Giác Ngộ - Ai có thể tránh được bệnh tật, già nua và sự ốm yếu? Ai có thể tránh được sự ly biệt của những người mà mình thương yêu, sự mất mát tài sản, và sự căm ghét hay hãm hại của kẻ thù? Người nghèo thì muốn trở nên giàu có, người không con thì muốn có con, người thất nghiệp thì muốn có được việc làm,…
Nhưng, có bao nhiêu ước muốn của mình có thể trở thành hiện thực? Có cách nào để giải quyết những vần đề bất hạnh ấy không?
Nhiều người bị chết vì bão tố, vì động đất, lũ lụt và hỏa hoạn. Nhiều người khác thì bị chết đói vì thời tiết không thuận lợi, mất mùa. Cái chết đột ngột là vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt mỗi năm. Chiến tranh hạt nhân hay chiến tranh sinh học, loài người có thể bị diệt chủng. Có cách nào để tránh những thảm họa này không?
Chết không có nghĩa là chấm dứt tất cả. Một cơ thể sống có thể chết, nhưng tâm thức thì không bao giờ chết. Ngay khi thân thể chết đi, tâm thức sẽ rời khỏi thể xác và tái sinh vào một trong sáu cảnh giới: Cõi trời, người, a tu la, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục. Cõi trời và cõi người là hai cảnh giới tốt hơn cả nhưng vẫn chưa thoát khỏi vòng sanh tử. Mọi người bị cuốn vào vòng sanh tử theo một trong sáu đường ấy. Chúng ta hãy tưởng tượng, khủng khiếp biết nhường nào nếu bị tái sanh vào cảnh giới súc sanh và thật là đau khổ nếu bị rơi xuống địa ngục. Vòng sanh tử trong sáu đường được biết đến ấy là "Sáu nẻo luân hồi". Có cách nào giúp thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử ấy và tìm được một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc miên viễn không?
Dù chúng ta có một cuộc sống may mắn hay rủi ro thì điều ấy đã được quyết định bởi tâm thức và hành nghiệp của chính chúng ta. Điều này được biết đến như là định luật nhân quả. Những nguyên nhân và kết quả được diễn tiến trong ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và tương lai. Một đời sống khó khăn và nhiều thảm họa là kết quả của những tư tưởng xấu và hành nghiệp bất thiện trước đây của chúng ta. Chúng ta có thể chuyển đổi và tránh khỏi những điều rủi ro bằng cách niệm danh hiệu Đức Phật. Trong kinh Đức Phật có dạy: Những vi phạm nghiêm trọng và những tội ác đã phạm phải trong quá khứ có thể được chuyển hóa bởi sự chí thành niệm danh hiệu Phật. Hơn nữa, kinh điển có nói: Có vô số các Đức Như Lai ở trong vũ trụ che chở cho những ai niệm danh hiệu "A Di Đà Phật". Chư Phật có đức hạnh vô biên, có trí tuệ siêu việt và có sức mạnh vô cùng. Nếu chúng ta nhận được phúc lành từ Đức Phật thì không có thảm họa nào xảy đến với chúng ta.
Người niệm Phật thì nên phát nguyện sanh về cảnh giới Cực lạc của Phật A Di Đà. Theo lời Đức Phật dạy, nếu chúng ta được sanh ra ở thế giới Cực lạc, cơ thể chúng ta có màu hoàng kim và có hào quang sáng ngời. Chúng ta sẽ được viên mãn về sức mạnh tâm linh. Còn thức ăn và đồ mặc thì sẽ có ngay khi chúng ta nghĩ về chúng. Đời sống của chúng ta là bất diệt và chúng ta sẽ thành Phật sau khi chúng ta hoàn thành công hạnh tu tập dưới sự dẫn dắt của Đức Phật A Di Đà.
Làm thế nào để chúng ta được sanh về thế giới Cực lạc? Theo sự chỉ bày trong kinh, nếu chúng ta niệm danh hiệu A Di Đà Phật nhiều lần và chuyên tâm cho đến khi đạt được trạng thái nhất tâm bất loạn thì lúc lâm chung, Đức Phật A Di Đà sẽ tiếp dẫn chúng ta về vương quốc của Ngài.
