Cập nhật lúc 04:48, Chủ nhật, 31/07/2011 (GMT+7)


Đại diện các tổ chức quốc tế và người dân Hà Nội đến xem triển lãm. Ảnh : DƯƠNG NGỌC (TTXVN)


(Nhân Dân) - Ðó là chủ đề của Triển lãm ảnh do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) và Công ty truyền thông Ngày mới tổ chức. Triển lãm được tài trợ bởi Quỹ Xã hội mở và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ. Triển lãm ảnh "Ðối mặt với ma túy" với mong muốn góp một phần vào công cuộc đấu tranh với ma túy. Nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh từng đã dành hơn một năm để thực hiện cuộc triển lãm ảnh đầu tiên về cuộc sống của những người nghiện ma túy. Qua ống kính của Hoài Thanh, dưới hình thức đối thoại, các nhân vật kể về những vấn đề họ phải đương đầu và những đóng góp nhỏ bé của họ vào công cuộc phòng, chống, giảm tác hại của ma túy.
Theo đó, câu chuyện của họ đề cao sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, của các tổ chức xã hội, ghi nhận sự tác động và hiệu quả của các chương trình truyền thông thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý - xã hội, trao đổi bơm kim tiêm và điều trị nghiện ma túy bằng Methadone...
Hoài Thanh tâm sự: Triển lãm này là câu chuyện được kể ra, không phải để biện hộ cho những quyết định từng là sai lầm, hay đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan. Những thông tin từ nhiều góc độ trong bộ ảnh hy vọng sẽ đem lại cho người xem cái nhìn rõ ràng, khách quan hơn về vấn đề nóng bỏng của xã hội, nhằm tác động đến thái độ và cách ứng xử đối với những người đang trực tiếp bị ảnh hưởng bởi ma túy. Trong quá trình thực hiện bộ ảnh cho triển lãm này, anh đã ghi lại nhiều hình ảnh của người nghiện ma túy, người nhiễm HIV là những người đồng tính nam, phụ nữ bán dâm... trên hết anh hiểu tâm tư, nguyện vọng muốn vươn lên tìm lại cuộc đời của họ... Có mặt tại triển lãm, Hà Thị Nhâm 29 tuổi (Thái Bình), chia sẻ: Triển lãm là cuộc trả nợ đời của tất cả những thành viên có mặt trong những bức hình của nhiếp ảnh Hoài Thanh. Chị Nhâm kể, từng là ca sĩ của một đoàn nghệ thuật, đã rất tự hào khi được chọn gửi đi học ở một trường nghệ thuật có tiếng ở
Hà Nội. Ra nghề, theo đoàn đi diễn thường xuyên. Cứ tối rảnh, các anh chị trong đoàn lại mua thuốc về "chơi". Họ bảo nó cũng chỉ như uống rượu thôi, chất nghệ sĩ cũng cần một chút cho nó phiêu. Thế là em "dính" lúc nào không biết. Sáu năm tuổi trẻ đẹp nhất của đời người, em chuyển hết từ trung tâm giáo dục lao động này đến trại cải tạo khác vì liên quan đến ma túy. Ðó là những năm tháng dài vô tận cách biệt với thế giới thực tại. "Ngã xuống ở đâu, đứng dậy ở đó", vì thế khi ra khỏi trung tâm, em không trở về quê hương mà trở lại Hà Nội để tìm lại những điều đã đánh mất. Cuộc trở lại này, em đã tìm lại được cuộc đời cho chính mình. Tháng lương tiếp cận viên cộng đồng đầu tiên, đúng vào dịp Tết, em mua quà về quê thăm gia đình sau sáu năm không về quê. Lúc bắc thang trèo lên lau chùi cái quạt trần cũ kỹ, em thấy bố đã khóc. Vậy là sau sáu năm, gia đình em mới có một cái Tết trọn vẹn.
Còn trường hợp của anh Ðương (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì khác, anh kể: Ở cái xóm Lăng này đã từng có một cơn bão "bột trắng". Cả xóm cùng chơi, cho nên thanh niên dính HIV do tiêm chích chung nhiều lắm. Gia đình nhà anh Ðương có năm anh em trai đều nghiện ma túy. Gia đình trước đây có gần bốn chục chiếc ghe, giờ chỉ còn một cái. Gia đình đang là hộ khá giả, giờ vào diện nghèo của xóm... Còn Nguyễn Văn Bi, 19 tuổi sống lang thang tại bến xe Niệm Nghĩa (Hải Phòng) tâm sự: Em sống ở bến xe này được ba năm rồi. Em không bao giờ ăn cắp, ai nhờ gì em cũng làm nên mọi người không xua đuổi. Hằng ngày, em hát rong ở trên các xe để xin tiền. Kiếm được tiền em để dành mua "thuốc". Em mong muốn được uống Methadone lắm, nhưng các anh chị ở trung tâm bảo em không có hộ khẩu cho nên không được dùng Methadone.
Nhiều lắm những trường hợp sa chân vào ma túy bởi những lý do và cả không có lý do... Nhưng khi đã trải qua những năm tháng nghiện hút ma túy, lấy đêm làm ngày, sống vật vờ... họ mới thấm thía và cay đắng, bởi hơn ai hết họ hiểu mình là những người thừa của xã hội. Thế nhưng, đối với nhiếp ảnh Hoài Thanh, cho dù họ là những người đã nhiễm HIV, là những người vẫn chưa thoát được cửa ải của "nàng tiên nâu" và cả những người đã tìm lại được "ánh sáng nơi cuối đường"; hơn bao giờ hết, họ mong muốn được làm lại cuộc đời để trở về với cuộc sống bình yên, làm nhiều việc có ích cho người thân và xã hội. Nặng lòng với đứa con tinh thần của mình, tác giả Phạm Hoài Thanh muốn gửi gắm tới xã hội thông qua những bức ảnh rằng, mỗi con người sống ở trên đời là một sản phẩm của tình yêu, của sự mong chờ, của bao mồ hôi và cả nước mắt của mẹ cha. Thế nhưng, ma túy đang cướp đi bao nhiêu con người như vậy và chỉ có sự hiểu biết, sự bao dung và tình yêu thương con người bao la mới có thể giúp những người này trở về với cuộc sống.
Ðây là triển lãm ảnh đầu tiên về cuộc sống của người sử dụng ma túy. Bộ ảnh được chia thành bốn chủ đề, thể hiện các giai đoạn khác nhau của cuộc đời một người nghiện ma túy. Bắt đầu bằng việc kể về con đường khác nhau của các nhân vật đến với ma túy, Hoài Thanh dẫn người xem đến những cơn vật vã, những khổ đau, mất mát do ma túy gây ra, rồi những thành công, những thất bại trong các nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của gia đình người nghiện để vượt lên sự ám ảnh chết người của ma túy. Câu chuyện được kết thúc rất có hậu bằng các hình ảnh về những người đã vượt qua được ma túy, đang cố gắng để sống bù lại những tháng ngày đã mất, như một sự báo đáp, tri ân với gia đình, với cuộc đời.

THANH MAI