Một con mực nguy hiểm thuộc loài quý hiếm với đôi mắt to như 2 cái đĩa ăn, cùng hàng chục cái móc sắc như dao cạo dùng để săn mồi, đã bị một ngư dân New Zealand bắt được bên bờ biển Nam cực vài tuần trước.

Con cái khổng lồ chưa trưởng thành này là cá thể nguyên vẹn thứ 2 của loài động vật chân đầu thân mềm mesonychoteuthis hamiltoni được tìm thấy từ trước đến nay. Những phát hiện trước đây chỉ là một số mẩu nhỏ tìm thấy trong bụng cá nhà táng.

"Tôi đã nhìn thấy 105 con mực lớn, nhưng được nhìn thấy một con vật như thế này quả là phi thường", nhà sinh vật biển Steve O'Shea tại Bảo tàng Quốc gia New Zealand nói.

Người đánh cá đã bắt được con vật nặng 150 kg tại biển Ross, gần Nam cực, cách Wellington (thủ đô New Zealand) hơn 3.500 km về phía nam. Khi bị bắt, con vật đang xơi loài cá Patagonian Toothfish, dài khoảng 2m. Nó đã chết khi bị mắc lưới và hiện nằm tại Bảo tàng Quốc gia New Zealand.

Thân của mực ống khổng lồ lớn hơn rất nhiều so với mực lớn, nó có thể nặng tới 900 kg khi trưởng thành. Xúc tu của mực lớn dài tối đa là 13 m, còn xúc tu của con vật mới được vớt dài 5 m. Mực khổng lồ cũng nguy hiểm hơn mực lớn rất nhiều. "Mực khổng lồ là con vật rất hung bạo và di chuyển mau lẹ. Nếu chẳng may bạn rơi xuống nước bên cạnh nó, bạn sẽ nguy to", nhà sinh vật biển Mỹ Kat Bolstad nói.

Mực khổng lồ tìm kiếm thức ăn bằng cách toả sáng dưới nước để soi rọi con mồi. Mắt của nó lớn nhất trong tất cả các loài vật. Vũ khí săn mồi của nó là 8 cánh tay và 2 xúc tu có tới 25 cái móc như những chiếc răng ăn sâu vào cơ và có thể quay tròn 360 độ, ngoài ra nó còn có những ống hút để đảm bảo con mồi không chạy thoát. Những cái móc không chỉ giúp con vật có cái mỏ như mỏ vẹt này (lớn nhất trong tất cả các loài mực) bắt mồi, mà còn để phòng vệ khỏi những cuộc tấn công của cá nhà táng.

Trước đây người ta thường nghĩ rằng mực ống khổng lồ ẩn sâu 800 m dưới lớp băng Nam cực, nhưng lần này con vật được tìm thấy ở gần trên mặt biển. Điều này gợi lên một câu hỏi vậy thì còn cái gì khác ở sâu dưới đó?