Một góc nhà hoang ở phường Phú Hài, TP Phan Thiết (Bình Thuận) với đầy rẫy kim tiêm và vỉ thuốc Tataprovon.
Bộ Y tế cho phép sử dụng thoải mái tân dược Tataprovon nhưng bốn thanh niên ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã chết vì lạm dụng thuốc.
Những cái chết vì tân dược Tataprovon xảy ra ở phường Phú Hài, TP Phan Thiết (Bình Thuận) rải rác từ hơn một năm nay, tất cả đều ở tuổi đôi mươi. cho đến khi đã chít khăn tang, người thân của những thanh niên này vẫn không hiểu vì sao con mình lại chết.
Hung thần giết người mới
Với tác dụng an thần, có chứa hoạt chất Dextropropoxyphen hydroclorid (HCL) gây ảo giác, tạo kích thích thần kinh, nhiều thanh niên ở Phan Thiết đã dùng Tataprovon để thay thế các chất ma túy. Chỉ với một ống nước cất và 10 viên Tataprovon hòa tan, tiêm dưới da, nhiều thanh niên đã thỏa mãn cơn ghiền với giá rẻ, đặc biệt là các đối tượng có ít tiền nghiện ma túy.
Trường hợp đầu tiên chết vì Tataprovon là Nguyễn Văn Trúc vào giữa năm 2008, khi mới 15 tuổi. Trúc chết do bị sốc thuốc nặng sau một thời gian dài nghiện Tataprovon nhưng cả bản thân và gia đình không có cách nào cai nghiện.
Chỉ sau cái chết của Trúc một thời gian, gia đình ông Ngô Văn Khách ở khu phố 4 đã mất luôn hai đứa con trai là Ngô Văn Thiên và Ngô Văn Thạch vì không kịp thời cai nghiện Tataprovon. Bàng hoàng lẫn bất lực, ông Khách nói: “Tôi khuyên can nhưng hai đứa nó không nghe, muốn cai nghiện cho tụi nó nhưng không biết làm cách nào”.
Chị Nguyễn Thị Hồng và nhiều người dân ở khu phố 4, phường Phú Hài cho biết tình trạng tiêm chích Tataprovon sau những cái chết oan uổng không những không giảm mà đang lan ra các phường khác. “Hàng xóm của tui đã xích chân thằng con vô chân giường nhưng được một tháng lại phải thả ra vì không cách nào làm cho thằng nhỏ cai thuốc” - chị Hồng bức xúc.
Chính quyền cũng bất lực
Theo thống kê của phường Phú Hài, đến tháng 9 có khoảng 30 đối tượng nghiện sử dụng tân dược Tataprovon được lập hồ sơ quản lý tại địa phương. Ngoài ra, phường cũng đã lên danh sách hơn 100 thanh niên có tiêm chích Tataprovon để theo dõi. Tuy nhiên, “con số này đang ngày mỗi tăng lên và không có cách nào kiểm soát vì Tataprovon không nằm trong danh mục cấm” - thiếu tá Nguyễn Văn Công, Phó Trưởng Công an phường Phú Hài, cho biết.
Và cũng vì Tataprovon không nằm trong danh mục cấm nên khi phường Phú Hài lập hồ sơ đưa bảy thanh niên nghiện Tataprovon đi cai nghiện đã không được Trung tâm Cai nghiện Bình Thuận tiếp nhận vì chưa có quy định quản lý người nghiện loại tân dược này.Ông Nguyễn Công Toàn, Phó Chủ tịch phường Phú Hài, TP Phan Thiết, cho biết bắt được quả tang trường hợp tiêm Tataprovon là rất khó. Nhưng xử lý lại càng khó hơn vì chưa có quy định cấm dùng thuốc viên hòa vào nước để tiêm. “Chúng tôi chỉ được phép lập biên bản, vận động rồi tha về. Hình thức chế tài kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” này không thể ngăn chặn nổi ” - ông Toàn nói.
Còn ông Vũ Hồng Công, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Thuận, cho biết Sở đã báo cáo tình hình này lên Hội đồng tư vấn tỉnh xem xét. Tuy nhiên, hội đồng này cũng bó tay vì Tataprovon không nằm trong danh mục các loại thuốc cấm sử dụng. Còn báo cáo lên các bộ, ngành liên quan ở trung ương về tình trạng đáng lo ngại này thì đến nay vẫn chưa có chỉ đạo cụ thể. “Biện pháp duy nhất giờ chỉ là tuyên truyền nhưng tụi trẻ nghiện ngày mỗi nhiều” - ông Công nói đầy âu lo.
Bộ Y tế cho phép sử dụng Tataprovon mà không cần kê toa
Thuốc Tataprovon hiện do Công ty cổ phần Pymepharco (Phú Yên) sản xuất. Chỉ định của Tataprovon là trị đau nhức vừa và dữ dội, đau đầu, đau dây thần kinh, hạ sốt... Đối với người lớn, mỗi ngày dùng ba viên, cách nhau bốn giờ. Chống chỉ định cho trẻ dưới 15 tuổi và phụ nữ cho con bú.
Theo Phòng Quản lý dược, Sở Y tế TP.HCM, Tataprovon được kết hợp giữa hai chất Acetamibnophen 400 mg và Dextropropoxyphene HCL 65 mg. Quy chế quản lý thuốc gây nghiện năm 1999 của Bộ Y tế quy định rõ: Dextropropoxyphene HCL là chất gây nghiện, nếu sử dụng riêng biệt chất này dù chỉ 1 mg cũng sẽ bị cấm. Tuy nhiên, khi sử dụng Dextropropoxyphene HCL với hàm lượng dưới 135 mg kết hợp với một hay nhiều chất khác thì lại được phép, thậm chí không cần bác sĩ kê đơn. Vì vậy, hàm lượng 65 mg Dextropropoxyphene HCL trong Tataprovon đã được phép sử dụng thoải mái.

Không phải chỉ ở Bình Thuận, tháng 7-2009, một học sinh lớp 8 tại quận 1, TP.HCM đã phải vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu vì uống một lúc 40 viên Tataprovon. Học sinh này nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân, hạ huyết áp, có nhiều cơn ngưng thở. Các bác sĩ đã phải súc ruột và hỗ trợ thuốc giải độc.
Theo lời bệnh nhân này, em đã nghe lời bạn bè mách uống Tataprovon vào sẽ có cảm giác bay bổng. Tuy nhiên, uống một vỉ tám viên chưa thấy “phê”, em đã uống đến vỉ thứ năm và khi tỉnh lại mới biết mình suýt chết.