thương lúc nào chẳng biết. Khi anh Kiệt đem chuyện lòng mình thổ lộ cùng bạn bè, liền bị mấy anh em chạy xe ôm, phản ứng: “Mầy chán sống rồi sao, con nhỏ đó từng nghiện ma túy đó, bộ trên đời này hết con gái rồi sao?!”. Nghe thế nhưng anh không nản mà ngược lại còn quyết định tìm hiểu gia cảnh của chị Thơm. Nhờ đó, anh biết những mâu thuẫn, bi kịch trong gia đình đã đưa chị Thơm đến với ma túy. Anh Kiệt càng yêu và quyết tâm mang hạnh phúc đến cho chị. Chị Thơm từ chối khi anh Kiệt ngỏ lời, rồi khi chị chấp nhận tình cảm của anh thì gia đình anh nhất quyết phản đối. Trải bao sóng gió, cuối cùng, tình yêu của anh đã thuyết phục được cha mẹ và anh chị em trong gia đình. Một đám cưới nhỏ, ấm cúng được tổ chức, với sự chứng kiến của 2 bên gia đình và một vài người bạn thân của anh chị. Tháng 10 năm 2010, chị Thơm được CCPCTNXH cho vay 3,4 triệu đồng. Vợ chồng chị mua máy bơm hơi, ít đồ nghề để hành nghề sửa xe. Chị Thơm cho biết: “Vợ chồng tôi đang cố dành dụm để lợp lại mái nhà”. Tết này, căn nhà nhỏ của vợ chồng chị Thơm sung túc hơn, niềm vui trọn vẹn hơn, vì cuộc sống vợ chồng chị giờ đã ổn định, không còn khốn khó như trước.
Hầu hết những người dính đến tệ nạn xã hội, sau khi trở về từ các trung tâm, các cơ sở phục hồi nhân phẩm đều gặp nhiều khó khăn trong bước đầu hội nhập cuộc sống. Họ không có nghề nghiệp, hoặc có thì rất khó xin việc làm, chưa nói đến sự kỳ thị, xa lánh của một số người xung quanh. Hiểu được điều đó, không chỉ cố gắng sớm hoàn thành hồ sơ để họ được hưởng tiền hỗ trợ theo quy định của nhà nước, CCPCTNXH TP Cần Thơ còn vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp để hỗ trợ vốn, giúp họ làm kinh tế nhỏ, từng bước hòa nhập với cuộc sống. Từ năm 2008 đến nay, đã có 113 lượt những người hoàn lương được vay vốn từ CCPCTNXH. Mỗi người có thể vay từ 1 đến 3 triệu đồng, tùy theo nhu cầu sử dụng. Thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn, lãi suất thấp. Người vay có thể tùy theo khả năng của mình mà đưa ra mức trả vốn. Nếu làm ăn hiệu quả và trả vốn đúng thời hạn, người vay sẽ được vay lại với số tiền có thể cao hơn. Bà Phạm Ngọc Phượng, Chi cục trưởng CCPCTNXH TP Cần Thơ, cho biết: “Số tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng chúng tôi mong muốn giúp họ có niềm tin làm lại cuộc đời”.
Sau khi hoàn lương trở lại cuộc sống bình thường, không ai lại không mong ước bản thân mình mạnh khỏe, được lao động và sống hạnh phúc với gia đình. Để thực hiện được ước mơ đó, họ rất cần sự dang tay của gia đình và niềm tin của mọi người dành cho họ. Điều này giúp họ vượt qua mặc cảm, làm lại cuộc đời, sống chan hòa cùng mọi người.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Nguồn : http://www.baocantho.com...d=77&p=&id=72761