Có 10 lợi ích có thể đạt được từ sự chuyên tâm niệm Phật A Di Đà. Mười điều ấy là:
1. Được các vị thiện thần theo hộ vệ cả ngày lẫn đêm.
2. Được sự che chở của 25 vị Đại Bồ tát, trong đó có ngài Quán Âm.
3. Nhận được sự che chở và những phúc lành từ tất cả các Đức Phật. Phật A Di Đà sẽ phóng quang che chở chúng ta.
4. Không một loài tà ma hay rắn độc nào có thể hại chúng ta được.
5. Lũ lụt, hỏa hoạn và khí giới sẽ không hại đến chúng ta. Tai nạn cũng không xảy đến với chúng ta.
6. Những việc làm sai trái, những điều ác và những hành nghiệp bất thiện của chúng ta trong quá khứ sẽ được chuyển hóa dần.
7. Chúng ta sẽ không có ác mộng, chỉ có những giấc mơ yên bình mà trong đó chúng ta có thể nhìn thấy Đức Phật A Di Đà với thân sắc vàng, uy nghiêm.
8. Chúng ta sẽ được hạnh phúc, vui vẻ, đầy nghị lực, khỏe mạnh và thành đạt.
9. Chúng ta sẽ được mọi người tôn trọng.
10. Lúc sắp lâm chung, chúng ta sẽ không lo sợ và sẽ giữ được chánh niệm. Chư Phật và Bồ tát ở cõi Cực lạc sẽ đưa chúng ta lên đài sen báu và tiếp dẫn chúng ta về cảnh giới của họ. Chúng ta sẽ được sanh ra ở đấy bằng sự biến hóa từ trong hoa sen, sẽ vui hưởng niềm hạnh phúc tối thượng và sống một đời sống bất diệt.
Cần chú ý rằng, chín lợi ích đầu là giúp thay đổi những khó khăn trong hiện đời để có được một cuộc sống nhẹ nhàng và thanh thản. Lợi ích thứ mười giúp chúng ta thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Để được sanh về Cực lạc thì niệm danh hiệu Đức Phật là nhân tố chính, tu tạo phước lành là nhân tố phụ. Cả hai đều cần thiết để đảm bảo có được nhiều lợi ích và thành tựu trong sự tu tập theo đạo Phật. Chúng như là đôi cánh chim mà con chim cần phải có để bay vậy.
Niệm danh hiệu Đức Phật để được sanh về thế giới Cực lạc là một pháp môn tu đặc biệt trong đạo Phật. Nó được gọi là "pháp môn tuyệt diệu vượt trên tất cả các pháp môn". Mặc dù pháp môn này rất là đơn giản, nhưng những nguyên lý tác động của nó thì lại rất thâm diệu và khó hiểu, chỉ với một vài câu thì không thể nào giải thích rõ được. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải hiểu những nguyên lý ấy vẫn có thể thực tập và gặt hái được nhiều lợi ích. Chúng ta tự nhủ với lòng mình rằng, chuẩn mực đạo đức của chư Phật là cao nhất, những lời dạy của Ngài là luôn luôn đúng và chúng ta phải tin rằng, mọi điều được nói đến trong kinh đều là chân lý.
Để được thành công thì trước nhất chúng ta phải tin rằng, có thế giới Cực lạc và chúng ta sẽ được sanh về đấy nếu chúng ta niệm danh hiệu Đức Phật. Thứ hai, chúng ta phải nhận thấy được rằng thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới xấu ác với năm thứ ô trược (kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược), vì thế chúng ta phải kiên định một lòng cầu vãng sanh Cực lạc. Thứ ba, chúng ta phải thực tập niệm Phật mỗi ngày.
Khi niệm Phật, bạn phải gạt bỏ mọi thứ sang một bên và hãy tập trung niệm Phật. Danh hiệu Phật phải được phát khởi từ trong tâm của bạn, rồi niệm bằng miệng, đi vào tai và được thẩm sát lại trong tâm. Bạn phải ý thức một cách trọn vẹn, niệm rõ ràng và nghe rõ ràng. Chỉ bằng cách này mới mong gặt hái được kết quả tốt đẹp.